.
.

Thọ giới và xả giới như thế nào


Hiện giờ tôi đang ở nhà với gia đình nhưng trong lòng luôn bất an vì tôi chưa xả giới. Tôi có cần trở lại chùa để xả giới không? Thầy có lần nói tôi sẽ “mang lông đội sừng” để trả nợ, điều này có đúng không? Tôi muốn xuất gia lại nhưng không biết có gặp trở ngại gì không? Cũng cần nói thêm rằng, trong tâm tôi lúc nào cũng nghĩ về chùa xưa. Xin giúp tôi giải toả những vướng mắc trên.


HỎI: 

Tôi đang gặp phải một hoàn cảnh khá trớ trêu. Trước đây, tôi là một Phật tử thường tới chùa tụng kinh hàng đêm. Tôi rất thương Thầy (Sư cô trụ trì), Thầy cũng yêu mến và khuyến khích tôi xuất gia. Trong thời gian mới xuất gia, tôi được Thầy thương yêu và lo lắng. Chỉ sau sáu tháng tôi được Thầy cho thọ giới Sa di ni. Tuy nhiên kể từ đây cuộc sống của tôi bắt đầu gặp nhiều trở ngại, dường như Thầy ngày càng trở nên lạnh nhạt với tôi. Tôi thường bị Thầy quở trách và la mắng. Trong một lần bực tức tôi đã về nhà và bị Thầy trả về luôn.

Hiện giờ tôi đang ở nhà với gia đình nhưng trong lòng luôn bất an vì tôi chưa xả giới. Tôi có cần trở lại chùa để xả giới không? Thầy có lần nói tôi sẽ “mang lông đội sừng” để trả nợ, điều này có đúng không? Tôi muốn xuất gia lại nhưng không biết có gặp trở ngại gì không? Cũng cần nói thêm rằng, trong tâm tôi lúc nào cũng nghĩ về chùa xưa. Xin giúp tôi giải toả những vướng mắc trên.

ĐÁP: 

Đọc thư bạn, chúng tôi cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh của bạn. Quả là tu hành cũng lắm gian nan. Chuyện “dang dở” trên tôi đường tu học cũng như mối quan hệ thầy trò và nhiều nổi băn khoăn của bạn như trong thư đã trình bày, xét cho cùng đều có nguyên nhân cả.

Trước hết, động lực thúc đẩy bạn xuất gia hoàn toàn dựa vào tình cảm cá nhân giữa bạn và thầy. Bạn xuất gia vì thương thầy chứ không phải bạn hiểu Đạo. Do đó, khi tình cảm thầy trò “cơm không lành, canh không ngọt” nữa thì bạn thối thất chuyện tu hành là lẽ tự nhiên. Trong khi đó, xuất gia tu học là chuyện trọng đại trong cuộc đời.

Trước lúc xuất gia, ngoài tình cảm mến thầy, ít ra bạn phải có một kiến thức căn bản về giáo lý và một sự thử thách trước khi thực sự dấn thân tu học. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo như vậy, nên khi gặp “ngang trái” trong đời sống tu hành bạn mới đủ sức chịu đựng và sáng suốt để vượt qua.

Trong cuộc đời tu tập, có lẽ không ai mà không bị thầy la mắng, dẫu người ta thường nói “cha mẹ nắng oan”. Bổn phận người đệ tử là phải lắng nghe, phải nhẫn chịu. Lắng nghe để biết mình bị la mắng có đúng không? Nếu đúng thì thầy quá đỗi từ bi vì mình mà lao tâm nhọc sức la rầy để cho mình nên người. Nếu bị la rầy oan thì mình phải nhẫn chịu. Đây là một cách rèn luyện tu tập hạnh nhẫn nhục vì ngày mai trên bước đường hành đạo ngang trái chất chồng, càng phải nhẫn chịu gấp trăm gấp ngàn lần bây giờ.

Thứ đến, trong thời gian đầu vì được thầy thương nên việc xuất gia, thế phát và thọ giới đến với bạn quá nhanh. Trong vòng chưa đầy sáu tháng mà bạn được thọ giới là thời gian kỷ lục. Trong khi đó, theo truyền thống Thiền môn, một người được thọ giới Sa di như bạn phải trải qua một thời gian dài từ hai đến ba năm. Họ phải thuần thục hai thời công phu, học thuộc bốn quyển Luật mới được thọ giới. Nếu bạn không phải là người xuất chúng thì đây là sự “bất cẩn” của Sư cô, thầy của bạn.

Nếu quả thật như lời bạn trình bày trong thư thì Sư phụ của bạn lại càng bất cẩn hơn khi trả bạn về nhà chỉ vì các lý do vô cùng đơn giản vì bạn khóc, bạn còn phiền não, bạn bệnh không làm việc được. Căn cứ vào Giới luật, nếu bạn phạm trọng giới, tội nặng không thể sám hối được, bạn mới bị trục xuất ra khỏi Tăng đoàn. Như vậy, thầy của bạn không dung chứa bạn chỉ vì tình cảm cá nhân, hoàn toàn tùy tiện mà không tuân thủ vào giới luật.

Điều băn khoăn lớn của bạn như đã kể trong thư là bạn đã hoàn tục một năm rồi nhưng chưa xả giới. Bạn yên tâm, bạn còn giới Sa di nữa đâu mà xả. Lúc thọ giới ắt phải cần Tam sư, Thất chứng. Thế nhưng, nếu đối trước Tam bảo hoặc đối trước sư phụ mà xin hoàn tục thì ngay lập tức giới thể và giới tướng bị hủy. Bạn đã tác bạch với thầy xin ra đời, không tu học nữa là bạn đã xả giới, không cần bất kỳ một nghi thức xả giới nào nữa. Do vậy, bạn không phải bận tâm về vấn đề này.

Còn chuyện bạn thắc mắc vì sao thầy của bạn lúc trước nói “tu một ngày tịnh một ngày”, về sau lại nói bạn “ phải mang lông đội sừng trả nợ cho thí chủ”. Thế này, đây là hai câu nói thuộc về kinh điển nên không sai nhưng đối chiếu với hoàn cảnh của bạn lại có vấn đề. Nếu thực sự tu học thì đúng càng ngày thân tâm càng thanh tịnh. Còn nếu nương tựa vào Tam bảo ăn không ngồi rồi mà không tu học thì mang nợ thí chủ phải làm trâu ngựa để trả nợ. Bạn chỉ ở chùa một thời gian ngắn, trong thời gian đó bạn đã làm công quả, tụng kinh, học luật… thế là bạn vừa đủ ơn tín thí. Bạn hoàn toàn không phải bị “mang lông đội sừng” như lời của thầy bạn. Mỗi ngày ở chùa là một ngày tăng phước, phước đến thì tai nạn tiêu trừ, thân tâm an lạc.

Bạn xuất gia trở lại vẫn được, giáo hội vẫn chấp nhận. Theo luật Phật, Tỳ kheo được xuất gia và hoàn tục bảy lần, Tỳ kheo ni xuất gia và hoàn tục được một lần. Bạn chỉ mới Sa di nên vẫn được xuất gia lại. Tuy nhiên, bạn nên dành nhiều thời gian cho sự chuẩn bị, phải học giáo lý, tụng kinh sám hối, công quả phước điền để gieo duyên Tam bảo. Nếu xuất gia, phải tìm cho được minh sư, chỉ có minh sư mới dẫn dắt mình tiến xa trên lộ trình tu học.

Mỗi khi nhớ lại chùa xưa cùng mõ sớm chuông chiều mà bạn khóc chứng tỏ bạn còn nặng tình với chùa xưa. Nghĩ tới chùa liền nghĩ tới Phật, niệm danh hiệu Phật trước mỗi khi đi ngủ và thức dậy, bạn sẽ được Phật tổ gia hộ vạn sự bình an. Hãy sống hồn nhiên, thanh thản, luôn hướng về điều thiện như bao người Phật tử tại gia khác. Chúng tôi tin chắc rằng, với một tấm lòng tịnh tín hướng về Tam bảo thì tương lai bạn sẽ viên thành ý nguyện của mình.
Quảng Tánh