.
.

Làm thầy người ta


Tôi rít một hơi sâu khiến điếu thuốc chỉ còn đương nửa, những vầng khói bao quanh rồi rơi rớt vào khoảng không. Chị ngồi trước mặt tôi xua tay cho khói mau tan, thi thoảng ho hục hặc, bờ má hơi nhô cao và đôi lông mày hơi nhíu lại càng làm cho gương mặt chị trở nên khắc khổ. Tôi buông:

  • Hay chị về sống với tôi?

Chị giật nảy mình, người đàn bà luống tuổi vốn chẳng còn có thể biết ngượng là gì nhưng tôi vẫn cố kiếm tìm

chút hồng hào e thẹn trên gò má ấy. Chị xua vội tay:

  • Thầy, thầy đừng có nói bậy, rồi người ta điều tiếng này kia.

Tôi chép miệng quay đầu nhìn ra ngõ, những làn khói thuốc tiếp tục thả buông tự do, hoàng hôn rơi xuống có

màu đỏ rực, che phủ cả đôi vai gầy của người đàn bà ngồi trước mặt tôi chìm trong bóng tối.  Ở cái xóm nhỏ này có mỗi mình chị gọi tôi là thầy, chứ chẳng ai gọi một thằng lái ghe chở đồ thuê là thầy cả. Vì ngày trước tôi và chị còn chung xóm, khi ấy, tôi hãy còn là một thầy giáo đem mơ ước đưa con chữ đến từng đứa trẻ, rồi chiến tranh, rồi thương tật, rồi bộn bề đủ thứ mưu sinh, ba cho tôi con ghe, thế là tôi thành kiếp chở mướn. Rồi tôi chuyển nhà, chị cũng chuyển, hi hữu thế nào sau cả chục năm lăn lộn lại hạnh ngộ tại xóm nhỏ ven sông này. Nói tới “ thầy”, phải nói tới chồng chị, anh giáo Kim. Nhà sống ở ven sông nhưng anh dạy ở một cái trường nào đó xa tận huyện, mỗi ngày cũng phải đổi mấy lần đò mới tới được.

  • Anh Kim lại đánh chị, lại đánh lũ nhỏ nửa phải không?

Câu hỏi của tôi khiến chị bần thần rồi lại lùng bùng lỗ tai. Chị lưỡng lự không biết trả lời thế nào cho phải:

  • Chị không cần trả lời. Tôi biết. Mà ở cái xóm này ai cũng biết anh nhà là người thế nào. Chả nhẽ mà ảnh phải đi dạy tận nơi xa. Làm giáo mà như ảnh, ở đây ai theo học?

Chị cúi đầu im lặng. Tôi chẳng bao giờ gọi anh Kim là thầy mà trong xóm này cũng chẳng ai gọi anh là thầy.

Họ biết anh, hiểu anh và đã thấy về anh nhiều hơn thế nữa. Lúc ra khỏi nhà lúc nào anh cũng nom rất bảnh tỏn, cũng áo sơ mi trắng, cũng quần âu, cũng giày bít mũi đen tóc tai láng bóng, và thể nào sau bậu cửa cũng có vài đứa nhỏ đang đứng chỉ còn ló đôi mắt ra nhìn anh. Chúng nhìn anh như thể anh là một người nào đó từ nơi xa lắm mà chúng chẳng dám chạm vào dẫu anh là cha của chúng. Anh vừa đi thì tôi lại nhà, chị đã ra đồng từ sớm, chỉ còn lũ trẻ lít nhít đứa lớn bảo ban đứa nhỏ trông nhà. Tôi dõng dạc:

  • Mi, Mi đâu rồi. Ra đây chú cho đám sắn dây này.

Một đám ba bốn đứa nhỏ chạy ra tranh nhau sắn dây từ tay tôi. Chỉ có Mi, chị cả trong nhà, ước chừng mười

một, mười hai lễ phép khoanh tay cảm ơn rồi đằng hắng hét lũ nhỏ trật tự trở lại. Chúng ôm những củ sắn dây đầy những bột như ôm những chú lợn con, Mi lại gần tôi, bàn tay bé xíu sờ sờ vào tay tôi:

  • Hôm qua chú lên rẫy đúng không? Con thấy chú, định gọi nhưng ba la, con sợ quá nên lại thôi.
  • Ừ, chú lên rẫy, đào được cả khúc, cầm khúc này, mà tước ra thì ngọt phải biết đấy con.

Thằng út Ri chui vào lòng tôi rồi nằm ngủ ngon lành, tôi vuốt vuốt cái lưng nó thi thoảng nó lại nhíu mày như

chạm phải chỗ gì đau lắm nhưng được tôi vỗ về rồi cũng chẳng buồn mở mắt. Anh Kim là thế, chẳng cần biết ở trường anh tử tế như thế nào nhưng cứ mỗi khi về nhà là anh uống rượu. Mà nghĩ cũng thật tài, anh giáo mà uống rượu cứ phải gọi là đáo để, thậm chí ở cái xóm lấy rượu làm ấm này chẳng ai đủ dai sức mà ngồi tì tì uống với anh vì bận việc nhà việc cửa. Anh luôn bày rượu ra ngồi cả sáng đêm nhưng thể nào khuya lắc lơ cũng kiếm thứ này thứ kia giải và sáng hôm sau lại đến trường bảnh bao như chưa có gì xảy ra. Mà cái nòi uống rượu là thường đi kèm với đánh vợ đánh con. Tôi còn nhớ, lúc nửa đêm, sau cuốc ghe mệt nghỉ, tôi đang ngủ thì nghe người ta đập cửa rầm rầm, trước mặt tôi là chị đang ôm hai đứa nhỏ khóc la ỏm tỏi, đó là lần đầu tôi thấy anh đánh vợ. Tôi còn bất ngờ, còn ngạc nhiên đủ kiểu:

  • Thầy Kim đâu phải người như vậy, ngày xưa thầy ấy thương vợ thương con…
  • Ảnh cũng là do nghèo quá nên sanh quẫn, chứ ảnh không xấu thầy ạ.

Rồi lâu dần tôi quá quen với cảnh anh vác gậy đuổi theo chị từ đầu xóm tới cuối xóm, thậm chí có bận ngồi

uống nước chè với mấy anh trong xóm chỉ cần nghe tiếng út Ri khóc ré lên là mấy anh lại tặc lưỡi:

  • Thằng Kim lại đánh vợ. Làm thầy mà như thế thì dạy được ai?

Cứ mỗi lần nhà chị có chuyện là chị lại sang nhà tôi, phần vì tôi và chi trước kia tình làng nghĩa xóm, phần vì

cũng có gì đó sợ tôi chẳng bao giờ dám lại nhà. Tôi thương chị, thương cả lũ trẻ, nên bảo chị về chung cội cũng là cái lẽ. Nhưng tôi biết dù có gì xảy ra chị vẫn còn thương anh dữ lắm, mà hơn nữa, hai người tình nghĩa còn gắn kết bởi lũ trẻ.

            -Chú có thương mẹ con nó thì quyết liệt vào, giành con Du về đây với chú. Nghèo nhưng đùm nắm nuôi nhau cháu ạ.- Cụ bà bán nước chè bảo tôi khi thấy tôi đang nhìn về hướng mẹ con chị.

            – Cháu cũng ưng, phải tội chị còn thương anh Kim quá.

            – Thương gì thằng đó. Chả thế mà chẳng dạy học ở cái xóm này được, ngày nào cũng phải lên tận phố.

            Tôi nhìn dòng nước trôi hững hờ, trông nó còn lặng lẽ hơn cả cuộc đời chị, vì nó còn được yên bình chẳng khi nào trải qua những phút giây dậy sóng.

            Tiếng con nít khóc ré lên giữa đêm, tiếng chạy huỳnh huỵch, vài tiếng la ó làm xóm nghèo bừng tỉnh. Tôi mặc vội manh áo chạy như bay về phía nhà chị, Bà hàng nước đang ôm riết mấy đứa trẻ gào khóc lại gần mẹ, hàng xóm bu quanh kín đặc, chị đang nằm vật ra trên nền đất, còn anh đang cầm chiếc gậy người tỏa ra nồng nặc mùi rượu. Tôi chạy như bay vào ôm lấy chị, anh đẩy tôi ra:

  • Mày, cái thằng này. Cha chú mày, đừng tưởng ông không biết mày và vợ ông lăng nhăng nhé. Làng trên xóm dưới kháo nhau cả rồi. Còn chơi trò công khai ở đây nửa hả?

Mặc cho anh nói gì, tôi vẫn kéo chị ra, anh dùng dằng theo làm đám đông càng trở nên hỗn loạn, Tiếng đám

trẻ khóc vang một góc trời. Vài người đàn ông kéo anh ra, tiếng đàn chửi bới anh í ới, chị gượng dậy yếu ớt:

  • Đừng,… bà con.. đừng làm thế với anh Kim… Anh không làm gì tui hết… tại tui.

Chuyện rùm beng rồi cũng đến tai trường, anh bị sa thải vì không xứng với đạo đức của nghề, bị gọi lên kiểm

điểm rồi khiến trách, tôi nói với chị:

  • Ảnh coi như mất cả tương lai. Chị còn cả đám con, hay chị về với tôi, rau cháo qua ngày mà gắng gượng.

Tôi thấy trong mắt chị có phân vân, có nghĩ suy, nhưng lại có tia sáng lóe lên mạnh mẽ:

  • Cảm ơn thầy, được thầy thương là phúc phận của tôi rồi. Nhưng ảnh là chồng tôi, là ba sắp nhỏ, nay ảnh gặp chuyện, tôi không thể bỏ ảnh dửng dưng vậy được.

Tôi không nói gì nữa trước quyết định đanh thép ảnh hưởng đến cả cuộc đời của người đàn bà ấy. Dường như

những nỗi đau mà chị trải qua không làm chị yếu đuối hay oán ghét chồng chị mà chỉ khiến chị mạnh mẽ thêm, giống như, giống như có một niềm tin vô cùng sắt đá rằng tình thương sẽ thay đổi được một con người. Ít hôm sau, nhà chị dọn đi, thấy tôi tiễn đám nhỏ ôm tôi khóc tu tu chỉ có chị vẫn nở nụ cười đầy nghị lực. Chị đi cùng anh, lúc này bỗng trở nên hiền lành và ít nói hẳn. Cho tới bây giờ tôi vẫn không biết chị đã chuyển đi đâu, có hạnh phúc không hay anh có còn làm chị đau không, nhưng tôi tin chắc rằng dù ở bất cứ nơi đâu chị cũng sẽ mạnh mẽ kiên cường như lần cuối cùng mà tôi nhìn thấy chị, hệt như một người đã dạy cho tôi như thế nào là sự bao dung và cố gắng.

Tác giả  : Lê Hứa Huyền Trân

Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định