.
.

Thiền tông bất lập văn tự (P.1)


Điều ngạc nhiên là, trong hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời, không nói gì tới Tứ Đế, mà chỉ nói tới khổ và lìa khổ. Nghĩa là, chúng ta có thể đoán rằng, trong các năm đầu tiên, Đức Phật dạy Nhị Đế (khổ và lìa khổ), và nhiều năm sau mới soạn lại thành Tứ Đế. Cũng có thể vì khi dạy quý tăng chúng trong các năm đầu chủ yếu là đối cơ, tùy căn cơ mà dạy.


Bài viết này sẽ khảo sát một số thắc mắc thường gặp về Thiền Tông, hy vọng sẽ tiện dụng cho một số độc giả còn nhiều nghi vấn. Những chỗ cần tham khảo, xin dò theo ký số kinh bản, hay dò theo các liên kết cuối bài. Một số câu sẽ được ghi kèm tiếng Anh để độc giả thấy ngay trước mắt không phải tạm ngưng để dò bản tiếng Anh trên mạng. Bài này sẽ tập trung vào khía cạnh thực dụng lời Đức Phật dạy, và sẽ viết rất mực đơn giản ở mức có thể có. Trong phần Ghi Chú cuối bài, độc giả sẽ thấy các ký số không bình thường, vì bài này được viết đi, viết lại nhiều lần, và khi cần ghi chú thêm giữa bài, đành chọn cách ghi số xen vào.

Bài viết này có vài chỗ sẽ gây suy nghĩ phức tạp, nhưng người viết hoàn toàn không có ý muốn tranh luận, vì tự biết mình tu học chưa tới đâu, và cũng vì chỉ muốn giải thích Phật pháp qua những khía cạnh có thể thực tập tức khắc, để độc giả có thể kinh nghiệm ngay trên thân và tâm trong thời gian nhanh nhất. Mọi sai sót xin được sám hối và chỉ dạy.

Nói giải thoát, chỉ đơn giản là xa lìa tham sân si. Nói Thiền Tông là bất lập văn tự, vì không dùng lời nói hết được, vì lời nào cũng vướng vào nhị nguyên đúng/sai, có/không. Chỉ duy Đức Phật mới đủ biện tài để dùng lời siêu việt vượt mọi vướng mắc ở ba cõi. Đặc biệt, Thiền Tông và cả hệ thống Bát Nhã của ngài Long Thọ, đều là từ những lời dạy đầu tiên của Đức Phật trong những năm đầu Thế Tôn hoằng pháp. Lúc đó, các vị sa môn trong những năm đầu đã đọc tụng hàng ngày một số kinh, trong đó hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời, khi Đức Phật sinh tiền, là:

– Nhóm kinh nhật tụng thứ nhất là Atthaka Vagga (Kinh Tập trong Tiểu Bộ Kinh, phần thứ tư, còn gọi là ‘The Octet Chapter’ tức Phẩm Tám).

– Nhóm kinh nhật tụng thứ nhì là Parayanavagga (Kinh Tập trong Tiểu Bộ Kinh, phần thứ năm, còn gọi là ‘The Chapter on the Way to the Far Shore’ tức Phẩm Qua Bờ Bên Kia).

Dẫn chứng hai nhóm kinh này dùng cho tứ chúng thời Đức Phật làm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời đã giải thích trong “Vài Ghi Chú Rời Về Thiền” (1), nơi đây sẽ thảo luận khía cạnh khác.

Sự thật của vũ trụ, hay sự thật của chúng sinh ba cõi (Dục, Sắc, Vô Sắc), là Bốn Sự Thật, hay Tứ Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), có khi còn tắt là Hai Sự Thật, hay Nhị Đế (Khổ, Diệt Khổ). Phương pháp lìa khổ là Bát Chánh Đạo, hay đường đi có 8 chi, nằm trong Đạo Đế.

Điều ngạc nhiên là, trong hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời, không nói gì tới Tứ Đế, mà chỉ nói tới khổ và lìa khổ. Nghĩa là, chúng ta có thể đoán rằng, trong các năm đầu tiên, Đức Phật dạy Nhị Đế (khổ và lìa khổ), và nhiều năm sau mới soạn lại thành Tứ Đế. Cũng có thể vì khi dạy quý tăng chúng trong các năm đầu chủ yếu là đối cơ, tùy căn cơ mà dạy.

Trong hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời cũng không nói gì tới Bát Chánh Đạo, nghĩa là, không sắp theo trật tự 8 chi như bây giờ chúng ta học, tuy rằng tất cả nội dung Bát Chánh Đạo đều rải rác, có đầy đủ qua các kinh nhật tụng này. Chủ yếu phương pháp tu là, tùy theo kinh trong hai nhóm kinh này: xa lìa cả Hữu và Vô, xả ly (buông bỏ sắc thọ tưởng hành thức ở cả ba thời, quá, hiện, vị lai), giữ tâm vô sở trụ, thấy các pháp là vô ngã, là vô thường, là Không, là như huyễn… Nghĩa là, hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời thuần túy là Thiền Tông (mà chúng ta còn gọi là Thiền Đạt Ma, Thiền Đông Độ, hay tại Việt Nam có khi còn quen gọi là Thiền Trúc Lâm, vì dòng này lớn nhất và ảnh hưởng nhất tại VN). Bài này sẽ khảo sát thêm các ý vừa nói.

Cũng bất ngờ là, hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời này không sử dụng chữ A La Hán hay các bậc Thánh, cũng không phân chia thứ bậc Tứ Thánh, như hiện nay chúng ta học là:

Sơ quả Tu-đà-hoàn, Nhị quả Tư-đà-hàm, Tam quả A-na-hàm, Tứ quả A-la-hán. Nghĩa là, những năm đầu hoằng pháp, Đức Phật không dùng các chữ vừa ghi.

Lấy thí dụ như ở Phẩm Tám, Kinh Snp 4.2 gồm tám bài kệ, trong đó hai đoạn cuối kinh, bài kệ số 778 và bài kệ 779, có 2 chữ để chỉ người đã giải thoát.

Bản dịch Khantipalo (1) theo thứ tự hai bài kệ 778 và 779, dùng chữ: “the sage” (hiền giả), “the wise” (trí giả).

Bản dịch Thanissaro Bhikkhu (1), tương tự, dùng chữ: “the enlightened person” (người giác ngộ), “the sage” (hiền giả).

Bản dịch Bhikkhu Bodhi (1), tương tự, dùng chữ: “the wise person” (người trí tuệ), “the muni” (người tịch tịnh).

Bản dịch Bhante Varado (1), tương tự, dùng chữ: “the wise person” (người trí tuệ), “the sage” (hiền giả).

Tương tự, đọc toàn bộ gần 40 bài kinh trong hai nhóm kinh nhật tụng sơ thời, không hề thấy chữ “A La Hán”, cũng không thấy dạy về pháp thở, không dạy những gì cần tới con số thứ tự. Chúng ta không biết chính xác vì sao. Có thể suy đoán rằng, Đức Phật yêu cầu tứ chúng hàng ngày đọc tụng hai nhóm kinh đó, vì thời xa xưa chưa có chữ viết, và không nhiều người dân có học – lúc đó, giai cấp thượng lưu là Bà La Môn và Sát Đế Lợi mới được học để cai trị đất nước – nên lời dạy cần trực tiếp, nói thẳng vào tâm người. Có thể, nhiều năm sau, Đức Phật mới sắp xếp theo các pháp số. Chúng ta chỉ tạm suy đoán như thế, vì nghiên cứu này xin để cho các học giả. Điều muốn nói nơi đây rằng, Thiền Tông là phần lớn trực tiếp từ hai nhóm kinh này, trong khi vài trăm năm sau mới có chuyện Nam Truyền và Bắc Truyền.

Các pháp như huyễn

Đức Phật đã dạy rằng tất cả những gì ý thức chúng ta nhận biết, nghĩ ngợi, tư lường thực ra đều là sản phẩm dựng lên như trò ảo thuật. Trong Tương Ưng Bộ, có Kinh SN 22.95 có thể tóm tắt như sau: Sắc y hệt như đống bọt nước, Thọ như bong bóng nước, Tưởng như tia ráng nắng, Hành như lớp vỏ cây chuối, Thức như ảo thuật gia dựng lên đủ thứ hình ảnh… Hãy tu như lửa đang cháy trên đầu, hãy tỉnh giác đêm ngày nhìn thấy các uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều rỗng rang, và hãy xả ly tất cả các pháp, rồi sẽ chứng được cảnh bất động, bất khả hư hoại. (Bhikkhu Bodhi dịch là: the imperishable state; Thanissaro Bhikkhu dịch: the state with no falling away; Piya Tan dịch: the death-free state). Đó là Kinh SN 22.95. Nghĩa là, thấy trước mắt, bên tai, toàn thân toàn tâm, trong và ngoài, đều rỗng rang, đều như huyễn. Nhưng khi ly huyễn xong, sẽ là cảnh bất động của Niết Bàn.

Kinh rất mực đơn giản, yêu cầu ngày đêm giữ tâm nhìn tất cả các pháp như ráng nắng, như trò ảo thuật, trong đó phần đầu y hệt Bát Nhã Tâm Kinh, phần sau là giữ tâm xả ly, y hệt lời dạy “buông xả cả thân tâm” (thân tâm phóng hạ) trong Thiền Tào Động. Pháp xả ly này cũng có nghĩa là tâm vô sở trụ, nghĩa là, như Kinh Kim Cương để thấy không có chỗ nào cho tâm an trụ, hay như Kinh Tiểu Không ghi lời Đức Phật rằng nhờ an trú Không cho nên an trú rất nhiều.

Trong Bắc Tông, Kinh Viên Giác ghi lời Đức Phật trả lời Bồ Tát Phổ Hiền rằng khi thường trực giữ tâm nhận biết các pháp như huyễn, sẽ không cần phương tiện tu hành gì khác, và biết huyễn là pháp trực tiếp không có thứ bậc, vì tức khắc không tham sân si nào vướng nữa: tri huyễn tức ly, bất tác phương tiện, ly huyễn tức giác, diệc vô tiệm thứ…. biết các pháp hóa hiện như huyễn tức khắc đạt xả ly, chẳng khởi phương tiện gì, xả ly các huyễn tức là tỉnh giác, cũng không có tu tập thứ lớp…

Trong Tạng Pali, Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) để lại bài kệ “Guhatthaka-suttaniddeso: Upon the Tip of a Needle” mô tả rằng tất cả các pháp trong ba cõi, cả thân tâm (sắc thọ tưởng hành thức) đều đang chảy xiết qua các khoảnh khắc thời gian, y như điểm tiếp giáp của một hạt đậu rất nhỏ đặt lơ lửng trên đầu một mũi kim:

Those who have been born are standing

Like a seed upon a needle. (1)

(Dịch: Những người đã sinh ra, đang đứng đây y hệt như một hạt mè lơ lửng trên đầu một mũi kim.)

Hễ cảm nhận các pháp trôi chảy như thế, đó là thấy như huyễn. Trong cái nhìn đó, hễ khởi tâm gì đi nữa, cũng sẽ làm mất cảm nhận về dòng chảy như huyễn. Khi cảm nhận như huyễn trôi chảy qua thân tâm mình như thế, không có gì khác cần làm nữa, vì lập tức là ly nhất thiết pháp. Khi cảm nhận dòng vô thường trôi chảy trên toàn thân như thế, trôi chảy xuyên qua khắp toàn thân mình, cũng có thể gọi đó là “niệm vô thường” và cũng có thể gọi là “niệm toàn thân, và là niệm toàn tâm” vì lúc đó thân và tâm sẽ thấy như là một, nhưng không hề một hay nhiều, không hề có “tôi” hay “người” và tất cả chỉ là dòng thời gian trôi chảy trên toàn thân. Thiền Tào Động Hoa Kỳ thường dùng chữ “body practice” khi diễn giải lời của Thiền sư Dogen (1200 – 1253) rằng: mindfulness of the body is the body’s mindfulness (tỉnh thức niệm về thân cũng chính là niệm tỉnh thức của thân), nghĩa là toàn thân da xương máu thịt đang tự tỉnh thức, tự niệm. Ai cũng có thể tập pháp này, chỉ cần cảm nhận toàn thân lặng lẽ trong khi tất cả vô thường chảy xiết toàn thân, như điểm tiếp giáp của hạt đậu trên đầu mũi kim. Tức khắc tự nhiên ngôn ngữ biến mất, không nghĩ ngợi gì được, dù là nghĩ chuyện hôm qua, ngày mai hay hiện tại, và tất cả nghĩ ngợi vắng bặt, vì hễ nghĩ ngợi là sẽ mất cảm nhận về dòng vô thường trên toàn thân. Nghĩa là, bất tác phương tiện.

Chỗ này nên giải thích thêm, rằng Thiền Tông xem thân và tâm là một thể. Tạng Pali có Kinh SN 12.67ghi lời Đức Phật so sánh với bó cỏ tranh (có sinh tức có danh-sắc, tức có thức, tức có sáu căn, tức có xúc, tức có thọ, tức có tham luyến say mê, tức có già chết đau khổ…). Và khi rút một cọng tranh ra, dù là cọng tranh nào, rồi cả bó cỏ tranh sẽ sụp đổ (If one were to pull away one of those sheaves of reeds, the other would fall; if one were to pull away the other, the first one would fall) dù đó là xả ly và tịch diệt thức (consciousness) hay tịch diệt hành (fabrications). Thiền Tông xem khắp thế giới này (trong và ngoài) đều là kinh nghiệm của thân tâm; không phải là không có thể giới bên ngoài, nhưng, để thí dụ, như “mây xanh, gà gáy” chỉ là  “cái được thấy và cái được nghe”… Và thế thôi. Như thế, Thiền Tông là sống với kinh nghiệm về toàn thể thế giới (trong và ngoài) y hệt như Kinh Bahiya. Ngay khi kinh nghiệm như thế, ngôn ngữ vắng bặt; có nói gì cũng không trúng.

Einstein: Tất cả đều như huyễn

Các nhà khoa học cũng nói sau Đức Phật hơn hai ngàn năm rằng tất cả các pháp đều như huyễn, như mộng.

Nhà khoa học Albert Einstein trong lá thư gửi người bạn thân Robert S. Marcus năm 1950 đã viết rằng “ảo giác quang học của ý thức” đã phóng chiếu ra kinh nghiệm của từng người. (2)

Trong lá thư khác, gửi cho gia đình nhà vật lý Michele Angelo Besso năm 1955, khi Besso từ trần, Einstein an ủi gia đình người bạn thân đó, trích: “Bây giờ, anh bạn tôi đã rời thế giới kỳ lạ này một chút trước tôi. Như thế không có nghĩa gì cả. Những người như chúng tôi, những người tin vào môn vật lý, biết rằng sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai chỉ là một ảo giác cứ mãi không tan.” (2)

Có nghĩa là: Einstein nói rằng phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai là ảo giác. Câu hỏi nơi đây là, Phật Giáo nói gì về thời gian?

Nếu chỉ dựa theo Kinh, sẽ thấy Đức Phật có nói về ba thời, rằng hãy buông bỏ tất cả các uẩn (sắc thọ tưởng hành thức) trong quá khứ, tương lai, và hiện tại. Tích truyện Kinh Pháp Cú, kệ 348, ghi về chàng trai Uggasena trong đoàn xiếc làm trò, đứng trên đỉnh một cây gậy, giữa thị trấn Rajagaha. Đức Phật tới gần, nói với chàng: “Uggasena, người trí nên buông bỏ tất cả dính mắc tới các uẩn, và phải tìm giải thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử.”

Rồi Đức Phật đọc bài kệ 348: “Hãy buông bỏ quá khứ, hãy buông bỏ tương lai, hãy buông bỏ hiện tại. Đạt tới mức cuối của cuộc sinh tồn, với tâm xa lìa tất cả các pháp hữu vi, con sẽ không trở lại sinh tử nữa.” (3)

Tức khắc, Uggasena, trong khi còn đứng trên đầu gậy, đắc quả A La Hán. Chàng trai nhảy xuống, và xin xuất gia theo Đức Phật.

Thời gian thứ tư là “phi thời gian” là khi Đức Phật nói về Niết Bàn. Đó là vĩnh cửu.

Thời gian này là thường hằng, là an lạc, là thanh tịnh — như ghi trong nhóm Kinh Như Thị Thuyết, Itivuttaka 43, Việt dịch trích như sau:

Giải thoát ra khỏi [sinh tử] là hạnh phúc,

Vượt ngoài lý luận, cái thời gian vĩnh cửu,

Cái không sanh khởi, không tạo tác

Không hề sầu khổ, không hề nhiễm ô

Tịch diệt tất cả những gì liên hệ tới khổ

Vắng tất cả các duyên khởi — rất mực an lạc. (3)

Cái thời gian vĩnh cữu trong bài kệ trên, Thanissaro Bhikkhu dịch là: The escape from that is calm, permanent; John D. Ireland dịch là: The escape from that, the peaceful, Beyond reasoning, everlasting…

Như thế, dựa theo Kinh, sẽ thấy có 4 loại thời gian. Tuy nhiên, trong các bộ luận, như Abhidhamma, thời gian phân chia phức tạp hơn; nhưng đó là chuyện của các luận sư. Như thế, trong khi chúng ta đi đứng nằm ngồi, hãy buông hết tất cả những gì dính tới ba thời.

Tu pháp này cực kỳ hạnh phúc. Sẽ thấy toàn thân, toàn tâm, toàn thế giới như dường là một thể trong dòng phi thời gian, bất kể chúng ta đang đi đứng nằm ngồi. Sách Trung Luận của ngài Long Thọ (Nagaruna), bản Việt dịch của HT Thích Thiện Siêu, ghi bài kệ về “Quán Sát Về Đi Đến” là:

“Lúc đã đi thì không có đi, lúc chưa đi thì cũng không có đi, lìa ngoài đã đi và chưa đi, lúc đang đi cũng không có đi.” (3)

Cũng là diễn lại Kinh Pháp Cú, Kệ 348 đã nói trên, khi tất cả các pháp trở thành một hiện thể thực tướng, là vô thường, và là Phật Tánh hiện ra trước mắt, bên tai – trôi chảy, nhưng vẫn là bất động. Bước đi trong cái không đi, cực kỳ hạnh phúc. Trong khi thấy ba thời vắng lặng, tự nhiên tâm sẽ lặng lẽ, sẽ không dấy động, bất kể mình đang bước đi. Ai cũng có thể tập pháp này: buông hết cả ba thời. Cũng có nghĩa là, nói theo Thiền Tông: bên ngoài lìa tướng, bên trong chẳng loạn.

Bồ Đề Đạt Ma: Không vướng trong ngoài

Tới đây, có một thắc mắc: chàng trai Uggasena trong khoảnh khắc trở thành A La Hán, như thế Bồ Đề Đạt Ma, sơ tổ Thiền Tông, theo truyền thuyết ngồi 9 năm nhìn vách đá trên núi Thiếu Thất. Chúng ta thường nghe, thường đọc rằng pháp tu của Thiền Bồ Đề Đạt Ma truyền dạy là không có pháp nào để tu hết, vì là buông nhất thiết pháp… Vậy thì, Ngài ngồi làm gì?

Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, nơi Cửa Thứ Ba là Nhị Chủng Nhập, phần Xứng Pháp Hạnh có bài kệ, với 4 câu đầu là:

Ngoại tức chư duyên

Nội tâm vô ĐOAN

Tâm như tường bích

Khả dĩ nhập đạo.

(Ghi chú để xin một số trang web và nhà xuất bản dò lại giùm: trong câu thứ nhì nêu trên, chữ “ĐOAN” không có dấu nặng; một số trang web tiếng Việt đánh máy sai chính tả là:

nội tâm vô ĐOẠN.)

Tạm dịch:

Ngoài, dứt hết các duyên

Trong, không tư lường dính mắc

Tâm hệt như tường vách

Mới có thể vào đạo.

Khi dạy như thế, Ngài Bồ Đề Đạt Ma đã vâng lời Đức Phật, rằng: hãy để tâm lặng lẽ, không dính gì tới trong hay ngoài, và đó là kết thúc sinh già bệnh chết. Thế nào là “tâm như tường vách”? Vô tướng mới thực là tường vách, vì vô tướng là lìa sanh diệt, bất khả hư hoại.

Trong Trung Bộ, Kinh MN 138, bản tiếng Việt của Hòa Thượng Thích Minh Châu ghi lời Đức Phật dạy ngắn gọn:

“Thế Tôn nói như sau:

Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối. Này các Tỷ-kheo, nếu thức đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh, già, chết trong tương lai.

Thế Tôn nói như vậy. Nói như vậy xong, Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy rồi bước vào tinh xá.” (4)

Bản Anh dịch của Ni Trưởng Uppalavanna, đọc y hệt 4 câu kệ trên của Bồ Đề Đạt Ma:

“…the Blessed One said thus. `Bhikkhus, in whatever manner the bhikkhu examines, he finds his external consciousness is not scattered, internally is not settled and without a holding is not worried. Bhikkhus, when the bhikkhu’s external consciousness is not scattered, internally is not settled and without a holding is not worried, there would not be to him future arisings of birth, decay, death and unpleasantness,’ The Blessed One said thus, got up from his seat and went to his dwelling…” (4)

Trong khi HT Thích Minh Châu trong đoạn trên dùng chữ “thức” để chỉ hướng ra ngoài và chữ “tâm” chỉ hướng vào trong, các bản Anh văn chỉ dùng một chữ “consciousness” (thức) cho cái biết về cả ngoài và trong.

Bản của Thanissaro Bhikkhu dịch là: “…his consciousness neither externally scattered & diffused, nor internally positioned…” (thức của vị đó không phân tán và phan duyên ra ngoài, mà cũng không trụ bên trong…)

Như thế, Đức Phật nơi kinh này dùng chữ “thức” thay cho chữ chúng ta thường gọi là “niệm” (thought) – tức một đơn vị diễn biến của tâm.

Bài kệ của Bồ Đề Đạt Ma và Kinh MN 138 dẫn trên cho thấy chỉ để tâm lặng lẽ, trong ngoài không vướng như thế thôi, là tròn đầy giới định huệ. Tâm lặng lẽ là định, thấy rõ trong ngoài mà không vướng là huệ. Nếu tâm không được như thế, bấy giờ mới bàn chuyện phải tu cái gì, phải hành cái gì.

Lục Tổ Huệ Năng cũng nói tu pháp vô tướng nghĩa là không vướng gì tới tất cả trong ngoài. Kinh Pháp Bảo Đàn, bản dịch của Thầy Thích Duy Lực, Phẩm Tọa Thiền viết:

“Thiện tri thức, nếu người tu theo pháp chẳng động, khi thấy mọi người mà chẳng thấy tất cả thị phi, thiện ác, lỗi lầm của người, tức là tự tánh chẳng động… Thiện tri thức, sao gọi là THIỀN ĐỊNH? Bên ngoài lià tướng là THIỀN, bên trong chẳng loạn là ĐỊNH.” (4)

Thực sự, trong với ngoài chỉ là tạm nói,  vì khắp thế giới trong ngoài chi là những gì hiện ra trong kinh nghiệm của tâm mình thôi.

Nguyên Giác (còn nữa…)/ Phật giáo org