Có nhiều quan niệm khác nhau về sự sống và cái chết. Cái nhìn của mỗi người sẽ ảnh hưởng, quyết định lối sống của họ.
Với Phật giáo, sự sống là liên tục được kế thừa bởi nghiệp đã tạo qua suy nghĩ, lời nói và hành động. Ngoài nghiệp riêng của mỗi cá thể, còn có nghiệp chung mang tính cộng đồng.
Mỗi chúng sinh, bao gồm cả con người, không thể trốn tránh các nghiệp đã tạo. Nghiệp là động lực chính dẫn đến hình thức và môi trường tái sinh trong luân hồi.
Tuy nhiên, với đạo Phật, để xác định nghiệp xấu hay tốt hoặc trung tính tùy thuộc vào động cơ, diễn tiến và tác động của suy nghĩ, lời nói và hành động. Xấu và tốt tùy thuộc vào độ ảnh hưởng như thế nào lên người làm, đối tượng liên hệ và môi trường sống.
Việc xác định tính chất xấu tốt đó có trường hợp khó có thể kiểm chứng ngay trong đời sống này. Có những biểu hiện bên ngoài khiến nhiều người khó chịu nhưng kết quả thì lại khác, mang đến sự ổn định, bình yên và tiến bộ.
Cẩn trọng và tỉnh giác trong việc bình phẩm giá trị, xác nhận đúng sai là việc mà Đức Phật đã nhắc nhở, rõ nhất trong bản kinh Kalama, thuộc Tăng chi bộ của Kinh tạng Pali.
Đức Phật khi nói về ứng xử và chất lượng của suy nghĩ, lời nói và hành động, Ngài nhấn mạnh đến vai trò rất quan trọng của trí tuệ.
Trí tuệ mà Đức Phật đề cập không phải là sự khôn ngoan bình thường, mà đó là thành quả của quá trình học hỏi (văn), suy tư trăn trở (tư) và thực nghiệm (tu).
Đó là ánh sáng giúp con người nhận thấy một cách chính xác tính chất thực sự của cuộc đời, từ đó có những nguyên tắc trong ứng xử; thái độ đúng trong việc đánh giá, lựa chọn hay từ bỏ.
Có người nói rằng cuộc sống là chuỗi của sự lựa chọn. Sự lựa chọn dựa trên nguyên tắc đạo đức, với tình thương thực sự và được soi sáng bởi trí tuệ đó, là nền tảng, đồng thời là chất liệu kiến tạo sự bình tâm trong mọi thăng trầm.
Ý nghĩa của đời sống con người không phải chỉ được tính bằng tuổi thọ, mà nói như Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ GHPGVN, người sống giản dị và đã 102 tuổi, chính là những gì họ đóng góp cho đời, cho đạo.
Giá trị đời sống của một người, do đó, cũng không hạn cuộc trong một trăm năm hay ít hơn, mà chính là ở tinh thần phụng sự, những gì mà họ đã hiến tặng, đã làm, trong ý nghĩa đem lại lợi lạc cho số đông và lợi ích lâu dài.
Cái chết không phải là kết thúc, mà chỉ là biến cố tự nhiên của sự sống, sau đó chuyển tiếp đời sống khác, có thể cao hơn, hoặc cũng có thể thấp hơn đời sống vừa có, tùy theo nghiệp đã làm.
Với cái nhìn duyên sinh và vô thường, không có định nghiệp được phán quyết bởi ai khác ngoài suy nghĩ, lời nói và hành động của chính mỗi người. Không có gì là cố định mà luôn trong quá trình chuyển hóa.
Người học Phật nhận thức như vậy để sống tích cực và thiện lành, để khi cái chết đến không trở thành nỗi ám ảnh, mà chỉ là một phần tự nhiên tất yếu của sự sống. Dù không hoàn hảo, nhưng ý chí hướng đến sự tốt đẹp không bao giờ gián đoạn, vượt lên những hữu hạn, tính ích kỷ hẹp hòi thông thường.
Pháp Hỷ