Chùa Vàng Bandarban (Buddha Dhatu Jadi) nằm gần thị trấn Balaghata, thành phố Bandarban, Bangladesh. “Dhatu” có nghĩa là xá lợi vì ngôi chùa nổi tiếng này có lưu giữ xá lợi Đức Phật.
Buddha Dhatu Jadi là ngôi chùa Phật giáo Theravada lớn nhất ở Bangladesh và sở hữu bức tượng Phật lớn thứ hai ở quốc gia này.
Chùa Vàng Bandarban thuộc trường phái Theravada, chủ yếu được tu tập bởi những người Marma bản địa – nhóm dân tộc thiểu số chủ đạo ở Bandarban. Ngôi chùa nổi tiếng Bangladesh này được xây dựng vào năm 2000 theo lối kiến trúc Arakan – một phong cách ảnh hưởng từ Đông Nam Á.
Theo tiếng địa phương, ngôi chùa này được gọi là Kyang, nằm ở vùng đồi hẻo lánh Huyện núi Bandarban, phía đông nam Bangladesh, một phần thuộc về Phân khu Chittagong của Dải núi Chittagong. Ngôi chùa nằm gọn trong thị trấn cao nguyên của Bandarban nơi có hai đỉnh cao nhất là Tajingdong (1.200m) và Keokeradong (1.412m), được bao bọc bởi những cánh rừng rậm rạp và thảm thực vật tươi tốt. Nơi đây còn có dòng sông Sangu chảy ngang và gần đó có một ngọn thác đẹp. Buddha Dhatu Jadi được xây dựng trên một ngọn đồi cao 60m, cách thị trấn Balaghat khoảng 4km và cách thành phố Bandarban khoảng 10km.
Bandarban có rất đông Phật tử là những người dân tộc thiểu số bản địa. Phật giáo chỉ chiếm khoảng 0.7% ở Bangladesh nhưng là tôn giáo lớn thứ ba ở nước này, chủ yếu là Phật giáo Theravada. Phần lớn Phật tử sinh sống ở các huyện đông nam đất nước thuộc Chittagong và Dải núi Chittagong.
Đại dức U Pannya Jota Mahathero là người sáng lập và trụ trì của Chùa Vàng Bandarban. Nhà sư này xuất thân dòng dõi hoàng tộc Bohmong của Bandarban. Ông trở thành nhà sư Theravada từ năm 1991 và từng làm việc cho chính phủ Bangladesh trong 8 năm với tư cách cố vấn pháp lý cấp cao. Xá lợi Đức Phật được lưu giữ và thờ tự trong chùa được Ủy ban tăng già Maha Nayaka quốc gia Myanmar tặng cho đại đức U Pannya Jota Mahathero năm 1994.
Bên cạnh bức tượng Phật cao lớn nổi tiếng, chùa này còn có nhiều tượng Phật nhỏ và một chiếc chuông vàng cũng nổi tiếng không kém. Chùa Vàng Bandarban hiện nay nằm trong Dự án Phát triển Du lịch của “Tour Vành đai Phật giáo” được tài trợ bởi Tập đoàn kinh tế tiểu vùng Nam Á.
Dân Nguyễn (Tổng hợp từ internet)