Nhận được thư chị đã vài ngày, đọc đi đọc lại vài lần nhưng vẫn chưa muốn hồi âm. Bởi lẽ, tôi có quá nhiều thứ để nói, để bàn, quá nhiều điều muốn tâm sự và sẻ chia cùng chị.
Theo những gì trong thư, cuộc đời chị là những tháng ngày dài đắp đổi buồn tênh. Nếu có thời gian, tôi có thể viết cả một cuốn tiểu thuyết dày cộm và đặt tên là “Phận Bạc”. Nhưng mà có lẽ, tôi chỉ viết cho riêng mình đọc, vì những trang đời kia sẽ bi lụy lắm, đem đến niềm thương cảm cho bao người. Điều đó, tôi không muốn chút nào, vì đem đến niềm vui cho người thì thích lắm, còn gieo rắc muộn phiền cho người khác bằng cách này hay cách khác là việc chẳng nên làm.
Nhưng tôi muốn nói với chị một điều: Chị biết không, những nỗi khổ mà mỗi người tự trải nghiệm trong cuộc đời mới thật sự là bài học đắt giá để chúng ta thấy ra được cái khổ mà đức Phật đã dạy, từ đó rút ra cho mình bài học giác ngộ mà không sách vở nào dạy được. Tu tập là để nhận ra cái khổ, chẳng phải khổ đau chính là thánh đế thứ nhất mà đức Phật muốn chúng ta thấy rõ hay sao? Thấy rõ khổ, thì khi phiền muộn đến, ta mới đón nhận nó một cách dễ dàng được. Xin chị hãy bình tâm ngồi lại, học hỏi từ những điều bất như ý của cuộc đời để trưởng thành hơn. Chúng ta học kinh điển và nghe những lời dạy của người xưa, nhưng đó là những kiến thức suông khô cứng không hồn, những điều này chỉ thật sự có giá trị khi mình cảm nghiệm qua thực tế cuộc sống, phải không chị? Nghiên cứu kinh điển giá trị nhất định, nhưng quan trọng là nghiên cứu tâm mình và những quan hệ, phản ứng của tâm trước thuận cảnh và nghịch cảnh, điều đó có giá trị hơn nhiều.
Mười tuổi mất mẹ, lớn lên một chút phải chịu cảnh mồ côi cha, trong cuộc hành trình lang thang vô định khi ở nhờ nơi này nơi khác, cô bé ngày xưa đã phải trải qua những trận đòn roi, bao lần hiếp đáp, hay cái nhìn cạnh khóe, lời nói chua cay, sự tệ bạc và lạnh nhạt của những người thân trong tộc họ cho đến người dưng không cùng huyết thống. Đến tuổi xuân thì, bao người để mắt nhưng chị chưa dám hứa hẹn cùng ai, giông tố lại ập đến một lần nữa, tai nạn trong một lần bất cẩn đã khiến chị đi đứng không còn bình thường như bao người phụ nữ khác. Nghĩ mình vô phúc, chị chấp nhận về làm vợ một người mình không yêu chỉ với mong muốn có được đứa con sau này nương tựa về già.
Cuộc hôn nhân không hạnh phúc kéo dài ba mươi năm với nụ cười ít hơn nước mắt. Trách nhiệm làm vợ, làm mẹ là gánh nặng luôn canh cánh trong lòng. Chị không thương chồng nhưng biết ơn anh vì đã cho mình một danh phận, một mái ấm gia đình. Điều mà chị cảm thấy hạnh phúc nhất chính là hai người con mình mang nặng đẻ đau. Thế rồi, đứa con gái lớn theo chồng về phía trời Tây, chị âm thầm ủng hộ nhưng cũng thoáng chút buồn vì thiếu chỗ tựa nương khi tuổi đã về chiều. Thôi thì duyên như thế đành chịu vậy. Khi đứa con thứ hai vào đại học, chị tiếp tục gồng gánh kinh tế gia đình, lo cho con ăn học. Nào ngờ, khi đến năm hai, cậu về nhà xin chị cho phép lập gia đình, bao năm đèn sách giờ xem như vứt hết, tương lai phía trước của cậu và gia đình mập mù vô định.
Chị buồn lắm, muốn buông tất cả để tìm một chốn yên thân. Lên chùa làm công quả và tu tập một thời gian, mọi thứ diễn ra tốt đẹp khi được ẩn mình trong giáo pháp, nhưng dần dần chị lại cảm thấy có nhiều phiền muộn khác. Chị cảm thấy dường như đâu đó là một thái độ xem thường khi thấy chị không lành lặn, và những suy tư về cuộc đời mình, về chồng con, những đụng chạm trong cuộc sống, lại khiến những giọt nước mắt của chị cứ rơi hoài không ngăn được. Chị ơi, đó có thể chỉ là suy nghĩ cá nhân, chưa chắc người khác đã nghĩ về mình như vậy. Nếu sự xem thường là thật đi nữa, thì đó cũng là những cơn gió thoảng của cuộc đời. Hãy cho họ quyền được ngắm nhìn và phán xét, tôn trọng sở thích xoi mói của người ta, những lời nói hay ánh nhìn vu vơ chẳng liên quan hay ảnh hưởng gì đến mình chị nhé. Cứ mặc kệ miệng đời mà sống, đừng quá bận lòng khi người khác nghĩ gì, quan trọng là cách sống của mình như thế nào, tâm ta an thì cảnh đời bớt biến động.
Cuộc sống vốn muôn màu có vui có buồn, có hạnh phúc có khổ đau, chẳng phải buồn cũng là chất liệu để làm cho cuộc sống thêm thi vị. Sư Phụ có câu “Từ bùn sen nở, từ khổ người tài”. Từ những khó khăn, chị đã vươn lên, sao không thử một lần nở hương thơm ngát. Mình hãy đối xử tốt với mọi người, vui vẻ với mọi người, an trú trong pháp, vận dụng những gì học được vào cuộc sống. Tâm chiêu cảm tâm, em tin chắc rằng mình có thương người thật lòng thì người sẽ thương lại, vấn đề chỉ là thời gian. Một tờ giấy hay cọng rơm khi rơi từ trên cao xuống vẫn con nguyên, còn một cái tô sành hay chén sứ rơi xuống nền sẽ bể. Khi xem cái tôi của mình thật nhỏ và nhẹ, chúng ta sẽ ít bị tổn thương khi bị người khác xem thường.
Chị ạ, em chỉ muốn nói với chị một điều: Mình buông đi chị nhé! Quá khứ có buồn hay vui cũng đã là quá khứ, mình có muốn cũng không thay đổi được gì. Em nói điều này chị không tin, nhưng con người thường rất thích gặm nhấm nỗi buồn. Khi gặp một hoàn cảnh bất hạnh, khi có điều gì đó không như ý, khi một nỗi đau ập đến vội vàng, ta thường kín đáo cất chúng vào một góc tâm tư. Rồi một ngày kia, khi những nỗi buồn mới đến, vì cuộc đời khổ lụy tránh sao được điều này, vậy là trước những sự bất toàn và bất toại nguyện, ta lại ngồi thu mình vào một góc và lục lại dòng ký ức riêng tư. Thứ ta tìm kiếm không phải là hạnh phúc để khỏa lấp nỗi khổ niềm đau hiện tại, mà chính là những đau thương và mất mát của ngày xưa.
Nói một cách nào đó, ta thích chôn giấu và cất chứa nỗi buồn hơn niềm vui. Ta tự dày vò mình bằng sự bất hạnh hơn là cảm nhận đơn thuần những gì trong hiện tại. Chị thử nghĩ mà xem, có phải mỗi lần chị buồn một điều gì đó, chị lại nghĩ về cuộc đời mình, rồi buông ra một câu chắc nịch: “Sao số tôi khổ quá! Cuộc đời mình chẳng có gì vui”. Đừng duy trì thói quen này nữa chị ạ! Em biết là khó vì tâm ta không dễ chăn dắt chút nào, nhưng tập cho mình một đời sống chánh niệm. Chánh niệm là biết những gì trong hiện tại, không hồi ức về quá khứ hay lo lắng đến tương lai. Sống tích cực một chút, nhìn cái hay, cái tốt, cái vui của đời sống thay vì cứ chăm bẳm vào những cái xấu, cái tệ, cái không hoàn hảo của nó.
Em học được một câu này hay lắm: “Chúng ta hãy biết cuộc đời là khổ, thấy những bất toàn và bất trắc, bất toại nguyện của nó để nỗ lực tu tập. Nhưng chúng ta cũng phải thấy được những niềm vui và hạnh phúc trên đường tu để giữ lửa trong lòng mình. Thấy khổ và cả vui, cả hai đều vừa đủ, đó là con đường trung đạo”.
Chị tâm sự với em rằng: Cậu con trai nhỏ không thương mình chút nào, sao mà nó vô tâm như thế. Chị chỉ mong cho nó tốt, muốn nó ăn học nên người, nên chị đã làm mọi cách, khuyên răn, dạy bảo đủ điều. Có lần, mặc cho người ta xem thường, chị đi xin làm vú em trong thành phố cho nó có tiền đi học. Hằng ngày, chị còng lưng ngồi làm việc đến một hai giờ sáng, cũng để lo cho nó. Sao nó lại không thương mẹ, không biết nghĩ đến sự khổ cực và khó nhọc đó để học hành cho nghiêm chỉnh.
Chị à! Ông bà ta nói: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Đó là kiểu nói thế gian. Em là người học Phật nên em sửa lại một chút: “Cha mẹ sinh con, còn nghiệp duyên là yếu tố quyết định nên tính cách và số phận của một người”. Tại sao có những anh chị em song sinh cùng ngày giờ, cùng cha mẹ, cùng hoàn cảnh sống như nhau, cùng hưởng một nền giáo dục, nhưng có đứa ngoan ngoãn có đứa khó dạy, có đứa hiền, có đứa dữ, sau này chúng thành công hay thất bại cũng khác nhau. Đó là sự tích lũy nghiệp riêng của từng người từ kiếp này sang kiếp khác. Dạy con là trách nhiệm và bổn phận của bậc làm cha làm mẹ, còn hư nên là do tự thân của đứa con đó như thế nào. Mình muốn cho con cái tốt, nhưng không phải lo lắng cho chúng đủ điều thì chúng sẽ làm theo ý của mình. Niềm tin vào nhân quả nghiệp báo là tin rằng mỗi người có nghiệp duyên khác nhau, giúp đỡ một người không bằng để phần phước duyên hay nghiệp báo vận hành giúp họ. Mình thương con, muốn giúp con, nhưng bản thân nó không tự nỗ lực, chỉ biếng nhác cứng đầu, thì sự giúp đỡ của mình cũng trở nên vô nghĩa, buồn phiền lại càng không được lợi ích gì.
Mình thấy được điều đó thì hãy nhẹ lòng một chút, lo thì lo nhưng đừng quá dính mắc vào, biết là khó làm vì tình mẫu tử thiêng liêng. Nhưng tình thương ấy rất nặng về chữ ái, em lại thấy đâu đây lời Phật dạy về gốc rễ của dòng tử sinh vô tận: ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não,… Mọi nỗi khổ ở đời đến từ sự thích hay ghét, vì thích ghét nên dính mắc, sự dính mắc là nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của đời sau kiếp khác, và mọi sự khổ ở đời bắt đầu từ đây. Chị biết Phật dạy thế nào không: “Con ta tài sản ta, người ngu mãi lo xa, chính ta còn không có, con đâu tài sản đâu?”.Mình mất mát tài sản như nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc,… thì đau khổ. Con cái không nghe lời cũng khổ. Nhìn thấy con vất vả, ngược xuôi vì đời sống mưu sinh,… mình lo lắng, thương yêu quá rồi cũng khổ. Nhưng nỗi khổ là do mình chứ không phải do những tác động bên ngoài. Con cái và cha mẹ chỉ gặp nhau trong vài chục năm ngắn ngủi của đời này, thời gian đó so sánh với dòng luân hồi vô tận thì chỉ như hạt cát so với đại địa. Chúng đến làm con của mình chỉ vì bốn nguyên nhân: đòi nợ, trả nợ, đền ơn, trả ơn. Vậy mà bao người cha, bao người mẹ vì con mình mà tạo muôn trùng ác nghiệp, đó chính là tấn tuồng bi kịch của nhân gian.
Em mới chỉ bàn sơ qua hai vấn đề là “gặm nhấm nỗi buồn” và “thương con đúng cách”. Nhưng nội dung bài viết đã dài lê thê rồi, hẹn gặp một ngày không xa. Em sẽ nói với chị nhiều hơn về những việc khác: Làm sao để chị sống giữa cuộc đời phức tạp và phiền nhiễu này mà không bận lòng mệt nhọc? Mình thấy bản thân luôn thấp kém hơn người khác có phải là mặt trái của ngã mạn hay không? Ta học được bài học gì từ cuộc đời khổ lụy? Một người con Phật cần phải làm gì khi đối diện với chính mình? Thôi xin chào chị nhé!
Tuệ Đăng