Ngày nhỏ, cứ mỗi độ trăng tròn tháng Bảy là con theo gót mẹ đến chùa lễ Phật, tụng kinh. Vào dịp đó, ấn tượng trong con là hình ảnh Tăng đoàn khoác lên mình màu huỳnh y đẹp thanh thoát, nở trên môi một nụ cười hoan hỷ đón ngày Tự tứ – ra hạ sau ba tháng an cư.
Đó cũng là ngày chúng con được cài lên mình những bông hoa hồng tưởng nhớ đến mẹ cha.
Cái cảm giác ấy từ nhỏ đến lớn luôn làm cho con bùi ngùi xúc động. Hằng ngày, dù mạnh mẽ đến đâu, bao nhiêu chuyện xảy ra con cũng không khóc. Đôi khi, con quên đi cả nụ cười của cha mẹ hay sự lo lắng những lúc con ham chơi mà chạy theo tuổi trẻ của mình. Con chẳng để ý đến tình cảm của mình dành cho Người thật sự sâu đậm đến đâu. Con chỉ biết, ngày Vu lan về con khóc rất nhiều dù trên áo con vẫn là bông hoa hồng đỏ thắm.
Con đồng cảm với những bạn phải cài nhành hoa trắng đơn côi, tủi phận. Nhưng con cũng không hiểu sao chính mình cũng xúc động và khóc thật nhiều khi đọc vào những lời kinh báo hiếu, khi nghe quý thầy cô giảng về ân đức sinh thành của mẹ cha. Khi đó, nước mắt lại lăn dài trên má, rơi nhẹ và thấm thật nhanh vào áo con. Hình ảnh đó cũng giống như cảm xúc của con vậy, vội vàng và thoáng qua.
Con nhủ lòng sau lễ Vu lan, sẽ chạy về nhà thật nhanh để ôm hôn cha mẹ. Nhưng vừa bước ra cổng chùa, bao xô bồ của thế giới khiến con mải mê và quên rằng lời hứa hôn lên trán mẹ một lần vẫn chưa thực hiện được.
Ngày đó, con khóc vì thấy xung quanh mình ai cũng xúc động, con cũng rưng rưng và bật khóc lúc nào không hay. Nhưng rồi, lạ lắm cha mẹ ạ. Con lại vẫn bướng bĩnh, vẫn ngây dại trước những sự vụng về. Lại làm cha mẹ khóc cạn nước mắt bao ngày vẫn chưa vơi, con vẫn thảnh thơi như không có gì, dù ngày Vu lan con đứng trước Tam bảo chắp tay nguyện cầu cho cha mẹ luôn được bình an.
Con hạnh phúc lắm khi trên ngực con vẫn là bông hoa hồng đỏ, sự vui mừng khi con biết con vẫn còn cha mẹ bên đời. Nhưng rồi, con nhận ra, lầm lỗi khiến con hối hận nhất là đôi khi quên mất đi con thương cha mẹ rất nhiều, để cảm xúc đó gói ghém vào một cung bậc khác – rồi con vội cất đi, nhoẻn miệng cười như chưa có gì hết.
Con nhớ, có lần nghe bài hát “thân phận kẻ mồ côi” mà con khóc nấc nghẹn cả buổi chiều, con chợt thấy mình sợ phải đối diện trước cảnh mất mát đau thương nào đó mà con tìm hoài chẳng thấy mẹ cha đâu. Con giật mình nhìn quanh thì may thay mẹ vẫn ngồi đó nở với con nụ cười từ hòa, bao dung. Con thở nhẹ mà lòng vẫn lâng lâng suy nghĩ. Nhưng, chỉ cần mặt trời dạo một vòng trái đất, con lại chạy theo tốc độ của ánh sáng đi tìm cảm xúc của riêng mình. Con như đứa trẻ vẫn ngu ngơ không hiểu được rằng: “hạnh phúc bây giờ mình có chưa hẳn sẽ đến ngày mai”.
Vu lan năm nay, con lại vẫn được cài lên mình bông hồng đỏ thắm. Con sung sướng biết bao nhiêu khi ôm lồng ngực mình lại, con thấy hơi ấm của cha và tình thương của mẹ vẫn chạy trong con. Nhưng, con hứa, Vu lan này con không khóc dù con nhớ cha mẹ rất nhiều.
Con hiểu rằng, thật sự hiểu được ý nghĩa của ngày Vu lan là phải luôn hướng đến điều tốt để trở thành một người chân chính. Con chẳng dám hứa con sẽ là người thành danh, cao siêu nào đó. Con chỉ dám hứa rằng con sẽ là đứa con ngoan, sự hiếu thảo bằng cách không làm cha mẹ phiền lòng. Nhắc đến con, cha mẹ có thể yên tâm vì con đang đi trên con đường hạnh phúc.
Gió sương có thể làm cha mẹ đổi đi màu tóc, thay đi làn da. Nhưng cái mà con luôn cảm thấy ấm trong lòng là tình cảm của gia đình mà con có được. Con muốn nói rằng, con yêu mẹ, yêu cha!
Điều hạnh phúc nhất, với con
Là hơi thở cha mẹ vẫn còn
Là tình thương bao la của mẹ
Là nụ cười ấm áp của cha.
Mùa Vu lan – PL.2562
Hiền Nhiên
Thơ tặng mẹ
Con viết bài thơ tặng mẹ
Có mùa xuân ấm hiên nhà
Bầy chim sẻ về nhặt nắng
Cây đào phai nở đầy hoa
Có nắng rát con đường xa
Ngày bố mình đi công tác
Có cơn mưa rào nặng hạt
Mẹ đón con buổi tan trường
Gói bao nhiêu là yêu thương
Con gửi vào thơ tặng mẹ
Ngọt thơm quả chín trong vườn
Tròn đầy vầng trăng cổ tích
Nhớ ngọn gió mùa tinh nghịch
Đuổi lá khô trên mái nhà
Nhớ dáng mẹ ngồi đan áo
Ấm lòng con lúc đông sang
Con viết bài thơ tặng mẹ
Gói cả bốn mùa yêu thương
Mẹ cho chúng con tổ ấm
Cho con có một con đường.
Đặng Ý Nhi
(HS lớp 9, Trường THCS thị trấn Sóc Sơn, H.Sóc Sơn, Hà Nội)