Cuộc phá hủy nhiều bức tượng Phật 1.500 năm dưới bàn tay của Taliban hồi năm 2001 hiện giờ đã mở ra một dự án bảo tồn bằng thực tế ảo dưới sự hỗ trợ của Google.
Dự án Di sản Mở nhằm tái tạo lại nhiều di tích lịch sử khắp thế giới bằng công nghệ thực tế ảo để bảo tồn bằng số hóa những đặc trưng của di tích đã bị tàn phá bởi chiến tranh, thiên tai và xói mòn tự nhiên.
Được phát kiến bởi tổ chức phi lợi nhuận CyArk, dự án này nhận được sự hỗ trợ tích cực của Google Art & Culture để đưa bộ sưu tập các di sản này lên mạng internet.
“Với công nghệ hiện đại chúng ta có thể quay, chụp các di tích này với những chi tiết đầy đủ hơn trước kia rất nhiều, gồm cả màu sắc và họa tiết trên bề mặt cũng như ghi lại thông số hình học bằng các máy scan laser với độ chính xác đến từng millimet trong môi trường 3D”, Chance Coughenour, quản lý chương trình của Google Arts & Culture viết trên blog.
“Những chi tiết được scan cũng sẽ được sử dụng để xác định những chỗ bị hư hại và hỗ trợ công tác phục dựng”.
Sau khi chứng kiến những bức tượng Phật ở Bamiyan (Afghanistan) bị phá hủy trên TV, người sáng lập CyArk, Ben Kacyra đã bắt đầu lưu trữ thông tin nhiều di tích bằng công nghệ kỹ thuật số để họ có thể bảo tồn cho các thế hệ tương lai.
Từ khi sáng lập CyArk năm 2003, tổ chức phi lợi nhuận này đã lưu trữ thông tin của hơn 200 di tích trên toàn thế giới. Với việc chia sẻ chúng bằng công nghệ thực tế ảo, Kacyra hy vọng truyền đạt được quy mô và sức hấp dẫn của các di tích này đến mọi người.
“Chúng tôi nỗ lực để chia sẻ dữ liệu một cách đầy đủ nhất, gồm cả những trải nghiệm hùng vĩ sống động nhất bằng thực tế ảo để truyền đạt sức mạnh của những di tích này, giúp những người chưa bao giờ có cơ hội trải nghiệm cũng như kích thích những người khác tham gia vào hành trình khám phá này”, thông tin trên website của CyArk.
Một số di tích nổi tiếng đã được CyArk quay, chụp dữ liệu gồm đền Parthenon (Hy Lạp), Chichén Itzá (Mexico), Petra (Jordan), núi Rushmore (Mỹ) và Nhà hát Opera Sydney (Úc).
Dân Nguyễn (Dịch từ Independent)