.
.

ĐIỆN BIÊN: NGƯỜI ANH HÙNG NƠI NGÃ BA BIÊN GIỚI VIỆT-LÀO-TRUNG TRẦN VĂN THỌ


Ngày 05/10/2021 Chư tăng chùa Linh Quang đã đến thiết lễ hô thần nhập tượng anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ đã có công xây dựng đất nước và phát triển kinh tế cho nhân dân huyện Mường Nhé. Mặc dù anh đã đi xa nhưng câu chuyện và tấm lòng của anh vẫn mãi trở thành tượng đài bất diệt trong lòng những người dân đất Việt.

NGƯỜI ANH HÙNG NƠI NGÃ BA BIÊN GIỚI VIỆT-LÀO-TRUNG TRẦN VĂN THỌ.
Biên phòng – Đầu năm 1959, Thượng sĩ Trần Văn Thọ được cấp ủy, chỉ huy Đồn Leng Xu Xìn, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu (nay là BĐBP Điện Biên) phân công xuống địa bàn xã Xính Phình, Mường Tè làm công tác vận động quần chúng. Xính Phình là một xã nằm ở ngã ba biên giới Việt – Lào – Trung. Nơi đây, rừng rậm, núi cao hiểm trở, dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn. Sau khi thực dân Pháp rút chạy, vùng đất này là hang ổ ẩn náu của bọn gián điệp, tình báo, đặc vụ của Tưởng, Mỹ, Lào và bọn phản động địa phương. Hòa bình lập lại, chúng vẫn thường xuyên lén lút chống phá cách mạng, nổi phỉ, làm cho tình hình an ninh ở đây vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn.

Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Thọ

Trước tình hình khó khăn đó, Thọ luôn nêu cao tính xung kích của người đảng viên, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách dân tộc của Nhà nước và khéo léo vận dụng vào tình hình thực tế ở địa phương. Thọ đã thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) dùng lời nói và việc làm để tuyên truyền thuyết phục đồng bào. Ban ngày, ngoài thời gian cùng đi phát nương, làm rẫy với bà con, Thọ còn tranh thủ mọi lúc để tắm rửa, cắt tóc cho trẻ em trong bản. Anh dành dụm gạo, quần áo, thuốc men của mình giúp đỡ những gia đình nghèo, kết nghĩa anh em với những người có người thân bị phỉ giết hại…
Qua một thời gian tiếp xúc, gần gũi, tâm tình với đồng bào, Thọ đã tuyên truyền, giáo dục nhân dân tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, khêu gợi lòng căm thù của quần chúng đối với địch và bọn phản động ở địa phương. Ý thức cảnh giác cách mạng của quần chúng được nâng lên rõ rệt. Được nhân dân giúp đỡ, Thọ cùng với anh em trong Đội Vận động quần chúng của Đồn Leng Xu Xìn kêu gọi được 5 tên phỉ ẩn náu trong rừng ra đầu hàng, bắt 6 tên đặc vụ Tưởng, thu nhiều vũ khí và tài liệu quan trọng. Từ vụ việc này, đã khích lệ mạnh mẽ phong trào cách mạng của quần chúng trong xã, công tác bảo vệ trật tự trị an biên giới cũng dần dần đi vào nề nếp.
Để phong trào quần chúng bảo vệ biên giới ngày một phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, Thọ đã tổ chức các lực lượng công an, dân quân thường xuyên tuần tra, canh gác bảo vệ làng bản. Thọ trực tiếp giáo dục, bồi dưỡng và giới thiệu lên Đảng ủy cấp trên kết nạp được 13 quần chúng ưu tú vào Đảng, giúp địa phương thành lập được 1 chi bộ đầu tiên ở xã Xính Phình. Số cán bộ người dân tộc Hà Nhì mà Thọ trực tiếp bồi dưỡng nhiều người trưởng thành, có người trở thành cán bộ huyện, tỉnh và cán bộ phụ trách ban, ngành ở xã.
Do lối làm ăn lạc hậu, cuộc sống du canh du cư nên đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Xính Phình vô cùng cực khổ. Tệ nạn mê tín dị đoan, nghiện hút, hủ tục lạc hậu đè nặng lên tinh thần của mọi người dân.
Quán triệt chủ trương của Huyện ủy Mường Tè: “Từng bước củng cố tổ đổi công, xây dựng hợp tác xã, chuyển hướng canh tác, đẩy mạnh sản xuất và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân”, Thọ một mặt kiên trì vận động bà con định canh định cư, một mặt trực tiếp hướng dẫn cán bộ cốt cán lập các tổ mẫu làm ăn như dưới xuôi: Xuống thấp định cư theo từng bản, cày ruộng, cấy lúa nước. Từ thành công của tổ mẫu, Thọ giúp địa phương xây dựng và phát triển nhiều tổ đổi công thu hút hầu hết các gia đình vào làm ăn tập thể. Qua một thời gian ngắn làm ăn theo lối mới và đạt kết quả tốt, bà con rất phấn khởi tin tưởng vào Bộ đội Cụ Hồ. Được nhân dân tin tưởng Thọ cùng với chính quyền địa phương thành lập hợp tác xã. Thọ chú ý giúp đỡ cán bộ địa phương: Kế hoạch làm ăn, thời vụ cây trồng, kỹ thuật chăm bón lúa và hoa màu…, đồng thời hướng dẫn cán bộ và nhân dân cách quản lý, tổ chức, phân công trách nhiệm, tính công điểm, phân phối sản phẩm…
Thọ còn dùng tiền tiết kiệm của mình mua giống lúa mới, dụng cụ sản xuất giúp hợp tác xã. Vụ mùa đầu tiên (1959), xã Xính Phình bội thu, bà con các dân tộc thiểu số phấn khởi tin tưởng vào con đường hợp tác hóa nông thôn của Đảng. Từ năm 1959-1961, Thọ cùng với anh em trong Đội Vận động quần chúng đã xây dựng được 5 hợp tác xã ở Xính Phình. Riêng Phú Bì là hợp tác xã mà Thọ trực tiếp hướng dẫn đã trở thành lá cờ đầu ở vùng cao. Vụ mùa năm 1961, Phú Bì thu hoạch mỗi đầu người bình quân một tấn lương thực và được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng III.
Ước mơ xây dựng bản làng Hà Nhì thành làng biên giới kiểu mẫu của Thọ và đồng đội ở Đồn Leng Xu Xìn đã trở thành sự thật. Tháng 5-1961, Chi bộ Đảng đầu tiên của người Hà Nhì được thành lập, đây là những người con ưu tú của dân tộc Hà Nhì. Huyện ủy Mường Tè chỉ định Trần Văn Thọ làm Bí thư của chi bộ này.
Nhưng kẻ thù không muốn cho Phú Bì cũng như xã Xính Phình lớn mạnh. Đinh Tơ, tên quan hai đặc vụ Tưởng sống lén lút bên kia biên giới, được lệnh của quan thầy đưa đám tàn quân phỉ về phá phách. Một đêm tháng chạp, rừng núi mù sương, giá rét. Chúng lợi dụng lúc bà con ngủ yên, ập vào bản Sen Thượng kề bản Phú Bì đốt nhà già bản, cướp thóc, gạo và 4 con ngựa. Chúng bắt theo 3 cô gái ra rừng làm nhục rồi giết chết. Nhận được tin, Thọ cùng anh em dân quân ập tới. Già làng Sen Thượng dẫn đường, dân quân Phú Bì và thanh niên Sen Thượng đốt đuốc, nổi chiêng vây bắt bọn phỉ.
Thọ và các chiến sĩ cùng dân quân ập vào một hang đá. Đinh Tơ và 6 tên phỉ đang hể hả ăn uống. Bị đánh bất ngờ chúng không kịp trở tay phải ngoan ngoãn xin hàng. Thọ và các chiến sĩ thu toàn bộ vũ khí (gồm 1 súng ngắn, 2 súng trường, 1 tiểu liên) cùng nhiều tài liệu.
Nhân thắng lợi này, Thọ phát huy khí thế cách mạng của quần chúng, nói cho dân bản rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù, giáo dục ý thức cảnh giác và lòng căm thù bọn xấu cho nhân dân.
Với trách nhiệm là Bí thư chi bộ, Trần Văn Thọ đã cùng với cán bộ, đảng viên làm cho bản Phú Bì có nhiều thay đổi. Thọ vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng tốt bỏ nghiện hút (trước đây, trong bản, 100% nam nghiện hút, còn nữ là 60%) và đẩy mạnh phong trào ăn ở vệ sinh, mở trường dạy chữ, lập trạm y tế chữa bệnh cho người ốm… Đi theo con đường hợp tác hóa, dân bản nhà nào cũng đủ ăn, nhà cửa sạch sẽ cao ráo. Phong trào bảo vệ an ninh biên giới đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn xã. Cuộc sống văn hóa mới vui tươi lành mạnh ngày càng phát triển làm cho bộ mặt các bản làng vùng Ngã ba biên giới thay đổi rõ rệt.
Một đêm đầu tháng 8-1961, trời mưa như trút nước nhiều ngày liền. Ngồi trong nhà, Thọ sốt ruột lắm. Nước suối dâng cao chảy cuồn cuộn làm guồng nước bị đổ, nhà kho hợp tác xã trên nương bị hư hỏng nặng. Thọ đội mũ, mặc áo mưa chạy ra ngoài trời. Guồng nước được Thọ sửa sang chống giữ, lại khoan thai đổ nước vào máng, chảy vào nương cho người Hà Nhì cấy hai vụ lúa. Nhà kho hợp tác xã Phú Bì được Thọ sửa chữa chắc chắn, thóc, ngô được giữ khô ráo chuẩn bị bán cho Nhà nước… Song, cũng đêm hôm đó (8-8-1961), Thọ bị cơn sốt rét ác tính quật ngã. Thượng sĩ Trần Văn Thọ đã hy sinh, năm ấy anh mới tròn 26 tuổi xuân. Ghi nhận công lao đóng góp của Trần Văn Thọ, Bộ trưởng Bộ Công an đã truy phong vượt cấp từ Thượng sĩ lên Thiếu úy cho anh.
Đảng viên Trần Văn Thọ đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần “Trung với Đảng, hiếu với dân” được đồng đội và đồng bào các dân tộc nơi Ngã ba biên giới vô cùng yêu quý. Trần Văn Thọ đã hiến dâng cả cuộc đời mình vì cuộc sống hạnh phúc của đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới. Thương tiếc anh, đồng bào các dân tộc đã dựng bia kỷ niệm trên đỉnh Leng Xu Xìn để tưởng nhớ Thọ – người con thân yêu của đồng bào các dân tộc Ngã ba biên giới.
Ngày 1-1-1967, Quốc hội và Chính phủ đã truy tặng liệt sĩ Trần Văn Thọ danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận trong buổi lễ:
Ảnh và tin: Thích Đức Thành