.
.

Định nghĩa về cuộc sống bình an của một đời người


Thử định nghĩa một cuộc sống bình yên của đời người – nghĩa là không phải lo nghĩ quá nhiều – trong thời đại này: Có nhà cửa khang trang, có công ăn việc làm ổn định, con cái học hành tốt và ngoan ngoãn, làm được điều mình yêu thích, có chút tài sản hoặc tiền mặt trong ngân hàng. Nhiêu đó là thấy quá đủ rồi. Nhưng, vì sao, có vô số người sống trong đời sống này, có được những điều đó, nhưng họ vẫn không thấy an?


Tâm an là điều gì mà khó tìm kiếm và nắm bắt quá vậy? Tâm an khác với bình yên ở điểm nào mà sao bao người loay hoay mãi vẫn không phân biệt được? Người viết đã có dịp trò chuyện với rất nhiều người về vấn đề này và nhận ra rằng, con người ngày càng đi tìm kiếm sự an lạc trong tâm hồn nhưng dường như điều đó như những vì sao, lấp lánh đẹp tuyệt nhưng xa vời và chỉ lung linh trong đêm đen.

Ảo ảnh bình yên

Người ta hay nhầm lẫn ở bình yên chốc lát bởi yếu tố ngoại cảnh và tâm an định không phụ thuộc ngoại cảnh. Ví dụ, sau một ngày đi làm mệt mỏi, bạn bước vào nhà, căn nhà mát mẻ, bạn mở bản nhạc êm dịu, uống một ly nước cam, chà, cảm giác dễ chịu hẳn ra. Thoáng chốc, bạn thấy bình yên. Một lát sau, bạn nhận được một cuộc điện thoại. Nhân viên báo về một công việc không được giải quyết và đang có xu hướng ngày càng tồi tệ. Ngay lập tức, bạn nổi nóng la mắng nhân viên, rồi sau đó gọi điện khắp nơi để tìm hướng giải quyết. Gọi qua gọi lại mãi không giải quyết được gì, tối đó bạn mất ngủ. Như vậy, là tâm bạn không an. Nếu một người có tu tập thâm hậu, có được sự an lạc trong tâm hồn, thì cách hành xử sẽ khác: bình tĩnh hơn, suy nghĩ chín chắn hơn, tối vẫn gác việc một bên để ngủ.

Bạn sẽ thốt lên: Sao mà làm được điều đó cơ chứ! Khi bạn thốt lên câu đó, là chính bạn đang trả lời cho mình. Trong bình yên có thể có cảm giác thoải mái. Nhưng cảm giác thoải mái chưa chắc là sự bình yên nội tại. Nghe bản nhạc hay, ăn một món ngon, mặc chiếc áo đẹp, ngồi một không gian quán đẹp… là sự thoải mái. Đến từ bên ngoài. Ngồi không chẳng làm gì mà cũng thấy vui, đó là bình yên, là an lạc. Đến từ bên trong. Các điều kiện bên ngoài làm cho ta thoải mái chủ yếu là để thỏa mãn cái tôi. Cái tôi còn đầy thì làm gì có cái an.

Dấu hiệu báo động của tâm bất an

Một con người vốn gánh nhiều vai trò trong cuộc sống, nên để dễ dàng nhận ra tâm thiếu vắng an lạc, bạn có thể phân ra một số vùng trọng điểm.

Trong đời sống gia đình, bạn nhận ra mình có nhiều thiếu sót. Bạn có cảm giác có lỗi với con cái vì thiếu thời gian chăm sóc, dạy dỗ, chuyện trò cùng con. Quá lâu rồi không nói điều gì thật tình cảm với người bạn đời. Người giúp việc nấu món gì thì cả nhà ăn món đó và dù ngon hay không nhưng bạn cũng không có thì giờ để nhắc nhở hoặc ra thực đơn cho gia đình. Bạn hứa sẽ về thăm ba mẹ nhưng cứ lần lữa mãi không thực hiện…

Trong công việc, dạo này bạn có những cách cư xử khác với trước đây. Bạn dễ dàng có cảm giác chống đối ngầm với cấp trên, ngay cả những lúc sếp không làm điều gì quá đáng với bạn. Bạn rất hay la mắng nhân viên, dù chỉ là một lỗi lầm rất nhỏ. Bạn luôn thấy đồng nghiệp ngang cấp của mình xấu tính, bạn không thoải mái khi hợp tác với họ, thậm chí trong lòng ghét vu vơ mà không rõ nguyên nhân.

Trong quan hệ xã hội, bạn luôn có loại cảm xúc tiêu cực như dễ dàng nổi nóng với những người làm công việc phục vụ như tài xế, phục vụ bàn, người giúp việc, các nhân viên bán hàng… Đi ra đường, bạn không tin tưởng ai, bạn sẵn sàng “xù lông nhím” khi có người lạ bắt chuyện, dù chưa biết đó là chuyện gì.

Với bản thân mình, bạn có những hành vi với xu hướng tự vấn: Dễ chán nản trước mọi việc, không thiết tha làm điều gì nữa. Có người suốt ngày lên mạng xã hội lướt qua lướt lại mà chẳng tìm thấy được điều gì vui vẻ. Bạn lơ môn bơi lội mà bạn yêu thích, bạn bỏ mặc để bản thân trở nên luộm thuộm, ăn uống không còn ngon miệng, giấc ngủ không điều độ lúc mất ngủ hoặc lúc ngủ quá nhiều. Đặc biệt, bạn hay đặt ra những câu hỏi tôi là ai, tôi đang làm gì giữa cuộc đời “ô trọc” này, tại sao tôi phải đi làm đầu tắt mặt tối để làm gì, đời người rốt cuộc sống vì cái gì…

Bất an có thể đến từ đâu?

Có vô số nguyên nhân dẫn đến tâm không an định, tùy vào hoàn cảnh của từng người. Nhưng có thể gói gọn trong 2 điểm cốt lõi chủ quan và khách quan.

Thứ nhất là nguyên nhân khách quan, dù bạn có muốn hay không, đó là những cơn đau, bao gồm đau đớn vì bệnh tật trên cơ thể vật lý và bệnh về tâm lý tinh thần. Ai cũng phải có bệnh, đó là quy luật tự nhiên của cuộc sống. Nhưng cứ thấy bệnh là đau buồn. Tuy là nguyên nhân khách quan nhưng cũng là chủ quan, bởi vì có thể bạn đã không biết chăm sóc bản thân, không có chế độ sinh hoạt ăn uống ngủ nghỉ tập thể dục điều độ…

Thứ hai là nguyên nhân chủ quan: Để trí óc hoạt động quá nhiều, nói nôm na là suy nghĩ quá nhiều trong một lúc. Tâm trí của con người cũng là một cỗ máy, khi hoạt động nhiều quá thì nó sẽ kiệt quệ. Lúc tâm trí không vững chãi chính là lúc tâm bất an trỗi lên. Trong nhiều sách của các bậc chân sư cũng dạy, sở dĩ trí óc suy nghĩ quá nhiều cũng xuất phát do cái bản ngã quá lớn, lúc nào cũng tư duy mọi thứ từ chữ Tôi. Tôi sẽ làm gì, tôi muốn cái này, tôi làm sao để đạt được điều đó… Bạn không tin ư, thử nhìn lại xem, có phải trong hàng triệu lần hoạt động trí óc đó, bạn đang để cái tôi dẫn dắt và làm chủ toàn bộ?

Bước đầu căn bản giúp dọn dẹp tâm

Không ai dám nói tâm tôi đã an. Đời sống là một chuỗi những thăng trầm mà từ đó tâm cũng nương theo lên xuống thất thường. Để có được chữ an thật sự đòi hỏi sức mạnh tự thân từ bên trong rất lớn, đòi hỏi một quá trình tu tập rất công phu và dài lâu. Đôi lời tư vấn dù có vi diệu đến đâu cũng không đảm bảo rằng nếu làm theo thì tâm sẽ an lạc. Nhưng, nếu ta không đi từ bước chập chững đầu tiên, thì làm sao có quá trình tu tập dài lâu đó để trở về con đường an lạc?

– Chăm sóc cơ thể vật lý. Ngay khi thấy bản thân suy nhược, hãy lập tức đứng lên vận động một môn gì đó như chạy bộ, yoga, võ thuật, bơi lội, gym… đơn giản nhất là đi bộ khoảng 30phút/ngày. Khi cơ thể được kích hoạt, được hâm nóng, năng lượng tiêu cực được xóa bỏ tại thời điểm đó. Càng luyện tập thể thao thì tinh thần càng phấn chấn và kiên định. Theo rất nhiều nghiên cứu khoa học, thì những ai siêng năng luyện tập và vận động thì tinh thần luôn lạc quan. Bằng chứng đó là các vận động viên thể thao thường có ý chí và sự kiên trì hơn người.

– Giảm bớt nhu cầu cá nhân, cụ thể từng việc một như thử thanh lọc lại tủ quần áo, bớt tìm kiếm món ngon để ăn, lọc lại friends list trên Facebook… Thay vì cắm mắt vào các loại màn hình 18/24 tiếng, thử bắt đầu cắt giảm bớt vài tiếng để trồng cây, tìm việc nhà tồn đọng để làm… Việc giảm bớt này là không giới hạn. Bí quyết cho chúng ta là hãy tự hỏi “tôi thật sự muốn hay cần điều này, vật này, người này?”. Việc thanh lọc bắt đầu từ chọn cần và bỏ bớt muốn. Bỏ bớt muốn là khởi đầu của bỏ bớt tham.

– Tập suy nghĩ ít lại. Hãy rèn luyện thói quen để mọi việc diễn ra thuận theo tự nhiên, đừng đặt để cái tôi mong cầu kiểm soát và xoay chuyển tình thế quá nhiều lên mọi việc. Cuộc sống có cách vận hành riêng, có những việc suy nghĩ nát óc vẫn không đi theo cách cái tôi muốn. Nên suy nghĩ ít và sắc bén còn hơn suy nghĩ nhiều và mông lung đầy tạp niệm.

– Niệm Phật. Không còn gì bình yên hơn sau một câu niệm Phật. Mỗi một câu trì chú, không chỉ năng lượng tích cực của bạn được phát khởi, mà bạn còn nhận được các năng lượng cộng hưởng. Từng giây từng giây, có hàng triệu người trên thế giới cùng niệm Phật. Tha lực này sẽ giúp bạn có sự an lạc trong tâm hồn mà đôi khi chính bạn không nhận ra.

Xuân Phượng