Với bộ tranh thơ Đức Phật với tuổi thơ, quý thầy đã thực sự đem lại một làn gió mới, tươi nhuận, sinh động và thực sự làm lay động trái tim con người, dù trẻ hay già.
Bìa tập 1 bộ sách Đức Phật với tuổi thơ (song ngữ Việt – Anh) – Mỹ thuật: Nhuận Thường
Lần đầu tiên nhìn thấy bức tranh của thầy Nhuận Đức vẽ Đức Phật nắm tay cháu gái bé nhỏ, chỉ về phía xa, nơi gương trăng tròn vạnh, tôi đã ồ lên kinh ngạc: Sao mà dễ thương thế! Đức Phật thật bình dị, gần gụi, đúng là ông Bụt trong cổ tích – một ông Bụt luôn hiện ra đúng lúc và hỏi: Vì sao con khóc? Con buồn ư? Được rồi, Bụt sẽ kể chuyện cho con nghe nhé! Bụt sẽ dẫn con đi chơi.
Và cứ thế, những câu chuyện của Bụt và bé nối dài theo những bước chân, có khi ở bờ ruộng, khi bên bờ đê, khi trên con đường làng thơm hương hoa cỏ dại với chú chó nhỏ chạy theo chân, có khi dưới một cội cây râm mát, hay khi Ngài cùng bé lội xuống chiếc ao xinh thả cá. Cả một khung trời tuổi thơ êm đẹp hiện ra theo những bức tranh của thầy Nhuận Đức. Ở đó, những đứa trẻ quấn quýt bên Phật. Ngài hiền như một bà mẹ; Ngài ân cần như một người cha; và nữa, Ngài thân mật, chan hòa, minh triết như một người bạn lớn…
Chỉ vậy thôi, những bức tranh của thầy Nhuận Đức đủ làm cho tuổi trẻ bị mê hoặc, người lớn trầm trồ vì sự giản dị mà lay động; và rồi, thầy Nhuận Thường đã thêm một lần sáng tạo nữa, khiến cho người ta ngạc nhiên hơn với những vần thơ tuyệt diệu. Một người vẽ tranh, một người đề thơ, hai vị “song kiếm hợp bích” cho ra đời những bức tranh thơ không chỉ khiến cho trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng phải mỉm cười, kinh ngạc!
Một trang sách tô màu gần gũi
Tay Phật trong tay con – Tranh: Nhuận Đức
Có phải tôi vì yêu mến những bức tranh ấy mà nói quá lên chăng? Không đâu! Tôi đã đem những bức tranh thơ của hai thầy khoe với nhiều người. Những ông bố, bà mẹ đang có con nhỏ, đang tìm những món ăn tinh thần của Phật giáo phù hợp với con họ, họ thích thú đã đành; ngay cả những người bạn tôi, mà tôi hay cho là “vô cảm”, “khắc nghiệt” trong nhận định và đánh giá về người khác cũng “ồ” lên ngay khi xem tranh, rồi vỗ đùi cười lớn khi đọc những câu thơ đề. Đơn giản vì họ đã hòa vào một thế giới khác, một thế giới trực cảm của tuổi thơ, một thế giới mà nơi đó không có chỗ cho những lớp bụi mờ của kinh nghiệm, phán xét, của kiến thức, của triết luận dẫy đầy.
Hãy nhìn vào bức tranh “Niêm hoa vi tiếu” phiên-bản-tuổi-thơ (H.1), bạn thấy gì: Đức Phật ngồi trên tảng đá nhỏ, cỏ dại lún phún mọc quanh. Tay cầm đóa sen nhỏ giơ lên, mắt Ngài khẽ nhắm, yên lặng. Đám trẻ vây quanh, ngước những ánh mắt trong trẻo như những viên bi ve lên nhìn – không có dấu hiệu gì cho thấy chúng là đám “lục tặc” cả. Ý chỉ Thiền tông chăng? Không! Đơn giản chỉ là Đức Phật cùng các bé ngắm hoa thôi. Thầy Nhuận Thường đã đề thơ như thế này: “Phật nâng cành hoa nhỏ / Giữa hội chúng tuổi thơ / Em lặng nhìn không nói / Mà an vui vô bờ!”.
Tâm hồn thơ trẻ cần được nuôi dưỡng bằng chất liệu từ bi (Ảnh chụp từ chùa Hòa Phúc – Quốc Oai, Hà Nội)
Và một thế giới hồn nhiên, màu nhiệm đã mở ra – Ảnh: Chùa Hòa Phúc
Hay như bức tranh “Ngón tay chỉ trăng” (H.2). Phật nắm tay bé, chỉ lên trăng. Có phải Phật đang nói với bé rằng: “Này con gái nhỏ, sự thật không liên hệ gì đến các từ ngữ. Sự thật giống như là mặt trăng chiếu sáng trên bầu trời. Trong trường hợp này, các từ ngữ được xem như là ngón tay. Ngón tay có thể chỉ vào vị trí của mặt trăng. Tuy nhiên, ngón tay không phải là mặt trăng. Khi con muốn nhìn thấy mặt trăng, con cần phải nhìn xa hơn là ngón tay, có đúng không?”. Không đâu! Có lẽ Phật chỉ nói với bé y như câu thơ của thầy Nhuận Thường: “Mẹ ơi Phật có dạy / Người ít giận hay cười / Lòng thanh trong trí sáng / Như trăng sao trên trời”.
Đó chính là cái hay, cái tuyệt vời của hai thầy. Với lối diễn đạt bình dị nhất có thể, hai thầy đã chạm đến trái tim của tuổi thơ. Mà sự bình dị nhất chính là sự vĩ đại nhất. Chẳng phải khối người đã cố công tìm kiếm sự bình dị để rồi vướng vào mớ cạm bẫy lùng bùng không lối thoát của ngôn từ, của kiến thức khô cứng đó sao!
Chân lý vốn bình dị như vậy đó. Nó đến tự nhiên như cách thầy Nhuận Đức đến với những bức tranh thơ ấy. Đó là khi thầy mải loay hoay tìm kiếm phương pháp giúp cho các bé đến chùa vui mà học, thầy tìm nhiều cách tiếp cận, cho đến khi thầy phác thử một bức tranh Đức Phật với tuổi thơ bằng bút chì cho các em tập tô màu: một thế giới đã mở ra!
Nụ cười tỏa nắng của các bé tại khoa Ung bướu, BV.Nhi Đồng 2, TP.HCM – Ảnh: Phạm Cindy
Ban đầu, những đứa bé háo hức đến chùa vui học. Rồi những ông bố, bà mẹ cũng nhận thấy một phương pháp giáo huấn đơn giản mà tuyệt vời dành cho con. Những bức tranh của thầy đã được họ chia sẻ, in ra cho con tô màu. Họ bắt đầu hối thúc thầy vẽ. Và họ thử gom lại in thành tập, tặng nhau. Cuối cùng là một tập sách ra đời, gồm 22 bức tranh thơ. 30.000 bản in, chỉ trong thời gian ngắn đã hết vèo. Một con số kỷ lục. Nhu cầu vẫn còn quá cao, do đó thầy Nhuận Đức phải tiếp tục chuẩn bị cho lần tái bản tiếp theo, cũng như chuẩn bị tiếp cho tập 2 sớm xuất bản.
Bé Gia Trí, 7 tuổi (trái) và bé Tường Vy, 5 tuổi
Các bé “sen non” GĐPT Xá Lợi – Ảnh: Như Danh
Còn gì xúc động hơn khi thấy các em háo hức chuyền tay nhau tập tranh thơ về Đức Phật. Theo đó, Đức-Phật-tuổi-thơ đã đến với những lớp học ở vùng sâu, vùng xa. Đức-Phật-tuổi-thơ đã đến với các em trong các nhà mở, trong các bệnh viện, trong nhiều gia đình. Đức-Phật-tuổi-thơ cũng đã vượt biên giới sang Mỹ, Ấn Độ… Các bà mẹ, các “mạnh thường quân” đang kêu gọi cùng nhau chung tay đưa Đức-Phật-tuổi-thơ đến với trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật, đến với hàng triệu trẻ em đang khao khát những món ăn tinh thần giản đơn, tinh khiết, có thể nuôi dưỡng tâm hồn trong veo thơ trẻ, giúp cho các em tránh những loại “độc tố” từ những trò game bạo lực, những trào lưu vô bổ…
Ai cũng biết, những hình ảnh đẹp như thế ắt hẳn sẽ theo các bé đi suốt cuộc đời. Giáo dục bằng những bức tranh tô màu Phật giáo, như thế, tại sao không?!
Ý kiến, chia sẻ:
“Với cuốn sách, các em vừa được nhìn tranh lại được đọc thơ, những đạo lý đơn giản đi vào trong các em một cách dịu dàng. Phật rất gần với các em, với chúng ta – là cha, là mẹ, là hoa cỏ, mây trời, là hơi thở… Tôi muốn đạo lý Phật giáo đi vào các em một cách gần gũi, mộc mạc như vậy chớ không phải Phật là một vị thần cao xa vời vợi đối với các em, một hình thức giáo dục chơi mà học rất phù hợp với trẻ thơ”.
ĐĐ.Thích Nhuận Đức
“Cuốn sách đặc biệt được vẽ và cảm tác thơ bởi 2 vị tu sĩ và cũng là họa sĩ. Những nét vẽ đen trắng mềm mại, mộc mạc thể hiện tình yêu thương Từ bi Vô lượng của Đức Phật với trẻ thơ. Mỗi bức tranh mang hồn người Việt, toát lên vẻ trang nghiêm, từ bi, hỷ xả của Đức Phật bên các bé.
Nội dung tranh và thơ hòa quyện như nước với sữa, nuôi dưỡng các con tâm Phật từ ấu thơ. Các bé biết yêu quê hương, yêu hòa bình, biết trồng cây xanh, giữ vệ sinh môi trường, hiếu thuận với mẹ cha, làm nhiều việc tốt… Những trang tranh vẽ các bé có thể tô màu, trang trí rất thú vị.
Phong cảnh trong tranh cũng rất gần gũi với quê hương con người Việt Nam, những vần thơ dễ đi vào lòng người. Các bé rất dễ đọc dễ hiểu, những vần thơ như những lời dạy dỗ đầy yêu thương, như lời ru của mẹ mỗi đêm con thơ yên giấc”.
Họa sĩ Ngô Bình Nhi
(Hà Nội)
“Sau 5 lần đọc, xem và nghiền ngẫm về tranh và thơ trong bộ sách, tôi cảm thấy cứ như một làn gió nhẹ, một tia nắng sớm. Lời thơ nhẹ nhàng, gần gũi, ý thơ mộc mạc; nét vẽ đơn sơ, giản dị nhưng thật dễ thương, tập sách cuốn hút không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn!
Phật không ở đâu xa! Phật trong tác phẩm chính là ông bà, cha mẹ, là thầy cô, bạn bè, là nhà sư, là bác nông dân, là những người tốt quanh ta… dạy ta những điều hay lẽ phải bình dị nhất, gần gũi nhất! Đó là phải hiếu kính ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi. Là yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Là làm những việc tốt, việc thiện từ trong những hành động nhỏ nhất, từ khi còn bé thơ”.
Họa sĩ Trần Thiên Thanh
(TP.HCM)
“Chỉ với những bức vẽ về Đức Phật với tuổi thơ, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc dạy con bạn. Sự kết hợp hài hòa giữa tranh và thơ đã tạo nên một câu chuyện hấp dẫn trong mắt trẻ. Trẻ nhỏ nhận thức rất tốt bằng hình ảnh, hơn nữa từng bức hình này lại rất thú vị. Với niềm tôn kính Phật, đây sẽ là bài học làm người quý giá cho các con!”.
Phóng viên Nhã An
(TP.HCM)
Quảng Kiến