.
.

Tuổi trẻ và Phật giáo cư gia


Thời đại ngày nay loài người biết phát huy cuộc sống và biết phát triển mọi vấn đề tương quan trong cuộc sống, nhưng lại có phần lãng quên và dẫn đến suy thoái, băng hoại về mặt đạo đức.


Chào các bạn! Trước nhất chúng tôi chân thành gửi tới các bạn lời chào thân ái trong niềm tin Phật pháp, niềm hoan hỷ tin yêu, cùng sống chung trong ngôi nhà giáo pháp của đức Phật.

1. Nhận định tình hình thực tế

Trong giai đoạn toàn cầu hóa, nền văn minh khoa học đã lộ dần sự tiến hóa đúng theo quy luật sinh, trụ, dị, diệt. Nhiều vấn để đặt ra cho giới trẻ của đạo Phật có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội, môi trường… cần có những định hướng giác ngộ mà giáo lý vị tha vô ngã theo giáo nghĩa Đại thừa đã nêu. Trong cuộc sống người con Phật phải có sự “kiên quyết huân tu, tìm cầu an lạc” để đạt quả vị hiện tại và tương lai, cũng như trên bước đăng trình trưởng dưỡng tri thức mưu cầu thoát nẻo vô minh, chắc chắn bạn sẽ đạt được đạo quả. Khi đã thành công trong cuộc sống thì sự đóng góp cho cộng đồng sẽ đạt hiệu quả và đem lại cho bạn một lẽ sống trong môi trường tốt về đạo đức tâm linh.

Đó là những vấn đề mà các bạn và chúng tôi thường quan tâm.

2. Phát huy tri thức

Trong thời điểm đức Phật tại thế, cuộc sống xã hội loài người còn giản đơn, mà biết bao vấn đề như lạc hậu, giàu nghèo, giai cấp, tranh chấp, phân quyền, áp bức… cần phải giải quyết. Trong khi chỉ có một quan điểm duy nhất là phải tìm ra nguyên nhân và giải pháp phát huy tri thức “đạo bát chánh”; đồng thời theo giáo pháp đức Phật chính con người sẽ là “chủ nhân ông” giải quyết thành tựu tất cả mọi vấn đề. Sự phát huy về tri thức đã từng giúp cho con người “những người đệ tử Phật”, thành tựu Phật đạo, xóa tan giai cấp, mọi người sống bình đẳng an lạc trong Tăng đoàn.

Thời đại ngày nay loài người biết phát huy cuộc sống và biết phát triển mọi vấn đề tương quan trong cuộc sống, nhưng lại có phần lãng quên và dẫn đến suy thoái, băng hoại về mặt đạo đức. Thường thì giới trẻ khi bước chân vào đời khó tìm nơi nương tựa, không có chỗ nương thân, chỉ biết có bản thân, nên không có niềm tin hay thiếu niềm tin. Hay chính họ đánh mất niềm tin, mọi sự “xô bồ”, “sát phạt lẫn nhau” đang diễn ra trên khắp hành tinh.

Vậy con người muốn đứng vững trước những tham sân si, phong ba bão táp, trước môi trường khí hậu đang bị xâm phạm, thường xuyên xảy ra hiệu ứng nhà kính, khói bụi mịt mờ, băng tan, nước dâng, hơi nóng bùng phát, trái đất giận dữ tạo nên những hiện tượng sóng thần, núi lửa, đem bom đạn giết hại lẫn nhau không thương tiếc…thì nên tìm cầu tu học Phật pháp, nép mình vào chân lý của đức Phật, chọn cho mình một hướng đi đích thực, trưởng dưỡng phần tri thức nội tâm, làm lại những gì đã mất.

Đạo đức của đức Phật được phổ cập trong đời, sự tín ngưỡng về đức Phật sẽ có mặt trong tình cảm thầy trò, bạn bè, vợ chồng, cha con, tư cách làm người… Theo đạo đức Phật giáo thì sự sinh họat của con người thường thì được chia thành hai phần: tâm linh và hình thức. Chúng ta tạm chia thành bốn nhóm:

a) Tâm từ bi – tướng hảo quang minh

b) Tâm từ bi – tướng bất hảo

c)  Tâm bất lương – tướng hảo

d)  Tâm bất lương – tướng bất hảo

Nếu bạn ở nhóm một thì thật tuyệt vời, nhóm hai cũng rất tốt, nhưng nhóm ba và bốn thì nên tinh tấn tu học để chuyển nghiệp, khi tinh tấn tu học Phật thì trí tuệ sẽ phát sinh, cuộc đời thay đổi và mọi việc lành sẽ đến với các bạn. Trong giai đọan hiện nay, xã hội hay đánh giá con người qua hình thức giàu nghèo, có học vị, có tiền của, có quyền thế… nhưng tâm thì không tốt, không biết hướng thiện thì chỉ được đánh giá là những tấn tuồng đang diễn trên một “sân khấu ảo”, sau bức màn vô minh liên tục được kéo lên và các kịch sĩ trình diễn một màn “quên lãng”.

Do đó mà các bậc minh sư đạo cao đức trọng thường thuyết pháp hướng thiện mọi người “thấy biết lẽ chánh, tìm nguyên nhân khổ và thoát khổ”, vượt ra ngoài cương tỏa của “sân khấu ảo”, hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ tình thương yêu đồng loại… Từ đây, cho thấy sự truyền trao đạo lý của nhà Phật từ thế hệ này sang thế hệ khác, chuyển dịch theo không gian và thời gian luôn có lợi ích thiết thực, nhằm giúp cho họ an trú trong Chánh pháp.

3. Chọn pháp tu

Chắc chắn rằng, khi mang thân người, phải trải qua nhiều thử thách, nên cần phải nuôi chí lớn, gần gũi chư tăng ni quy y Tam bảo, thọ trì ngũ giới cấm, chọn pháp tu “Thập thiện, Tứ nhiếp pháp”, thường xuyên đến chùa “niệm Phật, yên lặng” hay “thực tập thiền tụng”. Các pháp này rất cần thiết giúp bạn đạt đến cực điểm an lạc; sự an lạc chỉ xuất hiện khi sự thực tu thực học có mặt trong cuộc sống. Người phật tử phải tinh tấn tu hành, vượt lên chính mình và tự giác mưu cầu hạnh phúc. Từ đó khi gặp việc không vừa lòng xứng ý, phiền não sẽ không xuất hiện. Nghiệp báo sẽ không còn trói buộc kéo lê tấm thân khổ đau trong miên viễn. Đấy là chúng ta đã chọn đúng pháp môn giải thoát sinh tử, nghiệp báo luân hồi.

4. Giải quyết một vài vấn đề

* Với tứ ân

Khi bạn đã quy y Tam bảo thọ trì ngũ giới cấm, bạn là người có trình độ học vấn, việc làm ổn định, hạnh phúc trong hôn nhân, cần có sự hiếu thảo với mẹ cha, tôn kính thầy học đạo, là bạn tốt với quần chúng, bảo vệ quê hương, hộ quốc an dân thì bạn sẽ có một tương lai huy hoàng rực rỡ.

* Công danh và thành đạt

Đạo Phật là đạo giải thoát, người thực hiện tiêu chí giải thoát là Chư tôn đức tăng ni, cư gia là những người nối gót, hỗ trợ cho Chư tôn đức tăng ni, nên cần có những lực tu hành theo tiêu chuẩn Tam quy ngũ giới, Bát quan trai giới, Thập thiện giới… Ngoài việc trong đạo, các phật tử trẻ hôm nay cần phát huy công danh sự nghiệp cho vững vàng, dù học ít hay nhiều. Các bạn phải chọn cho mình một sự nghiệp vững chắc để được thành đạt.

Các bạn là những bức thành trì kiên cố bảo vệ Chánh pháp, trách nhiệm của các bạn phải thành đạt sự nghiệp, thành tựu vai trò cư gia mới xứng danh là “rường cột” và có cơ sở bảo vệ Chánh pháp.

* Người con Phật cũng biết làm giàu

Hãy làm giàu hợp pháp, chân chính, không chỉ vì ham giàu mà làm việc phi pháp, quả báo liền đến cắt đứt tương lai các bạn. Là phật tử, bạn biết cách làm giàu cho bản thân và gia đình, thì cũng phải biết cách làm giàu cho xã hội quần chúng. Chính đấy là 48 lời nguyện của đức Phật A Di Đà đã phát thệ nguyện “xây dựng thế giới an vui cho chúng sinh” trong Kinh Vô Lượng Thọ. Mình thoát nghèo, dốt nát làm cho mọi người thoát nghèo, dốt nát; chính đó là tiêu chí giải thoát toàn diện, y báo và chánh báo của thế giới Tây Phương Cực Lạc xuất hiện trước mắt bạn và mọi người.

* Kiến thức và học vị

Ở vào thời trung cổ, là thời gian văn minh vật chất khoa học chưa cao, đòi hỏi cho nhu cầu cuộc sống chưa có, tri thức con nguời còn nguyên vẹn, thiên tài kiến thức hay xuất hiện giải quyết thành tựu mọi vấn đề nhưng học không cao. Ở thế kỷ 21 là khoảng thời gian dành cho các bạn trẻ, kiến thức và học vị là một trong những cấu trúc trọng yếu của xã hội. Nếu bạn thiếu nó, không phát huy tri thức ngang với cuộc sống chung trong mọi tầng lớp, thường thì tạo nên lổ hỗng rất lớn, đến độ xảy ra chiến tranh, các quốc gia tranh lấn đường biên giới, tranh chấp quyền binh, thiếu vắng đạo đức…

Vì vậy khi được nuôi lớn trong gia đình, bạn cần phải chuyên tâm trì chí đến trường tinh chuyên học tập. Theo xã hội hiện nay, bạn mù chữ thì xem như người khiếm thị không thấy ánh sáng, học ít thì chẳng làm được gì, Bạn cần học tập đạo đức, phát huy tri thức đi đôi với học vị, như kiềng ba chân sẽ đứng vững. Đạo đức kiến thức và học vị sẽ giúp bạn thành đạt.

* Việc hôn nhân

Ngày nay trong xã hội Phật giáo có một vài vấn đề nổi cộm mà mọi người, nhất là phật tử cần quan tâm, nhưng rất ái ngại trong việc tham vấn học Phật pháp. Nên khi gặp phải hoàn cảnh bất lợi thì âu lo bất ổn, đó là vấn đề hôn nhân với người thuộc “tôn giáo bạn”.

Việc kết hôn với gia đình phật tử thì không phải luận bàn, nhưng kết hôn với người bên “tôn giáo bạn” có phạm quy nhà Phật hay không? Nếu vì mưu cầu hạnh phúc mà phật tử kết hôn với “bạn đời” là người thuộc “tôn giáo bạn” thì phật tử nên theo “tôn giáo bạn”, nhưng bạn cần phải bảo trì quy giới, năm giới mà các bạn đã phát nguyện thọ trì. Người phật tử cần có sự hiểu biết về cương lĩnh giáo pháp của Phật, khi bạn trì giới thì dù ở hoàn cảnh nào thì bạn vẫn là phật tử thuần thành. Sau khi kết hôn hãy dùng lòng yêu thương từng bước một mà giúp “bạn đời” tìm hiểu ý nghĩa sâu rộng của Phật pháp, sống đúng Chánh pháp. Làm một phật tử tốt thì dù sống trong môi trường nào cũng là phật tử tốt, chính đó là tâm quyết với Phật, cũng chính là biểu hiện sự chung thủy của phật tử càng yêu “người bạn trăm năm của mình”, xóa tan những dị biệt cục bộ, lạc hậu.

5. Ánh sáng niềm tin

Quá trình tu học Phật pháp của giới trẻ, là “hành trình của niềm tin”, hãy vượt mọi trở lực dũng tiến theo pháp môn “việc lành nhỏ không bỏ, việc ác nhỏ không làm” để “vượt khó”, vững tin mà bước vào “con đường bát chánh”… Không gian sông núi Phật pháp sẽ “hừng sáng” theo từng nhịp tim của các bạn:

Bao nhiêu sông nước bao trăng hiện
Mấy dặm mây tan mấy dặm trời

Sự giải thoát thật sự đến với các bạn, giải thoát từng hơi thở, niềm tin yêu xuất hiện trên cuộc đời, không còn một ràng buộc nào có thể giữ bạn lại. Chúng ta cũng không còn “tụt hậu”, bạn đã bước đến tương lai nơi chân trời mới, sau một giấc ngủ dài khi tỉnh dậy.

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương

Qua phần trình bày, trao đổi này dù chưa giải quyết được tất cả các vấn đề xã hội đặt ra cho các phật tử trẻ. Tuy nhiên cũng có thể giúp các bạn làm hành trang vào đời sẵn sàng lắng nghe, học tập những kinh nghiệm, cách ứng xử hay đẹp để phát triển và thành đạt trong cuộc sống.

Hòa thượng Thích Giác Quang