Hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử, thân nhân và nhân dân tham dự lễ cầu siêu
Phía BTS GHPGVN Nghệ An tham dự lễ có HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh; TT.Thích Thọ Lạc, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An.
Ông Đặng Ngọc Tân, Vụ trưởng Vụ Xây dựng cơ bản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Vũ Đức Hùng, Vụ phó Vụ Kế hoạch – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bà Nguyễn Phạm Duy Trang, UV BTV T.Ư Đoàn, Trưởng ban Công tác thiếu nhi thanh niên đoàn, Phó chủ tịch Hội đồng đội T.Ư; ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các ông, bà trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND-UBND-UBMTTQVN tỉnh; các sở ban ngành cấp tỉnh; chính quyền huyện Đô Lương, Thanh Chương; thân nhân, gia đình có thanh niên đã hy sinh cách đây 40 năm; chư Tăng Ni Phật tử, nhân dân địa phương tham dự.
Nghi lễ tưởng niệm thành kính, trang nghiêm
Lễ cầu siêu được bắt đầu từ 16 giờ với các nghi lễ truyền thống, trang nghiêm theo Phật giáo.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tuấn Vinh, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, cuối năm 1977, tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ có chủ trương nạo vét, sửa chữa sông đào thuộc đầu mối hệ thống nông giang Đô Lương và mở rộng khai thông cống Hiệp Hòa (thuộc xã Hòa Sơn) do bom Mỹ đánh phá hư hỏng nặng, dòng chảy bị thu hẹp, lưu lượng nước không đủ nước cung cấp cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Để kịp có nước tưới cho vụ chiêm xuân, tỉnh đã huy động 21.000 dân công, thanh niên xung phong của 7 huyện cùng với sự hỗ trợ của bộ đội Quân khu 4 tham gia cải tạo công trình trong thời gian 1 tháng.
Tuy nhiên, khi công trình gần hoàn thành thì tai nạn đau lòng đã xảy ra vào trưa ngày 3-1-1978, hàng ngàn mét khối đất đá bất ngờ đổ ập xuống, vùi lấp 98 thanh niên và hơn 120 người bị thương. Các anh, các chị ngã xuống chỉ mới mười sáu, đôi mươi, đang ở vào độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời với biết bao ước mơ, hoài bão.
Ông Phạm Tuấn Vinh, Bí thư Tỉnh đoàn phát biểu khai mạc
“4 ngày sau, công trường làm việc trở lại trong không khí trầm lắng, đau thương, buồn thảm. Cống Hiệp Hòa rồi cũng hoàn thành, những cánh đồng lúa ở Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu rồi cũng đón được những dòng nước mát. Đó là những dòng nước của sự hy sinh, mất mát được đánh đổi bởi xương máu của những chàng trai, cô gái ở tuổi thanh xuân”, lời phát biểu khiến người tham dự rưng rưng.
Ông Bí thư Tỉnh đoàn kêu gọi đóng góp xây dựng bia tưởng niệm 98 thanh niên đã hy sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Xô Viết Nghệ tĩnh ngày 3-1-1978.
TT.Thích thọ Lạc đọc lời tưởng niệm
Trong văn tưởng niệm TT.Thích Thọ Lạc nhấn mạnh, sau 40 năm, vong linh của 98 thanh niên hy sinh ngậm ngùi nơi chín suối. Hôm nay chúng ta cùng ôn lại truyền thống hào hùng, ý chí bất khuất, kiên cường và sự gan dạ hy sinh anh dũng của người dân xứ Nghệ, bày tỏ lòng thành kính và tri ân anh linh 98 thanh niên đã hy sinh, vĩnh viễn nằm xuống.
Theo Thượng tọa Thọ Lạc, lễ cầu siêu là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tri ân, báo ân của người con Phật, cũng như truyền thống tốt đẹp ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Thông qua buổi lễ, mọi người sẽ một lần nữa tri ân các thanh niên tử nạn, các tầng lớp nhân dân, những người có công với đất nước; lòng biết ơn và nhớ ơn sâu sắc đến thân nhân gia đình của 98 thanh niên có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
Chư tăng, đại biểu dâng hương, nến và đăng tưởng niệm
Trong không khí trang nghiêm, nghi thức trọng thể, các đại biểu, Tăng Ni, Phật tử, nhân dân địa phương đã thực hiện các nghi thức truyền thống gồm dâng hương, dâng hoa, bạch Phật khai kinh… và thắp nến, thả đăng tri ân, tưởng nhớ những người con quê hương xứ Nghệ đã hy sinh cho đất nước được phát triển.
Sự cố ở cống Hiệp Hòa 40 năm trước Cống Hiệp Hòa thuộc xóm Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương – một hạng mục trong kênh thủy lợi dẫn nước từ sông Lam phục vụ nước tưới và sinh hoạt cho 4 huyện hạ du được người Pháp xây dựng từ năm 1934, còn được người dân gọi là kênh Vếch Bắc. Năm 1978, để nâng lưu lượng nước tưới, tỉnh Nghệ An huy động hàng ngàn thanh niên tình nguyện bạt núi, mở kênh. Trưa 3-1-1978, hàng ngàn mét khối đất đá bất ngờ đổ ập xuống, vùi lấp 98 thanh niên và hơn 120 người bị thương. Năm 1979, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh đã truy tặng bằng ghi công cho những người tử nạn tại cống Hiệp Hòa và trợ cấp cho mỗi gia đình 6 kg gạo/tháng. Đến năm 2001, UBND tỉnh Nghệ An quyết định cho thân nhân người mất được hưởng chế độ bằng mức trợ cấp xã hội (hiện nay là 540.000 đồng/tháng/người tử nạn).