Một tâm lý đặc trưng của người Việt nói chung và phật tử Việt nói riêng là cầu an xin lộc. Với nhiều người và đặc biệt là phật tử thì việc đi chùa đầu năm để lễ bái cầu nguyện, gieo duyên tạo phước là không thể thiếu.
Thể hiện lòng tôn kính với bậc giác ngộ và ước nguyện bình an, sáng suốt cộng chút lòng mưu cầu thịnh vượng cho bản thân và gia đình thông qua hình thức xin lộc vào những ngày đầu của năm mới thực sự là nét đẹp!
Như một quy luật, khi mùa xuân đến khí trời trở nên mát dịu, muôn loại cỏ cây xanh tươi đâm chồi nảy lộc, trăm hoa cùng nghiêng mình khoe sắc thắm. Con người, hòa theo quy luật tạo hóa cộng với văn hóa truyền thống tổ tiên, cũng hân hoan đón mừng mùa xuân mới bằng những sinh hoạt lễ hội vui chơi. Năm cũ đi qua, năm mới tiếp nối. Trong thâm tâm, mỗi người đều mong muốn những điều lạc hậu, xấu ác qua mau và hy vọng đón mừng những niềm an vui, hạnh phúc.
Các lễ hội diễn ra muôn màu muôn vẻ nhưng tựu trung không ngoài mục đích thể hiện lòng biết ơn thông qua truyền thông tổ tiên – con cháu; củng cố và làm mới tình người qua các lễ nghĩa bà con làng xóm, bạn bè; và xa hơn là sự mong mỏi cuộc sống bình an, thịnh vượng thông qua hình thức tạo phước, cầu an. Lễ hội truyền thống như thế tự nó đã nói lên giá trị thiết thực và cần được duy trì phát huy trong cuộc sống. Mùa xuân đang đến, lễ Tết cũng cận kề. Chúng ta hãy cùng nhau phát huy giá trị truyền thống của nó và đón một mùa xuân an vui, lành mạnh.
Kết nối tình thân
Không cần phải nói, người Việt Nam ai cũng công nhận rằng Tết là lễ truyền thống lớn nhất của dân tộc. Hằng năm, cứ đến tháng Chạp mọi người không ai bảo ai tự khắc tất bật chuẩn bị đón xuân, đón Tết. Mỗi gia đình dù nghèo hay giàu vẫn phải có hoa, hương, trà, nước và ít bánh trái để trước dâng cúng tổ tiên, thần linh thổ địa, sau là để con cháu hưởng lộc. Những người xa xứ, trong điều kiện cho phép, đều muốn thu xếp công việc để về đoàn tụ gia đình, thăm quê hương, xứ sở. Có lẽ, được quây quần bên nhau trong không khí gia đình chuẩn bị ngày Tết chắc là hạnh phúc lắm.
Vào ngày cuối cùng của năm, đại diện gia đình kính cẩn dâng hương mời tổ tiên về để cùng vui với con cháu trong ba ngày Tết. Dù tổ tiên ở ‘xa’ và dù con cháu mỗi người mỗi xứ, ngày Tết đến đều được mời hướng về mái ấm gia đình, họ tộc để kết nối tình thân huyết thống. Do đó, mỗi gia đình nên tổ chức bữa cơm tất niên để cho các thành viên, dù may mắn quay về đoàn tụ hay vẫn phải ở phương xa, đều có cơ hội kết nối với nhau qua truyền thông liên lạc hay trực cảm nội tâm. Bữa cơm ấy sẽ có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với những hình thức tiệc tùng linh đình, phô trương tốn kém nhưng chỉ để phục vụ bản năng.
Giữ gìn truyền thống
Trong giờ phút giao thời linh thiêng được báo hiệu bởi âm thanh vang vọng của tiếng pháo, tiếng chuông, tiếng trống… mọi người dường như dừng lại các ý niệm lăng xăng để hướng về thời khắc của năm mới với những ước nguyện bình an, hạnh phúc. Những người có đạo thì đi chùa, nhà thờ… để lễ bái cầu nguyện, còn những người không theo đạo nào cụ thể thì thường lễ tổ tiên chúc tụng trong gia đình. Ta cảm nhận rằng, ước nguyện bình an, hạnh phúc là đặc điểm chung của đa số người Việt, nó thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình, thương yêu sự sống.
Trong những ngày Tết, theo tục lệ là dành cho cha, mẹ, thầy hay nói rộng ra là dành cho những bậc sinh thành, giáo dưỡng, truyền thụ kiến thức hữu ích cho ta nên người hữu dụng; là dành cho bà con thân thích, cô bác xóm giềng, bạn bè thân quen…Tinh thần hiếu thuận, tri ân, uống nước nhớ nguồn, tình làng nghĩa xóm, giao hảo bạn bè sẽ được củng cố thêm khi mọi người cùng dành thời gian để thể hiện chúng. Sự thăm viếng, chúc tụng, quan tâm, chia sẻ là biểu hiện của tinh thần ấy. Tuy nhiên, nó chỉ có giá trị đích thực khi vắng mặt của sự toan tính, miễn cưỡng.
Ý thức hưởng thụ
Nói đến Tết là nói đến vui chơi, nghỉ ngơi và hưởng thụ. ‘Tháng Giêng là tháng ăn chơi’ là câu nói dân gian dù không hoàn toàn đúng nhưng phản ảnh thời gian hưởng thụ phổ biến của người dân trong năm. Hưởng thụ từ thành quả lao động chính đáng suốt một năm là điều chính đáng được xã hội công nhận. Vấn đề là chúng ta có đủ khôn ngoan để hưởng thụ thành quả chúng ta tạo ra hay không!? Thông thường trước và những ngày Tết, cảnh tượng tiêu thụ bia rượu diễn ra khắp nơi từ nhà riêng cho đến quán xá và ngay cả cơ quan, nhà máy. Sự tiêu thụ quá mức dẫn đến lãng phí tiền bạc, thời gian, đốt cháy trí năng làm cho con người mất kiểm soát dẫn đến những hậu quả thương tâm như tai nạn xe cộ, gây gổ đánh nhau, người thân khổ sở…
Thứ đến là ý thức hưởng thụ vui chơi. Các trò đỏ đen thường xuất hiện rộng rãi trong dịp Tết với nhiều hình thức để kích thích lòng tham, ưa cầu may mắn của một số người. Một khi lao vào chúng, đa phần buồn khổ, lo lắng vì tiền mất tật mang, sức khỏe tiêu hao, tinh thần suy sụp. Do vậy, thay vì lao vào thú vui vô bổ này, nhiều người đã khôn ngoan dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, tham quan du lịch và tu tập. Đó là sự lựa chọn đáng được khuyến khích, nhân rộng vì nó giúp chúng ta lấy lại năng lượng và tinh thần thoải mái để bước vào công việc sau kỳ nghỉ.
Gieo duyên tạo phước, thực hành chuyển hóa
Một tâm lý đặc trưng của người Việt nói chung và phật tử Việt nói riêng là cầu an xin lộc. Với nhiều người và đặc biệt là phật tử thì việc đi chùa đầu năm để lễ bái cầu nguyện, gieo duyên tạo phước là không thể thiếu. Thể hiện lòng tôn kính với bậc giác ngộ và ước nguyện bình an, sáng suốt cộng chút lòng mưu cầu thịnh vượng cho bản thân và gia đình thông qua hình thức xin lộc vào những ngày đầu của năm mới thực sự là nét đẹp!
Tuy nhiên, khi ý niệm xin lộc đầu năm đã trở thành nét văn hóa ứng xử thì hy vọng rằng nét đẹp của nó sẽ được giữ gìn. Nghĩa là, không nên tự tiện bẻ cành, ngắt hoa được bài trí nơi tôn nghiêm vì làm như thế là chúng ta đang đi ngược lại nét văn hóa đẹp, ngược lại ý niệm ‘xin lộc’. Khi lòng tham ngự trị và thiếu tinh thần bảo vệ cái đẹp chung thì kết quả có được không còn là lộc nữa mà là sản phẩm của thói quen ích kỷ.
Những ngày Tết, phật tử thường hành hương thập tự để gieo duyên tạo phước, nghe pháp tu tập. Ý thức được giá trị của giáo lý nhân quả mà tạo nhân lành đầu năm thì hành động ấy đáng được trân trọng và khích lệ. Cũng nên hiểu rằng, việc tạo phước không chỉ là tiền tài vật chất mà nó còn thể hiện qua nhiều mặt khác bao gồm cách ứng xử, thái độ, hành vi đẹp. Cho nên, sự trang nghiêm của phật tử trong suốt chuyến hành hương là đang tạo phước bình an, tự tại. Những hình ảnh chen lấn, tranh giành với toan tính đạt được nổi danh hay nhiều lộc trở nên phản cảm. Ý thức để hạn chế những hành vi như thế là chúng ta đang đóng góp phước báu và chính chúng ta đang thọ hưởng phước báu ấy qua sự bình an, thoải mái hiện tiền.
Nhắc đến cầu an không thể bỏ qua ý niệm cúng sao giải hạn. Không biết tự bao giờ tập tục này đã trở thành ‘chùm gởi’ bám chặt vào đạo Phật và trở thành ‘dịch vụ’ trong đạo Phật. Mặc dù danh từ cầu an được dùng để giảm nhẹ tính chất mê tín của nó nhưng về hình thức cử hành thì nó cũng còn nguyên vẹn. Tập tục do con người tạo ra nhưng con người không dám bỏ bởi một mặt do có nhu cầu và mặt khác do siêu lợi của nó.
Nếu ta làm một cuộc khảo sát các chùa có tổ chức lễ cầu an đầu năm thì kết quả sẽ là một trăm phần trăm các chùa đều có nghi thức đọc tên cầu an kèm theo tên sao hạn xấu. Thầy cô nào cũng thừa nhận rằng đây là phương tiện để dẫn dắt phật tử vào đạo nhưng phật tử vào đạo mấy chục năm rồi cũng vẫn cứ được dẫn dắt theo tập tục này. Lẽ ra, phật tử thuần thành hiểu rõ nhân quả và biết rõ sao hạn là mê tín do quý thầy cô giảng dạy thì sớm từ bỏ nó nhưng ít người làm được. Lẽ ra, các chùa không cung cấp ‘dịch vụ’ này nữa nhưng hầu như ít ai dám làm vì sợ mất phật tử và vì chưa có sự đồng bộ chung. Phải chăng ma lực của mê tín quá mạnh hay là do siêu lợi chi phối!? Phải chăng phật tử kiên cường khó chuyển hay là do ta đang dễ xuôi chiều chuộng!?
Rõ ràng, quý thầy cô và phật tử thuần thành đều biết rõ là Phật không ở đó nghe tên phật tử để mà gia bị hay làm việc tiêu tai giải nạn. Thứ nhất, không có bài kinh nào (cả Nam tông và Bắc tông) Phật dạy về điều này. Ngược lại, Phật đưa ra quan điểm rõ ràng thông qua ví dụ hòn đá nặng phải chìm và vết dầu nhẹ phải nổi trên mặt nước dù có ra sức cầu nguyện. Thứ hai, sao hạn do chính con người đặt ra để lý giải các hiện tượng thiên nhiên cũng như sự thăng trầm của kiếp người nhằm trấn an nỗi sợ hơn là sự thật. Bằng chứng là không có cơ sở khoa học nào để bảo vệ quan điểm này ngoại trừ niềm tin. Thứ ba, chỉ việc đọc tên mà không làm điều thiện nào thì không thể có kết quả bình an được. Nếu quý thầy cô đủ năng lực cầu an cho phật tử thì chính quý thầy cô không có ai chết vì tai nạn hay rủi ro, nhưng thực tế thì không phải vậy. Thế thì, việc cầu an – cúng sao theo hình thức xưa nay là chỉ để đáp ứng nhu cầu quá nặng của phật tử và tín đồ nói chung hơn là cách thức cầu an đúng nghĩa – sự tu tập chuyển hóa thân tâm. Do vậy, thiết nghĩa cũng nên cải cách hình thức tập tục này.
Sau ba ngày Tết, các chùa nên đồng loạt khai kinh trì tụng cầu quốc thái, dân an. Sự tu tập này được chư vị tổ sư thích nghi và truyền lại rất có ý nghĩa bởi nó thể hiện lòng tri ân và trách nhiệm của người con Phật đối với tổ quốc và nhân dân. Chính sự tu tập là chánh nhân đưa đến hòa bình an lạc chứ không phải những lời cầu suông. Trên tinh thần ấy, phật tử thuần thành đâu cần nhất thiết phải chờ tới ngày mùng tám hay rằm rồi tranh nhau ‘bắt’ quý thầy cô phải dâng tâu sớ, đọc tên trong khi mình biết rõ là chỉ có người sống mới nghe và hài lòng. Sao ta không bắt đầu từ ngay khai kinh, nếu có thời gian, cùng về chùa cùng tụng kinh tu tập để tạo năng lượng bình an gửi đến mọi người. Sao ta không tận dụng thời gian tập trung vào tu tập, học hỏi giáo pháp thay vì suy nghĩ lo lắng tốt xấu lăng xăng trong đầu cho đến khi nghe tên mình được đọc lên mới gọi là an. Phật tử chúng ta hãy cùng suy ngẫm lại xem!
Tất nhiên, tu tập thì cần có nội dung và hình thức, cần thân lẫn tâm vì hai cái chưa từng tách khỏi bao giờ. Cho rằng có sự tách rời là một ngộ nhận, một sự sai lầm.
Về hình thức, phật tử có thể tự mình ghi tên gia đình theo phiếu có sẵn và tự đọc cầu nguyện theo ước muốn riêng chứ đừng nên ‘bắt’ quý thầy cô đọc. Phật tử thương tưởng và kính trọng tăng ni cúng dường thì phước báu rất nhiều, còn ‘ngã giá’ cho quý thầy cô thì tội nghiệp cho họ và cũng cho phật tử nữa. Hãy để cho quý thầy cô làm phận sự tu tập của họ hơn là làm những việc mang hình thức tín ngưỡng. Nếu phật tử cầu trí tuệ, phước báu thì có thể cúng đèn, cúng hoa với lòng thành kính dâng lên đức Phật. Phật tử cũng có thể đóng góp cho nhà chùa bằng cách dùng một thứ gì đó do nhà chùa phát hành. Những hình thức như vậy đáng khích lệ vì nó thiết thực và mang tính giáo dục.
Về nội dung, không có sự bình an hay phước báu nào mà không xuất phát từ những hành động cụ thể thiết thực. Phật tử cùng thực tập với tăng ni, phát tâm chia sẻ tài vật, tình thương và sự ứng xử tình người là đang tạo phước báu lớn đưa đến bình an. Chẳng hạn, thay vì chiếm một chỗ trong Chánh điện để nghe thầy đọc tên mà trở nên bực dọc với ai đó thì tốt hơn hết là lễ Phật xong đi thiền quanh chùa một cách bình an. Sự bình an thực sự có thể có mặt trong ta nếu ta biết cách. Do vậy, cách cầu an và cầu nguyện hay nhất và đúng cách là tập trung vào tu tập quán chiếu để định tuệ phát sinh, nhờ đó, ta thấy rõ nguyên nhân bất an mà dùng pháp để chuyển hóa. Làm cho tâm ta an và người khác an là cách cầu an hữu hiệu nhất.
Sẽ có sự đồng tình và phản đối khi có điều gì đi ngược lại thói quen. Chỉ mong rằng mọi người hãy lắng lòng thật sâu mà suy ngẫm và tự hỏi chính mình. Lời Phật dạy vẫn còn đầy đủ để chúng ta soi sáng. Phương tiện tổ vẫn hữu dụng cho những ai khéo dùng bởi nó giống con dao hai lưỡi. Chỉ e rằng từ phương tiện bị lạm dụng mà thôi. Mùa xuân sắp đến, ước nguyện rằng mọi người sẽ đón Tết an vui và lành mạnh.
Thích Hạnh Chơn