.
.

Đức Phật giảng, trên đời có 4 kiểu người, kiểu cuối cùng đáng thương nhất


Một hôm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni triệu tập các đệ tử lại và thuyết giảng. 

Đức Phật từ bi hướng mắt nhìn chúng tăng, hé mở miệng châu, giảng:

“Ở trên đời, có 4 loại ngựa. Loại thứ nhất là loại ngựa tuyệt hảo. Nó chạy rất nhanh và có thể chạy khoảng 1.000 dặm (khoảng 500 cây số) một ngày. Ngay khi người chủ nhấc roi lên, nó sẽ biết là chạy hay dừng lại.

Loại thứ hai là loại ngựa tốt. Khi người chủ nhấc roi lên, nó không chạy ngay. Nhưng khi roi đụng vào mình nó thì nó sẽ hiểu và chạy. Mạnh mẽ và nhanh chóng, nó vẫn là một loại ngựa tốt.

Loại thứ ba là loại ngựa bình thường. Nó không làm theo lệnh của chủ ngay cả khi bị quất roi. Chỉ khi người chủ điên lên và quất mạnh vào nó thì nó mới chạy.

Loại cuối cùng là loại ngựa kém. Nó không chạy ngay cả khi bị quất roi mạnh. Người chủ không còn cách nào khác phải vụt thật mạnh làm nó đau thấu xương. Sau đó con ngựa bị thương sẽ biết chạy nhanh”.

Ở trên đời, có bốn loại ngựa tương tự cũng như trên đời có bốn kiểu người với bốn tính cách khác nhau. (Ảnh: five.vn)

Đức Phật đưa mắt nhìn một lượt chúng đệ tử, rồi lại giảng tiếp: “Người ta sống trên đời cũng vậy, chia thành 4 kiểu. Kiểu thứ nhất biết được bản chất vô thường của cõi hồng trần. Họ tinh tấn, nỗ lực để trở thành sinh mệnh mới. Họ giống như loại ngựa thượng hạng.

Kiểu thứ hai không được nhanh nhạy lắm. Nhưng sau khi chứng kiến cuộc sống thế gian hoa nở hoa tàn, trăng tròn rồi khuyết, đời người lúc thăng lúc trầm, cũng kịp thời tự mình thúc giục, không dám buông lơi. Họ giống như loại ngựa tốt.

Kiểu thứ ba phải mất nhiều thời gian hơn để tu tập. Ngộ tính cũng kém hơn. Chỉ đến khi thân quyến chịu thống khổ hoặc chính bản thân họ gặp tai ương thì mới bắt đầu tỉnh ngộ và thiện đãi sinh mệnh.

Kiểu cuối cùng là những người không chịu hối tiếc, thức tỉnh. Cho đến khi thân đang trong nạn, nghiệp bệnh đầy thân, ốm nặng liệt gường, đang trên bờ vực cái chết mới mong muốn một cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Nhưng rất có thể mọi chuyện đã muộn, cơ hội đã qua đi rồi”.

Bài giảng khai thị về con người và ngộ tính của đức Phật. (Ảnh: Pinterest)

***

Đời người tựa như ánh chớp đêm dông, thoáng qua một chốc là trăm năm đi đến tận cùng. Có những người dành cả đời theo đuổi lợi danh, tình ái, bạc tiền, quyền lực, khi ngoảnh lại thấy tháng ngày đã cạn, lúc ấy thực không khỏi giật mình, bàng hoàng. Phật gia giảng, con người sống trong bể khổ, sinh mệnh chân chính là phải quay trở về chứ không phải mê trong cõi tình nhân gian. Nhưng thử hỏi mấy ai thấu hiểu được đạo lý ấy?

Người có ngộ tính tốt, thấu hiểu cuộc sống tạm bợ chốn trần ai, một lòng hướng thượng, trở về với vĩnh hằng sinh mệnh của mình, quả thực không có bao nhiêu. Còn người mê trong chốn tục, chạy theo dục tình, quên cả đường về, chính là nhiều không kể xiết. Đó chính là loại người thứ ba và thứ tư mà Đức Phật nhắc đến vậy.

Nhân sinh như giấc mộng, một sớm mai tỉnh ra tàn lụi. Việc đời như nước chảy về đông mãi không dừng lại. Kiếp người vốn đầy tiếc nuối, nếu chẳng mau quay về thì ngàn kiếp hãy còn ôm hận trong 6 nẻo luân hồi vậy thôi.

Tham khảo: chanhkien.org
Văn Nhược