.
.

Một thoáng chùa Di Đà trong tôi ngày trở lại


Vậy là những ngày tháng ba mưa phùn ẩm ướt hòa quyện chút hanh khô của mùa xuân đã qua đi để nhường chỗ cho chút nắng vàng rực rỡ và những cơn gió mỏng manh của tháng tư ấm áp. Những cơn mưa bất chợt phút giao mùa và cả những âm thanh đặc biệt của tháng tư khiến ta như lâng lâng giữa bao miền cảm xúc.

Đến buôn Đăng Đừng và gặp lại người sư huynh thân thiết của mình giữa những ngày đặc biệt ấy, trong tôi biết bao kỉ niệm xen lẫn chút tự hào và ngưỡng mộ chợt ùa về. Tôi nhìn anh và tự hỏi mình rằng “động lực nào giúp anh làm được những điều thiêng liêng như thế” để rồi khi nghe được câu chuyện của anh và buôn làng, tôi đã tìm được câu trả lời cho riêng mình. Nó gói gọn trong một chữ “thương”.

Buôn Đăng Đừng nơi anh sống có hơn 160 hộ gia đình và phần đa là người dân tộc thiểu số Châu Mạ. Họ đều là những con người chân lấm tay bùn, hằng ngày lam lũ để lo miếng cơm manh áo, tuy nhiên, bà con buôn làng lại một lòng quy kính Tam bảo. Ngặt nỗi, mỗi lần bà con muốn đến chùa lễ Phật và tu học họ lại phải lặn lội một quãng đường khá xa để tới tu viện Bát Nhã.

Mùa nắng đã cực, mùa mưa kéo đến cái cực khổ ấy lại tăng thêm gấp bội lần. Đường xá ngập đầy nước, bùn đất lầy lội, bà con phải vất vả lắm mới ra được tu viện để học Phật. Vì thế mà trong lòng bà con luôn cầu mong có một ngôi chùa ngay chính buôn làng của mình để giúp họ đến gần hơn với ánh sáng của Phật pháp. Và đó cũng chính là những trăn trở của anh khi tới mảnh đất này. Anh đã từng ước: “Giá mà có được một ngôi chùa nằm trên địa phận buôn”. Rồi cái suy nghĩ và ước mơ ấy cứ thôi thúc anh, sau những ngày trằn trọc, cuối cùng anh quyết định mang y bát lên đường với quyết tâm dựng nên một mái chùa ngay trên mảnh đất Đăng Đừng.

Với quyết tâm ấy cùng sự giúp sức của bà con, một ngôi chùa khang trang được hình thành và mang tên chùa Di Đà. Từ mảnh đất cỏ cây rậm rạm rộng hơn 10 hecta, anh cùng bà con chẳng ngại khó khăn gian khổ, chẳng ngại nắng ngại mưa mà cùng nhau chung sức, để rồi hôm nay đây, ngôi tam bảo đã hiên ngang đứng giữa đất trời và ngày ngày tiếng chuông chùa vẫn hòa cùng tiếng thác Tam Hợp, tiếng gió, tiếng chim của núi rừng Bảo Lộc để tạo thành điệu nhạc trong trẻo và ngọt ngào.

Biết bao công sức, biết bao giọt mồ hôi và có cả những giọt nước mắt đã rơi xuống mảnh đất cằn cỗi này, và cuối cùng, mọi cố gắng đều đã được bù đắp. Tôi đến đây và choáng ngợp trước sự “hoành tráng” của ngôi chùa ấy. Cái choáng ngợp chẳng phải vì chùa to, lắm gỗ, đắt đỏ, cũng chẳng phải vì vẻ nguy nga tráng lệ mà choáng ngợp có lẽ vì chính sự bình yên, thanh tịnh, mang một kiến trúc vô cùng đẹp mà ngôi chùa mang lại.

Di Đà hoàn toàn không giống với bất kì ngôi chùa nào khác mà tôi từng được ghé thăm. Ở Di Đà, mái chùa không phải hình long, ly, quy, phụng mà là những họa tiết được khắc trên trống đồng Đông Sơn – một biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Toàn cảnh, Di Đà được bao phủ bởi một màu xanh của cỏ cây và màu đỏ của mái ngói. Tôi bắt gặp ở đây tâm hồn của những người con Việt và trong lòng thoáng chút tự hào. Điều đặc biệt có lẽ Di Đà mang dáng dấp của những ngôi nhà sàn, nét đặc trưng của bà con dân tộc thiểu số. Nó gần gũi và thân thương đến lạ, và cũng bình dị, đơn giản như chính con người anh, như tính cách và nếp sống của bà con Châu Mạ. Mang Đạo vào Đời có lẽ là thế!

Ngày qua ngày, bà con đến lễ Phật cứ đông dần lên nhưng trên gương mặt anh chẳng bao giờ hằn sự mệt mỏi mà nụ cười vẫn luôn thường trực. Với anh đó là niềm hạnh phúc. Hạnh phúc vì đã làm được điều gì đó cho bà con nơi nghèo khó này và đền đáp công ơn Tam Bảo gia hộ độ trì, công ơn Thầy tổ hướng dẫn tu tập trên con đường xuất gia hoằng đạo của mình. Hôm nay đây, khi ngôi chùa chính thức được hoàn tất cũng là khi những trăn trở bấy lâu của anh được giải đáp. Thế nhưng xây chùa chưa phải là tất cả. Con đường vì đạo dấn thân của anh phía trước còn rất dài và tôi tin, cùng với những nỗ lực và cố gắng không ngừng, anh sẽ còn đi xa hơn thế nữa. Chỉ vì anh “Thương”.


Di Đà kiến tạo bấy năm qua
Đồng thuận dưới trên thoã trẻ già,
Nhiều ít lòng thành tâm hướng thiện
Giàu nghèo liêm chính miệng vui ca.
Trần gian sống gởi đời ra thế
Âm phủ thác về đất trổ hoa
Nhân cách thanh cao ngời toả sáng,
Tốt đời đẹp đạo vượt trùng xa.

Thích Nghiêm Thuận viết tặng sư huynh nhân chuyến về thăm dự lễ khánh thành