.
.

Kiên Giang: Cáo phó Ni trưởng Thích Nữ Như Định


Do niên cao lạp trưởng, Ni trưởng đã an nhiên xả báo thân, viên tịch vào lúc 21 giờ 45 phút, ngày 01 tháng 6 năm 2018 (18/04/Mậu Tuất) tại chùa Kim Quang, phường An Bình, Tp.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.


– Chứng minh Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh Kiên Giang

– Nguyên Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang Nhiệm kỳ I (1982-1987), Nhiệm kỳ II (1987-1992)
– Viện chủ Kim Quang ni tự
Do niên cao lạp trưởng, Ni trưởng đã an nhiên xả báo thân, viên tịch vào lúc 21 giờ 45 phút, ngày 01 tháng 6 năm 2018 (18/04/Mậu Tuất) tại chùa Kim Quang, phường An Bình, Tp.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Trụ thế 84 xuân. Giới lạp 57 Hạ. Trụ trì 41 Đông.
Lễ nhập kim quan chính thức cử hành vào lúc 09 giờ ngày 02 tháng 6 năm 2018 (19/04/Mật Tuất).
Kim quan được tôn trí tại chùa Kim Quang, phường An Bình, Tp.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Lễ Tưởng niệm được cử hành lúc 07 giờ 00 ngày 05 tháng 06 năm 2018 (22/04/Mậu Tuất), kim quan được phụng tống nhập bảo tháp tại Kim Quang ni tự.
Tiểu sử Ni trưởng Thích nữ Như Định 
(1935-2018) 

Ni trưởng thuộc dòng thiền Lâm Tế Gia phổ đời thứ 41,  pháp húy Không Đạt, hiệu Như Định, tục danh Trương Thị Mịnh, sinh ngày 04/06 năm 1935 (04/05/Ất Hợi) tại làng An Hòa (nay là phường An Bình, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).

Ni trưởng là con út trong gia đình có 06 anh chị em. Thân phụ là cụ ông Trương Văn Hấu, hiền mẫu là cụ bà Trần Thị Thuận.

Vốn sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời kính tin Tam bảo, nên từ nhỏ Ni trưởng thường được mẹ dắt đi chùa và quy y tam bảo năm lên 9 tuổi, từ đó thường xuyên đến chùa tụng kinh, lễ Phật, thấm nhuần đạo lý từ bi.

Thiện duyên khai phát, vào ngày 15 tháng 04 năm 1954 (13/03/Giáp Ngọ), vừa tròn 19 tuổi thanh xuân, Ni trưởng đến Tổ đình Ni trường Phước Huệ, Sa Đéc đảnh lễ  Trưởng lão Ni Chơn Ngạn-Như Hoa cầu xin xả tục xuất gia tu học. Được thầy Bổn sư ban pháp danh Không đạt hiệu Như Định.

Năm 1955 (Ất Mùi), Ni trưởng thọ giới Sa di ni, và thọ giới Thức xoa Ma na ni ngày 14/04/1959.

Vào ngày 22 tháng 12 năm 1961 (15/01/Tân Sửu), Ni trưởng thọ giới Tỳ kheo ni, Bồ tát giới tại Đàn giới Tổ đình Ni trường Phước Huệ, Sa Đéc.

Ni trưởng đã được thầy Bổn sư cho tham học các Phật học đường Ni viện Phước Huệ, Sa Đéc, Giác Thiên, Phước Viên, Vĩnh Long, Từ Nghiêm, Sài Gòn. . . .

Đầu năm 1963, được thầy bổn sư (trưởng lão ni Chơn Ngạn-Như Hoa) gửi đến Ni trường Từ Nghiêm, Sài Gòn nhập chúng tu học. Đang trong chương trình Phật học thì chẳng may pháp nạn xảy ra 1963 (Quý Mão), nhiều vị tăng, ni bị bố ráp, giam cầm trên khắp hai miền Trung-Nam đất nước, có một số vị bị Chính quyền độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm đày đi Rạch Cát, bị giam cầm ở khám Chí Hòa . . . trong hoạn nạn đó Thầy trò của Ni trưởng đều chung chia sẻ, cùng chư ni Phật học đường Từ Nghiêm tham gia các cuộc biểu tình, tuyệt thực do Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo tổ chức.

Sau Pháp nạn năm Quý mão (1963), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời ngày 04/01/1964 (20/01/Quý Mão). những tưởng từ nay Phật giáo sẽ được bình đẳng với các tôn giáo khác, thế nhưng các Chính phủ tiếp theo miền Nam lúc ấy vì chịu sự chi phối của các thế lực ngoại bang nên vẫn tiếp tục đàn áp Phật giáo.

Phong trào đòi hòa bình của Phật giáo miền Nam (1965-1973) đã góp phần nêu cao chính nghĩa cuộc đấu tranh đòi độc lập dân tộc của nhân dân miền Nam. Bằng những hoạt động phong phú, đặc biệt là với lý luận đanh thép và hành động quyết liệt, phong trào đấu tranh đòi hòa bình của Phật giáo đã từ trong Giáo hội ra ngoài quần chúng tín đồ, cả trong nước và trên diễn đàn quốc tế, góp phần tạo ra một sức ép chính trị, thúc ép Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27/01/1973) lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Nhiều vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng, ni bị Chính quyền Sài Gòn giam cầm, nhiều cuộc biểu tình đòi quyền sống, chấm dứt chiến tranh của tăng ni, phật tử diễn ra làm chấn động thế giới. Ý thức hệ từ cuộc chiến chống Mỹ cứu nước đã đưa nội bộ Phật giáo lúc đó ngày càng mâu thuẫn và mầm mống chia rẽ, điển hình là Việt Nam Quốc Tự, ngôi chùa hiện hữu do thành quả tranh đấu đòi bình đẳng tôn giáo đã chìm trong tang tóc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hội, Trưởng lão ni Chơn Ngạn-Như Hoa về Việt Nam Quốc Tự đảm nhận chức Trưởng ban Hậu cần cho tăng ni và phật tử, đây là giai đoạn phức tạp vì nhiều quần chúng, tăng ni và phật tử tụ tập tại đây, Ni trưởng Như Định cũng nối gót theo Thầy mình hưởng ứng phong trào một cách tích cực.

Kỷ niệm những ngày tháng đấu tranh cho Đạo pháp-Dân tộc, Ni trưởng còn lưu lại bài thơ:

Đêm Hè trong Ngục tối
Hai mươi tháng tám sáu ba,
Là ngày kỷ niệm chúng ta ngồi tù.
Nằm sương, gối cỏ dãi dầu,
Nhưng mà chí khí chẳng lu chút nào.
Đêm về nằm ngắm trăng sao,
Thương ai vì Đạo máu đào đổ tuôn.
Ngày mai cánh nhạn muôn phương,
Mỗi người mỗi ngả đoạn đường ai ơi!
Hôm nào trên chuyến xe đời,
Gặp nhau hé lộ mỉm cười nhìn nhau.
Nắm tay chỉ thẳng non cao,
Đôi hồn giao cảm trong màu Đạo Thiêng.

Tháng 03 năm 1965 (Ất Tỵ), Ni trưởng cùng pháp hữu (Ni sư Như Châu) trở về quê hương Rạch Giá. Bước đầu chưa có cơ sở tự viện để hành đạo, Ni trưởng đến chùa Phổ Minh, nay phường Vĩnh Bảo, Thành phố Rạch Giá đảnh lễ Hòa thượng Thích Minh Giác, Chính Đại diện Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Rạch Giá, xin Ngài chỉ định cho một ngôi tự viện để trụ trì hoằng pháp lợi sinh. Hòa thượng Thích Minh Giác giới thiệu hai huynh đệ (Như Định, Như Châu) và bổ nhiệm về trụ trì Chùa Quan Âm, nay phường Vĩnh Hiệp (ngang nhà máy dệt Việt Thành). Hai huynh đệ trụ nơi đây vài tháng thì gặp nghịch duyên trắc trở, chướng ngại Phật sự nên đành ra đi.

Mùa hạ năm 1967 (Đinh Mùi), Ni trưởng dựng mái am tranh, tu hành trên mãnh đất ruộng 3.000 mét vuông do người chị thứ Năm của Ni trưởng là cư sĩ Trương Thị Sửu hiến tặng, nơi đồng ruộng mênh mông hiu quạnh, bước đầu khó khăn mọi mặt, Ni trưởng noi gương thầy Bổn sư Trưởng lão Ni Chơn Ngạn-Như Hoa chủ trương tự tiêu tự sản, vừa tu hành, vừa tự túc kinh tế nhà chùa, nêu cao tinh thần “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (Một ngày không làm, một ngày không ăn). Với chí tu học vững bền của người chân tu, thật học, nên Phật sự ngày thêm hanh thông.

Vào đầu năm 1971 (Tân Hợi), được sự khuyến khích và giúp đỡ của Hòa thượng Chính Đại diện PGVNTN tỉnh Rạch Giá, Thích Minh Giác, Cư sĩ Huỳnh Trung Chính, Chính án tại Tòa Sơ thẩm tỉnh Rạch Giá, và sự phát tâm hộ trì của một số Phật tử thân tín, Ni trưởng đã chính thức làm lễ đặt đá khởi công xây dựng ngôi già lam Kim Quang Tự tại mái am tranh vào ngày 15/03/1971 (ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm Đản sinh 19/02/Tân Hợi).

Do chi phối nhiều phật sự trong thời chiến tranh khốc liệt, mãi cho đến khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/04/1975 (20/03/Ất Mão), việc xây dựng ngôi già lam Kim Quang Tự vẫn chưa hoàn thiện. Tiếp đến là thời khó khăn sau giải phóng, lâm vào cảnh nghèo đói lại tiếp tục chiến tranh biên giới Tây Nam, chi phối nhiều Phật sự cho việc chia sẻ với đồng bào, việc xây dựng ngôi chùa tạm thời gát lại. . .

Năm 1989 (Kỷ Tỵ), pháp hữu thâm niên là Ni trưởng Như Châu phải trở về chốn tổ Diệu Ấn Tự, nay phường Phước Mỹ, thị xã Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, Ni trưởng lâm vào cảnh Phật sự đa đoan lại bớt đi một cánh tay đắc lực. Sau bao gian nan, đầy thử thách, do chí nguyện kiên cường, hạnh nguyện độ tha vô tận, Ni trưởng cũng đã tròn ước nguyện và đến năm 1998 đã hoàn thiện ngôi già lam Kim Quang tự.

Ngôi già lam Kim Quang tự với vẻ bề ngoài khiêm tốn mộc mạc, bên trong bài trí đơn giản, nhưng vẫn trang nghiêm, ngôi tự viện miền quê chân chất đã thể hiện hạnh “tri túc-kiệm ước” của người con Phật. Dù diện tích xây dựng còn rất rộng và gần đây có nhiều Phật tử phát tâm cúng dường khuếch trương mở rộng thêm diện tích xây dựng, nhưng Ni trưởng không chủ trưởng xây chùa to, chiếm diện tích thiên nhiên, để tăng thêm màu xanh tươi đẹp hài hòa cùng với đất trời. Lấy sự hài hòa với thiên nhiên:

 
“Mái chùa che chở hồn Dân tộc;
Nếp sống muôn đời của Tổ tông”

Năm 1981 (Tân Dậu), Đại hội các tổ chức Phật giáo được tổ chức tại ngôi Tùng lâm Quán Sứ, thủ đô Hà Nội. Một tổ chức mới ra đời, lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ni trưởng là thành viên của GHPGVN, được sự tín nhiệm của chư tăng ni và Phật tử trong tỉnh, Ni trưởng được suy tôn Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ I (1982-1987), nhiệm kỳ II (1987-1992), Ni trưởng đắc cử và là Đại biểu Hội đồng Nhân dân 02 cấp Phường An Bình và Thị xã Rạch Giá.

Năm 1998 (Mậu Dần), Ni trưởng được Hội đồng Chứng minh GHPGVN tấn phong lên hàng Giáo phẩm Ni sư và được tấn phong lên hàng Giáo phẩm Ni trưởng vào ngày 05/12/2000 (20/01/Canh Thìn).

Đạo Phật nêu cao nghiêm minh Giới luật. Giới luật được xem là kỷ cương trong Phật pháp, là mạng mạch Tăng già. Ni trưởng là một trong những vị uyên thâm luật học, bậc trì giới mô phạm, từng là luật sư giảng dạy các khóa an cư kiết hạ tại tỉnh nhà. Trong các Giới đàn từ năm 1993-2006, Ni trưởng được BTC Giới đàn cung thỉnh ngôi vị Hòa thượng Đàn đầu truyền giới cho giới tử Ni.

Vì sự vun bồi đạo đức tâm linh cho các thế hệ trẻ thanh thiếu niên Phật tử, Ni trưởng đã nhận lời thỉnh cầu của Cư sĩ Minh Tâm (Huỳnh Lến) Gia trưởng Gia đình Phật tử Phổ Minh để được sinh hoạt tại khuôn viên chùa vào mỗi cuối tuần Chủ nhật, cùng “Tay trong tay, vai chen vai dưới cờ Sen Trắng phất phới tung bay, chung một màu lam sống trong lục hòa, và cùng về nối kết tình thân. Tình gia đình ta Bất Khả Phân”.

Ni trưởng từng chia sẻ với cư sĩ Minh Tâm, Gia trưởng Gia đình Phật tử Phổ Minh rằng: “Tôi hy vọng những mầm non được ươm trong vườn Bồ đề của Kim Quang tự có cơ hội để hoa Bát Nhã nở rộ trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

Tất cả vì sự tương lai hạnh phúc cho các thế hệ trẻ, sự an lạc hạnh phúc của các thế hệ trẻ là sự phát triển bền vững của tương lai Đạo pháp-Dân tộc Việt”.

Việc thu nhận đệ tử xuất gia, giáo dục đào tạo nhân tài, Ni trưởng rất thận trọng và tự lượng sức mình, Ni trưởng chỉ thu nhận 5-6 đệ tử xuất gia, nhưng khi thành đạt rồi họ cũng phải đi nơi khác tùy duyên thừa hành Phật sự. Trong kinh nghiệm giáo chúng, Ni trưởng thường tâm sự rằng: “Việc thu nhận đệ tử xuất gia nhiều là không khó. Khó ở là làm sao giáo dưỡng tuệ mạng đệ tử, chân tu thật học để xứng đáng là hàng chúng Trung tôn, để làm rạng danh cho đạo Phật, thà đệ tử xuất gia ít mà phẩm chất thanh cao, còn hơn thu nhận đệ tử xuất gia nhiều mà vô dụng”.

Đối với hàng hậu học ni lưu, Ni trưởng có lời khuyên rằng:

“Hãy dành hết thời gian cho việc tu học, trau dồi giới đức và luôn nghĩ đến những mảnh đời bất hạnh, cùng chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn của tha nhân. Đừng phí thời gian và tiền bạc vào việc ăn ngon mặc đẹp, chi xài phung phí, hãy luôn thực hành phương châm “Thiểu dục và tri túc”.

Đối việc tu hành, mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng Ni trưởng vẫn tinh tấn trong việc hành trì thường nhật theo pháp môn tu đã chọn. Ngoài việc tự thân khắc kỷ trong tu hành, Ni trưởng vẫn tiếp tục hạnh nguyện độ tha, thường xuyên giúp đỡ cộng đồng địa phương bằng nhiều cách, như văn hóa, giáo dục, và các công ích khác cho quê hương Rạch Giá thân yêu.

Thuận thế vô thường, Ni trưởng đã an nhiên xả báo thân, nhập pháp thân tại Kim Quang Tự vào lúc 21 giờ 45 phút ngày 01/06/2018 (18/04/Mậu Tuất). Trụ thế 84 xuân. Giới lạp 57 Hạ. Trụ trì 41 Đông.

Cả cuộc đời Ni trưởng là một tấm gương đạo hạnh thân giáo. Ni trưởng luôn thể hiện nếp sống của một lão Ni phụng hành Bát kỉnh, Giới đức kiêm ưu, khiêm cung giao tiếp, từ hòa hóa độ, tiếp dẫn hậu lai. . .

Hôm nay, tâm nguyện một đời cho sự nghiệp đào tạo Ni tài mà Ni trưởng đã ấp ủ canh cánh bên lòng tạm tròn đủ, theo nếp Tổ sư, Người quảy dép về Tây, thâu thần tịch diệt.

Thật vậy!

“Người từ vô tận tái sinh
Đi qua trần thế mang tình nhân gian
Rồi từ cuộc mộng vừa tan
Quê hương một độ bàng hoàng ra đi”

Từ nay, hàng môn đồ đệ tử và những người thọ ân Pháp nhũ từ Ni trưởng đã vĩnh viễn mất đi một bậc Thầy mẫu mực, khả kính.

Than ôi !

“Trời Rạch Giá sao mờ trăng khuyết
Đất Kiên Giang mây phủ sương rơi
Môn đồ kính tiếc khôn nguôi
Tiễn Người trở gót quay về cố hương.”

Nam mô tân Viên tịch Lâm Tế Gia phổ pháp phái, Khai sơn Kim Quang Tự, Phương trượng trụ trì, Pháp húy Không Đạt hiệu Như Định trưởng lão Tỳ kheo ni giác linh liên tọa.

Vân Tuyền