Có bao giờ bạn ngồi im để lắng lòng nghe những gì đang diễn ra trên hành tinh của chúng ta, trên cơ thể của đất mẹ yêu thương? Tôi đã ngồi và đã nghe. Và ngoài các tạp âm, có một loại âm thanh, có khi não buồn, có khi sợ hãi, có khi giận dữ, kêu lên liên tục từng giây, đó là âm thanh của các loài chúng sinh bị giết.
Từ năm 1999, Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày Đản sinh của Đức Phật làm ngày Hòa bình Thế giới
Trong thế giới loài vật, các loài ăn nuốt lẫn nhau, vì nhu cầu sinh tồn. Mở chương trình Thế giới động vật lên, chúng ta sẽ thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên như thế nào. Các loài lớn ăn các loài nhỏ, các loài nhỏ ăn các loài nhỏ hơn. Chúng rượt đuổi, rình rập, nên luôn luôn phải sống trong sự cảnh giác, lo sợ. Thế giới ấy mạnh được yếu thua, không có luật pháp hay tổ chức nào can thiệp, bảo vệ. Con người thì may mắn hơn, có luật pháp, có các tổ chức nhân quyền để bênh vực kẻ yếu, bảo vệ sự công bằng. Tuy vậy, những gì họ làm được cũng rất ít, chỉ là một phần rất nhỏ trong thế giới rộng lớn này.
Hành động sát sinh của con người diễn ra theo hai phương diện là giết hại lẫn nhau và giết hại các loài động vật khác. Con người giết hại lẫn nhau do tham lam, giận dữ, mù quáng, kiêu mạn, nghi ngờ… giữa cá nhân và cá nhân, giữa tập thể và tập thể, giữa quốc gia và quốc gia. Ở phương diện rộng, ta thấy hình như trên mặt đất này không có ngày nào không có chiến tranh với quy mô lớn, vừa và nhỏ, không nơi này thì cũng ở nơi khác. Còn những mâu thuẫn, xung đột cá nhân thì khỏi phải nói, lại càng nhiều hơn. Xã hội ngày nay, đạo đức của con người thì đi xuống, còn sự tham lam, sân hận thì ngày càng gia tăng; người ta có thể giết nhau chỉ vì vài trăm ngàn đồng hay một cái quẹt xe, một lời nói. Bạo lực cũng xảy ra ở những nơi tôn nghiêm và giáo dục như con đánh giết cha mẹ, trò đánh thầy cô giáo.
Ở phương diện thứ hai, con người giết các loài vật do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn là lấy thịt làm thức ăn. Mỗi ngày có không biết bao nhiêu triệu con vật bị giết để cung cấp thịt cho người dân. Đó là chưa kể những nguyên nhân giết hại khác như câu cá, săn bắn để giải trí. Tôi đã từng chứng kiến một thanh niên đi săn bắt. Anh ta cầm súng hơi và bắn bất cứ con gì anh ta thấy, một con chim sâu, một con bướm… chỉ để vui chơi, để chứng tỏ khả năng thiện xạ của mình. Anh ta bắn giết những sinh linh vô tội ấy với cảm giác thỏa mãn… một cách đáng ghét. Hãy nghĩ xem, chỉ cần đứt tay thôi là ta đã không chịu nổi rồi, con vật chúng cũng biết đau như con người vậy, nhưng vì sức yếu thế cô và không… thông minh như con người nên chúng đành phải chịu thôi. Con người nỡ lòng nào giết hại chúng một cách vô tội vạ như vậy!
Mỗi năm đều có cá nhân hay tổ chức nhận giải Nobel Hòa bình nhưng thế giới chưa bao giờ được hòa bình. Thật ra ước mơ một thế giới hòa bình thì cũng chỉ mãi là ước mơ mà thôi. Khi con người hãy còn là phàm phu với nhiều phiền não tham sân si thì việc đòi hỏi một thế giới hòa bình hoàn toàn là điều khó có thể thực hiện được. Tôi còn nhớ cách đây không lâu, cả nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới đã hưởng ứng Giờ Trái đất bằng cách tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 8g30 đến 9g30 tối (giờ địa phương) ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba.
Từ năm 1999, Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày Đản sinh của Đức Phật làm ngày Hòa bình Thế giới, và được tổ chức hàng năm tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York và nhiều nước trên thế giới để nhắc nhở, kêu gọi cho hòa bình thế giới. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta cần làm cái gì đó thiết thực hơn sự kêu gọi.
Nếu như chúng ta đã có Giờ Trái đất thì tại sao lại không thể có giờ hòa bình thế giới. Ví dụ như trong ngày Phật đản, tất cả mọi người trên thế giới sẽ không sát sinh hay đình chiến với nhau trong một giờ đồng hồ. Nghĩa là trong một giờ đó, cả thế giới, từ con người cho đến các loài vật đều được an vui, không sợ hãi, không có tiếng kêu la do bị giết. Nếu làm được như vậy thì ngày hòa bình thế giới thật sự có ý nghĩa cho nhân loại.
Bài viết: “Ngày hòa bình thế giới”
Thích Trung Hữu