Đời người là vô thường, hãy sống như một đấng quân tử có tâm hồn đẹp, có trí tuệ, hiểu rằng tức giận là một trong ba tam độc, có thể hủy hoại tâm hồn mỗi người, làm biến đổi bản chất, khiến họ dần mất đi bản năng lương thiện vốn có, nhưng ta hoàn toàn có thể diệt trừ chúng, sống thanh thản, bình yên trong mọi khoảnh khắc.
Hỉ, nộ, ái, ố là những cung bậc cảm xúc ai rồi cũng sẽ phải trải qua trong đời. Tất nhiên, khi đứng trước những bực dọc, muộn phiền, con người ta sẽ rất khó nở một nụ cười mãn nguyện. Tuy vậy, cách thức đối mặt với những cảnh trái ý nghịch lòng lại thể hiện bạn là một kẻ tầm thường hay là một người có trí tuệ cao, tâm hồn đẹp. Cứ mỗi ngày trôi qua, con quỷ mang tên tức giận đã tước đi rất nhiều mối quan hệ vốn rất khó khăn để tốt đẹp, phá hủy nghiêm trọng tâm hồn vốn lương thiện, chính kiến.
Và bạn có đang nằm trong “tầm ngắm” của con quỷ tức giận này không?
Tức giận là một trong ba tam độc
Tức giận là một thứ tập khí thuộc căn bản phiền não lâu đời, là một trong ba thứ có gốc rễ sâu xa trải qua từ vô lượng kiếp (tam độc: tham, sân, si), là nguyên nhân khiến con người tạo nghiệp bất thiện để rồi trôi lăn mãi trong luân hồi sanh tử.
Đối với những con người tầm thường, họ quan niệm tức giận là một điều hiển nhiên, cần có và không thể kiểm soát được trong những khoảnh khắc đời thường. Đức Phật đã dạy không nên nuôi dưỡng hạt giống thù hận ganh ghét với bất cứ một ai.
Bởi tức giận xuất phát từ hai phía nguyên nhân: chủ quan và khách quan. Yếu tố khách quan là yếu tố vốn dĩ sẽ phải thế, dù thời gian có quay ngược lại vẫn phải thế, ta vốn chỉ có thể chấp nhận và tìm cách vượt qua. Nhưng yếu tố chủ quan thì khác, ta hoàn toàn có thể kiểm soát, điều tiết thái độ của mình trước những biến chuyển tiêu cực của cuộc đời, để tức giận không có cơ hội nảy sinh, phát triển và nhấn chìm tất cả: từ một mối quan hệ dày công gầy dựng, đến tâm hồn lương thiện biết bao lâu tu tâm dưỡng tính.
Tức giận đưa con người đến gần ranh giới của Quỷ Dạ Xoa, La Sát
Chẳng ai muốn trở thành quỷ Dạ Xoa, La Sát bao giờ, sống trên đời ai cũng mong sống bình yên, tâm thanh tịnh, để có thể tiến đến cõi niết bàn. Thế nên, trong mọi khoảnh khắc sống giữa đời, đừng tự biến mình thành con người có tâm hồn quỷ dữ, là nơi lưu trữ của xấu xa, và quan trọng hơn cả đừng để sự tức giận khống chế.
Khi sân hận nổi lên, bạn không những tự chuốc vào mình những muộn phiền. Về mặt sinh lý, tức giận khiến tim đập nhanh hơn, mặt nóng, đỏ hơn, các cơ căng lên, cơ thể có xu hướng co quắp, rất dễ rất đến co rút, hoặc nhồi máu cơ tim, tai biến hoặc đột quỵ. Về mặt tâm lý, tức giận khiến bạn có thể bị trầm cảm, tự ti, mất tự trọng, tâm hồn bị chính mình làm tổn thương, có thể dẫn đến việc sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, thậm chí là cả ma túy, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gia đình và cả xã hội
Đồng thời, khi tức giận cũng gián tiếp hoặc trực tiếp làm rạn nứt, đổ vỡ một mối quan hệ dày công gầy dựng, vun đắp bằng cả chân thành. Người phải chịu sự tức giận, có thể bị tổn thương tâm hồn, hoặc có thể coi bạn là kẻ thù, sẵn sàng tranh đấu, lập ra những kế hoạch báo thù. Hiển nhiên, lúc này không chỉ người tức giận, mà ngay cả người bị nhận những tức giận cũng có khả năng phải bị đẩy gần hơn đến ranh giới của tâm hồn ma quỷ, La Sát.
Tức giận khiến con người đánh mất cái tâm lương thiện
Vốn dĩ khi ta tức giận, tung ra những lời nói cay độc, những hành động tiêu cực làm tổn thương người khác, thì cũng chính là lúc ta nhận những nỗi khổ này trước. Theo đức Phật, thì không ai gây ra tức giận cho ta cả, mà chính là bản thân ta tự chuốc lấy. Nếu không có những hạt giống tức giận hiện diện trong tâm hồn, thì ta không thể nào bị người khác làm cho tức giận. Chính từ trong tâm ta có tức giận, để chúng nảy sinh và phát triển, chứ không có tác nhân bên ngoài nào có thể điều khiển được chính ta. “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân” là thế.
Trong lúc bị tức giận chi phối, con người thường không kiểm soát được bản thân mình, dẫn đến những hành động nóng vội, sai lầm, khiến bản thân phải ân hận, đau khổ, thậm chí là phải dằn vặt đến hết cuộc đời, và có tác động tiêu cực đến cuộc sống của những người xung quanh.
Thế giới sau cơn giận, là thế giới của niềm đau, của một tâm hồn bị tàn phá, còn trơ lại hình thù một con quỷ đang ngự trị, một sự dằn vặt dai dẳng đeo bám. Từ đó, mọi công lao gầy dựng, chắt chiu mọi cơ hội để có một cuộc sống tốt, một mối quan hệ gần gũi, một tâm hồn lương thiện, bình yên bị cuốn trôi hoàn toàn.
Đức Phật đã nói, “Nhất sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn” (Một đốm lửa sân, có thể đốt cháy muôn mẫu rừng công đức). Đừng để trong một khoảnh khắc tức giận tuột khỏi sợi xích kiềm chế, bùng cháy và thiêu rụi cái tâm lương thiện, đức độ của chính ta.
Đức Phật đã dạy, trong tâm hồn con người luôn tồn tại song song nhiều hạt giống đang chực chờ nảy nở, sinh sôi: hạt giống tức giận, hạt giống tham lam, hạt giống từ bi, hạt giống hòa nhã, hạt giống hỷ xả, hạt giống hòa ái, nhã nhặn…Người nào có hạt giống tức giận nhiều hơn, sẽ trở thành một người hay tức tối, bực dọc, giận hờn, và ngược lại. Hạt giống nào thường xuyên được tưới tắm, nuôi dưỡng ắt sẽ sinh sôi, nảy nở tốt hơn, hạt giống nào không được chăm bón sẽ yếu dần đi.
Cách chuyển hóa tức giận theo lời Phật dạy
Đức Phật từng nói sự tức giận không dễ dàng mất đi, cũng như không thể dễ dàng kìm nén trong lòng, hoặc như không nên thoải mái thể hiện. Điều cần làm là hãy tự ôm những tức giận ấy vào lòng, xoa dịu chúng, thừa nhận sự hiện hữu của chúng và tìm cách đối diện với chính sai lầm của bản thân, để tức giận không có cơ hội bộc phát mạnh mẽ.
Thông thường trong cuộc đời, chúng ta rất dễ nhận thấy sai lầm của người khác, nhưng lại rất khó thấy được những yếu điểm của chính mình. Hãy ôm lấy sự tức giận bằng một tình yêu thương như trân trọng chính bản ngã của mình, hít thở sâu, đều đặn, nghĩ đến những điều tích cực, để vui hơn, từ từ hóa giải, tiêu tan cơn giận.
Quán chiếu từ Tâm những tác hại của tức giận sẽ giúp tâm hồn chúng ta bình lặng và thoải mái hơn, dễ dàng đưa ra những cách thức thoái lui tốt nhất trong vòng vây của tức giận. Đức Phật cũng dạy, chúng ta nên học cách yêu bản thân và yêu mọi người xung quanh, nghĩ đến ta trong vẻ mặt xấu xí, tâm hồn bị tha hóa những bước đầu tiên, nghĩ đến tâm trạng của những người xung quanh khi phải đón nhận sự tức giận không đáng có từ chúng ta, để tâm hồn chín chắn hơn, tỉnh táo hơn, đưa ra những hành động, cách giải quyết mang tính chừng mực, nhẹ nhàng hơn.
Nếu là người phải chịu sự tức giận mà bản thân không mong muốn, thì hãy đón nhận với một cái tâm bình lặng, nhẫn nhịn, cư xử chừng mực, nhẹ nhàng, và luôn sẵn sàng tha thứ. Phật vốn đã dạy chúng ta, nhẫn nhục sẽ giúp xóa tan mọi nhen nhóm tức giận đang khấp khởi, giúp hóa giải sân hận, tạo nên mối quan hệ dung hòa, tốt đẹp và bền vững. Vì kham nhẫn là đức tính duy nhất thắng được sân hận
Chúng ta cần phải nhận diện và chuyển hóa cơn giận. Trí huệ quán chiếu sâu vào nội tâm, phải luôn thực tập chánh niệm, tuyệt đối không nên ức chế đè nén. Ta chỉ cần quán chiếu thật sâu và thật kỹ ở nơi chính mình và ở nơi tha nhân, để quán chiếu cơn giận, tỉnh táo làm chủ chúng. Chánh niệm cũng giúp chúng ta tu tập sự từ bi, nhẫn nhục, có một cái tâm hỷ xả, nhân ái, để luôn có một cái tâm an yên, nhẹ nhàng trước mọi sóng gió, biến cố trong cuộc đời vốn vô thường này.
Đức Phật đã dạy, đời vốn vô thường, và bản thân ta sinh ra không ai là tuyệt đối lương thiện. Ai cũng có những hạt giống tức giận ngự trị, chờ đợi cơ hội nảy sinh để phá hủy tâm hồn, đẩy ta đến gần hơn ranh giới của yêu ma, ác quỷ, làm tha hóa chính con người luôn hướng đến sự từ bi, nhân ái của ta. Nhưng, bản ngã là do ta làm chủ, ta hoàn toàn có thể biến chúng thành một thực thể có ý nghĩa trong cuộc đời, hoặc trở thành một đối tượng đáng bỏ đi trong xã hội. Chính bản thân ta sẽ quyết định cuộc đời yên bình, nhẹ nhàng hay đầy sóng gió, chất chứa những tức tối, ghen ghét, đố kị.
Tiểu Phương