.
.

Khái niệm về âm nhạc và nghi lễ Phật giáo


Ngược dòng thời gian trên 20 thế kỷ, đạo Phật đã có mặt trên đất nước Việt Nam. Bản chất con người Việt Nam với đức tính hiền hòa thông minh hiếu học, cho nên dễ tiếp cận hai tư tưởng Phật giáo và Nho giáo, đưa vào đời sống tâm linh một cách mau chóng và có chọn lọc. Vì lẽ đó, hôm nay tôi xin trình bày tham luận qua đề tài “Khái niệm về âm nhạc và Nghi lễ Phật giáo” ngày nay, để cùng tìm hiểu và áp dụng vào đời sống tâm linh.

Khi đề cập đến nghi lễ, chúng ta thường nghĩ đến Khoa Nghi Tán Tụng hoặc Ứng Phú Đạo Tràng, Cầu An, Cầu Siêu v.v…. Vì thế, nghi lễ đóng một vai trò quan trọng, trong tôn giáo hoặc tập tục của thế gian. Trong đời sống, tinh thần Nghi lễ mang tính chất đặc thù của từng Tông môn Hệ phái, từng Miền, nó có một chất liệu ngọt ngào để đưa vào trong đời sống tâm linh, trong tầng lớp trí thức cho đến dân giả, để phát khởi thiện tâm trở thành một Phật tử, phát tâm Quy y Tam bảo và Hộ trì Chánh Pháp; nhưng nó cũng là vị đắng như cây mật nhơn, làm cho họ xa lìa Chánh đạo mất lòng tin và hủy bán Tam bảo. Cho nên nghi lễ là một bộ phận vô cùng quan trọng, trong đời sống tâm linh của mỗi người.

Người làm nghi lễ phải xưng dương tán thán Tam bảo làm lợi ích trời người, dung thông tất cả. Mục đích của nghi lễ để phục vụ những buổi lễ liên quan đến trong đời sống tâm linh và nhiều lĩnh vực trong xã hội, nó rất đa dạng và phong phú, cho đến cúng tế các Danh nhân, những anh hùng có công với đất nước quê hương, Ông Bà, Tổ Tiên, Thầy Tổ v.v…

Nói cách khác, hữu tình vô tình để cảm nhận được lễ, âm, nhạc khi phát khởi từ nội tâm, bộc lộ được cốt lõi của nghi lễ. Vì nền Văn hóa của Dân tộc phát xuất từ nghi lễ, và nghi lễ cũng là nền tảng của giáo dục.

Một chú điệu mới bước vào Chùa tu học, ban đầu dạy nghi lễ biết chào đón trước, kính trên nhường dưới, tự mình trang bị cho có một phong cách lễ nghi, cũng là nền tảng của đạo đức, cũng là mô phạm làm cho trời người cung kính; Nó cũng phát sinh từ nốt nhạc công Cha, nghĩa Mẹ, ân Thầy tổ v.v… phù hợp với lời ca ngâm tán thán, của hạnh Phổ Hiền.

Nghi lễ cũng là vai trò quan trọng trong tinh thần Hoằng pháp. Chư Tăng Ni, Phật tử trở thành một người đệ tử trung kiên với đạo đều phát sinh từ nghi lễ, nó không phải là liều thuốc phiện, nhưng người ta cảm nhận được giá trị của nghi lễ, đền ơn đáp nghĩa, vận dụng khế cơ khế lý, tri thời, tri pháp để chuyến hóa lòng người.

Nghi lễ cũng là phương tiện rất bổ ích cho hiện tại và tương lai, cũng không vì thế bày trò mê tín dị đoan, chèo đò, phá ngục, vớt vong v.v… Việc làm này không hợp với lý đạo, người làm nghi lễ phải xác định rõ.
Nghi lễ kết hợp với âm nhạc. Lễ nhạc hòa với giọng điệu tán tụng, ca ngâm, vịnh thoán, nam, ai v.v…nên nghi lễ được phổ cập rộng rãi trong xã hội từ xưa đến nay. Như lời “Giáo sư Tiến sĩ TRẦN VĂN KHÊ” nói về âm nhạc:

Âm nhạc khiến lòng người ai cảm
Âm nhạc làm phấn chấn tinh thần
Âm nhạc cũng có thể vơi đi những phiền muộn
Âm nhạc có thể cảm hóa được lòng người
Âm nhạc là âm thanh không lời, là sức mạnh của vũ trụ.

Bởi vậy, tác động đến thế giới hữu tình vô tình, tất cả đều cảm nhận được thâm diệu cảm âm nhạc, như gió mát trăng thanh, như suối chảy, như lá cây xào xạt, như gió thổi mây trôi, trên bầu trời thanh vắng.

Trong đạo Phật, âm nhạc là một trong 6 thứ để cúng dường Tam bảo, trong các hội Pháp Hoa, Hoa Nghiêm v.v… khi Đức Phật nói Pháp. Lúc bấy giờ, hàng Chư Thiên rải Hoa, trổi Nhạc cúng dường v.v… Như vậy, âm nhạc, lễ nhạc, đã có từ thời Đức Phật còn tại thế.

Bây giờ, chúng ta tìm về cội nguồn của nhạc lễ, phát sinh từ Phệ Đà, đây là nền văn hóa cổ đại của xứ Ấn Độ. Ngài đi truyền đạo cũng thường dùng (Dà Đà Kệ Tụng) làm phương tiện hòa nhập vào trong xã hội thời bây giờ nặng vào nghi lễ để cúng tế Phạm Thiên v.v…; Đồng thời Đức Phật cũng cho các thầy Tỳ kheo, chuyên chú vào tụng đọc Dà Đà Kệ Tụng (Thập Tụng Luật chép), Đức Thế Tôn thường khen ông Tỳ kheo Bạt Đề rằng, cho phép các ông trì tụng kinh văn theo cách Dà Đà; Vì khúc nhạc du dương hợp với Kệ tụng để dứt trừ vọng niệm, trở về với Chơn Thiện Mỹ của cuộc sống.

Thời kỳ đầu cuối thế kỷ thứ I, đầu thế kỷ thứ hai, đạo Phật Việt Nam thời bây giờ có các vị Cao Tăng, từ Ấn Độ sang, tiếp đến các vị Cao Tăng từ Trung Quốc cũng sang đất Giao Châu bằng thuyền buôn, để truyền Đạo, như Ngài Khương Tăng Hội (ở Giao Châu), Ngài Trúc Pháp Lan, Chi Khiêm, Cưu Ma La Thập (ở Lạc Dương). Các Ngài dạy dân bản xứ, thắp nhang, lễ Phật, cúng vái, dạy đọc các Kệ tụng, theo Kệ Khúc (gọi là Phạm Bái). Phạm là Thanh Tịnh, Bái là Tân Tụng Kinh Văn, từ đó dân bản xứ cảm nhận được những điệu khúc và biến thành nghi lễ. Đạo Phật từ đó được phát triển, trên đà tiến âm nhạc đã trở thành Nghi lễ. Như vậy, đạo Phật Việt Nam thời kỳ du nhập, lấy nghi lễ làm phương tiện để truyền đạo rất hữu hiệu và bổ ích.

Ngày xưa, các Ngài làm nghi lễ đạt đến đỉnh cao của thánh thiện, còn người làm nghi lễ đời nay, từ hình thức cho đến nội dung còn thua kém các bậtc tiền nhân rất xa vì chưa bộc lộ được lý sự của nghi lễ.

Sự của nghi lễ còn lúng túng nhiều mặt, chưa thông suốt được về sự, thì làm sao nói được cái lý của nghi lễ. Chẳng hạn như câu :

“Viên Minh Nhứt Điểm Bổn Quy Không
Liễu Chứng Vô Vi Hướng Thượng Tông.
Tam Thế Chư Phật Na Nhứt Bộ
Quyền Lưu Bảo Tọa Tức Ngô Đăng”.

Đó là lý tánh tuyệt đối, đồng thể như Phật thì lên đó mà ngồi Đại Vị Cô Hồn thuyết giới .v.v…

Bấy giờ làm Nghi lễ thế tục hóa, nội tâm chưa vững chải còn bị chi phối; Định lực còn non kém chưa Nhứt niệm thanh tịnh, nên khi tín đồ Phật tử, hoặc không phải Phật tử, có hữu sự mời đến thì đặt điều kiện thế này thế nọ v.v…

Đây cũng là tệ nạn trong đạo Phật, những người không biết nghi lễ mà đi làm nghi lễ… Người làm nghi lễ ít nhứt phải có trình độ văn hóa, trình độ Phật pháp, hiểu được lý sự của nghi lễ, khoa học nghiên cứu nghi lễ, v.v… Ví dụ như: Thập hạnh nguyện của Ngài Phổ Hiền Bồ tát cũng là Nghi lễ, câu đầu là “Nhất giả lễ kính chư Phật trong quá khứ, chư Phật hiện tại, chư Phật vị lai” đó là xưng dương, tán thán Tam bảo.

Đứng về mặt tổng thể, Nghi lễ là hoằng pháp, Nghi lễ là giáo dục, Nghi lễ là một pháp môn tu tập, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm bản thân, đầy đủ oai nghi và đức hạnh, để cho trời người cung kính, do đó về mặt tổ chức phải phù hợp với hoàn cảnh, vì nghi lễ đa dạng.

Chẳng hạn như tổ chức Đại lễ Phật đản với tính cách Quốc tế, cũng như các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trên cả nước, thì khi đọc Diễn văn khai mạc Đại lễ phải chọn vị nào có tư cách đạo đức, có phẩm vị và tối thiểu phải hiểu biết ít nhiều nghi lễ Phật giáo.

Đại giới đàn cũng gọi là Tuyển Phật Trường, chọn người làm Phật, Ban tổ chức, Ban kiểm đàn đã dự kiến thỉnh Tam sư Thất chứng, các vị đó phải có đầy đủ tư cách đạo đức và phạm hạnh, thì giới đàn mới trang nghiêm, lúc đó giới tử thọ tánh giới, tướng giới đều được đắc giới.

Có những đám tang hàng giáo phẩm Tăng Ni trong Giáo hội, trong giờ phút Lễ tống Kim quan, theo truyền thống Nghi lễ dẫn thỉnh là bê, trích, lộng, để thỉnh chư Tôn Hòa thượng chứng minh đi trước để tiếp dẫn Giác linh… hoặc có những buổi lễ Tăng Ni, Phật tử y phục chỉnh tề quì gối, chấp tay cung nghinh rất long trọng, quý Hòa thượng chứng minh mặc hậu phục lên hàng chứng minh để ban đạo từ trong buổi lễ; hay như những buổi cúng dường trai tăng thì theo thứ lớp có thượng, trung, hạ mà mời lên hàng chứng minh… Nói chung, để các buổi lễ được diễn ra trang nghiêm, trọng thể, có sự tôn kính, có thứ lớp Hạ lạp, những người tham gia hành lễ cần tránh những sự việc như vừa đi Dẫn Linh vừa nói chuyện, vừa ban đạo từ chứng minh lại để điện thoại reo, không vì chút học vị hay chút chức vị mà quên đi câu “Tôn Sư Trọng Đạo”.

Bên cạnh đó, hiện giờ có một số Tăng Ni trẻ khi đi ngoài đường hoặc đến nhà Phật tử, vào trong các đạo tràng tham dự lễ nói cười bỡn cợt, thiếu oai nghi tế hạnh…những vị ấy tự thân không được trang nghiêm và chưa hiểu gì về Nghi lễ Thiền môn, như thế có xứng đáng là con nhà thích tử chăng? Tăng, Ni trẻ cầu thầy xuất gia học đạo, lại không tham học Kinh Luật Luận để thâm nhập lời Phật dạy, mà chuyên đi học Nghi lễ tán tụng ê a, rồi đi lãnh đám kinh tài cũng đắp y hồng hiệp chưởng, trong khi đó tuổi đời, tuổi đạo còn nhỏ. Việc làm như vậy có đúng với chân lý lời chư Phật, chư Tổ đã dạy không?

Tôi xin kiến nghị lên chư Tôn giáo phẩm, quý Tôn đức Ban Nghi lễ Trung ương một vài điều như sau:

– Ban Nghi Lễ Trung ương nên có chỉ đạo các Ban Nghi Lễ Tỉnh, Thành hội Phật iáo trên cả nước, nên lập một phân ban không quá 12 người, phân ban này chịu trách nhiệm biên soạn, sưu tầm, pháp khí nghi lễ, nói rộng ra về Văn hóa và Nghi lễ của dân gian, để đăng báo Giác Ngộ; đồng thời gửi báo cáo công tác Nghi lễ tại địa phương về Văn phòng Ban Nghi lễ Trung ương theo định kỳ 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm, để Ban Nghi lễ Trung ương có cơ sở lập báo cáo trình lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự.

– Nghi lễ là việc làm đích thực, vì thế, đừng để một số người vì chén cơm manh áo, vì cuộc sống mà lạm dụng nghi lễ để lừa dối những người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết. Vô tình đánh mất giá trị của người làm nghi lễ chính thống, đánh mất niềm tin của tín đồ Phật tử đối với Đạo Phật.

– Nên thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, soi đường trong đêm tối để dẫn dắt mọi người tìm về ánh sáng chân lý.

Hòa thượng Thích Minh Nghĩa
Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Nghi lễ TW