Phật giáo không phải là tôn giáo phổ biến nhất trong nhiều cộng đồng dân tộc của Nga nhưng cũng có khoảng 1 triệu Phật tử và hơn 200 tổ chức Phật giáo tại quốc gia này.
Với phần đông những tín đồ Phật môn này, Phật giáo là tôn giáo bản địa truyền thống của họ và đã được truyền bá từ lâu tại các nước cộng hòa Kalmykia (nam Nga), Buryatia (đông Siberia) và Tuva (nam Siberia). Bởi vậy, các khu vực này sở hữu nhiều ngôi chùa vô cùng ấn tượng.
- Chùa Ivolginsky Datsan (Buryatia)
Nằm cách thủ đô Ulan Ude của Buryatia 38.5 km, Ivolginsky Datsan được xem là trung tâm của Phật giáo Nga, là trụ sở của Tăng già Phật tử Truyền thống của Nga, gắn liền với tên tuổi Lạt ma Pandido Khambo – lãnh tụ của tất cả Lạt ma ở Nga. Được thành lập năm 1945 sau khi được chính quyền Xô Viết chính thức cho phép, ngôi chùa này đã phát triển từ một căn nhà bằng gỗ nhỏ nhắn thành một tổ hợp đồ sộ gồm 10 tòa nhà.
Một trong những huyền thoại của Chùa Ivolginsky Datsan là thi hài được lưu giữ của đại sư Dorzho Itigilov – nguyên là lãnh tụ của Phật tử Buryat – đã viên tịch năm 1927. Dù nhiều thập kỷ đã trôi qua nhưng thi hài của đại sư vẫn nguyên vẹn mà không có bất cứ dấu hiệu phân rã nào – một điều kỳ diệu đã thu hút rất nhiều người hành hương trên khắp thế giới.
- Tệ xá Vàng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Kalmykia)
Tệ xá Vàng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (hay Burkhan Bakshin Altan Sume như tên gọi ở Kalmykia) nằm ở trung tâm Elista, thủ đô của nước Cộng hòa Kalmykia. Khánh thành vào năm 2005 như một biểu tượng cho sự trường tồn của văn hóa và tâm linh Kalmykia, bất cứ chỗ nào ở Elista cũng có thể nhìn thấy ngôi chùa này.
Tệ xá có bảy tầng không chỉ có các sảnh đường dành cho cầu nguyện và thiền định mà còn có một thư viện, một bảo tàng và một phòng hội thảo. Đặc trưng thú vị nhất của ngôi chùa này chính là bức tượng Đức Phật mạ vàng cao 9 m – được xem là bức tượng Đức Phật cao nhất ở Châu Âu.
- Chùa Datsan Gunzechoinei (St. Petersburg)
Ngôi chùa Phật giáo nằm ở cực bắc Nga, Datsan Gunzechoinei, được thành lập vào năm 1909 dựa trên sự đồng thuận giữa Tsar Nicholas II và đặc phái viên của Đạt Lai Lạt Ma XIII Agvan Dorzhiev. Đây được xem là ngôi chùa có kinh phí xây dựng lớn nhất ở Châu Âu. Được làm từ đá granite nhám, Datsan Gunzechoinei được trang trí một cách đa dạng và có nhiều cửa sổ bằng kính màu được tạo ra bởi họa sỹ nổi tiếng Nikolai Roerich.
Sau cuộc cách mạng 1917, ngôi chùa này phải đóng cửa và sau đó được quốc hữu hóa vào năm 1938. Phải đến năm 1990 thì Datsan Gunzechoinei mới được mở cửa trở lại với tư cách một trung tâm tôn giáo do Tăng già Phật tử Truyền thống Nga quản lý. Theo nhiều báo cáo của Nga, 300-500 người viếng thăm ngôi chùa này mỗi ngày trong khi số lượng tín đồ Phật môn ở St. Petersburg là hơn 15.000 người.
- Chùa Atsagatsky Datsan (Buryatia)
Được thành lập năm 1825, Atsagatsky Datsan (trước đây có tên là Kurbinsky Datsan) nằm ở làng Naryn-Atsagat thuộc nước Cộng hòa Buryatia. Ngôi chùa này là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của Phật giáo Nga trong đó có nhân vật được nhắc đến ở trên Agvan Dorzhiev – người được sinh ra tại một ngôi làng gần chùa.
Cho tận đến những năm 1930 thì nơi này vẫn là một trong những trung tâm của y học Tây Tạng và nơi tụ họp của Phật tử trên khắp Buryatia. Vào năm 1936, ngôi chùa bị chính quyền đóng cửa nhưng nó được mở cửa trở lại sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ.
- Chùa Sakusn-Syume Datsan (Kalmykia)
Nằm không xa thủ đô Elista, Sakusn-Syume là ngôi chùa khá mới mẻ. Tổ hợp rộng lớn này, một trung tâm giáo dục tôn giáo, được khai trương vào năm 1996 và là trung tâm quan trọng của Phật giáo ở Kalmykia cho đến khi Tệ xá Vàng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được xây dựng.
Sakusn-Syume được thiết kế dựa trên khuôn mẫu của các ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng và sở hữu một bức tượng Đức Phật mạ vàng cao 3.5 m. Dù không còn là trung tâm Phật giáo số một ở Kalmykia nhưng nơi đây vẫn được xem là một điểm hành hương không thể bỏ qua.
- Chùa Ustuu-Khuree (Tuva)
Một trong những ngôi chùa Phật giáo lớn nhất nước Nga là tổ hợp Ustuu-Khuree được xây dựng năm 1905. Công trình này được xây dựng với sự giúp đỡ của Lạt ma Tây Tạng Kuntana Rinpoche. Chùa Ustuu-Khuree mở cửa cho đến năm 1930 rồi bị chính quyền đóng cửa như nhiều ngôi chùa khác.
Năm 1999, chính quyền quyết định mở cửa Ustuu-Khuree trở lại và đã thu hút công chúng đến cũng như công đức cho chùa bằng cách tổ chức Lễ hội Âm nhạc và Tôn giáo “Ustuu-Khuree” Quốc tế. Hiện nay sự kiện này được tổ chức thường niên.
Dân Nguyễn
(Dịch từ Russia Beyond)
Nguồn: https://goo.gl/UjZeWD