.
.

World Cup, thể thao & văn hóa


 Hơn ba tuần qua, có thể nói hàng triệu người Việt, cùng hàng tỷ người trên khắp hành tinh này hồi hộp theo trái bóng lăn trong giải World Cup – vô địch thế giới đang diễn ra tại Nga.
cdvnhatban1.jpg
Hành động dọn rác của các CĐV Nhật Bản đã lan truyền đến CĐV những quốc gia khác cùng hành động đẹp tại World cup 2018
Không chỉ là niềm vui, mà cũng có nhiều nỗi buồn, bởi có một số người với máu đỏ đen, lấy môn thể thao này để cá cược, và có người đã túng quẫn đến đỗi tìm cách chấm dứt sự sống quý giá của mình.
Với công nghệ truyền thông hiện đại, giải bóng đá thế giới đã đi vào hang cùng ngõ hẻm của xã hội. Nó trở thành hiện tượng toàn cầu, đến nỗi giới điện ảnh đã thực hiện một bộ phim thú vị “Chiếc cúp” (The cup) của đạo diễn Khyentse Norbu.
Phim “Chiếc cúp” nói về một nhóm tu sĩ trẻ tuổi người Tây Tạng ở một tu viện thuộc vùng Dharamsala, bên sườn Himalaya, Ấn Độ, nơi Đức Dalai Lama lưu trú.
Dù tu viện thiếu thốn về các phương tiện hiện đại, và thời khóa thực hành nghiêm mật, nhưng không khí của bóng đá đã lan đến đây, các vị sư trẻ rất quan tâm và hào hứng xem các trận tranh tài giữa các đội tuyển và thuộc tên các ngôi sao.
Bộ phim sống động, đã chọn cách thể hiện phù hợp, qua môn thể thao “vua”, chuyển tải một thông điệp mang tính cảnh báo về sức mạnh của toàn cầu hóa, nó thách thức truyền thống, và cần thiết phải có giải pháp mang tính trung đạo, nếu không muốn bị đổ vỡ về lối sống.
Với Việt Nam chúng ta, khi đội tuyển U-23 giành được giải Á quân trong một giải tranh tài châu lục đầu năm, hàng vạn người đã xuống đường cổ vũ, hàng triệu con tim thổn thức với niềm tự hào, cùng thốt lên lời ngắn gọn mà đầy đủ trong hai tiếng “Việt Nam!”.
Giấc mơ có mặt ở vòng chung kết giải vô địch thế giới của Việt Nam, đến bây giờ, vẫn chỉ là giấc mơ. Chúng ta đã gửi gắm giấc mơ đó vào các đại diện của châu lục như Hàn Quốc, đặc biệt là Nhật Bản.
Có những hành vi, ngoài bóng đá, dù là một nếp quen nhỏ, như các cổ động viên Nhật Bản nhặt rác làm sạch khán đài sau một trận đấu khi tuyển của họ thắng hay thua, các cầu thủ đến từ quốc gia này nén nỗi niềm của mình sau trận bị đội tuyển Bỉ lội ngược để dọn sạch phòng thay đồ, để lại lời cảm ơn đã chạm đến trái tim của hàng tỷ người trên thế giới.
Trước đó, khi muốn đi tiếp bằng điểm fair play, đội Nhật đã chơi một lối bóng đá không đẹp, Thủ tướng Nhật đương nhiệm đã có hành vi xin lỗi trước Nhật hoàng và dân chúng. Việc làm này, theo nhiều người, đã trở thành nếp ứng xử của người dân xứ Hoa anh đào vì đã được giáo dục từ thuở vỡ lòng, nhưng luôn mới và gây xúc động với số đông ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
World Cup, dẫu hào hứng thế nào cũng sẽ qua đi sau hơn một tháng tranh tài, nhưng có thể nói, những nếp ứng xử đó, mặc dù là nhỏ, là quá bình thường, dù đội tuyển Nhật Bản đã về nước sớm, nhưng nó sẽ lưu lại lâu dài hơn và có sức lan truyền mạnh mẽ về một lối sống của một cường quốc kinh tế không chỉ dẫn đầu châu Á mà còn là nhóm đầu của thế giới.
Đội bóng của họ đã thua sớm, nhưng văn hóa của họ đã làm nên chiến thắng vang dội, theo cách “nhỏ là đẹp”, như cách nói của E. F. Schumache trong tác phẩm cùng tên (Small is beautiful). Hay nói cách khác, văn hóa là điều còn lại sau khi mọi thứ đã qua đi.
Hoàng Độ