.
.

Tu tập nhẫn nại để chế ngự sân hận


Nhẫn nại là sự chấp nhận chịu đựng những hoàn cảnh khắc nghiệt, đớn đau, những đối tượng trái ý nghịch lòng mà vẫn không giận hờn, oán ghét và vẫn giữ được thiện tâm một cách tự nhiên bình thản.


Nhẫn nại là 10 pháp hành Ba la mật cho các vị  Bồ Tát có ý nguyện trở thành Phật Toàn Giác, Phật Độc Giác hoặc Phật Thinh Văn Giác. Những pháp hành đó là:

1- Bố thí
2- Trì giới
3- Xuất gia
4- Trí tuệ
5- Tinh tấn
6- NHẪN NẠI
7- Chân thật
8- Quyết tâm
9- Từ bi
10- Tâm xả

Nhẫn nại là sự chấp nhận chịu đựng những hoàn cảnh khắc nghiệt, đớn đau, những đối tượng trái ý nghịch lòng mà vẫn không giận hờn, oán ghét và vẫn giữ được thiện tâm một cách tự nhiên bình thản. Phần đông chúng ta bên ngoài có vẽ nhịn nhục, nhưng sự bực tức vẫn ngấm ngầm bên trong. Nếu trong tâm vẫn còn sự tức giận thì chưa được gọi là ĐỨC NHẪN NẠI, KIÊN NHẪN.

Một nhà sư Tây Tạng, sau mười mấy năm bị giam cầm, hành hạ trong ngục tù; khi được thả ra, một ký giả hỏi ông: “Trong những năm tháng đó, cái gì làm cho ông sợ hãi nhất?” Ông trả lời: “Tôi sợ nhất là đánh mất lòng từ bi đối với những người đang hành hạ tôi.”
Đây đúng là một vị Bồ Tát đáng đảnh lễ, cúng dường.

Có 3 loại nhẫn nhục:

1/ THÂN NHẪN: là sự chịu đựng nghịch cảnh khắc nghiệt: nắng, mưa, nóng lạnh, muổi mòng, rắn rít. Hoặc bị người ác độc đánh đập, hành hạ, mắng nhiếc, chửi rủa thậm tệ mà vẫn chấp nhận chịu đựng, không hề có thái độ tức giận, oán ghét, vẫn giữ thiện tâm một cách tự nhiên, không bị dao động.

2/ KHẨU NHẪN: thân đã nhẫn nhục chịu đựng mà miệng cũng không thốt ra lời trả đủa ác độc, chua cay.

3/ Ý NHẪN: cả trong tâm cũng không oán hận, hay nổi ý trả thù.

Trong 3 loại nhẫn này, ý nhẫn là quan trọng nhất, là thước đo mức nhẫn nhục của người có hạnh Bồ Tát.

 NHẪN NẠI VỚI AI?

– Với ngoại cảnh khắc nghiệt, với ngoại nhân làm mình trái ý phật lòng, với ông chồng vũ phu, với bà vợ ghen tuông, với đứa con ngỗ nghịch, với thượng cấp khó khăn, với đồng nghiệp chèn ép…

– Với nội thân đau đớn, khổ sở ê chề: như những tù nhân chánh trị đang bị hành hạ thân xác và tinh thần trong ngục tù của những nước độc tài.

– Với chính mình vì không chịu đựng được nữa, không còn giữ được sự bình tỉnh, sự vô sân hay từ bi.

– Với thời gian, ôi thời gian! là kẻ thù muôn đời của con người

“Sao mi cứ miệt mài phi nước đại ?
Cho môi hồng, má thắm vội nhạt phai,
Biển đầy vơi, trăng tròn, trăng khuyết mãi
Sông núi kia cũng thay đổi hình hài”


(Thơ Quang Tuấn)

NHẪN NẠI ĐỂ LÀM GÌ?

– Để giữ thiện tâm và làm lợi ích cho mình và cho người

– Để trao dồi hạnh TỪ, BI, HỈ, XẢ

– Để chấp nhận mọi hoàn cảnh mà không than thân, trách phận, không oán ghét hận thù.

– Để tha thứ cho chính mình và kẻ làm hại mình, cho cuộc đời không là một bãi chiến trường, mà là một cõi an bình, hạnh phúc.

– Để làm thay đổi lòng người, làm thay đổi một chế độ hà khắc, Nelson Mandela sau bao nhiêu năm nhẫn nhục trong ngục tù đã làm tan rã chế độ “Phân biệt chủng tộc”. Bà Aung San Suu Kyi sau 20 năm kiên nhẫn trong sự mất tự do đã làm thay đổi chế độ độc tài quân phiệt Miến Điện.

– Sau cùng là để thực hiện hạnh nguyện Bồ Tát.

NHẪN NẠI CÓ KHÁC TÂM TỪ KHÔNG?

Theo Vi Diệu Pháp  (tâm lý học PG) kiên nhẫn là một tâm thiện có chi pháp là tâm sở vô sânlàm căn bản, như vậy nó cùng bản chất với tâm từ, nhưng kiên nhẫn khác với tâm từ ở đối tượng;

– Đối tượng của TÂM TỪ là những người hay vật đáng được thương yêu và đến một mức độ cao thượng, tâm từ có thể bao trùm tất cả mọi chúng sanh, không phân biệt, không giới hạn,  ngay cả đối với kẻ thù của mình. Chẳng hạn, cha mẹ bình thường đối xử với con cái bằng tình thương, bằng tâm từ, nhưng khi con cái trở nên ngỗ nghịch, bướng bỉnh thì tâm từ lúc đó được biến đổi thành tâm kiên nhẫn để tha thứ và yêu thương. Vợ chồng cũng vậy, khi ông hay bà nỗi cơn tam bành thì lúc đó tâm kiên nhẫn phải được đem ra áp dụng cho qua cơn sóng gió.

– Đối tượng của KIÊN NHẪN là những cảnh trái ý, nghịch lòng, như thời tiết khắc nghiệt, hay con người thô lỗ, ác độc, hoặc một đối tượng tốt đẹp với người khác, nhưng đối với mình thì đó là một đối tượng làm tâm sân hận phát sanh. Như Đức Phật là một đối tượng trái ý với những người theo đạo Bà La Môn hay Hồi Giáo.

NHẪN NẠI ĐEM LẠI QUẢ BÁO CHI?   

– Nhẫn nại có nhiều quả phước tốt đẹp.

– Tâm an nhiên tự tại, không nóng nảy tức giận.

– Không gây oan trái tạo nghiệp

– Được sự thương mến, kính phục của chư thiên và nhân loại.

Nelson Mandela và Aung San Suu Kyi đều được giải Nobel về hoà bình, Cô gái Hồi quốc Malala bị bọn Taliban bắn bể sọ và vai, vẫn tiếp tục tranh đấu cho quyền được đi học của người phụ nữ ở tại các nước hồi giáo hủ lậu, cô được giải thưởng Sakharow về Nhân Quyền, và giải Nobel hoà bình năm 2014.

– Trong khi chết tâm sáng suốt, minh mẫn, không sợ hãi hôn mê.

– Sau khi chết được tái sanh nhàn cảnh.

-Trong cõi người, sẽ là hạng có đủ tam nhân (vô tham, vô sân, vô si), có da dẽ mịn màng, thân hình xinh đẹp, nghĩa là nếu tu hành có thể đắc đạo, đắc thiền (xem sử tích hoàng hậu Mallika, kinh Mallika sutta Anguttara Nikaya)

– Trong cõi trời, tuỳ năng lực thiện nghiệp quá khứ sẽ sanh vào một trong cõi trời Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới (xem sử tích vua trời Sakka, kinh Asurindaka, Samyutta Nikaya

LÀM SAO ĐỂ TU TẬP SỰ NHẪN NẠI

Bước thứ nhất: ý thức nhận biết mình đang sân (nhận diện sự Sân Hận)

Sân hận là một danh từ tổng quát để chỉ định một cảm giác khó chịu, một tình cảm chối bỏ, một cảm xúc tức giận, thù hận. Ngoài ra những cảm xúc như sợ hãi, buồn bả, lo âu, kinh tởm cũng được kể vào đây. Đó là những trở ngại lớn ở trong thiền làm ngăn chận sự tiến hóa tâm linh. Mỗi khi có nó trong tâm, tâm ta sẽ không an tịnh được.

Sân hận có thể xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ tới nặng: khó chịu–> bực bội–>bức rức, bức xúc–>bực tức, bất bình, nổi sùng–>tức giận, tức tối, phẫn nộ–>giận dữ, tức như điên–>tức hộc máu–>thù hận…

Sân hận thể hiện dưới 4 dạng thái:

*Trái ý, nghịch lòng (mécontentement, contrariété )

*Ganh tức, ghen ghét ( Jalousie )

*Bủn xỉn, keo kiệt ( avarice )

*Ân hận, hối tiếc ( regret, remord )

Thật ra tâm sân rất dễ nhận, không cần phải có thiền. Đó là một trạng thái bực bội, khó chịu, không vừa lòng trước một cử chỉ, lời nói hay thái độ của một người nào đó hay một hoàn cảnh nào đó. Ta có cảm tưởng có một cái gì đó bất ổn trong thân tâm. Khi sân nổi lên, người ta cảm thấy mặt nóng lên, tim đập nhanh, tay chân rung rẩy, ngực căng thẳng, hơi thở dồn dập không đều đứt khoảng, đầu nặng nhức, tâm mờ tối, mặt cau có, mày châu lại, răng nghiến chặc, bàn tay co lại.

Có người bị hộc máu vì máu bị dồn lên đầu, huyết áp tăng vọt, bởi vậy mới có thành ngữ “tức hộc máu”(như nhân vật Châu Du thời Tam Quốc bên Tàu). Đó là chưa kể những trường hợp bị đứt mạch máu não hay nhồi máu cơ tim. Không có một cảm xúc nào gây nhiều tai hại vật chất và làm hao tổn năng lực tinh thần cho bằng sự sân hận. Khi sân có những phản ứng bên trong cơ thể mà mình không nhận ra như chất adrénaline và cortisone được tiết ra nhiều  …

    Bước thứ Hai: chế ngự cơn Sân

Thiền Tứ Niệm Xứ, hay còn gọi là thiền Minh Sát (Vipassana) là phương pháp trị liệu hiệu quả nhất đối với tâm sân. Chúng ta dùng nội quán trên 4 trú xứ như sau:

– Đầu tiên dùng niệm thọ để nhận diện những cảm giác khó chịu khi ta sân: mặt nóng lên, tim đập nhanh, ngực căng nặng, hơi thở dồn dập, cảm tưởng bất ổn ở trong tâm…

– Dùng niệm thân để quan sát những cử chỉ: quơ tay, múa chân, tiếng nói lên giọng, lớn tiếng.

– Dùng niệm tâm để quan sát trực tiếp tâm sân xem nó sinh khởi như thế nào, lớn đại làm sao và biến mất ra sao?

– Dùng niệm Pháp để nhận diện phản ứng của người đối diện, xem họ có bị đốt cháy bởi cơn sân của ta?

Phải nắm bắt sân ngay từ sơ khởi mới xuất hiện, đừng để nó phát tán lớn mạnh. Chửa Sân như chửa lửa. Phải ghi nhận sự sân hận đã đi vào bằng cửa nào trong 6 cửa. Để tâm quan sát tại cửa ấy. Hãy tách rời sự quan sát ra khỏi sân hận, xem sân hận là một hiện tượng và không tự đồng hóa với nó. Sân hận là sân hận, ta chỉ là người quan sát xem sân trong hiện trạng,phát tác gây ra biến đổi gì trong ta và biến mất ra sao. Khi hết sân  thân tâm nhẹ nhàng như thế nào.

Chỉ có khi nào làm được như vậy thì mới trị được sân thôi. Phải áp dụng phương pháp trên liên tục, đều đặn suốt cuộc đời.

       Bước thứ Ba: truy tìm nguyên nhân tại sao sân ?

* Mọi sân hận đều bắt nguồn từ một ý tưởng sâu kính, là tự ngã bị xâm phạm, cái tôi bị xức mẻ, mất mát, tất cả đều quay quanh 3 tà kiến: tự ái, ngã mạn, ái ngã sở (yêu thích cái gì của ta).

Ta sân vì nghĩ rằng người đó đã làm( đang làm hoặc sẽ làm) cho mình khổ sở mất mát ; hay đã làm, (đang làm, sẽ làm) cho người mình thân thương khổ sở mất mát, hoặc làm cho người mình đang ghét được lợi lộc.

* Ta sân có thể vì một ham muốn đòi hỏi không được thỏa mãn.

* Có người sân vì thói quen, hoặc bẩm tính sân hận: thói quen tập nhiễm từ nhỏ do ảnh hưởng của gia đình: một người cha hung bạo, một người mẹ hay càu nhàu thường để lại dấu ấn nơi những người con. Bẩm sinh có thể bắt nguồn từ trong bụng mẹ hoặc từ một tiền kiếp hay sân. (nếu trong bụng mẹ ta đã thường nghe tiếng la hét của cha, hay tiếng than khóc của mẹ).

* Có người sân vì có một cá tính cầu toàn (perfectionniste), nhạy cảm (susceptible), nóng nảy (impulsif)hoang tưởng (paranoïaque,những người nầy thường diễn dịch sự kiện một cách sai lạc, luôn luôn nghĩ rằng người khác nói xấu, làm hại mình).

* Người ta có thể sân vì ganh tị, ghen tuông, bủn xỉn tiếc của, hay ăn năn hối tiếc, lo âu sợ hãi.

* Người ta có thể sân vì gặp những đối tượng  không phù hợp với sở thích và quan điểm của mình. Như Đức Phật là 1 đối tượng làm cho những người Bà la Môn hay Hồi Giáo sân hận.

* Người ta sân vì thiếu học hỏi, hiểu biết về nhân duyên, nghiệp quả, về vô ngã, vô thường….

* Người ta sân vì thiếu suy nghĩ sâu sắc, thiếu cảm thông độ lượng, không đặt mình trong hoàn cảnh của người khác.

* Người ta có thể sân trước một cảnh bất công mà người khác phải gánh chịu, hay 1 nguyên tắc, 1 giá trị chung không được tôn trọng.

* Sau cùng người ta có thể bức rứt, bực bội vì mất ngủ, vì đau nhức bệnh tật, như bệnh cường giáp trạng (hyperthyroïdie), bệnh viêm gan…

Phải nhận định cho đúng cái nguyên nhân chính yếu, nó vẫn nằm bên trong ta. Tất cả bên ngoài chỉ là những yếu tố phụ, những điều kiện xúc tác, hổ trợ. Trong tất cả những nguyên nhân trên đây: cái bẫm tính sân hận là khó chữa trị nhất. Phải đem năng lực tu tập cả cuộc đời không biết có chữa trị được không! Tu là chuyển nghiệp là như vậy.
Chỉ có khi nào làm được như vậy thì mới trị được sân thôi. Phải áp dụng phương pháp trên liên tục, đều đặn suốt cuộc đời.

   Bước thứ Tư: tìm cách chữa trị lâu dài

Sau khi đã tìm ra lý do của sự sân hận, phải tìm cách tự chữa trị hoặc nhờ các tâm lý gia
(psychologue) các bác sĩ thần kinh tâm lý (neuro-psychiatre) giúp mình chữa trị. Nhưng chủ yếu phải là chính mình, không ai hiểu rõ mình hơn là chính mình, người khác chỉ trợ giúp từ bên ngoài.

Đối với người có tu tập thiền, khi tâm sân vừa mới sinh khởi, người ấy đã ghi nhận, hay biết ngay và do đó nó bị dập tắt ngay tức khắc, nhờ áp dụng quan sát trên 4 niệm xứ như trên (Thân,Thọ, Tâm, Pháp) TÂM SÂN là một tâm bất thiện, nó sẽ tạo ác nghiệp và gây đau khổ cho chính người ấy. Nếu để nó phát tán trong tâm, nó có thể gây tai hại cho những người chung quanh; đốt cháy hạnh phúc gia đình trong giây lát; chia rẻ tình cốt nhục, làm anh em ruột thịt từ bỏ nhau; bạn bè trở thành thù địch; xa hơn nó có thể gây xung đột đẫm máu và chiến tranh dai dẳng…

Trong các môn Tâm lý trị liệu, chỉ có liệu pháp nhận thức hành vi (thérapie cognito-comportementale) là có hiệu quả nhất:

– Nó giúp người bệnh nhận diện cách suy nghĩ, những tư tưởng của chính mình,, những sai lầm tư tưởng của mình.

– Nó dạy người bệnh thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cách diễn dịch các sự kiện, biết phân biệt đâu là đúng đâu là sai . Đức Phật há chẳng dạy chúng ta chánh tư duy là tư tưởng vượt thóat ý niệm về bản ngã, tư tưởng xa lìa dục lạc, xa lìa sự sân hận và bạo hành. Đại đức W. Rahula cũng đã viết: “Những tư tưởng mang tính chất dục vọng, ích kỷ, sân hận hay bạo động đều là kết quả của sự thiếu trí tuệ trong mọi lảnh vực của đời sống cá nhân, xã hội, chính trị (xem con đường thoát khổ W. Rahula).”

– Nó dạy người bệnh sân đâu là thái độ tiêu cực thù hận, và đâu là thái độ tích cực lành mạnh.Phải hành động (agir) trong bình tỉnh sáng suốt chớ không phản động  (réagir) trong mù quán và sân hận. Đức Phật há chẳng dạy chúng ta:

Nếu ai lấy oán báo thù
Oan oan tương báo thiên thu vạn sầu.
Từ tâm pháp hạnh nhiệm mầu,
Lấy ân báo oán, còn đâu hận thù”


(Pháp Cú Kinh)

         Bước thứ Năm: Phải rèn luyện tâm TỪ BI   

Hãy xem sự tích nữ gia chủ Vedehika (kinh Kakacupama sutta, Majjahima Nikaya): Trong thành Savathi, có nữ gia chủ tên Vedehika nổi tiếng tốt lành. Tiếng đồn rằng: bà là người hiền thục, khiêm tốn, trầm tỉnh. Bà có đứa tớ gái tên Kali rất siêng năng cần mẫn, đảm đang mọi việc trong nhà; nàng thường thức khuya dậy sớm, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ; không chê trách đâu được.

Một hôm người tớ gái nghĩ rằng: có thể bà chủ ta có tâm sân mà không phát sanh là do nhờ ta đảm đang chu toàn mọi việc trong nhà. Cô nảy sanh ra ý định thử thách bà chủ mình. Sáng hôm sau cô Kali thức dậy trễ. Nữ gia chủ gọi đứa tớ gái dậy và bảo:

– Này Kali, tại sao hôm nay ngươi dậy trễ, có bịnh hoạn gì không?

– Thưa bà con không có bịnh hoạn gì cả.

– Này nếu không có bịnh hoạn gì thì tại sao ngươi thức dậy trễ? Đứa tớ gái hư đốn kia. Ba ra vẻ tức giận, mặt mày hung dữ

Cô tớ gái muốn thử một lần nữa để hiểu rõ tâm địa bà chủ. Ngày hôm sau nữa, cô thức dậy trễ hơn hôm trước nữa. Bà chủ gọi đứa tớ gái dậy với giọng hằn học bực tức:

– Này Kali, tại sao mầy lại thức dậy trễ nữa?

– Thưa bà chủ có sao đâu!

Nghe vậy, bà chủ tức giận, mắng nhiếc chưởi rủa đứa tớ gái và lấy cây đánh trên đầu nó, khiến nó bể đầu, chảy máu đầm đìa.

Khi ấy đứa tớ gái chạy thoát sang nhà bên cạnh và tố cáo:

– Thưa bà con cô bác hãy xem hành động dã man của bà chủ Vedehika mà bà con cho là hiền thục, khiêm tốn,trầm tĩnh đây.

Về sau tiếng xấu của nữ gia chủ Vedehika lan truyền khắp mọi nơi.

Câu chuyện trên đây cho ta những nhận xét sau đây:

a/ Tâm sân không phát sanh, không phải là do nhẫn nại, mà là vì chưa gặp đối tượng trái ý nghịch lòng.

b/ Sự VÔ SÂN không đủ để tạo thành  NHẪN NẠI , phải có TÂM TỪ BI đi kèm. Nếu nữ gia chủ Vedehika có tâm từ bi đối với cô tớ gái Kali thì bà đâu có chưởi rủa đánh đập Kali bể đầu.

c/ Sự thiếu từ bi, nhẫn nại của bà chủ đã làm cho bà mất cả tiếng tâm và trở nên người độc ác, không khiêm tốn, không trầm tỉnh.

LÀM SAO TU TẬP TÂM TỪ BI?

1- Mỗi lần chúng ta được sống trong một hoàn cảnh hạnh phúc, hãy nghĩ tới những người đau khổ, bất hạnh hơn mình.

2- Mỗi lần chúng ta làm một việc phước thiện hữu lậu hay vô lậu, nên hồi hướng đến các bậc phi nhân và rãi tâm từ đến tất cả chúng sanh.

3- Sau mỗi thời kinh nhật tụng, chúng ta nên đọc bài KINH TỪ BI (Metta Sutta)

4- Sau mỗi buổi tham thiền, chúng ta nên rãi tâm từ đến tất cả mọi chúng sanh.

5- Thực hành THIỀN THA THỨ và THIỀN TỪ BI (niệm tâm từ). Thiền Từ Bi là một trong 4 pháp thiền hổ trợ cho thiền Minh Sát (Ba pháp kia là niệm Ân Đức Phật, niệm Thân Ô Trược và niệm về Sự Chết)

   Bước thứ sáu: chấp nhận và tha thứ

– Chấp nhận là đồng ý khuất mình dưới định luật nhân quả. Ngày hôm nay sở dĩ chúng ta bị đứng trước những cảnh khắc nghiệt, đớn đau tủi nhục là vì trước kia hay trong một tiền kiếp nào đó chúng ta đã gây ra những cảnh tương tợ cho người khác. Đức Phật còn bị vu oan lấy nàng Cinca có bầu, còn bị Đề Bà Đạt Đa lăn đá làm chảy máu. Định luật nghiệp báo không từ khước một ai.

– Khi bị mắng nhiếc chửi rủa chắc là phải có lý do. Nếu lý do đó đúng thì chúng ta phải cám ơn người đó đã cho chúng ta một bài học đích đáng và nên chấp nhận về sự sai sót của chính mình. Nếu lý do đó sai, chúng ta nên xem xét nhân cách, hành động, lời nói của người đã mắng chửi mình. Nhiều khi không cần phải biện mình vì chúng ta không thể trách tại sao một con rắn lại có nọc độc.

– Chấp nhận hoàn cảnh là chấp nhận sự gặp gở hội tụ của sự khắc nghiệt của hoàn cảnh hay sự độc ác của con người không do ý muốn của ta hay của ai cả; đây là sự sắp xếp của nhân duyên để cho những tác nhân nầy thi hành những định luật NHÂN QUẢ hay những định luật VÔ THƯỜNG, KHỔ, VÔ NGÃ và những định luật thiên nhiên khác. Cũng như ông Cunda đã dâng cho Phật bát cháo nấm cuối cùng đã làm cho Ngài trúng độc và bị kiết lị mà chết. Phật đã phải nhờ Ananda giải oan cho ông, để cho ông khỏi ăn năn hối hận và người đời không kết tội ông: “Này Cunda, ông thật có nhiều phước báu tốt đẹp. Ông sẽ hưởng được nhiều lợi lạc vì Đức Phật đã thọ thực lần cuối cùng với các món ăn do ông dâng cúng. Nghiệp tốt nầy sẽ trổ quả trong sự tái sanh thuận lợi, tuổi thọ cao, gặt hái nhiều may mắn, danh vọng, được hưởng phước báo trong các cỏi trời và trong cảnh vua chúa, quyền quí cao sang.”

– Khi Chấp nhận là chúng ta đã đi hết nữa con đường tha thứ: tha thứ là không sân, không còn giữ trong tâm tình cảm ghét giận, oán thù; không còn muốn trả đủa, trả thù, mà muốn xoá bỏ hận thù, muốn hoà giải với kẻ trước đây đã gây đau khổ cho mình và còn muốn giúp đở kẻ ấy thoát khỏi cảnh khó khăn khổ sở hiện tại. Liệu dân tộc Do Thái có tha thứ được cho dân tộc Đức và người VN hai bên Quốc Cộng có tha thứ được cho nhau?

Bước thứ Bảy: tu tập tâm xả

Trong ý nghĩa thông thường, xả là buông bỏ, không nắm giữ, không chấp trước. Trong Phật giáo xả mang 2 ý nghĩa chính là:

a/ Một trạng thái của tâm không vui, không buồn, không sướng, không khổ (một cảm giác trung tính thuộc THỌ UẨN).

b/ Một thái độ, một hành động vô tư, không luyến ái cũng không ghét bỏ. Nhìn đối tượng qua nguyên nhân và hậu quả của nó. (Đây là một tâm sở thuộc HÀNH UẨN)

Xả không phải là một thái độ dửng dưng, lạnh lùng, lảnh đạm “sống chết mặc bây, miễn là ta được bình an vô sự”

Xả cũng không phải là vô ký (không ghi nhận), là tính cách không tạo nghiệp của một loại tâm nào đó, như tâm Duy Tác của chư vị A LA HÁN hay các loại tâm quả.

Muốn tu tập tâm xả có 5 cách:

– Hành Bồ Tát Đạo với Thập độ Ba Ba Mật thì tâm xả là hạnh thứ 10 của một vị Bồ Tát.

– Hành Tứ Vô Lượng Tâm thì xả là tâm vô lượng thứ tư trong Từ, Bi, Hỉ, Xả.

– Hành Thiền Chỉ Tịnh thì khi đắc Tứ Thiền, tâm sẽ được thanh tịnh nhờ xả.

– Hành Thiền Tuệ Quán thì khi đắc đến tuệ thứ 11 là trạng thái Xả luôn luôn có mặt trong tâm hành giả.

– Hạng sơ cơ như chúng ta thì tập buông bỏ, không nắm giữ, không dính mắc, không chấp trước. Nếu tu tập thiền thì luyện giữ quân bình giữa 5 yếu tố : Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ.

KẾT LUẬN

Để kết luận, xin mượn lời của Đại Đức Hộ Pháp (1): “Đức nhẫn nại là vật trang sức của bậc Thiện Trí, là pháp hành của bậc Phạm Hạnh, là sức mạnh bảo vệ bậc xuất gia và tại gia, là thành luỹ vững chắc để tránh xa mọi ác nghiệp do thân, khẩu, ý”

Kiên nhẫn chính là sự tinh tấn được kéo dài và lập đi lập lại trong thời gian. Kiên nhẫn là nền tảng cho mọi thiện pháp, là cội nguồn của HẠNH PHÚC. Do đó được Đức Phật tuyên đọc trong bài kinh 38 điều hạnh phúc của chư thiên và nhân loại:

“Một nết hạnh nhẫn nhục,
Hai nết hạnh nhu hoà,
Ba được gặp các bậc Sa Môn,
Bốn tùy thời luận đạo,
Cả bốn điểu ấy là Hạnh phúc cao thượng.”

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Hạnh phúc an lành NHẪN NẠI– TK HỘ PHÁP- NXB TP Hồ Chí Minh

2- NHẪN, nghệ thuật sống yên bình : ALLAN LOKOS- dg TRUNG SƠN- NXB Tự Điển Bách Khoa

3- CHÂN ĐẾvà TỤC ĐẾ : Thiền sư THONDARA- dg TK KHÁNH HỶ

4-Phật học phổ thông- HT THÍCH THIỆN HOA- THPG Hồ Chí Minh

5- Đối trị tâm sân hận – tỳ khưu ni LIỄU PHÁP- www.budsas. org

6- Năm phương cách để đối trị sân hận- Ni sư AYYA KHEMA- DIỆU LIÊN dịch-nt-

7- Bồ Tát Đạo và 10 Pháp Balamật- BS NGUYỄN TỐI THIỆN

8- Những giáo lý căn bản của đạo Phật – BS NGUYỄN TỐI THIỆN

9- Thất giác chi – BS NGUYỄN TỐI THIỆN

10- Những bài kinh trích từ Tam Tạng Nikaya

– Choisir les pensées supérieures (Vitakkasanthana Sutta, Majjhima Nikaya,20)

– Khantivadi (bộ Jataka, phần Catukanipata)

– Đại Đức Punna (Punnovada Sutta, Majjhima Nikaya)

– Đức vua Trời Sakka (kinh Pathamadeva Sutta, Samiyutta Nikaya)

– Nữ gia chủ Vedehika (kinh Kakacupanna Sutta, Majjhima Nikaya)

– Hoàng hậu Mallika (Mallika Sutta, Catukanipata, Angutara, Nikaya)

11-La force des émotions – François LELORD, Christophe ANDRÉ – Odile Jacop.

NGUYỄN TỐI THIỆN