.
.

Nghĩ về bức thư tâm huyết kính bạch đức Thế Tôn và câu thơ nhập thế của Tổ Trúc lâm Yên Tử


Chúng con chánh niệm hồi suy nghĩ về Pháp nạn vừa xảy ra, là cư sĩ Phật giáo chúng con thấy thật đau lòng vì pháp nạn ấy đáng nhẽ không đáng có, nhưng lại xảy ra trong thời kỳ hội nhập này.

Nói theo thế gian pháp thì đây là thời điểm “nhạy cảm” vì chúng con đang chuẩn bị cho việc tổ chức ngày thế giới mừng Đản Sinh của đức Thế Tôn tại Việt Nam. Còn nói theo chánh pháp Ngài dạy, thì cái gì xảy ra nó sẽ phải xảy ra, khi nó đủ duyên không thể nào khác được.

Khi Thế Tôn chưa nhập Niết bàn, đức Từ Phụ đã nhìn thấy chúng con ở giai đoạn này, có điều chúng con vô minh nên chưa thấy. Giữa mê và ngộ, chánh niệm chúng con nhìn lại những điều Thế Tôn dạy, bây giờ chúng con mới hiểu đây là thời kỳ Mạt pháp nói chung, còn phân kỳ nhỏ hơn thì thời điểm này đang là thời kỳ Mạt Thượng pháp (2.500 – 2.600) và rồi thời kỳ tiếp theo là Mạt Trung pháp (2.600 – 2.700) sau đó là thời kỳ Mạt Hạ pháp (2.700 – 2.800)…

Như Lai nói huyền nhiệm rất xa và cũng rất gần: Phật tại tâm tức là Phật ở bên trong chúng con. Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức: nhớ lời đức từ Phụ dạy, chúng con dùng tâm này để thành thật sám hối và cầu xin sự chia sẻ tha thứ.

Đọc bức thư tâm huyết kính bạch đức Thế Tôn của TT Thích Trí Chân, Ủy viên HĐTS- GHPGVN, Phó trưởng Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa GHPG-Tp.HCM – trên trang (phatgiao.org.vn).Chúng con là cư sĩ tại gia càng thấy phải nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng và cầu mong hàng xuất gia lại càng phải nỗ lực nương tựa vào Lục hòa của Tăng thân và trau giồi chánh pháp của Như Lai. Có như vậy, mới củng cố được niềm tin hộ niệm chánh pháp để mong Tam bảo trường tồn.

Từ bức thư tâm huyết kính bạch đức Thế Tôn nói trên của hàng xuất gia thay lời sám hối, kẻ cư sĩ hậu học như chúng con bỗng nghĩ về câu thơ của Tổ Trúc Lâm:

“Muôn việc nước chảy theo nước,
Trăm năm lòng tự hỏi lòng.”

Câu thơ trên của Tổ, không chỉ nhắc nhở cho kẻ xuất gia và hàng (cư sĩ) Phật tử tại gia, cũng như cho tất cả những ai trong cuộc đời này đi tìm hạnh phúc phải biết bắt đầu từ sự chân thật, bởi nhân quả xấu ác chẳng phải đâu xa, nó ngay ở thế gian này và trong mỗi con người nếu chúng ta không tác hành thiện pháp.

Đọc câu thơ của Sơ Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông (tổ 34 nối dòng thiền tông Thanh tịnh Thích Ca văn) Nếu chúng ta chánh niệm và suy ngẫm sẽ thấy lời chánh pháp Tổ dạy thật nhẹ nhàng, và nếu ta tự hỏi lại mình để trau giồi chánh pháp ta sẽ thấy ở đó niềm lạc quan hơn sau những phiền não chướng để tiếp tục hướng về giác ngộ – giải thoát – khi Phật pháp đã chạm vào nền văn minh khoa học…

Nam mô Công Đức lâm Phật – Bồ tát Ma ha tát.

Cư Sĩ: Thiện Trí Chân
(Nguyễn Đức Sinh: Số 18. Phố Quang Trung, Tp.Uông Bí – Quảng Ninh)