Lần về nước làm từ thiện này, đoàn của ông về khu vực Đông Nam Bộ. Mới nghe thế thôi, chưa rõ ở tỉnh nào nên ông Tâm càng nghĩ ngợi. Trong thâm tâm, ông thầm ao ước về đúng quê mình lần nữa trước là giúp trẻ em, giúp người nghèo, sau là tìm gặp lại một số bà con làng xóm, và đặc biệt là dò hỏi về Hiền, cô bạn Văn khoa, mối tình đầu thuở nào. Bây giờ nàng sống ra sao, bông hoa tươi thắm mãi còn trong anh… Hiền ơi!
Mấy năm trước đoàn có về Đồng Nai, đúng quê hương bản quán của ông, ông đã thăm dò kiếm tìm qua nhiều bà con, bạn bè nhưng không một ai biết bà Hiền, cô Hiền sinh viên Văn khoa giờ làm ăn sinh sống ở đâu, chỉ biết người ấy theo chồng xa xứ, nghe đâu miệt Sông Bé. Không biết tin tức của bà, lòng ông mãi bất an, không biết bà sống thế nào, có an nhàn không, có vui vẻ không… Cứ quẩn quanh những câu hỏi trong đầu, đau đáu mãi xoáy vào tâm khiến ông luôn có cảm giác hồi hộp, bâng khuâng lẫn khắc khoải trước mỗi chuyến đi.
*
Ngơi tay sau buổi khám sàng lọc, có 68 cháu bị dị tật sứt môi hở hàm ếch. Trong số này có 6 cháu suy dinh dưỡng, chưa đủ cân để có thể mổ đợt này. Sáu bé này tội thật, èo uột, suy dinh dưỡng, nhìn những bà mẹ cũng có vẻ gầy gò, suy nhược… Chắc gia cảnh của những đứa nhỏ này rất khó khăn. Nhìn trang phục, sắc mặt, thể trạng của 68 trẻ dị tật…, ông Tâm biết phụ huynh các em cũng chẳng khá giả gì… Suy tư với số liệu lớn các em nhỏ cần được phẫu thuật ở một tỉnh vùng sâu vùng xa, ông Tâm biết những lần trước về nước làm từ thiện đoàn chỉ tập trung ở thành phố thì quả là chưa đạt được mục đích. 68 em nhỏ bị dị tật, đây không phải là những con số vô tri vô giác mà là 68 số phận, hạnh phúc của 68 gia đình. Tất cả các trường hợp này cần phẫu thuật sớm, đoàn của ông sẽ cố gắng hết sức đem lại nụ cười hồn nhiên, đem lại nét mặt bình thường cho các cháu. Nhìn những chiếc miệng rách toạc như những chiếc lá non bị giông bão xé toang mà lòng đau nhoi nhói. Trẻ sứt môi hở hàm ếch tiếng khóc cũng méo mó, gọi ba gọi má cũng lếnh loáng phậm phèo tội nghiệp. Việc phẫu thuật sớm ngoài tác dụng làm đẹp còn giúp các bé phát âm tròn trĩnh, không ngọng nghịu… Bất giác, ông Tâm đưa tay lên sờ mép trái. Vết sẹo tai nạn ô-tô năm nào cứa đứt sợi dây tơ hồng… Cái sẹo ác nghiệt cũng là đề tài cho các bạn châm chọc một thuở khi ông chân ướt chân ráo đến Mỹ. Mặc dù sau đó cái sẹo đã được các chuyên gia xử lý tốt nhưng vẫn còn mờ mờ, và nó mãi còn ám ảnh ông. Qua khung cửa, hình ảnh một bé trai đang bú mẹ nhưng sữa cứ tràn ra mép, chảy xuống cằm mà xót… Ông Tâm tự nhủ, lần này về Mỹ, ông sẽ kêu gọi thêm nhiều bác sĩ, nhiều nhà hảo tâm hơn nữa để thực hiện thêm nhiều chuyến đi giúp bằng hết các bé… thương các cháu quá đi thôi…
*
Khi nhìn thấy cái tên bác sĩ Huỳnh Công Tâm trong danh sách đoàn từ thiện thì dường như có luồng điện chạy dọc sống lưng bà Hiền. Móc mục kỉnh đeo lên để tăng thị lực, khẽ khàng vén tấm phông trắng nhìn kỹ người ngồi sau tấm biển “Bác sĩ, Chuyên khoa II – Huỳnh Công Tâm”, bà Hiền bủn rủn chân tay loạng choạng rồi khuỵu xuống. “Cảm ơn… Tôi không sao. Cảm ơn…”, bà Hiền đưa tay cho một vị phụ huynh đang chờ đến lượt đưa con vô phòng khám sàng lọc kéo đứng dậy rồi lẩn ra một góc phòng ngồi suy tư nhớ lại…
*
Năm ấy, Hiền còn trẻ lắm, mới hai mươi mốt tuổi thôi. Một cô Hiền vui vẻ, hớn hở dọn dẹp trang hoàng nhà cửa sao cho thật tươm tất để đón Tết mà thực chất là để đón anh. Dọn từ trong nhà, dọn ra sân, ra vườn, rồi ra tận ngõ. Hối thằng em lau chùi bộ lư đồng và cặp đèn trên bàn thờ sáng choang mà vẫn chưa yên tâm, còn lau đi lau lại vài ba lượt. Nhờ má phụ làm bánh in, bánh thuẫn, mứt bí, mứt dừa rồi muối hũ củ kiệu, hũ dưa món, mà mặt mũi Hiền lúc nào cũng rạng rỡ, ửng hồng, thèn thẹn mới đáng yêu làm sao.
Việc khó khăn nhất là nói với má về anh thì Hiền cũng đã nói rồi. Má vui lắm, má nói sẽ tác thành, sẽ ủng hộ. Má tin vào lựa chọn của Hiền nhưng chỉ lo người ta chê nhà mình nghèo mà thôi.
Năm ấy mùng bốn Tết là xe đò bắt đầu chạy chuyến đầu tiên, Hiền hồi hộp đứng ngồi không yên chờ anh. Ngày ấy không có điện thoại để liên lạc nên chỉ biết chờ sự xuất hiện của anh. Mỗi tuần anh viết cho Hiền một lá thư, nhận thư cô trả lời… cứ thế đều đặn không lỗi nhịp bất cứ tuần nào. Cứ thứ Năm hàng tuần là cô ngóng thư, lại bị bác bảo vệ trêu: “Thư chàng nè… khao đê”. Mấy đứa làm chung thì thắc mắc: “Viết gì mà viết nhiều thế, vẫn còn chuyện để viết à…?”. Cô chỉ cười bẽn lẽn, giấu nhẹm lá thư, chờ không có ai để ý mới dám xé ra đọc.
Chờ hoài, chờ mãi đã quá ngọ mà không thấy anh, Hiền đi ra đi vô khiến má cũng lây vẻ sốt ruột cầm bình trà lên lại đặt xuống. Vợ chồng anh Hiển con bác Thiện qua chúc Tết, chị Hoa vợ anh Hiển kể chuyện với má: “Sáng nay tụi con đi về, thấy cái xe đò lật gần cầu Giang Điền… Con kêu anh Hiển dừng lại xem sao mà anh Hiển không chịu, chạy luôn…”. Nghe tới đó cả Hiền và má cô đều sửng sốt, lo lắng đến tột độ, không tài nào ngồi yên được. Hiền nhờ anh Hiển chở cô đến chỗ xe đò gặp tai nạn. Đến nơi thấy cái xe đò còn nằm nghiêng, không một bóng người. Một chậu bông giấy ghép hai màu trắng đỏ gãy dập, vỡ tan nằm bên lề đường. Tim Hiền muốn vỡ tung ra… Thư trước anh hứa sẽ mang về tặng cô chậu bông giấy ghép hai màu. Đúng chậu bông của anh rồi! Hốt hoảng, cô chạy đi hỏi thăm những nhà dân quanh đấy, họ bảo có mấy người sứt đầu mẻ trán, gãy tay, gãy chân, chảy máu nhiều nhưng không có ai bị đe dọa tính mạng. Nhà xe đã thuê xe chở họ đi viện và sang khách sang xe khác cho họ về nhà hết rồi…
Hôm sau mùng năm, má cản không cho cô đi tìm anh vì quan niệm “mùng năm, mười bốn, hăm ba…” sợ đi gặp xui xẻo. Mùng sáu thằng em bị ngộ độc thực phẩm phải đi viện. Lòng như lửa đốt mà Hiền đành chịu. Ăn xong Tết Nguyên tiêu má mới đồng ý cho Hiền lên ký túc xá Y khoa hỏi thăm tình hình của anh. Đặng Nguyên bạn cùng phòng với anh nói, gia đình ép Tâm đi Mỹ rồi. Giấy tờ thủ tục đã lo xong hết vì có bà con làm ở Đại sứ quán Mỹ. Anh Tâm du học dù vết thương vụ tai nạn trên mặt còn chưa lên da non… Thế là mất liên lạc. Gần 50 năm rồi, cái tên Huỳnh Công Tâm này như đánh thức mọi tiềm thức ngủ mê trong bà Hiền tỉnh dậy.
*
– Thưa bác sĩ… cho tôi hỏi…
Tiếng một phụ nữ đứng tuổi e dè, nhỏ nhẹ. Ông Tâm ngước lên, một nét gì đó rất đỗi quen thuộc, mái tóc xoăn xoăn ôm gọn khuôn mặt thanh tú.
– Có chuyện gì bà cứ nói…
– Ông là ông Tâm phải không? Tâm Sầu Riêng phải không?
– Bà là…
Ngỡ ngàng vì biệt danh Tâm Sầu Riêng đã quên lãng gần năm chục năm rồi mà bữa nay lại có người nhắc đến, ông Tâm quá đỗi xúc động bỏ lửng câu nói. Xuất xứ biệt danh Tâm Sầu Riêng thật đơn giản, thuở còn là sinh viên Y khoa lần nào về quê lên ông cũng xách một hoặc hai trái sầu riêng vườn nhà cho cả phòng cùng ăn. Tụi bạn đặt cho ông là Tâm Sầu Riêng để phân biệt với Tâm Hột Vịt Lộn, cái thằng bạn cùng phòng tròn vo còn mê ăn hột vịt lộn. Sao bà ta lại biết, chả nhẽ là Hiền… Đúng rồi! Đúng Hiền rồi, nốt ruồi dưới đuôi chân mày trái, ánh mắt này, nụ cười này. Đúng Hiền rồi!
– Bà… Hiền… Hiền Văn khoa phải không?
– …
Bà Hiền không nói gì, gật đầu lia lịa. Ông Tâm cũng không nói được gì thêm, hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy dài. Qua màn nước nhòe nhoẹt, ông thấy bà Hiền cũng đưa tay áo lên quệt ngang. Cầm chặt hai bàn tay nhỏ nhắn của bà, ông bóp mạnh… Sau khi coi hồ sơ về đứa cháu ngoại của bà Hiền, ông bảo bà yên tâm, sứt môi như cu Tũn thuộc dạng nhẹ, thể trạng của cháu cũng tốt…
*
Xoay xoay tách cà-phê sữa đá trong tay, ông Tâm hồi hộp đợi bà ở quán cà-phê xeo xéo cổng Bệnh viện tỉnh Bình Phước. Hồi ức hơn bốn mươi mấy năm về trước ùa về. Ngày ấy cậu Tâm Y khoa mê mái tóc phi-dê xoăn xoăn của cô Hiền Văn khoa lãng mạn. Cô Hiền văn hay, biết làm thơ, chữ viết mềm mại. Cậu Tâm cũng biết làm thơ, dân Y mà làm thơ tình không thua gì đám Văn khoa. Họ mết nhau ở Hội Tao Đàn. Bên ni đối qua, bên kia đáp lại, mượn thơ tỏ bày để rồi công khai thành một đôi không biết tự bao giờ. Cô Hiền ra trường trước nhưng những cánh thư như những con thoi chuyển tải dùm bao yêu thương nhung nhớ, nhiều bài thơ bài họa của cả hai ra đời, gắn kết hai tâm hồn thành một. Lời hẹn thề chung tay xây một mái nhà hạnh phúc. Ông hối hận vì trước khi đi không kịp gặp mặt, không kịp nói một lời từ biệt, không biết bà có tha thứ cho ông không…
*
– Ông đến lâu chưa?
Tiếng bà vẫn nhẹ nhàng như thuở nào.
– Cũng mới thôi, bà ngồi đi, bà uống gì tôi gọi…
– Giống như ông thôi…
Vẫn câu trả lời như thuở nào, đi ăn uống gì hai người đều gọi giống nhau. Câu trả lời của bà làm ông rơm rớm… “Thương quá Hiền ơi…”.
Ông xin bà thứ lỗi rồi bộc bạch đã bao lần đi kiếm mà không gặp. Bà ngồi im như nuốt từng câu từng chữ. Sau lần bị cha mẹ ép đi xuất ngoại, ông chỉ kịp nhắn đứa bạn báo cho bà là ông đi Mỹ, không hứa hẹn gì cả vì chưa biết sự thể thế nào, rồi giải phóng miền Nam, rồi sợ mang tiếng bỏ Tổ quốc ra đi, ông không dám trở lại. Mới mười năm trở lại đây khi đã nghỉ hưu, bạn bè ông về nước nhiều, rủ ông về cùng, rủ đi làm từ thiện… Nhờ đó ông mới mạnh dạn trở về. Bạn bè người còn người mất, người tứ tán khắp nơi, ông cố tìm bà mà tìm hoài chưa được. Trời đất run rủi thế nào mà hôm nay lại gặp được nhau. Bây giờ đã lên chức ông chức bà, mái tóc đã bạc phơ, da đã điểm mồi nhưng cái tình chưa bao giờ phai trong tâm trí ông.
Như vừa tỉnh mộng, ông tháo kính ra rồi lại đeo kính vào, cố nhìn cho rõ hình ảnh của bà, uống từng lời bà thỏ thẻ. Lời bà nói dịu dàng mà lắng đọng, nỗi đau bà chôn chặt đáy lòng mấy mươi năm không biết tỏ cùng ai. Cũng may bà có được người chồng biết quan tâm sẻ chia và có chung niềm đam mê thơ phú, các con của bà thành đạt, gia cảnh cũng thường thường bậc trung, về già vui thú điền viên cùng con cháu.
Truyện ngắn Ngọc Diệp