.
.

Điểm tựa ở đâu?


Tháng tư, báo Tuổi Trẻ vướng nỗi đau quặn thắt – dư luận xoáy trong một xì căng đan không bé, và chính ngành truyền thông trải nghiệm sức mạnh hiệu ứng truyền thông trái chiều với chính mình. Tôi đau.


Tập tành viết và có được báo Tuổi Trẻ sử dụng, có người quen và bạn ở tòa cao ốc màu xanh số 60A Hoàng Văn Thụ, Phú Nhuận, biết công việc qua đấy, tâm tư tình cảm và đời sống thường nhật của anh chị em làm nghề.

Báo Tuổi Trẻ là cơ quan truyền thông hàng top của quốc gia: hạ tầng vật chất, nhân sự, chuyên môn và – quan yếu – lượng phát hành. Không chỉ một mình tôi hàng ngày đọc báo Tuổi Trẻ bản in, lướt Tuổi Trẻ Online cũng như thường xuyên cung cấp thông tin nóng cho báo, tờ “nhựt trình” này đã có chỗ đứng rộng rãi bên trong và cả bên ngoài đất nước.

Đầu tháng tư này, ngày 04, tôi bắt xe khách lên Sài Gòn, đến số 60A ấy, cà phê quán cóc gần tòa soạn, tìm bạn và nhâm nhi tách cà phê nóng ở căn tin tầng cao, cả buổi sáng trời trong xanh gió lộng. Bạn lại lai đi ăn chay rồi đèo đến trung tâm hội nghị W Palace gần sân vận động quân khu 7 dự Diễn đàn phát triển du lịch Tp.HCM – kết nối vùng do chính Tuổi Trẻ tổ chức. Ở đấy có Tổng biên tập Lê Thế Chữ, nhà báo kỳ cựu Huy Thọ, ủy viên Ban biên tập Xuân Toàn… Phó chủ tịch thường trực UBND Tp.HCM Lê Thanh Liêm dự suốt buổi chiều cùng hơn 200 khách mời.

…Không bao lâu sau, cũng tháng tư này, nói theo bên nhà Phật: Chỉ mấy sat na – tập thể dục sáng ở quê nhà cách tòa soạn trên kia 300 cây số nghe vang vang tin động trời do VOV phát trên loa truyền thanh thị xã: Nhà báo A.T, Trưởng Phòng Truyền hình Tuổi Trẻ cưỡng bức tình dục nữ cộng tác viên là sinh viên đại học KHXH & NV Tp.HCM!

Mười ngày sau khi cà phê trên cao ốc Tuổi Trẻ, tôi đọc trên tuổi trẻ online: A.T bị đình chỉ công tác. Đương nhiên không ai xé to chuyện đến mức sánh vụ tệ hại này với sóng truyền thông vọng về từ Syria hay eo biển Đài Loan hay thương thảo Mỹ – Bắc Hàn, song theo ngôn ngữ điểm báo, chuyện kia cũng thành “sự kiện nổi bật”! Cả làng báo buồn…. Bạn đọc, cộng tác viên, bà con buồn. Truyền thông quốc tế chạy tin ấy như nhấn mạnh thêm nỗi đau, nhục.

Sáng nay tôi đọc trên facebook những dòng thắc thỏm nhói lòng của anh chị em công tác ở 60A, tâm tư cá nhân, và tôi nghĩ nhiều…

Báo Tuổi Trẻ, dù lớn nhỏ cách mấy, làng truyền thông dù có là BBC hay VOV hay… Mà nói chi truyền thông, Chính phủ Mỹ cũng đang khốn đốn vì những bê bối “đời thường”. Cõi nhân sinh này, nơi nghiêm cẩn quan yếu và tinh hoa nhất vẫn cũng trên cõi trần tục, hỉ nố ái ố không có chỗ miễn trừ.

Đời sống xã hội đang hồi “phức tạp”, truyền thông chính một chốn lý tưởng cho ký thác công lý và niềm tin, tòa án dư luận. Cho nên dù thừa biết ở 60A không phải trên trời cao thoát tục, vẫn cho rằng chút lấp lánh đấu tranh phải có khác biệt, và những chuyện như A.T là tối kỵ và… không nên. Nó đánh sụp oai nghi tờ báo từng có lượng phát hành gần nửa triệu bản in/ngày với sức công phá không thua một trái bom!

Ở Việt Nam, theo dõi truyền thông và từng nhận ra chính Tuổi Trẻ sớm nhận dạng báo động về tình trạng quấy rối tình dục công sở và HỐI LỘ TÌNH DỤC, nay nó là nạn nhân!

Ở ta thường dùng nhiều từ CƠ CHẾ, vậy phải có CƠ CHẾ sao cho sự tái diễn, tồn tại ngấm ngầm những phiên bản A.T 1, 2… bị loại trừ; quan hệ công chúng và nhà báo thanh khiết, tương tác tòa soạn với cộng tác viên chuyên nghiệp và chuẩn mực, tạo chỗ tựa cho ngòi bút tấn công vào các chốn xấu xa bất công, có sức mạnh tác nghiệp. Nếu “chỗ nào cũng như chỗ nào”, điểm tựa ở đâu? Có khi người ta không còn tin ở tòa án, cảnh sát, người ta gõ cửa tòa soạn, le lói niềm tin vào khác biệt.

… Đừng làm họ thất vọng.

Nguyễn Thành Công