Phật dạy, hiếu thuận với cha mẹ là nghiệp lành lớn nhất của đời người, là phúc báo mà mọi người đều nên làm nhất trên đời.
Câu chuyện Phật dạy về lòng hiếu thảo đáng suy ngẫm: Bá Du thương mẹ
Thời xưa có một người con hiếu thảo, tên là Hàn Bá Du. Mỗi khi cậu mắc lỗi, mẹ của cậu đều dạy bảo một cách nghiêm khắc, đôi lúc còn đánh đòn cậu nữa. Đến khi cậu khôn lớn, rồi trưởng thành, khi cậu mắc lỗi, cách dạy dỗ của người mẹ vẫn như xưa. Có lần, khi mẹ đánh đòn, cậu bỗng nhiên khóc rất lớn. Người mẹ rất ngạc nhiên, mấy chục năm bị đánh đòn mà cậu ấy chưa từng khóc, thế rồi bà liền hỏi, “Tại sao con khóc?”. Bá Du liền trả lời, “Từ nhỏ đến lớn, khi mẹ đánh, con đều cảm thấy rất đau.
Con có thể cảm nhận được mẹ vì dạy dỗ con nên mới làm như thế. Nhưng hôm nay mẹ đánh đòn, con đã không cảm thấy đau nữa. Điều này cho thấy sức khỏe của mẹ ngày càng yếu đi, thời gian con phụng dưỡng mẹ càng ngày càng ngắn lại. Nghĩ đến đây, con không cầm được lòng ạ”. Cha mẹ vì nuôi dạy con cái, để người con được cứng cáp mà trưởng thành, ngày qua ngày, năm tháng trôi đi, tuổi thanh xuân không còn, ngày càng già nua. Vì vậy, phận làm con chúng ta càng phải hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ.
Câu chuyện Phật dạy về lòng hiếu thảo đáng suy ngẫm: Ơn mẹ may áo
Thời Xuân Thu, có người con hiếu thảo tên là Mẫn Tử Khiên. Mẹ cậu mất sớm, cha lại lấy mẹ kế, và sinh được hai người em. Mẹ kế đối xử với cậu không tốt, thường xuyên ngược đãi cậu. Một mùa đông, mẹ kế dùng bông lau may áo cho cậu, nhưng lại may cho hai người em lại là áo bông. Áo máy bằng bông lau xem ra rất dày dặn, nhưng lại không giữ ấm. Vừa lúc cha cùng cậu đi xa, và bảo cậu đánh xe ngựa.
Vì trời quá lạnh, gió lạnh từng hồi, quần lại không đủ ấm, cho nên cậu lạnh đến nỗi phát run. Cha cậu nhìn thấy bèn rất tức giận, áo mặc đã dày thế này rồi sao còn phát run nữa, liệu có phải cố ý bêu xấu mẹ kế không? Vào lúc tức giận, ông liền lấy roi rút là quất Mẫn Tử Khiên. Kết quả là, khi roi vừa vút xuống, áo liền rách, bông lau bay ra, lúc này người cha mới hiểu, thì ra là mẹ kế ngược đãi đứa con của mình, cho nên rất tức giận. Khi về đến nhà liền đuổi người mẹ kế đi.
Mẫn Tử Khiên đối với mẹ kế vẫn một mực chân thành. Lúc này chỉ có mỗi suy nghĩ, quỳ xuống nói với cha mình “Cha ơi, cha đừng đuổi mẹ kế đi, bởi vì, mẹ còn thì một con lạnh, mẹ đi ba con cô quạnh. Khi có mẹ, chỉ có một mình còn chịu lạnh, nếu mẹ mà đi rồi, con và hai em đều chịu đói,chịu lạnh ạ”.
Đến lúc này, lòng hiếu thảo tột cùng của Mẫn Tử Khiên không hề giảm, hơn nữa lại nghĩ cho sự an vui của anh em và gia đình. Tấm lòng chân thành này đã làm cha cậu xuôi giận, sự chân thành này cũng làm cho mẹ kế của cậu có lòng hổ thẹn. Tấm lòng hiếu thảo chân thành này của Mẫn Tử Khiên đã chuyển quá duyên xấu của gia đình, mà làm cho gia đình từ đây hạnh phúc, an vui. Cho nên, “Cha mẹ ghét, hiếu mới tốt”. Chúng ta phải luôn luôn nghĩ rằng “Đức chưa tu” thì “Cảm chưa đến”, sự chân thành có thể không làm mất mát, mà còn đem lại sự quan tâm chăm sóc.
Câu chuyện Phật dạy về lòng hiếu thảo đáng suy ngẫm: Cõng gạo nuôi cha mẹ
Khổng Phu Tử có một người học trò tên là Tử Lộ, Tử Lộ rất hiếu thảo, thường đi rất xa cõng gạo về cho cha mẹ ăn. Sau này, Tử Lộ làm quan to, hàng ngày thức ăn vô cùng nhiều, nhưng Tử Lộ lại không thể nuốt trôi.
Mọi người mới hỏi ông: “Sơn hào hải vị ngon thế này, sau ông lại không nuốt được?”. Tử Lộ trả lời: “Những thức ăn này không thể thơm bằng gạo trắng mà tôi cõng từ xa về cho cha mẹ, nhưng giờ đây cha mẹ tôi không có cơ hội để ăn những thức ăn thịnh soạn thế này nữa”. Tử Lộ luôn luôn nhớ đến cha mẹ, chia sẻ cùng cha mẹ. Ông cảm thấy chỉ cần được phụng dưỡng cha mẹ, thì sống cuộc sống như vậy cũng vô cùng yên tâm, vô cùng vui sướng.
Câu chuyện Phật dạy về lòng hiếu thảo đáng suy ngẫm: Từ quan tìm mẹ
Thời nhà Tống có một học nhân, tên là Chu Thọ Xương, mẹ của ông không phải là vợ chính thức của cha mình, vì vậy người vợ cả của cha rất hắt hủi mẹ ông, luôn tìm cách ép mẹ ông tái giá. Khi Chu Thọ Xương bảy tuổi, mẹ đã rời xa ông.
Sau khi ông trưởng thành, luôn muốn đón mẹ về để phụng dưỡng, nhưng vẫn không thể toại nguyện, năm mươi năm sau ông vẫn chưa tìm được mẹ. Khi đó ông đang làm quan, trong lòng luôn nghĩ, cuộc đời của một người mà không thể phụng dưỡng mẹ thì sẽ vô cùng hối tiếc, nên ông quyết tâm từ bỏ chức quan đi tìm mẹ. Ông nói với người nhà rằng, lần này ông đi tìm mẹ, nếu không tìm được thì ông sẽ không trở về. Và rồi ông cứ thế đi về hướng Thiểm Tây. Kết quả là, khi đi đến một nơi, bỗng nhiên trời đổ mưa, ông liền dừng ở đó trú mưa, vừa đúng lúc có một vài người, ông liền lại hỏi có gặp ngời nào giống với dáng vẻ mẹ ông không?
Thật vô cùng trùng hợp, mẹ của ông lại ở trong đó. Đây chính là lòng hiếu thảo làm cảm động trời đất, tấm lòng hiếu thảo của ông đã làm trời đất cảm động mà rơi lệ, và đã hoàn thành tâm nguyên hiếu thảo của ông. Sau đó, ông đón mẹ và tất cả anh chị em cùng trở về và hưởng niềm hạnh phúc gia đình.
Trích lục các câu chuyện trong 120 lần diễn giảng của Thầy giáo Thái Lễ Húc (Cẩn dịch: Hạnh Trần)
Tâm Như