.
.

Hàn Quốc: Chính Thức Công Nhận Di Sản UNESCO Cho Bảy Ngôi Sơn Tự


Bảy ngôi sơn tự (Sansa) của Hàn Quốc đã được công nhận là Di sản Thế giới UNESCO tại cuộc họp của Ủy ban Di Sản Thế giới ở Manama, Bahrain hồi tuần trước.

Bảy ngôi chùa của Hàn Quốc được công nhận cùng với tám công trình văn hóa khác tại Nagasaki, Nhật Bản và Al-Ahsa Oasis, Saudi Arabia.

July-18-B01-H01

Theo chiều kim đồng hồ từ trên xuống: Chùa Tongdo, Chùa Buseok, Chùa Bongjeong, Chùa Beopju, Chùa Daeheung, Chùa Seonam và Chùa Magok. (Nguồn: Yonhap)

Bảy ngôi sơn tự “đem đến một bằng chứng sống động, rõ ràng về văn hóa tự viện Phật giáo Hàn Quốc từ thế kỉ thứ bảy đến nay”, Ủy ban Di sản Thế giới công bố. “Cùng với đó, bảy ngôi chùa này chứa đựng những thành tố cần thiết để biểu thị giá trị nổi bật phổ quát của các ngôi sơn tự Phật giáo Hàn Quốc, gồm quần thể núi, các kiến trúc được bảo tồn nguyên vẹn dành cho các hoạt động tôn giáo và cuộc sống hằng ngày, các điện thờ, khu vực thiền định, các không gian học thuật tự viện và khu lưu trú dành cho các nhà tu hành”.

Danh sách bảy sơn tự được công nhận gồm: Chùa Tongdo ở Yangsan, tỉnh Gyeongsang Nam, Chùa Buseok ở Yeongju, tỉnh Gyeongsang Bắc, Chùa Bongjeong ở Andong, Gyeongsang Bắc, Chùa Beopju ở Boeun, tỉnh Chungcheong Bắc, Chùa Magok ở Gongju, tỉnh Chungcheong Nam, Chùa Seonam ở Suncheon, tỉnh Jeolla Nam và Chùa Daeheung ở Haenam, tỉnh Jeolla Nam.

Với sự công nhận này, danh sách Di sản Thế giới UNESCO tại Hàn Quốc đã lên đến con số 13.

Các nhà chức trách Hàn Quốc quyết định đăng ký bảy ngôi chùa núi rải rác trên khắp cả nước dưới cùng một tên gọi “Sansa” thay vì đăng ký riêng biệt với UNESCO.

“Chúng tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu giới thiệu đồng thời các ngôi chùa này với cộng đồng quốc tế dưới tên gọi chung là Sansa, tức là sơn tự, bằng cách tập trung vào giá trị lịch sử phổ quát của chúng, dù mỗi ngôi chùa đều có những giá trị nổi bật riêng của mình”, Kim Ji-hong của Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc phát biểu.

“Sansa là một đặc trưng quan trọng của Phật giáo Đông Á. Đó là những nơi đồng thời dành cho thực hành tôn giáo và cuộc sống hằng ngày”, giáo sư Chung Byung-sam, Đại học Nữ sinh Sookmyung, phát biểu.

Ủy ban Di sản Thế giới đề nghị các ngôi chùa nói trên có kế hoạch xử lý với các kiến trúc phi văn hóa trong tổ hợp của mình, bảo tồn các tòa nhà và quản lý du khách, liên hệ với Ủy ban Di sản Thế giới để ưu tiên xây dựng thêm các tiện nghi mới phù hợp như hệ thống nhà vệ sinh mới.

 

Dân Nguyễn (Dịch từ Chosun)