.
.

Truyện ngắn Hoàng Công Danh: Sân rêu nhà cũ


Mái ngói rêu xanh, những lần mưa xong chim sà xuống đều bị trượt chân chấp chới. Cả cái sân gạch cũng lên rêu, tôi đã nhiều lần trượt ngã đánh oạch. Mẹ thường nói có ngã đau trên cái chỗ mình sống mới nhớ lâu. 


Tôi chưa bao giờ thấy mẹ ngã trên đó, có thể mẹ ngã những lúc tôi đi học xa và mẹ không kể làm gì. Chắc vì mẹ không cần phải nhớ, mẹ đã sống kiếp đời ở đất này, có được đi đâu xa mà phải nhớ. Duy nhất một lần tôi biết mẹ ngã, nghe hàng xóm kể lại khi ấy mẹ cũng không kêu la gì, mẹ lặng lẽ đi xa, vĩnh viễn.

sanreu 2.jpg
Ảnh minh họa

Hai anh em tôi trở về chịu tang mẹ. Kẻ từ ngoài Bắc vào, người từ trong Nam ra, không hẹn nhưng gần như vào nhà cùng lúc, kịp nhìn thấy mẹ lần cuối trước khi đắp mặt. Mẹ như đang ngủ, da mặt lốm đốm xanh màu rêu ẩm, thế mà chúng tôi không trượt ngã trên khuôn mặt đó thêm một lần cuối, cả hai không khóc như hồi xưa. Giá như tôi và anh trai đừng về cùng lúc, có khi chúng tôi khóc được. Nghĩa tử là nghĩa tận, khóc đi con, hàng xóm giục anh em tôi nhưng cả hai vẫn tỉnh bơ.

Tôi và anh đã không nhìn mặt nhau kể từ khi có dự án làm đường tránh. Lúc anh mang về tờ bản đồ dự kiến phóng tuyến, chỉ trỏ nói con đường này sẽ chạy qua luôn cả nền nhà lẫn khu vườn nhà mình. Rồi anh bàn với mẹ chia tiền đền bù cho hai chúng tôi. Anh nói chia đều là tốt nhất, còn mẹ thích ở với đứa nào quyền mẹ. Tôi không chịu, phải chia thành ba phần, ai nuôi mẹ được hưởng thêm phần của mẹ.

Anh thừa biết mẹ thích sống với tôi hơn. Đấy là phỏng đoán, vì so quãng đường, tôi cách nhà năm trăm cây số, anh thì gấp đôi. Mẹ chắc sẽ chọn đứa ở gần, để tiện hơn cho việc về thắp hương mộ cha tôi.

Mặc cho anh em tôi tranh cãi, mẹ chỉ im lặng. Và mẹ im lặng từ đó cho đến khi mất, ít ra là cả tôi và anh đều không nghe mẹ nói lời nào. Thậm chí cái hôm tôi về báo tin tuyến đường tránh không chạy qua đất nhà mình, mẹ cũng chẳng tỏ vẻ vui buồn. Có lẽ, mẹ đang nghĩ về một con đường nào đó đã chạy qua đây, phá tan sân rêu.

Cái sân rêu những khi đứa em ngã kêu khóc đứa anh chạy đến chưa kịp đỡ thì cũng ngã nhúi nhùi. Cái sân rêu những khi trời nắng rêu khô bong tróc, đứa anh cùng đứa em hì hụi dùng mảnh sắt cạo cho sạch để tới mưa khỏi ngã. Chỉ mưa dầm dăm hôm, rêu mọc lại như thường. Hai anh em bất lực, mặc kệ luôn, lần sau không cạo rêu nữa làm chi cho mệt.

Mẹ nói tại người đi mang đất ngoài đường vào sân, mưa dầm ẩm thấp nó lên rêu. Chỗ nào có đất chỗ ấy thực vật sống được, con người cũng sống được. Thế mà chính cái chỗ đất truyền thừa mấy đời này, anh em tôi lại không sống được. Người nào theo việc nấy, kẻ nào theo vợ nấy. Chúng tôi hằm hè nhau, giằng giữ nhau rồi lại đùn đẩy nhau cái trách nhiệm phải về sống với mẹ. Mẹ nói còn mạnh, tự sống được, chẳng cần đứa nào phải ở cạnh.

Đúng mẹ mạnh thật. Hàng xóm kể lại sáng nào mẹ cũng ra vườn quét lá, tiếng rột roạt chổi tre biết bàn tay còn khỏe. Những ngày sắp bão, mẹ bắc ghế cầm rựa chặt bớt mấy cành cây vướng, lại mình mẹ giằng cột cửa chắc chắn. Lụt nhỏ, nước xâm xấp ngoài đường, mẹ lội đi quanh xóm chơi.

Vậy mà chỉ mấy mảng rêu yếu ớt quật ngã được mẹ.

Mấy ngày đám tang mưa vẫn ướt rượt. Đến lúc di quan đội âm binh dặn nhau phải bấm ngón chân xuống sân rêu để khỏi trượt ngã. Hai anh em tôi đi thụt lùi trước cỗ quan, qua chỗ sân rêu cũng gồng bấm mấy ngón chân. Lần đầu tiên tôi biết sợ ngã ngay chính trên đất nhà mình, bởi mẹ đã nằm yên không thể rửa chân tay và thoa dầu cù là cho tôi. Anh trai, người đang đi thụt lùi bên cạnh tôi đây cũng không đỡ tôi dậy như hồi xưa nữa đâu. Đất đã làm rêu bám trên sân. Nhưng đất cũng đã đẩy anh em tôi ra xa nhau. Chúng tôi quay mặt về mẹ, nhưng đầu óc vẫn nhớ dưới chân đang rất trơn trượt. Chúng tôi cô đơn ngay chính trong cái đám đông, ngay chính trên mảnh sân thân thuộc của mình.

Hết đám, anh em tôi buộc lại khăn tang bên vách bàn thờ, ngược Bắc ngược Nam theo công việc. Ngôi nhà để không, thỉnh thoảng có mấy người hàng xóm qua thắp hương cho di ảnh mẹ đỡ lạnh lẽo.

*

Ông trưởng thôn gọi điện xin cho một người đàn bà tên Cam được ở nhờ ngôi nhà cũ của chúng tôi. Tất nhiên tôi đồng ý, vui nữa là đằng khác, coi như có người trông nhà giúp. Tôi bảo trưởng thôn phải gọi điện cho anh trai tôi, xin thêm ý kiến của anh ấy. Trưởng thôn đáp đã gọi trước rồi, anh tôi cũng đồng ý. Tôi cũng kịp nói với trưởng thôn phải dặn bà ấy là cái sân nhà tôi trời mưa rất trơn, coi chừng ngã. Cúp máy, tôi chợt nhận ra mình chưa bao giờ dặn mẹ câu đó.

Bà Cam người làng tôi nhưng sống ở Sài Gòn với người con nuôi hai chục năm rồi. Bà trạc tuổi mẹ tôi, hai người là bạn thiết thân từ thuở còn chăn trâu cắt cỏ cho đến lúc đi làm hợp tác xã. Lần tôi về quê, nghe bà kể sống trong đó bà khổ quá, chẳng đặng đừng mới về đây. Khổ chẳng phải vì gạo tiền, mà vì đứa con bà xin nuôi từ nhỏ, chăm lo thương yêu như con ruột, bỗng lấy vợ và coi bà chẳng ra gì. “Máu mủ ruột rà vẫn hơn cháu ơi”, bà nói. Đến lúc đó tôi vẫn không gỡ bỏ được khúc mắc với anh trai, máu mủ của mình.

Có bà Cam về ở, ngôi nhà đỡ hoang lạnh. Nghe hàng xóm khen bà cũng siêng động tay động chân như mẹ tôi, sáng làm vườn, chiều gom lá đốt. Bà kiếm nhánh nè cắm bao quanh khu vườn, trồng rau mùng tơi cho leo lên thành một cái hàng rào xanh mướt mắt. Lâu lâu tôi ghé về nhà cũ, thấy mừng, có cảm giác bà yêu ngôi nhà này hơn cả anh em tôi. Mùa mưa, thỉnh thoảng tôi gọi về nhắc bà Cam đừng ra sân để khỏi trượt chân.

Một tuần trước giỗ mẹ tôi, chính bà Cam lại sốt sắng gọi điện năn nỉ anh em tôi về quê. “Về cả hai anh em mới ấm cúng, cho mẹ vui”. Bà gọi sớm vì sợ tới cận ngày, tôi hoặc anh sẽ nhờ bà nấu giúp chén cơm luộc dĩa rau đặt lên bàn thờ thắp hương cho mẹ. “Tội nghiệp, không về được cả hai thì cũng một chú về chớ”. Thế nên năm nay tôi về, thì năm sau đến lượt anh. Chúng tôi không về cùng một lần giỗ nào, chủ quan đã có bà Cam nấu đặt, với lại nấu ít hay nhiều mẹ cũng đâu có ăn được.

Ở được hơn bốn năm, người con nuôi bà Cam về tận quê lạy tạ mẹ, xin mẹ thứ tội và rước mẹ vào lại Sài Gòn. Bà gọi điện cho tôi nói lời cảm ơn đã cho ở nhờ nhà. Rồi bà nói trong nước mắt: “Không máu mủ, nó thương mình chừng nào mình được nhờ chừng đó, cháu ơi”.

*

Giỗ mẹ năm nay không có bà Cam, cả hai anh em chúng tôi không được ai nhắc mà tự đùm gói vợ con tìm về.

Mùa mưa, cỏ dại lên um tốt, rêu sân rêu mái ngói xanh lè, một màu xanh buồn bã từ ngoài cổng vào tận nương sau. Căn nhà đúng nghĩa một chốn bỏ hoang.

Tranh thủ ngày tạnh mưa hửng nắng, chúng tôi ra dọn dẹp vườn. Lâu rồi mới lao động chân tay đổ mồ hôi, tôi và anh trai cởi trần, người phát cỏ, người buộc lại hàng rào. Anh em tôi vẫn chưa nhìn thẳng mặt nhau, chưa nói được với nhau câu nào. Tuồng như thuở ấu thơ cởi trần đánh vật và vẫn còn giận dỗi chưa chịu làm lành.

Vợ tôi và chị dâu gom cỏ, vừa làm vừa rôm rả đủ thứ chuyện lâu ngày. Ba đứa trẻ con cầm điện thoại của mẹ chơi, rồi phát hiện ra chỗ này không có mạng wifi, chúng kéo nhau ra vườn hái hoa dại, vặt cây lá chơi trò đi chợ nấu nướng.

Hai chị em dâu đi chợ mua đồ về nấu cúng giỗ, hỏi hai anh em tôi thích nhâm nhi món gì để mua về nấu. Hỏi xong, chị chợt nhớ ra đây là giỗ mẹ, phải mua món ngày còn sống mẹ thích chứ. Anh bảo gì chẳng xong, đằng nào mẹ cũng không ăn được nữa rồi. Tôi thì chỉ nhớ qua quýt mẹ thích ăn món luộc, luộc cho thật mềm.

Mâm đồ cúng đủ những món khi sống mẹ thích, những thứ giản đơn như rau lang luộc, khoai lang luộc, đậu bắp luộc, cá lia thia kho mặn… Nhà cũ không có bếp gas không có bếp điện, hai chị em dâu lúi húi nhen củi lửa, khói xông lên lèn qua mái ngói bùi bùi. Vợ tôi bóc ra miếng cơm cháy dưới đáy nồi cho mấy đứa nhỏ. Chúng nhai rau ráu khen cơm nấu củi giòn và ngon.

Anh trai chủ lễ khấn cúng, tôi lạy theo sau. Đến tận lúc đó tôi và anh vẫn chưa nói được với nhau một lời nào. Bữa ăn, tự dưng chị dâu nhắc tới bà Cam, bảo không biết cậu con nuôi của bà giờ có đối xử tốt với mẹ không nhỉ, không máu mủ ruột rà khó bền lắm. Tôi có chút chạnh lòng, máu mủ ruột rà như tôi và anh có bền không.

Chị dâu thỉnh chai rượu từ bàn thờ xuống. Giỗ phải nhấp chút rượu chứ, hai ông không uống thì để chị em tui. Trong căn nhà gỗ cũ, bốn người chúng tôi ngồi nhấp rượu thật im lặng, chẳng ai nói chuyện gì, chỉ nghe tiếng mọt gặm rường gỗ và ngắm ra khoảng xanh trước vườn nhà.

Sau lượt rượu thứ ba, tôi ngẩng đầu nhìn thẳng, bất giác anh trai cũng nhìn tôi. Sáu năm rồi anh em tôi mới lại nhìn thẳng nhau, dù chưa nói với nhau câu nào, chỉ nhìn nhau thôi cũng ấm lòng hơn trong chiều lạnh.

Mấy đứa trẻ ăn xong chạy ào ra sân chơi. Chưa kịp nhắc đề phòng thì một đứa trượt rêu ngã, lồm cồm tự đứng dậy được, mặt nhăn miệng thít. Chị dâu bảo kệ, ngã đau mới có kỷ niệm để nhớ quê. Chị nói giống mẹ ngày xưa quá.

Vạt sân trước nhà vẫn rêu xanh, đã lâu không có ai cạo trảy.

H.C.D