Sau đây là một vài lời khuyên của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được CTV Đông Phong soạn dịch từ những pháp thoại của ngài và gửi tới Giác Ngộ online trong ngày đầu năm 2020, chia sẻ cùng quý bạn đọc như một lời chúc an vui…
Chăm sóc những cảm xúc đau khổ
Khi bạn biết cách chăm sóc cơ thể bằng năng lượng của chánh niệm, bạn có thể bắt đầu tiến hành việc chăm sóc của mình sang lĩnh vực cảm xúc. Thực hành thiền trên lĩnh vực cảm xúc có nghĩa là trở nên ý thức về mỗi cảm xúc khi chúng phát sinh, những cảm xúc có thể là những cảm xúc dễ chịu, khó chịu, trung tín, hay hỗn hợp. Trước khi chúng ta chăm sóc những cảm xúc khó chịu, trước tiên chúng ta có thể học cách chăm sóc những cảm xúc còn lại của mình.
Bụt khuyên chúng ta hãy chế tác ra những cảm xúc của an lạc, hạnh phúc để nuôi dưỡng chúng ta trước khi chúng ta giải quyết những cảm xúc khó chịu của mình. Như một bệnh nhân bị bác sĩ chê rằng quá yếu để có thể tiến hành phẫu thuật, bác sĩ bắt phải bồi dưỡng cho khỏe thì mới có thể giải phẫu được. Chúng ta cần phải làm gia tăng nền tảng an lạc và hạnh phúc của chúng ta trước khi tập trung xử lý đau khổ của mình. Chúng ta bắt đầu với an lạc. Hạt giống của an lạc và hạnh phúc luôn luôn có sẵn trong tâm thức của chúng ta.
Lắng nghe đứa trẻ bên trong bạn
Để chăm sóc tốt cho bản thân mình, chúng ta phải trở về lắng nghe đứa trẻ bị tổn thương trong ta. Bạn phải thực tập quay về với đứa trẻ của bạn mỗi ngày. Bạn phải dịu dàng ôm ấp đứa trẻ của bạn như một người mẹ, một người chị đầy tình yêu thương.
Chúng ta phải lắng nghe đứa trẻ bên trong mình. Đứa trẻ bị tổn thương trong chúng ta ở ngay đây, ngay trong giây phút hiện tại. Và chúng ta có thể chữa lành cho nó ngay bây giờ. “Đứa trẻ tội nghiệp của tôi, tôi đang có mặt ở đây cho em, sẵn sàng lắng nghe em. Hãy nói cho tôi biết những đau khổ, những thương tổn mà em đã chất chứa bấy lâu nay. Tôi có mặt đây sẵn sàng lắng nghe”. Chúng ta phải ôm ấp đứa trẻ, nếu cần ta có thể khóc cùng với nó, ngay trong lúc chúng ta ngồi thiền. Chúng ta có thể đi vào rừng và thực hiện điều đó. Nếu bạn biết trở về và thực tập như vậy năm hay mười phút mỗi ngày, sự trị liệu sẽ diễn ra.
Có những người đã thực tập như vậy sau một thời gian, họ đã có được sự chuyển hóa và giảm bớt những khổ đau của họ. Sau khi thực tập như vậy, chúng ta sẽ thấy mối quan hệ giữa chúng ta và người khác sẽ trở nên tốt hơn, dễ dàng hơn. Chúng ta sẽ có được nhiều an lạc, nhiều thương yêu hơn.
Ý niệm hạnh phúc
Để hạnh phúc, điều đầu tiên ta cần làm là buông bỏ những ý niệm về hạnh phúc. Điều này rất khó khăn. Mỗi người trong chúng ta đều có một ý niệm riêng về hạnh phúc, và ta nghĩ rằng ta phải đạt được những điều đó thì ta mới có được hạnh phúc. Hoặc là ta phải loại bỏ điều này hay điều kia thì ta mới có hạnh phúc. Chúng ta nghĩ chúng ta phải có những điều kiện nhất định nào đó như chúng ta phải có được ngôi nhà này, chiếc xe kia hay người kia phải chung sống với ta ta mới có được hạnh phúc. Chúng ta có những ý niệm như vậy về hạnh phúc. Nếu bạn không thể an lạc và hạnh phúc, nhiều khi là do bạn có những ý niệm như vậy. Chính vì thế ta nên buông bỏ những ý niệm đó. Những ý niệm của chúng ta về hạnh phúc có thể cản trở chúng ta hạnh phúc.
Vô thường
An lạc và hạnh phúc đều vô thường. Chúng cần được nuôi dưỡng để có thể ở lại lâu với chúng ta. Nếu chúng ta không biết nghệ thuật nuôi dưỡng an lạc và hạnh phúc, chúng sẽ chết. Sau một thời gian, chúng ta sẽ mất đi khả năng tiếp xúc và tận hưởng những điều kiện an lạc và hạnh phúc đang sẵn có. An lạc và hạnh phúc có thể được nuôi dưỡng và mang đến sự trị liệu, tuy nhiên chúng vẫn chưa đủ để chuyển hóa những đau khổ nằm sâu dưới đáy tâm thức của mình.