Hiện nay, với thành tựu của khoa học công nghệ và thông tin, chỉ cần một chiếc máy tính hay smart phone thì bất cứ ở đâu, ấn một vài phím, qua các trang web hay mạng xã hội facebook, instagram, zalo…, những ai quan tâm đến Phật giáo sẽ ngay lập tức có được hàng triệu thông tin trên toàn cầu về vấn đề mình cần tìm. Không ai phủ nhận đó là cơ hội rất lớn, là phương tiện cực kì hữu hiệu để nguồn tài nguyên vô cùng phong phú của Phật giáo đến với những nhà nghiên cứu, với Phật tử trong công việc nghiên cứu và tu học. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng, sẽ là sai lầm lớn khi chúng ta chỉ thấy và phát huy cực đoan mặt mạnh mà không chú ý tới mặt trái của việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong Phật sự hoằng pháp và tuyên truyền trong xã hội. Những mặt trái dễ phát sinh có nguyên nhân từ chính những đặc thù của sự hình thành, phong cách trình bày và phổ biến giáo lí trong kinh điển và phương châm hoằng pháp của Phật giáo. Chẳng hạn:
Thứ nhất, người nghe/xem Video clip trên Youtube những bài giảng Phật pháp tuy có thuận tiện, hấp dẫn. Nhưng sẽ là phản tác dụng nếu nguồn dẫn thiếu chính xác hoặc xuất xứ cụ thể, đặc biệt là thiếu sự trải nghiệm của tu tập, thiếu nền tảng văn hóa sâu rộng của tác giả.
Thứ hai, mỗi thời kinh Phật đều nhắm đến những đối tượng cụ thể, ở những quốc độ cụ thể, nhằm để mỗi cá nhân với những căn cơ, hoàn cảnh cụ thể, mà họ tự chuyển hóa thân tâm trên lộ trình giác ngộ – giải thoát. Không có chuyện “giác ngộ – giải thoát tập thể!”.
Thứ ba, một khi thông tin thiếu chính xác sẽ dẫn đến sự phát tán rộng rãi một cách nhanh chóng, dường như không thể kiểm soát, khiến trong nhận thức về giáo lí Phật giáo và đời sống tín ngưỡng Phật giáo có sự hỗn loạn giữa “chân kinh” và “ngụy kinh” , “chính pháp” và “tà pháp” (vì cùng cho là “được trích dẫn từ kinh điển”), giữa “thực hành theo chính pháp” và “hành động mê tín dị đoan”…
Từ cách đặt vấn đề như trên, trong bài viết ngắn này, chúng tôi sẽ tập trung vào một số vấn đề đang “nóng” hiện nay và nguyên nhân của nó, là việc Thỉnh vong giải oan gia trái chủ và Dâng sao giải hạn.
Cư sĩ Quảng Tuệ- Lương Gia Tĩnh
Ủy viên HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội
1.Đặc điểm của sự hình thành và truyền bá kinh điển Phật giáo.
Tam tạng kinh điển Phật giáo gồm Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng, ở đây chúng tôi tập trung vào Kinh tạng, bộ phận thể hiện những tư tưởng căn bản của giáo lí Phật giáo. Chúng tôi cho rằng, cội nguồn sâu xa của những bất đồng quan điểm ngay trong nội bộ Tăng đoàn đã từng xuất hiện trong lịch sử Phật giáo, và bùng nổ trong thời gian vừa qua là: Xác định đâu là chân kinh, đâu là kinh nguyên thủy (kinh được ghi lại từ “kim ngôn kim khẩu” của Đức Phật nói ra), đòi hỏi phải trở về với “Đạo Phật nguyên chất”… và đâu là kinh do đời sau do Chư Tổ phiên dịch, thêm vào để làm rõ ý, như bậc cổ đức đã nói “ý Phật lời Tổ” (tư tưởng của Phật nhưng ngôn từ là của Tổ); Hoặc là kinh ngụy tạo, xa rời, thậm chí là đi ngược với chính pháp, với lời Phật dạy. Để giải quyết vấn đề trên không hề đơn giản, bởi vì:
Thứ nhất, như chúng ta đã biết, kinh tạng được hình thành và ổn định như ngày nay đang sử dụng là kết quả của một quá trình trên dưới 400 năm qua các kì Kết tập. Sau khi Đức Phật nhập diệt 100 ngày (năm 544 trước Kỉ nguyên Tây lịch), các Đại Đệ tử của Ngài tập hợp nhau lại, dưới sự chủ trì của Ca-diếp, đã cử A-nan đọc lại những điều mà chính mình đã nghe Đức Phật nói (trong bối cảnh nào, ở đâu, cùng nghe có những ai…), sau đó mọi người cùng bổ sung những điều cho là còn thiếu hoặc chưa chính xác. Cuối cùng, mọi người cùng đọc lại nhiều lần (trùng tụng) để ghi nhớ, rồi tỏa đi các nơi hoằng pháp. Đó là kì kết tập Kinh tạng lần thứ nhất, các kì kết tập sau cũng theo phong cách như vậy.
Kì kết tập lần thứ hai xảy ra 100 năm sau ngày Đức Phật nhập diệt, nguyên nhân trực tiếp là do có sự bất đồng về việc thực hành giới luật trong nội bộ Tăng đoàn. Kết quả Tăng đoàn phân chia thành Đại chúng bộ (Mahasanghika) và Thượng tọa bộ (Theravada), đây mốc thời gian đánh dấu bắt đầu thời kì phân chia bộ phái trong lịch sử Phật giáo.
Kì kết tập lần thứ ba diễn ra dưới sự bảo trợ của vua A-sô-ka (trị vì 273 – 232) và phải đến kì kết tập lần thứ tư (sớm nhất cũng vào khoảng 400 năm sau Đức Phật nhập diệt) thì Kinh tạng mới bắt đầu được chuyển từ ngôn ngữ Magadhi và các ngôn ngữ địa phương khác sang tiếng nói và chữ viết Pali trên lá bối, hoặc chữ Sanskrit được khắc trên những lá đồng và xây tháp để tàng trữ (tiền thân của Tàng kinh các sau này).
Như vậy, cả hai hệ thống Kinh tạng, gồm Ngũ bộ kinh Nikaya và Tứ bộ kinh Agama (A-hàm) vẫn được coi là “kinh điển nguyên thủy”, phản ánh “trung thực” từ “kim ngôn kim khẩu” của Đức Phật… nhưng thực ra, trước khi được định hình bằng văn bản chữ viết, nó đã được truyền khẩu qua ít nhất 400 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, nhờ vào trí nhớ của người đọc kinh qua các kì kết tập. Ngài A-nan có trí nhớ phi thường và là đệ tử thân cận với Đức Phật, lại có sự kiểm chứng của những đại đệ tử cùng thời với Đức Phật, cho nên Kinh tạng được kết tập lần thứ nhất có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, Ngũ bộ kinh Nikaya và Tứ A-hàm hiện nay là kết quả của các lần kết tập tiếp theo, vậy liệu có gì đảm bảo chắc chắn rằng không có sự quên lãng, thêm bớt hay lầm lẫn?
Thứ hai, trải qua 49 năm hoằng hóa, những bài thuyết pháp của Đức Phật không được ghi lại bằng văn tự, từ khi Ngài còn tại thế cho đến bốn thế kỉ sau khi nhập diệt. Không phải lúc bấy giờ Ấn Độ chưa có chữ viết, bởi kinh Vệ Đà đã được ghi chép bằng chữ Sanskrit, các đại đệ tử của Ngài như Ca-diếp, A-nan, A-na-luật, Nan-đà… thuộc dòng dõi Bà-la-môn hay Sát-đế-lị, dĩ nhiên là thông thạo chữ Sanskrit. Họ đã từng xin Đức Phật cho phép ghi lại những lời thuyết pháp của Ngài bằng chữ Sanskrit và theo văn phong của kinh điển Vệ Đà, nhưng không được chấp nhận. Đức Phật cho rằng, Đạo của Ngài chỉ cần lời nói đơn giản, nghĩa lí rõ ràng, lập luận chặt chẽ, người nghe dễ hiểu. Hơn nữa, Đạo của Ngài suy đến rốt ráo là “đạo đoạn ngôn ngữ”, không thể dùng ngôn ngữ (huống chi là văn tự/chữ viết) để diễn đạt, cho nên, có lẽ Ngài e rằng người đời sau sẽ bám chấp vào con chữ mà tư biện giải nghĩa, khiến ngày càng xa lìa chính pháp.
Mặt khác, Phật giáo chủ trương giáo hóa (chứ không phải là giáo dục) chúng sinh, để mỗi cá nhân tự chuyển hóa thân tâm trên lộ trình giác ngộ – giải thoát. Mỗi thời kinh Đức Phật tuyên thuyết đều gọi là Khế kinh (契經), nghĩa là Kinh phải “khế lí khế cơ”: “khế lí” là phù hợp với chân lí; “khế cơ” là phù hợp với “quốc độ” (thời đại, phong tục tập quán), căn cơ, trình độ, hoàn cảnh… của người nghe.
Thứ ba, một đặc điểm rất quan trọng trong quá trình hoằng pháp của Đức Phật là tính thực tế, thiết thực hiện tại trong những bài thuyết pháp. Trong kinh Trung Bộ (Tiểu kinh Malunkya), Màlunkyaputta đặt ra mười câu hỏi siêu hình để hỏi Đức Phật, như: Thế giới thường hay vô thường? Như Lai có tồn tại sau khi chết?… Đức Phật đã im lặng không trả lời. Ngài nói cho Màlunkyaputta nghe câu chuyện một người bị trúng mũi tên độc: Vấn đề cấp thiết là phải lấy mũi tên ra và giải độc ngay, chứ không phải là tìm cho ra ngọn ngành mũi tên và người bắn mũi tên. Cũng vậy, vấn đề cấp thiết của con người là tìm thầy và thuốc để nhổ “mũi tên” khổ và giải độc “khổ đau” chứ không phải đặt ra và đi tìm những câu trả lời cho các vấn đề xa xôi không thiết thực.
Cũng với ý nghĩa này, trong kinh Tương ưng bộ, Đức Phật đã nói với các Tỷ-kheo: “Những gì Như Lai biết ví như rừng lá Simsàpa, còn những gì mà Như Lai giảng dạy thì ít như nắm lá trong tay, nhưng đây là những phương thức trừ khổ”. Ngài biết rất nhiều, về thế giới vũ trụ, về mọi sự việc trong thế gian nhưng Ngài không dạy tất cả, bởi vì có những người thì những sự hiểu biết đó không giúp ích thiết thực cho họ trên con đường giác ngộ – giải thoát.
o
o o
Từ những quan điểm trên, chúng tôi cho rằng, ngoại trừ những kinh ngụy tạo đi ngược với chính pháp, thì mọi kinh điển đã được thử thách qua trải nghiệm trong lịch sử, dù được phiên dịch hay viết ra bằng ngôn ngữ nào, ở thời đại hay quốc độ nào, mà hàm chứa được tư tưởng cốt tủy của Phật giáo đều có thể được coi là CHÂN KINH. Tiêu chuẩn có tính nguyên lí để xem xét, đánh giá là: TAM PHÁP ẤN, LÍ NHÂN QUẢ – NGHIỆP BÁO LUÂN HỒI và TỨ DIỆU ĐẾ; Mục đích tối hậu là nhắm tới chúng sinh được GIÁC NGỘ – GIẢI THOÁT, góp phần thiết thực tạo nên đời sống Đạo đức hướng thượng – An lạc ngay trong hiện tại.
Theo chúng tôi, bằng vào tư liệu hiện có, chúng ta không nên (và không thể) đặt vấn đề xác định đâu là Kinh nguyên thủy, hay đòi hỏi phải trở về với “Đạo Phật nguyên chất”. Đặt vấn đề như vậy không những không thể giải quyết được, mà chỉ góp phần làm nhiễu lọan thông tin, khiến quần chúng nói chung và Phật tử nói riêng hoang mang bất định, gây phương hại không nhỏ trong đời sống tinh thần của xã hội.
Dư luận “dậy sóng” trong thời gian qua xung quanh việc Thỉnh vong giải oan gia trái chủ hay Dâng sao giải hạn là minh chứng rõ ràng nhất về mặt trái của việc ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông thời hiện đại trong Phật sự hoằng pháp và sự thiếu thống nhất trong nhận thức lí luận về những giáo lí, nguyên lí căn cốt trong Kinh tạng Phật giáo. Chúng tôi xin trình bày ý kiến của mình về hai vấn đề này.
2.Pháp Thỉnh vong giải oan gia trái chủ là chính pháp hay tà pháp mê tín dị đoan.
Mỗi tôn giáo đều có hệ thống lí luận (giáo lí) để xây dựng, củng cố niềm tin và thực hành trong đời sống tâm linh tôn giáo cho các tín đồ của mình. Tư tưởng căn cốt, có tính nguyên lí của giáo lí là tiêu chuẩn xác thiết nhất để xem xét, đánh giá niềm tin hay việc làm đó là chính pháp (chính đạo) chính tín, hay tà pháp (tà đạo) mê tín dị đoan.
Cơ sở căn bản của lí luận về nhân sinh của triết học Phật giáo là thuyết Nhân quả nghiệp báo luân hồi. Mỗi cá nhân được sinh ra trên cõi đời này là sự tiếp nối từ muôn kiếp trước, mang theo cái nghiệp do chính mình tạo ra (gọi là nghiệp bản hữu (本有: vốn có từ muôn kiếp trước tích lũy lại). Nghiệp bản hữu là hạt giống ban đầu (chủng tử), có cả xấu lẫn tốt, thiện và bất thiện. Trong quá trình sống, qua suy nghĩ, lời nói, việc làm, mỗi cá nhân lại tạo ra một nghiệp mới, gọi là nghiệp tân huân (亲熏: mới huân tập, tạo nên). Chất lượng hạt giống, nghiệp bản hữu, tuy có ảnh hưởng nhưng không có tính quyết định đến quá trình và chất lượng của đời sống hiện tại. Bởi vì: Nếu nghiệp cũ xấu, bất thiện, thì chính bằng vào suy nghĩ, lời nói và hành động của mình trong hiện tại, hoàn toàn có thể hạn chế, chiết giảm và từng bước tiêu trừ; Nếu nghiệp cũ tốt, có thiện căn, cần phát huy lợi thế, tăng cường thiện duyên, vun trồng cho thiện căn ngày càng tăng trưởng, đến quả vị cứu cánh là giác ngộ – giải thoát. Đó là ý nghĩa của câu “Tu là chuyển nghiệp”. Thuyết Nhân quả Nghiệp báo luân hồi là quan điểm triết học nhân sinh mang đậm tính biện chứng và nhân văn sâu sắc của Phật giáo.
Khi thọ mệnh của mỗi cá nhân đã hết, trong thời gian lâm chung và mệnh chung, tùy theo chất lượng tốt hay xấu của nghiệp (là quả của quá trình sống và cũng chính là nhân của đời sống tiếp theo), kết hợp với những duyên (điều kiện) cụ thể mà chuyển sinh thành chúng sinh (chúng nhân duyên sinh) của một trong sáu cảnh giới mới là: Trời, A-tu-la, Người, Súc sinh, Ngạ quỉ và Địa ngục (Lục đạo). Thời khắc mệnh chung, khi thần thức thoát ra khỏi thân xác vật lí sẽ trụ trong một cảnh giới, với thời gian quá độ chuyển sinh sang cảnh giới mới, gọi là Thân trung ấm/Trung hữu. Tùy theo chất lượng của nghiệp lực (nhân) và vô số điều kiện (duyên) tác động, trong những thời lượng khác nhau (có thể ngay tức khắc, có thể chuyển sinh từng bước trong 49 ngày, cũng có thể một năm hoặc nhiều hơn) mà Thân trung ấm tìm đến tái sinh một trong sáu cảnh giới.
Việc tìm hiểu cảnh giới Thân trung ấm, Ngạ quỉ và những vong linh ở đó, cũng như mối quan hệ và tác động của chúng đối với đời sống con người và xã hội hiện tại, đã từng là chủ đề hấp dẫn trong lịch sử phát triển của Phật giáo, đặc biệt nóng lên trong thời gian gần đây là việc Thỉnh vong giải oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng (Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh).
Qua những thông tin trên báo chí chính thống và mạng xã hội, từ phát ngôn của Chư tôn đức giáo phẩm là những học giả, các thiện tri thức và quần chúng Phật tử, chúng ta dễ dàng nhân thấy có hai khuynh hướng, thái độ rõ rệt.
Khuynh hướng thứ nhất là phủ nhận, phê phán: Coi đây là tà pháp, không có trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy, xa rời Đạo Phật nguyên chất… thậm chí đi xa hơn, cho rằng không có thế giới Ngạ quỉ vong linh, việc “ma nhập” “vong báo oán” chỉ là sự bịa đặt thêm thắt vào trong quá trình phiên dịch hoặc là ngụy kinh do các Tổ và người đời sau ở Trung Quốc viết ra; Chư tôn đức Giáo hội, cơ quan quản lí hữu quan các cấp cũng như dư luận xã hội đã phê phán nghiêm khắc lời nói và việc làm mang đậm mầu sắc mê tín dị đoan nhảm nhí, phản cảm, có biểu hiện phục vụ mục đích trục lợi, gây hoang mang lo lắng trong quần chúng, làm phương hại tới uy tín và danh dự của Phật giáo và Giáo hội.
Khuynh hướng thứ hai: Khẳng định tính chính pháp và có hiệu quả của pháp Thỉnh vong giải oan gia trái chủ; Hoặc phê phán một số cá nhân về mặt nhận thức và thực hành pháp sự vốn rất căn bản và linh diệu này, khiến quần chúng và Phật tử ngộ nhận và dao động niềm tin vào chính pháp.
Chúng tôi chưa có điều kiện trực tiếp tham gia, quan sát tại chỗ và không có những tài liệu điều tra xã hội học cần thiết về việc Thỉnh oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng, cho nên ở đây chỉ nêu quan điểm cá nhân về những vấn đề mà chúng tôi cho là căn nguyên sâu xa của những bất đồng, cần phải làm rõ.
Thứ nhất, có thể khẳng định trong Kinh tạng đã được dịch sang tiếng Việt, dù là hệ Nikaya, A-hàm hay Bắc truyền, chúng ta đều dễ dàng đọc thấy nhiều đoạn kinh, trong những bối cảnh khác nhau, Đức Phật đã nói rất rõ, rất sinh động về vong linh, về cảnh giới Ngạ quỉ, Địa ngục, A-tu la và chúng sinh nơi đó. Kinh Tăng chi nói: chỉ có chúng sinh đọa vào loài ngạ quỷ mới có thể thọ dụng cúng phẩm do người thân tế tự. Nhiều kinh còn nói rõ về hiện tượng “ma trước” (著trước: ám, bám theo), “ma nhập” vào người sống để báo ân hay báo oán, về thế giới vong linh và nghĩa vụ thiết thực của thân nhân trong việc cúng dường cho các vong linh.
Không thể căn cứ và ngôn ngữ hay người dịch mà nghi ngờ hay phủ nhận tính chân thực của kinh, nhất là đối với các kinh của tông Tịnh Độ nói riêng và kinh hệ Bắc truyền nói chung: Kinh Phật thuyết A-di-đà được Cưu-ma-la-thập (Kumarajiva: 344-413) dịch từ chữ Sanskrit sang chữ Hán; kinh Địa tạng Bồ-tát bản nguyện do Thực-xoa Nan-đà (Siksananda: 652-710) dịch từ chữ Sanskrit sang chữ Hán. Cũng cần lưu ý, trong Tứ đại dịch gia trứ danh trong lịch sử dịch giảng kinh điển Phật giáo là Cưu-ma-la-thập, Chân Đế (Paramartha: 499-569), Bất Không (Amoghavajra: 705-774) và Huyền Trang ( 602-664), thì ba người là những cao tăng Ấn Độ và Tây Tạng, chắc chắn là các Ngài rất thông bác tư tưởng giáo lí Phật giáo và văn hóa Trung Quốc. Hơn nữa, như chúng tôi đã viết: không nhất thiết cứ điều gì Đức Phật nói ra và được Kinh tạng ghi lại mới là chính pháp; những gì Ngài không nói, không được ghi chép trong Kinh tạng mà tin và làm theo là sai chính pháp.
Thứ hai, cảnh giới Ngạ quỉ là một trong sáu cảnh giới trong dòng chảy của luân hồi. Ngạ quỉ, ma và vong linh đeo bám hoặc đầu thai để báo ân hay báo oán đã được nói đến rất nhiều và sinh động trong Kinh tạng. Vong linh là thần thức vì nhân duyên nào đó mà chưa tìm và đến được cảnh giới để chuyển sinh, ngạ quỉ là thần thức không được chuyển sinh vào một trong năm cảnh giới là Thiên, A-tu-la, Người, Súc sinh hay Địa ngục. Ngạ quỉ có sắc thân nhưng vô hình, quan sát thông thường không nhận biết được, nhưng những tác động của chúng đem lại cảm giác có thực cho người sống (như hiện tượng Vật chất tối, Năng lượng tối trong Vật lí học hiện đại). Do nghiệp chướng tạo ra khác nhau nên ngạ quỉ cũng có muôn ngàn “thân phận” khác nhau, nhìn chung là thân thể bất toàn, đói khát, khổ đau vất vưởng nơi rừng núi, hang động, bến sông bãi chợ… Ngạ quỉ và vong linh, vì đem tâm sân hận oán thù mà luôn tìm người, chờ thời cơ để báo oán, đòi nợ; hoặc vì nặng lòng ân hận vì nợ kiếp trước chưa trả, mong chờ ân nhân để trả cho hết nợ; hoặc đã tạo nên ba ác nghiệp (suy nghĩ, lời nói, việc làm), không có đối tượng cụ thể để trả ân hay báo oán, nhưng cũng không có cơ hội và điều kiện sám hối để chuyển sinh chuyển nghiệp.
Nghĩa của Oan gia trái chủ (冤家債主): “oan” là oan cừu nghiệp báo; “trái chủ” là chủ nợ. Con người sống trong tổng hòa những mối quan hệ, là lục thân quyến thuộc, là bạn hữu, là thành viên trong mối quan hệ cộng đồng, là cá nhân trong mối quan với không gian môi trường sinh thái… Trong gia đình, do nhân duyên rất lớn từ trong nhiều kiếp mới chiêu cảm mà đến với nhau, là vợ chồng, con cháu, ông bà của nhau. Kinh Tương ưng bộ, Đức Phật nói: “Vô thủy là luân hồi. Này các tỳ kheo, không dễ gì tìm được một chúng sinh trong một thời gian này lại không một lần nào làm mẹ, làm cha”. Chẳng hạn, cùng một cha mẹ, trong điều kiện và môi trường giáo dưỡng như nhau nhưng có người con thông minh, ngoan hiền hiếu thảo, đó là ân gia, đến để đền ơn; lại có người con chậm đụt hay bất hiếu, ngỗ ngược, đó là oan gia, đến để báo oán, là trái chủ đến để đòi nợ… Cũng bởi nhiều nhân duyên mà chúng ta gặp gỡ, kết tình bằng hữu: Có người giúp đỡ, chia xẻ với ta, đó là ân gia; có người luôn tìm cách dèm pha, phá hoại ta, đó là trái chủ… Nhận thức được đạo lí đó, dù gặp thuận duyên hay nghịch cảnh, phải bình tâm dùng trí tuệ để quán xét và ứng xử khế lí khế cơ: Được nhân lành duyên thuận, không tự mãn mà phải tăng trưởng thiện nhân, tạo nhiều thiện duyên, chuyển nghiệp theo hướng tích cực; Nếu phải chịu quả báo của ác nghiệp, hãy hoan hỉ chấp nhận trả nghiệp, thành tâm sám hối ác nghiệp do chính mình đã tạo ra, tự giác làm nhiều thiện công đức thế gian như bố thí, giúp đỡ người nghèo, xây cầu, làm đường… rồi hồi hướng công đức cho họ, để thiết thực trả nghiệp. Như vậy, những nợ nần oan trái được hai bên (gây oan và chịu oan, con nợ và chủ nợ) dần được tháo gỡ (giải), góp phần tích cực thiết thực cho cuộc sống hiện tại, đó cũng là quá trình trả nghiệp và chuyển nghiệp của cả hai bên.
Trong dòng sinh, tử, lão , bệnh vô thường không ai tránh khỏi, có thân bệnh và tâm bệnh. Bạo bệnh bất thường có nhiều nguyên nhân, trong những trường hợp cụ thể còn do tâm bệnh, phải dùng pháp sự Thỉnh vong giải oan gia trái chủ. Bậc cổ đức từng nói, về phương tiện, “Phật sự môn trung bất xả nhất pháp” (佛事門中不捨一法: Trong làm Phật sự, không bỏ pháp nào, miễn là đúng chính pháp và hiệu quả). Chẳng hạn, từ muôn kiếp trước đến nay có mấy ai tránh được việc tạo nên nghiệp ác, sát sinh hay hại người, lúc lâm chung đủ duyên những vong linh, ngạ quỉ đến đòi nợ hay trả thù. Nếu có tín tâm lại gặp được bậc chân tu nghiêm trì giới luật, y theo pháp Phật mà thỉnh vong, khai thị cho vong, để hóa giải oan gia trái chủ, khi ấy có hai khả năng có thể xảy ra: Thọ mệnh còn thì pháp sự này góp phần khỏi bệnh; Thọ mệnh đã hết thì cũng được ra đi nhẹ nhàng nhanh chóng.
Thứ ba, điểm mấu chốt dễ gây ngộ nhận giữa chính pháp và tà pháp, hiệu quả tâm linh và giá trị nhân sinh của pháp Thỉnh vong giải oan gia trái chủ, là do pháp sự này hàm chứa những nội dung căn bản, uyên áo “bất khả tư nghị” (không thể dùng ngôn ngữ, khái niệm để tư duy và biện luận), đòi hỏi phải có công phu thực tu thực chứng.
Đàn tràng Thỉnh vong giải oan gia trái chủ, đầu tiên là “thỉnh” vong đến đàn tràng để nghe kinh thính pháp, chứng kiến việc sám hối mà cảm thông, hóa giải cho nhau những oan khiên kết buộc từ lâu (chứ không phải “rước oan gia trái chủ về nhà” như một số đã phê phán nặng nề thầy trụ trì chùa Ba Vàng). Qua đó, vong linh, ngạ quỉ còn nặng tâm sân hận thì oan khiên bấy lâu bị kết buộc bởi thù hận cũng dần được hóa giải, hai bên đều hoan hỉ tiến tu trên con đường chuyển cảnh chuyển nghiệp.
Nội dung cốt yếu của pháp sự Thỉnh vong giải oan gia trái chủ là sám hối. Sám hối trong pháp sự giải oan không phải là “tự kiểm điểm” thông thường như thế gian. Theo kinh Pháp bảo đàn, “Sám giả, sám kì tiền khiên. Hối giả, hối kì hậu quá” (懺者懺其前愆.悔者悔其後過), nghĩa là: người do vô minh hay cố ý đã gây ra nghiệp ác, phải thành tâm tha thiết ăn năn lỗi trước đã phạm; hối là, nay đã giác ngộ nên sẽ không gao giờ phạm lại. Đức Phật dạy, có hai hạng người dũng mãnh: “Một là, không bao giờ phạm lỗi. Hai là, có lỗi nhưng biết ăn năn và sửa chữa”. Với vong linh hay ngạ quỉ oan gia trái chủ, pháp sự có các bước: thỉnh linh, dẫn linh, thuyết linh (khai thị), thí thực… Khai thị là hành giả thuyết về đạo lí Khổ, Vô thường và Vô ngã, khuyên bảo hãy chấp nhận lòng thành sám hối mà thông cảm chia xẻ cho nhau, oán thù cần phải giải cởi không nên kết buộc, vì nếu lấy oán báo oán thì oan oan tương báo, biết kiếp nào mới xong để được siêu thoát. Cuối cùng, xin nguyện hồi hướng công đức này đến khắp pháp giới chúng sinh, người mất được siêu thăng, người còn sống được phúc lạc, mọi người ở cõi âm hay cõi dương đều đồng tâm bỏ dữ làm lành, cùng tiến tu trên lộ trình giác ngộ – giải thoát.
Mục đích của giải oan gia trái chủ là để hai bên cùng hóa giải nghiệp chướng, điều đó hoàn toàn không trái với luật Nhân quả. Nhân quả là định luật tất yếu, không ai có thể đứng ngoài hay quyền năng nào có thể điều khiển hay thay đổi được. Tuy nhiên, khác với tín lí của các tôn giáo khác, thuyết Nhân quả của Phật giáo không phải là một định luật cứng nhắc, mà từ nhân đến quả có sự tham gia của vô số nhân duyên, nhiều khi duyên đóng vai trò quyết định đến chất lượng và khuynh hướng vận động của quả. Sáu cảnh giới và thân phận của những chúng sinh ở đó không phải là cố định bất biến, mà vẫn chuyển hóa trong dòng trồi thụt vô thường bởi tác động của vô số nhân và duyên trong quá trình tạo nghiệp và chuyển nghiệp. Theo hướng tích cực hay tiêu cực là tùy thuộc nhiều nhân duyên thuận nghịch, tùy thuộc vào niềm tin, ý chí và hành động của mỗi cá nhân.
Trong tương quan nhân quả, không ai có thể đưa ngạ quỷ ngay tức thời thoát khỏi quỷ giới, nhưng trong quá trình người thân vì ngạ quỷ quyến thuộc mà thực hiện pháp sự này, tạo nhiều công đức lành và hồi hướng cho chúng, là điều kiện thuận lợi để ngạ quỷ khởi sinh một niệm tùy hỷ trong tâm, là phương cách thể hiện lòng thương yêu và cứu độ đối với ngạ đang khổ đau trong quỷ giới ở cõi âm. Với người sống trên cõi dương, bằng con đường tâm linh tình cảm, nó còn đào luyện đức tính kiên quyết diệt trừ cái xấu ác, nuôi dưỡng lòng thương yêu, hiểu biết và thông cảm lẫn nhau, hóa thù thành bạn, biến oán thành ân, gia đình hòa thuận, xã hội hài hòa. Được thành tựu như vậy cũng là đạt được mục đích của bất cứ thời đại hay quốc độ nào là ÂM SIÊU DƯƠNG THÁI.
3.Dâng sao giải hạn hay Lễ cầu an
Hàng năm vào ngày rằm tháng giêng thường gọi là Lễ Thượng Nguyên, đa số người Việt Nam chúng ta thường cúng sao tại chùa hay tại nhà để cầu giải trừ tai ương, tật bệnh trong năm. Trong nghi lễ Phật giáo thường gọi là Lễ Dược Sư Nhương tinh giải hạn, và dân gian gọi tắt là lễ Dâng sao giải hạn. “Nhương tinh” (攘星) là “Dâng sao”; “hạn) (限) là khoảng thời gian được xác định từ điểm này đến điểm khác, có điểm khởi đầu (khởi hạn) và điểm kết thúc (hết hạn), như vậy tùy theo tuổi, có hạn tốt hay hạn xấu. “Dâng sao giải hạn” hay “Nhương tinh giải hạn” là dâng cúng sao để cầu được hóa giải hạn xấu trong năm, trong tháng, hoặc khi có nhu cầu.
Từ xa xưa, các nước phương Đông coi nghiên cứu qui luật vận hành các vì tinh tú, phong thủy và mệnh số là một môn khoa học dự báo, là sự tổng kết kinh nghiệm từ trong thực tiễn lâu dài và là nét văn hoá đặc trưng. Vì thế, khi Phật giáo du nhập vào đã chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều nhà sư tinh thông thiên văn, tướng số và phong thủy, vận dụng kiến thức trên chỉ như là phương tiện, là biện pháp tối ưu để góp phần cải tạo hoặc bồi đắp thêm cái “nghiệp bản hữu” và tăng trưởng “nghiệp tân huân”, tạo nên nghiệp tốt cho đời này và đời sau, chứ không phải là cứu cánh. Xấu tốt đều do chính mình tạo ra và chịu trách nhiệm chứ không hoàn toàn do “tuổi hạn” quyết định”.
Có thể nói, tín niệm thờ phụng tinh tú, nghi thức cúng sao giải hạn, không chỉ có mặt đậm nét trong những bản kinh thuộc Mật tông, mà còn thấy trong những bản kinh Đại thừa lớn, như: Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát cập chư tiên sở thuyết cát hung thời nhật thiện ác tú diệu kinh, 2 quyển, do Tam tạng Sa-môn Bất Không dịch, nội dung mô tả Nhị thập bát tú, các vì sao trong mỗi tháng, cách thức chọn ngày, chọn giờ, lịch tốt xấu…; Bắc đẩu thất tinh niệm tụng nghi quĩ, 1 quyển, do Tam tạng Kim Cương Trí dịch (671 – 741, thuộc dòng dõi Bà-la-môn, Nam Ấn, đến Lạc Dương năm Khai Nguyên thứ 8, Sơ tổ Mật giáo Trung Quốc), nội dung đề cập Bát tinh chú và tán thán những ai thường xuyên trì tụng chú này; Xá Đầu Gián thái tử Nhị thập bát tú kinh, do Tam tạng Trúc Pháp Hộ dịch (? – ?, người nước Nguyệt Chi, hoạt động mạnh và thời Tấn (313 – 316), Ngài đã dịch nhiều kinh điển Đại thừa, như Thủ Lăng Nghiêm, Duy Ma Cật, Vô Lượng Thọ, Pháp Hoa…), mô tả chi tiết về 28 vị sao, về chuyện tiền thân Đức Phật và tín niệm thờ phụng tinh tú…
Trong kinh Du già tập yếu Cứu A-nan Đà La Ni diệm khẩu qũy nghi (do Bất Không dịch sang chữ Hán, Quảng Minh dịch sang tiếng Việt), Đức Phật dạy tôn giả A-nan: “Hãy phát tâm rộng lớn vì cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp đến nay, khắp vì muôn loại chúng sanh ở tinh tú thiên tào, âm ty địa phủ, Diêm ma quỷ giới, côn trùng nhỏ nhít máy động, tất cả hàm linh mà bày ra sự cúng dường vô giá quảng đại, mời đến phó hội, để nương oai quang của Phật, gột rửa ruộng thân, được lợi thù thắng, hưởng vui nhân thiên.”
Như vậy đã rõ, tín niệm về các vì tinh đã có trong rất nhiều kinh tạng Phật giáo. Hơn nữa, công năng của kinh, chú Phật giáo thường dùng cũng như sự linh nghiệm hữu cầu tất ứng của chư Phật và chư Bồ Tát là theo đại nguyện của các Ngài, như: Cứu chữa bệnh tật của Đức Phật Dược Sư; Đức Phật A-di-đà được tôn xưng là Vô Thượng Y Vương, Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang; Bồ-tát Quan Thế Âm; Bồ-tát Địa Tạng.v.v… với đại nguyện rộng lớn, có cầu đều được đáp ứng. Mặt khác, trong Lục đạo cũng có một đạo thường hay quấy nhiễu chúng sinh, đó là các vị A-tu-la, nên chư Phật và Bồ-tát mới hóa thân để cứu chúng sinh và hộ trì Phật Pháp vì lòng đại từ, đại bi của chư Phật.
Vấn đề cốt yếu ở đây là nội dung, nghi thức và hiệu năng của nghi thức này. Cùng đối tượng cầu và lễ là các vì tinh tú, nhưng với Đạo giáo đó là công việc của Đạo sĩ, có “nghi” và “lễ” với theo hệ thống giáo lí chặt chẽ rõ ràng nghiêm mật theo Hành sao học của Đạo gia, trọng tâm đặt nơi lòng tin, thiên về quyền uy của pháp thuật và sự van vái cầu xin của tín chủ. Phật giáo quan niệm, nghi lễ là sự tác pháp, do đó, cung hành không đúng với nghi lễ Phật giáo là sai chính pháp, không đạt được mục đích tối hậu của Phật giáo là đem lại an lạc cho chúng sinh.
Người Phật tử hiểu rằng, muốn có kết quả cho những lời cầu nguyện của mình thì chính mình phải qui hướng về chính pháp, năng tu thiện làm việc phúc, sám hối, tụng kinh, niệm Phật. Nó hoàn toàn xa lạ với tư tưởng và hành vi mua chuộc, hối lộ Thần Thánh để hy vọng thỏa nguyện vọng của mình. Nếu hiểu “hạn” là kết quả của “nghiệp”, với tín niệm và thực hành đúng chính pháp, cầu sự giúp đỡ của tha lực là sự hộ trì của Chư Phật, Bồ-tát, Chư Hiền Thánh Tăng… thì “giải hạn” thực chất là “chuyển nghiệp”, là phương tiện để độ đời, an bình thân tâm, tiêu tai báo nghiệp một cách khế lí khế cơ. Trên phương diện Hoằng pháp, dùng kinh và nghi lễ Phật giáo cúng sao giải hạn theo đúng chính pháp cũng là dịp để Phật tử đến chùa nghe kinh kệ, dần hiểu đạo lí: Nếu gặp sao xấu – hạn xấu thì năng làm lành tránh ác, đi chùa tụng kinh niệm Phật, bố thí cho người nghèo khó, làm nhiều việc thiện công đức… thì tai ách sẽ thuyên giảm, tiêu trừ.
Hiện nay, cùng với những cơ chế và biện pháp giáo dục tích cực, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, chúng ta đang cố gắng xây dựng để có được một lối sống – đạo đức mới tiên tiến – đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Việc Cúng sao cầu an giải hạn đúng chính pháp của Phật giáo chắc chắn không những không trái với mục tiêu chung đang hướng tới, mà còn góp phần tích cực có hiệu quả trong việc bài trừ mê tín dị đoan, định hướng và từng bước xây dựng đời sống văn hóa tinh thần hướng thượng lành mạnh.
KẾT LUẬN
Phật giáo là một hệ thống triết học – luân lí đạo đức và lối sống, nhưng trước hết là một tôn giáo. Không biết tại sao và từ bao giờ người ta vẫn nói và viết một cách rất mơ hồ rằng Phật giáo là một tôn giáo vô thần. Điều này đã gây ra ngộ nhận, rồi phê phán niềm tin và những hành nghi của Phật giáo một cách tùy tiện. Sẽ là sai lầm cơ bản khi hiểu nghĩa “vô thần” ở đây là: không tin vào thần thánh, không tin vào thế giới tâm linh… mà chỉ tin vào những gì đã được kiểm chứng trong thực tiễn hoặc “khoa học đã chứng minh được”, tức là quan điểm “vô thần thực dụng”. Trong nghiên cứu Phật giáo, khoa học chân chính hiểu “vô thần” (aitheism) có nghĩa là: không tin có một lực lượng thần thánh toàn năng, toàn thiện, có thể tạo nên và sai khiến vạn vật, cũng như có quyền cứu vớt hay phạt tội đối với con người.
Theo giáo lí nhà Phật, thế giới con người hiện tồn chỉ là một trong mười pháp giới thuộc dục giới, trong vô lượng tam thiên thế giới. Pháp sự Thỉnh vong giải oan gia trái chủ và Dâng sao giải hạn cầu an đúng chính pháp là pháp phương tiện trong muôn vàn pháp phương tiện khác của Phật giáo, trong nó hàm chứa những tư tưởng cốt tủy của giáo lí Phật giáo cũng như những giá trị nhân văn sâu sắc, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Pháp Thỉnh vong giải oan gia trái chủ tự bản thân nó đã có ý nghĩa khuyến thiện lợi tha, phù hợp với đạo lý truyền thống người Việt và đúng chính pháp Từ Bi (cứu mọi người bị chìm đắm đau khổ), Hỉ Xả (hóa giải mọi oán thù), và Trí Tuệ (phá trừ vô minh là con đường duy nhất đúng đắn để tự chuyển nghiệp, giải thoát). Ngay với đạo lí – tâm lí thông thường, đây là một phương thức trị liệu tâm lí rất cần thiết và hiệu quả cho người sống: Làm tròn bổn phận với người chết mà trước đây mình không có điều kiện hoặc vô tâm; Tự tâm hóa giải những ân oán khúc mắc mà thuở còn sống không làm được; Khắc phục sự ám ảnh dằn vặt trong chính mình để sống thanh thản hơn, sống tốt hơn. Với ý nghĩa đó, pháp sự này không ngoài mục đích bao quát nhằm đạt tới là Âm siêu dương thái.
Nếu có việc lợi dụng Phật giáo để hành nghề mê tín dị đoan trục lợi lại là vấn đề khác. Bằng giáo luật của Giáo hội, pháp luật của Nhà nước và dư luận xã hội, cần phải nghiêm trị những hành vi vi phạm pháp luật và Giáo luật. Tuy nhiên, chúng ta đã có bài học trong Lịch sử triết học: khi Phơ-bách đứng trên lập trường triết học duy vật đã phê phán triệt để toàn bộ thệ thống triết học duy tâm của Hê-ghen mà không nhận thấy giá trị hợp lí của phép biện chứng trong đó, Ăng-ghen từng phê phán: Ông Phơ-bách, khi ông hắt nước bẩn trong chậu nước thì đồng thời cũng hắt luôn cả thằng bé ngồi trong chậu nước đó.
Cư sĩ Quảng Tuệ Lương Gia Tĩnh
Ủy viên HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội
Theo HVPGVN