Ảnh minh họa
Chiếc bàn gỗ tuy cũ kỹ nhưng vẫn khá chắc chắn. Nó được anh Gia – ba Huy – sửa lại bằng cách đóng thêm mấy mối đinh để gắn các nếp gỗ đã hở liền lại với nhau. Sau một hồi lục lọi, mắt Huy sáng lên. Nụ cười tươi rói ngự trên đôi môi tím nhạt của cậu bé lên 10 có thân hình nhỏ hơn so với tuổi. Cậu vui sướng chạy ra nhà ngoài:
– Ba ơi, đây rồi!
– Cái gì vậy con?… Đang trăn trở về điều gì đó, vẻ mặt trầm tư, nghĩ ngợi, đầu anh Gia khẽ lắc qua lắc lại. Đôi mắt anh buồn xo, thêm vào đó là những nếp da nhăn nheo xô lại như sóng lượn, trông đến tội nghiệp.
– Có tiền chữa bệnh cho em Hiền rồi ba!
– Cái gì? Tiền nào? Tiền ở đâu mà có? Vừa đặt ra những câu hỏi liên tiếp, anh Gia vừa ngạc nhiên nhìn chiếc hộp bánh bích-quy Huy cầm trên tay. Cậu bước lại gần ba rồi nhẹ nhàng đặt chiếc hộp lên bàn. Chiếc hộp giấy hình chữ nhật, được dán bên ngoài bởi một lớp băng keo trông khá chắc chắn. Giữa hộp là một chiếc lỗ được khoét tròn nho nhỏ. Huy mỉm cười nhìn vào đôi mắt người cha đang sững sờ như một dấu chấm hỏi và nặng trĩu nỗi lo toan, giọng cậu hồ hởi:
– Ba lấy số tiền này chữa bệnh cho em Hiền đi ba!
– Con… Số tiền này con tiết kiệm từ bao giờ. Con lấy tiền đâu ra mà tiết kiệm? Anh Gia bình tĩnh, nghiêm túc hỏi con trai.
– Con tiết kiệm cả một năm nay đó ba. Con đã để dành lại tiền ăn sáng. Con đã nhặt nhạnh ve chai, thi thoảng còn cắt cỏ thuê cho nhà bác Sáu nữa. Số tiền có được, con đều đem bỏ vào trong chiếc hộp bánh này! Huy nói với ba bằng sự ngây thơ, thành thật. Nhìn sâu vào đôi mắt luốc lem nhưng sáng ngời của con, anh Gia nghẹn ngào. Anh chẳng thể kìm nén được sự xúc động, nước mắt anh chực trào rồi cứ thế lăn tròn xuống khóe miệng. Anh kéo Huy lại, ôm con thật chặt vào lòng:
– Con trai của ba… Con trai tội nghiệp của ba. Tại sao con lại làm thế? Vỗ nhẹ lên vai con, từ trong đáy tim mình, anh nghe rộn lên cảm xúc vừa đau đớn vừa yêu thương. Anh tự trách sao mình cứ mãi nghèo. Rồi anh đau khổ khi không thể lo cho con có được cuộc sống hạnh phúc như bao đứa trẻ khác. Ôm lấy thằng Huy, anh lại thấy mình may mắn vì có được một đứa con biết nghĩ, biết lo, biết thương ba. Một đứa trẻ mới lên 10 như nó đã có suy nghĩ chững chạc như một người lớn. Huy đứng im lặng trong vòng tay ba. Thấy ba nghẹn ngào, mắt nó cũng rơm rớm…
Ngôi nhà đơn côi, tròng trành của ba con Huy nằm sát bên con lạch mọc toàn lau lách, thiếu đi bàn tay người vợ, người mẹ đã mấy năm nay. Cuộc sống của những gia đình xóm Lạch nơi đây, nhà nào cũng nghèo rớt mồng tơi. Sinh ra anh em Huy, sống với chồng chưa tròn chục năm, mẹ Huy mất vì căn bệnh hiểm nghèo mà không có tiền chữa trị. Rồi ba Huy một mình gà trống nuôi con. Huy thương ba vì phải đầu tắt mặt tối. Sáng ba đi làm khi anh em Huy còn nằm trong chăn ấm. Tối ba về nhà khi anh em Huy đã lên giường nằm ngủ. Vậy mà, nghèo vẫn hoàn nghèo.
Có tháng, tiền công anh Gia đi làm chẳng đủ để lo cho cuộc sống của ba cha con. Con lạch nước nổi quanh năm. Ngày trước cá tôm nhiều, bữa cơm còn có cá, có cua. Ai cũng nghĩ cuộc sống của mình sẽ nhờ vả hết vào con lạch ấy. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, cá tôm cũng hết. Nước nhiễm mặn. Lúa má ngoài đồng cũng thất bát dần. Có mùa, rơm rạ gánh về thì nhiều mà lúa chẳng được là bao. Mà đói thì đầu gối cũng phải bò, anh Gia phải làm thuê làm mướn hết việc này đến việc khác để kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình.
Một năm trước, bé Hiền có dấu hiệu vàng da, chán ăn, đau vùng bụng và sức khỏe yếu dần. Anh Gia đưa con đi khám mới hay con gái bị một khối u hiếm gặp ở gan. Giữa lúc gia đình khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn nữa, Huy đã phải nghỉ học giữa chừng để phụ ba. Thương con, anh lại càng dặn mình cố gắng, chăm chỉ hơn. Ai thuê gì làm nấy, dẫu việc nhỏ việc to, miễn là việc lương thiện, miễn là có tiền. Thấy ba cực nhọc, Huy chẳng cam lòng. Có hộp bánh quy bà con trong xóm đến thăm bé Hiền đã ăn hết, Huy bần thần rồi chợt nghĩ ra ý tưởng biến chiếc hộp ấy thành hộp tiền tiết kiệm. Điều này, Huy không nói cho ba và em gái biết. Huy muốn dành cho ba, cho em gái một điều bất ngờ. Chính vì vậy, suốt một năm qua, Huy đã âm thầm nuôi lớn chiếc hộp ấy bằng số tiền mình dành dụm, kiếm được.
Bé Hiền nằm trong nhà đã nghe hết được câu chuyện của ba và anh nó. Con bé tuột xuống khỏi giường, bước ra. Nó òa lên khóc rồi sà vào lòng ba. Mắt nhìn trân trân vào ba và anh, nức nở:
– Con thương ba, em thương Hai nhiều lắm. Khi nào con khỏi bệnh, con cũng muốn tiết kiệm giống anh Hai. Con cũng muốn giúp ba. Thế rồi ba cha con nhìn nhau, người nào mắt cũng ngân ngấn nước.
Bé Hiền nằm viện điều trị. Huy thay ba ở lại chăm sóc em. Thể theo nguyện vọng của Hiền, Huy làm cho em một chiếc hộp tiết kiệm từ vỏ hộp bánh đã hết. Con bé tỏ ra rất thích thú. Dù đau bệnh nhưng nó vẫn rất lạc quan, vui vẻ.
Phòng bệnh của bé Hiền hôm nay rất đông người. Họ là người bệnh, là người nhà bệnh nhân, là bác sĩ thường xuyên ra vào, hỏi han, trò chuyện, nhỏ to liên tục với bệnh nhân. Nhận ra những ánh mắt tò mò đổ đồn về phía hai anh em, Huy rụt rè liếc nhìn qua loa rồi đưa mắt về giường, nơi bé Hiền nằm. Một người phụ nữ trong số đó chăm chú nhìn vào hai đứa trẻ nhỏ thó, gầy gò. Cô đã hỏi về gia cảnh, ba mẹ, nơi ở của anh em Huy. Huy trả lời không giấu giếm điều gì. Rồi người phụ nữ ấy khẽ lắc đầu với vẻ thương cảm. Cô càng thương cảm anh em Huy hơn khi thấy bé Hiền cầm chiếc hộp trên tay và hiểu được ý nguyện của nó.
– Đó là chiếc hộp tiết kiệm. Anh Hai con làm cho con đấy. Khi nào con khỏi bệnh, khi nào có tiền, con sẽ tiết kiệm tiền bỏ vào trong này. Mỗi khi ba hết tiền, mỗi khi anh em con đau bệnh, con sẽ đưa tiền cho ba dùng. Bé Hiền trả lời rành rọt khi được người phụ nữ hỏi đến và xin được cầm, xem chiếc hộp. Người phụ nữ có vẻ mặt sang trọng, quý phái nhưng lại ăn mặc thật giản dị và dễ gần. Cô đến đây thăm người thân chứ không phải chữa bệnh… Huy nhìn người phụ nữ và nghĩ ngợi, đoán thế.
Một lúc sau, cô y tá bước vào phòng, gọi tên bé Hiền và nói người nhà phải nộp tiền viện phí, tiền thuốc để được tiếp tục điều trị. Huy nhỏ nhẻ:
– Cô thư thư cho ba con. Chiều nay ba con đi làm về, sẽ lên nộp tiền được không?
– Nhưng bệnh viện quy định phải nộp tiền bây giờ mới được tiếp tục cấp thuốc. Cô y tá nhìn Huy và giải thích.
– Dạ… nhưng…! Huy chưa dứt câu, người phụ nữ khi nãy đã lên tiếng:
– Được rồi, cô cứ về đi. Tôi sẽ giúp ba cậu bé thanh toán đầy đủ số tiền trên cho bệnh viện. Cô y tá mỉm cười ngạc nhiên nhìn người phụ nữ. Trong đầu cô chắc đang nghĩ rằng, tại sao lại có một người tốt đến như vậy. Rõ ràng không quen biết nhau… vậy mà… Huy nhìn cô y tá bước ra khỏi phòng rồi quay nhìn người đàn bà:
– Cô… cô lấy tiền đâu mà trả viện phí cho em cháu. Nhà cháu nghèo lắm. Ba cháu sẽ chưa có tiền trả cô đâu.
– Không phải lo đâu cậu bé. Là cô muốn giúp ba cháu, giúp em cháu chữa bệnh. Người phụ nữ nhìn hai đứa trẻ với ánh mắt trìu mến rồi bước ra khỏi phòng. Ai nấy nhìn nhau, nhìn anh em Huy rồi bàn luận:
– Cô ấy là doanh nhân giỏi đấy. Cô ấy tốt bụng lắm, thích làm việc thiện mà không cần đáp lại đâu…
A.V