.
.

Thay Đổi Và Cố Hữu Trong Các Ngôi Chùa Phật Giáo Tây Tạng


Giống nhịp sống đều đặn như việc mặt trời thức dậy mỗi ngày, cuộc sống trong Chùa Drepung cũng bắt đầu như hằng bao thế kỉ qua: các nhà sư thức dậy, tụng kinh, ăn sáng và bắt đầu công việc học tập của mình.

Jan-18-B09-H01

Chùa Drepung. (Ảnh minh họa)

Một con đường nhựa dưới chân núi nối chùa với ngoại ô phía tây của Lhasa. Đằng sau những bức tường quét vôi trắng của ngôi chùa ẩn chứa cả một thế giới huyền bí của vô số tượng vàng và bích họa đa sắc màu.

Những bảng chỉ dẫn bằng gỗ bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh ở mọi ngõ ngách trong chùa dẫn đến những lối đi bất tận cho những tín đồ hành hương Phật giáo cũng như du khách nước ngoài.

600 năm qua, Drepung, tự viện lớn nhất của phái Gelug (Phật giáo Tây Tạng – ND) vẫn đứng bình thản chứng kiến mọi buồn vui bên kia những bức tường của nó.

Những ngôi chùa hiện đại

Qua hàng trăm năm tồn tại, nhiều ngôi chùa đang rơi vào tình trạng xuống cấp và cần được tu bổ, cải tạo.

Hơn 200 triệu Nhân dân tệ (khoảng 30 triệu USD) của chính phủ Trung Quốc đã được chi vào công việc trùng tu Chùa Drepung trong 5 năm vừa qua.

“Nhiều tòa nhà đã được sửa chữa, bãi đậu xe và trạm y tế đã được xây dựng”, Nyima, trưởng ban quản lý Chùa Drepung, cho biết.

Tây Tạng đã chi nhiều khoản tiền cho các ngôi chùa ở khu vực này từ năm 2011, cung cấp điện, nước, xây dựng đường sá, nhà tắm, nhà kính, trung tâm xử lý rác thải…

Ngoài tiền của chính phủ, Chùa Drepung cũng kiếm được hơn 10 triệu Nhân dân tệ mỗi năm nhờ vào tiền bán vé, cúng dường của khách hành hương, thu nhập từ các gian hàng và trà quán. Các khoản tiền này được dùng vào việc duy trì các kiến trúc và bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật của chùa. Những tài sản hiện có khiến cho cuộc sống của các nhà sư có phần thuận lợi hơn.

Ban quản lý gồm các nhân viên chính quyền và các nhà tu hành đã được thành lập trong mọi ngôi chùa ở Tây Tạng. Các thành viên chính quyền này cộng tác với các nhà sư để quản lý các sự vụ của chùa cũng như giải quyết các vấn đề mà nhà tu hành phải đối mặt.

Dradul vào Chùa Tsurpu từ 31 năm trước. Thầy bị hấp dẫn bởi thanh thế của trường phái Karma Kagyu của Phật giáo Tây Tạng kể từ khi hoàn thành một khóa tu tập 3 năm của kì thiền định quy ẩn tuyệt đối.

Dradul là thành viên ban quản lý của chùa và là một cố vấn chính trị của Tây Tạng. Thông qua các ủy ban quản lý này, bây giờ các nhà sư được hưởng các chế độ y tế, bảo hiểm tiền tệ cũng như các chế độ sinh hoạt khác. Các tòa nhà được bảo tồn. Cơ sở hạ tầng như đường sá được nâng cấp.

Datri, một nhân viên chính quyền nằm trong ban quản lý Chùa Drepung, đã tìm được nguồn tài trợ hơn 200.000 Nhân dân tệ chăm sóc y tế cho các nhà sư. Ông cũng giúp 114 nhà sư nhận được trợ cấp sinh hoạt phí.

“Những nhân viên chính quyền này như một thành viên trong gia đình của chúng tôi. Bất cứ khi nào chúng tôi gặp khó khăn, chúng tôi đều có thể tìm đến sự giúp đỡ của họ”, Ngawang Gonchen, một nhà sư, chia sẻ.

Những truyền thống cố hữu

Học pháp và các nghi thức tôn giáo là những hoạt động chính của đời sống tự viện.

Viện Thần học Phật giáo Tây Tạng, học viện Phật giáo toàn diện đầu tiên của khu tự trị, đã có phân viện ở 14 chùa lớn.

Trong tầm tuổi từ 17 đến 30, các nhà sư thuộc phân viện của Viện Thần học Phật giáo Tây Tạng tại Chùa Drepung học tập kinh điển để đạt được học vị cao nhất – “Geshe Lharampa” – tương đương với bằng tiến sĩ. Từ năm 2005, hơn 100 nhà tu hành đã nhận được học vị này tại Tây Tạng.

“Nhà sư nghiên cứu kinh điển là tương lai của bất cứ ngôi chùa nào. Do đó, chăm lo tốt cho họ là một điều hết sức quan trọng”, Ngawang Kunqing, phân viện trưởng Drepung của Viện Thần học Phật giáo Tây Tạng, phát biểu.

Các nhà sư có đức hạnh và năng lực học thuật xuất sắc sẽ có nhiều cơ hội học tập tại Viện – năm đầu tiên chiêu sinh (2011) chỉ có 150 nhà sư được nhận vào.

“Đạt được học vị cao nhất không hề dễ dàng”, Ngawang Chupa, một giảng sư kinh điển đến từ Chùa Ganden cho biết. Phải mất 32 năm thầy mới đạt được học vị “Geshe Lharampa”. Hiện giờ thầy đang dạy kinh điển cho hơn 100 nhà sư ở 4 lớp.

Các buổi pháp hội cũng là các hoạt động quan trọng nhất trong các tự viện.

Hàng năm, vào dịp Phật Đản, Chùa Sera lại bắt đầu pháp hội vào lúc 6 giờ sáng, lúc đó hơn 500 nhà sư cùng nhau tụng kinh. Đó là một cảnh tượng đầy mê lực.

Vào những sự kiện truyền thống theo lịch Tây Tạng, các tự viện, bất kể lớn nhỏ, đều tổ chức những buổi lễ tương tự nhau trải qua hàng thế kỉ.

Chùa Tsurphu tổ chức 38 buổi lễ như vậy mỗi năm trong khi Chùa Sera và Chùa Drepung thậm chí còn nhiều hơn.

Một cuộc điều tra chính thức đã cho thấy có 1.787 địa điểm hoạt động tôn giáo ở Tây Tạng, với hơn 46.000 tăng ni Phật giáo sống trong tự viện, cung cấp các dịch vụ như cưới hỏi hay tang lễ.

“Các dịch vụ này không chỉ đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người Tây Tạng mà chúng cũng là trách nhiệm của các nhà sư”, Dorje Tsering, một thành viên của Cục Tôn giáo thành phố Xigaze cho biết.

Dân Nguyễn (Dịch từ Xinhuanet)