.
.

Thượng tọa Thích Đức Thiện nói thêm về thông báo đăng ký mục 7 Tờ khai Căn cước công dân


Trong những ngày qua, sau khi Trung ương Giáo hội phổ biến công văn 52/HĐTS-VP1, nhiều Tăng Ni, Phật tử đã liên lạc với báo Giác Ngộ phản ánh, bày tỏ nhiều ý kiến liên quan tới việc đăng ký làm Căn cước công dân (CCCD) phải mang theo Giấy chứng nhận Phật tử, Giấy Chứng nhận Quy y Tam bảo…

Nội dung đó cũng trở thành vấn đề được quan tâm trên một số diễn đàn, trong Tăng Ni, Phật tử.

Để giải thích rõ hơn về vấn đề này, Giác Ngộ đã có cuộc phỏng vấn Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, vị giáo phẩm thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, ký thay Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN công văn nói trên.

Thưa Thượng tọa, Thượng tọa có thể giải thích thêm về mục đích của công văn 52/HĐTS-VP1 mà Trung ương Giáo hội đã phổ biến, có phải nhằm thống kê lại số lượng tín đồ Phật giáo một cách chính xác hơn?

Thượng tọa Thích Đức Thiện: Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ban hành công văn số 52/HĐTS-VP1 để tháo gỡ vướng mắc mà một số Ban Trị sự và Tăng Ni, Phật tử phản ánh, đề nghị tháo gỡ khi có một số công dân là Phật tử khi đi làm CCCD không được chấp nhận ghi mục 7 tôn giáo là Phật giáo vì cán bộ làm thủ tục khai đơn cấp CCCD yêu cầu phải có căn cứ xác nhận là Phật giáo.

“Việc này không nhằm thống kê số lượng tín đồ Phật giáo vì thống kê số lượng tín đồ Phật giáo không chỉ dựa vào số lượng người được cấp Căn cước công dân. Tuy nhiên, việc mỗi công dân khi đi làm Căn cước công dân ghi mục 7 tôn giáo là Phật giáo thể hiện niềm tự hào của người Phật tử, thể hiện niềm tin của chúng ta vào tôn giáo có truyền thống, bề dày lịch sử”.

Thượng tọa Thích Đức Thiện

Ý kiến của Thượng tọa về việc một số cơ quan cấp CCCD, chẳng hạn qua trường hợp phản ánh trên báo Giác Ngộ trước đây, có cơ quan thẩm quyền cấp CCCD đã yêu cầu công dân phải có giấy chứng nhận Tăng Ni mới được chấp nhận khai tôn giáo của mình là Phật giáo?

– Theo điều 24 Hiến pháp 2013 và điều 3 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 thì việc khai mục 7 tôn giáo là quyền của mọi công dân. Tuy nhiên, thực tế như Báo Giác Ngộ đã từng phản ánh và có bài viết về vấn đề cần phải có giấy chứng nhận Phật giáo mới được khai tôn giáo của mình có xảy ra ở một số nơi. Chính vì vậy Giáo hội đã có văn bản gửi các Bộ, Ban ngành liên quan để tháo gỡ việc này. Qua nắm bắt trong mấy ngày vừa qua, sau khi có văn bản của Giáo hội, việc kê khai mục 7 tôn giáo là Phật giáo đã trở nên dễ dàng. Ở một số địa phương, cơ quan Công an thực hiện cấp CCCD đã đến tận cơ sở tự viện Phật giáo để tiến hành khai cấp CCCD như ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, và một số tự viện tại tỉnh Ninh Thuận, và tại quận 7 TP.HCM…

Qua phản ánh, hiện nay mỗi chùa có cấp phái quy y cho Phật tử theo cách của mình, chưa có sự thống nhất. Có chùa cấp với chữ ký của Tăng / Ni và dấu vuông; Hình thức phái quy y cũng khác nhau. Vậy, những phái quy y như thế có được chấp nhận khi cơ quan cấp CCCD yêu cầu chứng minh không, bạch Thượng tọa?

– Tất cả các hình thức chứng nhận quy y, các loại hình phái điệp quy y đều có giá trị như nhau khi xác nhận người đó là Phật tử.

Đối với trường hợp những người lớn tuổi, có khá nhiều người được cấp phái quy y từ theo các truyền thống cũ, trước thời điểm GHPGVN ra đời (7-11-1981), vậy trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào?

– Trụ trì các chùa, cơ sở tự viện nơi mà họ cư trú có thể xác nhận họ là Phật tử. Đây được xem như trách nhiệm của Tăng Ni đối với sự phát triển của Phật giáo, trách nhiệm đối với tín đồ của mình.

Đối với Phật tử Nam tông Khmer, việc quy y gần như một tập quán, không có giấy chứng nhận quy y kèm theo, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào trước yêu cầu mang theo giấy chứng nhận khi khai tôn giáo là Phật giáo trong CCCD?

– Không phải địa phương nào cũng yêu cầu phải có chứng nhận Phật tử mới cho phép khai mục 7 là Phật giáo. Nếu nơi nào yêu cầu phải có giấy chứng nhận thì các Ban Trị sự các cấp, Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp, trụ trì các chùa, cơ sở tự viện cần nhanh chóng cấp cho mọi người để đạt mục đích tốt.

“Việc xác nhận là Phật tử để có cơ sở khai mục 7 Căn cước công dân có thể do Ban Trị sự các cấp, Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp, trụ trì các chùa, cơ sở tự viện ký xác nhận. Giấy chứng nhận Phật tử này phục vụ cho việc làm Căn cước. Còn Thẻ Phật tử do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cấp cho các thành viên sinh hoạt thường xuyên các hoạt động Phật sự của Giáo hội”.

Thượng tọa Thích Đức Thiện

Trong hướng dẫn, Giáo hội có nêu Phật tử cần mang theo chứng nhận Phật tử, phái quy y khi khai tôn giáo trong CCCD, vậy đối với phái quy y của Phật tử thuộc các hệ phái, tổ chức không trực thuộc quản lý của GHPGVN có được chấp thuận hay không? (Ví dụ: Làng Mai, các phái Mật tông, các quốc gia Nam truyền khác,…)

– Để xác nhận là Phật tử căn cứ vào niềm tin, tín ngưỡng Đạo Phật. Căn cứ vào tư cách công dân, đường lối tu tập chính pháp, Ban Trị sự địa phương có thể xác nhận họ là Phật tử.

Thượng tọa hoan hỷ cho biết về quy chuẩn cho việc cấp chứng nhận tín đồ / phái quy y phù hợp với yêu cầu trong khai CCCD, nếu có? Việc cấp các giấy tờ này thuộc thẩm quyền của cấp Giáo hội nào? Trụ trì các tự viện có được ký cấp hay không?

– Theo khoản 6, điều 2 Luật tín ngưỡng, tôn giáo thì tín đồ là người tin, theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo đó thừa nhận. Do đó, tín đồ Phật từ là những người có niềm tin, tín ngưỡng vào Phật giáo và có tình cảm, yêu mến Đạo Phật. Việc xác nhận là Phật tử để có cơ sở khai mục 7 CCCD có thể do Ban Trị sự các cấp, Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp, trụ trì các chùa, cơ sở tự viện ký xác nhận. Giấy chứng nhận Phật tử này phục vụ cho việc làm CCCD. Còn Thẻ Phật tử do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cấp cho các thành viên sinh hoạt thường xuyên các hoạt động Phật sự của Giáo hội.