.
.

Đèn trời rực sáng thánh địa Phật giáo trong lễ Phật đản


Tối 29-5, tại Thánh địa Phật giáo Borobudur (Indonesia) hàng nghìn Tăng Ni, Phật tử đã tham dự ngày Lễ Phật đản (15-4 âm lịch) và cùng nhau thực hiện nghi thức thả đèn trời.


Hàng trăm chiếc đèn trời được thả tại Thánh địa Phật giáo một thời Borobudur
Buổi lễ kính mừng Phật đản (ngày sinh của Đức Phật) bắt đầu từ 8 giờ sáng, mở đầu là màn diễu hành xe hoa rước xá-lợi Phật, lửa thiêng, nước Thánh từ Mendut tới thánh địa Phật giáo Borobudur, khoảng cách ước chừng 3km. An ninh đã được chính quyền Indonesia siết chặt, đặc biệt là sau vụ khủng bố tại Surabaya làm 10 người chết và hơn 40 người bị thương.

Borobudur là công trình Phật giáo có niên đại từ thế kỷ thứ 9 và đã được UNESCO xếp hạng là di sản thế giới. Tại đây, hàng trăm vị chư Tăng cùng các Phật tử vân tập để tụng kinh trong một nghi lễ gọi là “Pradaksina”. Các Phật tử mừng lễ Phật đản bằng cách cầu nguyện cho việc an lành mưa thuận, gió hòa, được mùa bội thu, đất nước hòa bình và thịnh vượng.

Tại Indonesia, Phật đản là ngày lễ hội cấp Quốc gia và là ngày nghỉ lễ, vì thế sự kiện này cũng thu hút rất nhiều du khách quốc tế tham dự.

Nghi thức thả đèn trời được coi là hoạt động cuối cùng trong ngày Phật đản – diễn ra vào tối muộn trong ngày. Trước khi thả đèn trời, mọi người sẽ viết các ước nguyện của mình dán vào đèn lồng rồi thả lên trời với tâm nguyện lời thỉnh cầu của mình sẽ đến được tới Đức Phật.

Với dân số khoảng 260 triệu người, Indonesia là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á cũng như là quốc gia có số dân theo Hồi giáo lớn nhất thế giới. Hiện nay số người theo Phật giáo tại Indonesia chiếm chưa tới 1% dân số nước này.

Trước khi thả đèn trời, mọi người sẽ viết các ước nguyện của mình dán vào đèn lồngrồi thả lên trời với tâm nguyện, thỉnh cầu của mình sẽ tới được Đức Phật 
Đèn trời hay thiên đăng còn gọi là đèn Khổng Minh, là loại đèn làm bằng giấy, dùng để thả cho bay lên trời sau khi đốt đèn. Đây là loại đèn truyền thống của các nền văn hóa Đông Á. Đèn do Gia Cát Lượng tự Khổng Minh sống ở thời Tam Quốc phát minh ra

Các nhà sư cùng với các Phật tử cùng nhau thả
một chiếc đèn trời trong ngày lễ Phật đản – Ảnh: Nguyễn Khánh

Lễ Phật đản được tổ chức trang trọng tại Thánh địa Phật Giáo Borobudur thu hút sự tham gia của hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan – Ảnh: Nguyễn Khánh

Các nhà sư đang làm lễ tại ngôi chùa cổ Mendut trước khi di chuyển đến
Thánh địa Borobudur, chùa Mendut được xây dựng cách đây hơn 1.000 năm – Ảnh: Nguyễn Khánh

Các vị cao tăng cùng với các Phật tử đang làm lễ tại chùa Mendut – Ảnh: Nguyễn Khánh

Đến tham dự Đại lễ Phật đản còn có nhiều “Phật tử” nhỏ tuổi,
đây là các học sinh đến từ nhiều trường phổ thông tại Indonesia – Ảnh: Nguyễn Khánh

Các thiếu nữ đang thực hiện nghi lễ “nhiễu” hay “nhiễu hành”, lễ nhiễu Phật có nghi thức là người Phật tử đi ba vòng ngôi chánh điện, hoặc ngôi bảo tháp xá-lợi, hoặc tượng đài Phật lộ thiên, đi vòng phía hữu, theo chiều kim đồng hồ. Đây là một nghi thức bày tỏ sự cung kính, thương yêu, quí trọng – Ảnh: Nguyễn Khánh

Các nhà sư vẩy “nước Thánh” cho những người dân
hai bên đường để cầu may mắn và bình an – Ảnh: Nguyễn Khánh

Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Indonesia – ông Imam Nahrawi (áo đỏ) vẫy chào các nhà sư, sau khi thực hiện xong các nghi lễ tại di tích Phật giáo Mendut, các đại biểu sẽ di chuyển đến Thánh địa Borobudur nơi diễn ra các sự kiện chính của Đại lễ Phật đản – Ảnh: Nguyễn Khánh

Lực lượng Cảnh sát chống khủng bố của Indonesia
có mặt khắp nơi để đảm bảo an toàn cho Đại lễ Phật đản – Ảnh: Nguyễn Khánh

Bật lửa và các dụng cụ dễ cháy nổ đều bị giữ lại trước khi
vào nơi diễn ra các sự kiện của Đại lễ Phật đản – Ảnh: Nguyễn Khánh

Các nhà sư Thái Lan đang thực hiện nghi lễ “nhiễu hành”
vào lúc bình minh tại Thánh địa Phật giáo Borobudur – Ảnh: Nguyễn Khánh

Nguyễn Khánh