Mọi sự vật đều phải trải qua sự luân hồi bất di bất dịch của của sinh – lão – bệnh – tử hay sinh – trụ – hoại – diệt; trong khi sinh có vẻ quá ngắn ngủi so với diệt tiềm phục triền miên, khiến người xưa luôn nghĩ “sống gửi thác về”, hay “cuộc sống trần gian là tạm bợ”.
Audrey Hepburn, nữ tài tử Hollywood nổi danh ở thập niên 1950, mang vẻ đẹp thánh thiện đã làm cho bao chàng trai mới lớn thời ấy từng ươm mơ dệt mộng. Tình cờ tấm ảnh của cô đã xuất hiện trên mạng không khỏi làm nhiều người hâm mộ ngỡ ngàng trước sự tàn phá của thời gian.
Audrey Hepburn
Ôi thời gian! Trước khi ta sinh ra thì thời gian đã có đấy rồi. Ngay cả với các bậc tiền nhân tiên tổ cũng đã cảm nhận được sức mạnh của thời gian. Nó là một loại “bản lai diện mục” không thể dùng ngôn ngữ nào để tả rõ ràng được. Nó vô hình vô ảnh, không nắm bắt được nhưng nó có tác động cực kỳ to lớn trong đời sống sinh vật, ít ra là trên địa cầu. Nó là vậy, dù ta có muốn diễn tả trăm nghìn cách nào đi nữa nó vẫn là vậy từ ngàn xưa đến ngàn sau.
Từ thuở xa xăm mà nay khoa học tạm cho là vũ trụ đã được hình thành cách đây gần 14 tỷ năm, Trái Đất đã được tạo dựng cách đây 4 tỷ rưỡi năm, sinh vật tiên khởi xuất hiện cách đây 3 tỷ rưỡi năm. Tổ tiên của loài người đứng thẳng (Homo erectus) đã có mặt khoảng 10 triệu năm trước và biến mất khoảng 1 triệu rưỡi năm trước, rồi phải trải qua bao nhiêu hệ thái tiến hóa mới có loài người khôn ngoan (Homo sapiens) ngày nay.
Trong khi ấy một đời người chỉ có 100 năm, so với Trái Đất thì chỉ như là một cái nháy mắt của kiếp người. Cuộc sống của con người hay các sinh vật lớn nhỏ khác đều vô thường như nhau, chợt đến chợt đi sau khi đóng xong vai trò “hiện hữu” trên Trái Đất. Tạm ước lệ rằng thời gian cũng đã hình thành cùng lúc với vũ trụ. Nhưng hiểu ra điều ấy cũng chỉ để thỏa mãn sự tò mò tri thức của chúng ta mà thôi, bởi nó chẳng giúp ích gì trong việc giải quyết vấn nạn của sự sống và cái chết.
Hơn 1 triệu năm từ khi xuất hiện khả năng suy tư, ta nhận ra có biết bao sinh linh đã đến và đi trên đời này. Không sao đếm xuể bao nhiêu bậc quân vương, anh hùng, thánh chủ, danh nhân, nghệ sĩ… đã về với đất mẹ và đã để lại những tiếng vang trầm thống về cuộc sống sao quá ngắn ngủi.
Thực ra tuổi thọ trung bình của con người là khoảng 80 tuổi nếu bình an vô sự; trong đó từ 60 tuổi trở đi được xem là “vô tích sự, chờ ngày “về quê bái tổ”; lại bỏ đi thêm 20 hay 30 năm từ tuổi thơ cho đến khi tự lập thì một đời người cứ cho là “có ích” chỉ khoảng 40 năm mà thôi. Trong chừng ấy thời gian, con người lại phải lăn lộn tranh giành, giẫm đạp lẫn nhau mà sống.
Mục đích sự sống của mọi loài rốt cục cũng vẫn là tiếp nối, sinh sôi nảy nở duy trì giống loài; muốn sinh tồn thì phải lo cái ăn, cái mặc, chỗ ở. Có thể vì vậy mà Sigmund Freud đã đưa ra khái niệm “sự thôi thúc tình dục” (sexual drives). Một khi đã được sinh ra thì chức năng giống phái và thân phận đã được định thành nam hay nữ, phải sinh tồn trong xã hội, vì thế đời sống cộng đồng là sự tương giao giữa người và người kết nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ đó mới nảy sinh những hệ lụy trói buộc của tâm cảnh tương quan mà dân gian hay nói “duyên kiếp ba sinh”. Từ đó nảy sinh ra tham, sân, si.
Đối với con người thì sự hình thành của một sinh linh không chỉ đơn thuần cần có hai cá thể nam và nữ; mà sự kết hợp từ một tinh trùng với trứng trước đó đã phải trải qua biết bao trùng trùng duyên khởi, với thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà thời gian dĩ nhiên đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Mọi sự vật đều phải trải qua sự luân hồi bất di bất dịch của của sinh – lão – bệnh – tử hay sinh – trụ – hoại – diệt; trong khi sinh có vẻ quá ngắn ngủi so với diệt tiềm phục triền miên, khiến người xưa luôn nghĩ “sống gửi thác về”, hay “cuộc sống trần gian là tạm bợ”.
Một sinh linh được hình thành tùy theo những gene trong DNA mỗi loài động vật, không thể đổi thay, ngoại trừ bị tai họa bất thường. Bởi sinh linh vốn được cấu thành bởi những tố chất hữu cơ có thể biến hóa trao đổi từng sát na. Vì thế mà tâm ý cũng theo đó đổi thay liên tục không ngừng. Sự sống có lẽ là phần biểu hiện của một tiến trình sinh hóa tự diệt ẩn tàng lâu dài. Trong sự sống đã giấu kín cái chết. Y học thường nói đến biến dưỡng (metabolism) là sự thăng bằng giữa các quá trình tiến dưỡng (anabolism) và hoại dưỡng (catabolism). Triết học tôn giáo Đông phương vì thế cũng đã sinh ra khái niệm “sắc tức thị không, không tức thị sắc… (Tâm Kinh)” hay “trong dương có âm, trong âm có dương… (Kinh Dịch, Nội Kinh)”.
Cái ngoại hình giả tạm luôn thay đổi, vốn nhờ các chất dinh dưỡng từ bên ngoài nuôi dưỡng không ngừng. Nếu tiến trình ấy bị ngưng trệ lâu dài thì các cấu chất hữu cơ sẽ bị phân hủy và thối rữa. Còn đâu những miêu tả mỹ miều nam thanh nữ tú như những vần thơ lãng mạn yêu đương nữa. Vì thế mọi sự mọi vật đều vô thường (Anitya) và vô ngã (Anatma).
Cách đây hơn 2 thiên niên kỷ thái tử Siddharta Gautama, họ Shakya (Thích Ca) ở vương quốc Kapilvastu (Ca Tì La Vệ) thuộc Đông Bắc Ấn, người đã chứng kiến những cảnh sinh lão bệnh tử đầy khổ não (dukkha) mà phát tâm quyết tìm cho ra con đường cứu khổ. Khi giác ngộ dưới cây bồ đề (nay là Bodh Gaya) và được xưng tụng là Phật ở tuổi 35, Ngài đã chỉ cho chúng sinh thấy con đường giải thoát ấy, để đạt được thân tâm an lạc ngay trong cuộc đời này. Đặc biệt, Ngài không hề hứa sẽ đưa tất cả chúng sinh về cõi Niết bàn, để hưởng an lạc bằng bất kỳ phép thần thông nào.
Siddharta đã tự mình quán chiếu sâu sắc về cuộc sống và nhận ra rằng con người do kết hợp của ngũ uẩn, gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc lại do tứ đại gồm đất, nước, gió, lửa tạo nên. “Tứ đại” là cách nói nôm na ở thời khoa học chưa phát triển mà ngày nay mọi người đều biết là do những nguyên tố sinh hóa hữu cơ và chất khoáng đã có sẵn trên Trái Đất, mà chất quan trọng nhất là carbohydrates, lipids và proteins.
Theo Bát Nhã Tâm Kinh thì bốn uẩn còn lại chỉ cho tâm ý, phần trừu tượng của hệ thần kinh. Phần này không có hình tượng cụ thể để có thể nắm bắt mà khảo sát, nhưng nó lại làm chủ mọi tạo tác thiện ác, luôn biến hóa vô lường. Theo Phật giáo thì con người vốn có lục căn gồm nhãn – nhỉ – tỷ – thiệt – thân – ý tiếp cận với lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà tạo ra tham sân si: hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục.
Trong sự tương quan nhân duyên vô cùng tận này, sự nối kết chính là “không” nên mọi sự vật đều không có bản ngã. Vì thế không thể chấp vào đâu thì dòng duyên sinh ra “khổ” sẽ bị gián đoạn. Phật giáo luôn lấy từ bi làm trọng và đặt nặng vấn đề điều tâm. Thiện tâm tạo nghiệp lành; Ác tâm tạo nghiệp xấu.
Giáo pháp vi diệu của Ngài đã được truyền tụng qua kinh điển, với thiên ngôn vạn ngữ rốt lại đều xoay quanh một chữ “Không”, Tính không, hay Phật tính. Nên phân biệt hai ý niệm về Phật:
1. Phật lịch sử, tức đức Phật Thích Ca đản sinh vào khoảng năm 558 TTL và nhập Niết bàn 80 năm sau. Xá lợi Phật được tôn trí trong các bảo tháp khắp Á châu và hình tượng được thờ cúng trong các tự viện.
2. Pháp thân Phật do đức Phật Thích Ca chỉ ra là Như Lai mà nhiều người cứ nghĩ là đức Phật thường tự nói về mình, kinh điển thường gọi là Tỳ lô giá na tức bản thể Chân như của các pháp hay Pháp tính (dharmatā) hay Tính không. Pháp thân bao trùm khắp pháp giới, cả không gian và thời gian. Pháp thân thường trụ, Biến nhất thiết xứ, hay bất sinh bất diệt, là tự tính chân thật và bình đẳng của tất cả các pháp, hay Bản lai diện mục.
3. Báo thân của Phật, nhưng hầu như là phần thần thoại hóa.
Khi ta còn sống và chỉ có một đời để sống ở hiện tại thì nên hiểu rằng Phật nói đến ở đây là Pháp thân Phật, mà chính đức Phật Thích Ca đã tuyên thuyết rằng nó đã có sẵn trong mỗi người, mỗi chúng sinh. Kinh Kim Cang ghi:
“Này Tu Bồ Đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do thân tướng mà thấy Như Lai chăng?
Bạch Thế Tôn, không phải vậy. Không thể do thân tướng thấy được Như Lai. Vì cớ sao?
Như Lai đã nói thân tướng tức không phải thân tướng. Phật bảo Tu Bồ Đề: Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai” hay “nếu dùng sắc thấy Ta, dùng âm thanh cầu Ta, người đó hành đạo tà, không thể thấy Như Lai”.
Khái niệm “tứ đại” này cũng đã được Hippocrates (khoảng 460 TTL) ở Tiểu Á (Asia Minor), mà Tây phương xưng tụng là y tổ, nêu ra trong lý thuyết sinh dịch (theory of humors) của ông. Theo ông, đời sống được tạo dựng do bốn chất cơ bản: đất, nước, không khí và lửa. Mỗi thứ đều có một “sinh dịch” hoặc chất lỏng sinh học tương ứng trong cơ thể theo thứ tự: mật đen, đờm, máu và mật vàng.
Heraclitus, triết gia người Persia (535 TCN – 475 TCN), đã từng cho “Bản thân vũ trụ không phải do chúa trời hay một lực lượng siêu nhiên nào tạo ra mà chính là lửa”. Ông cũng đưa ra khái niệm về “logos” là lý tính tối cao, cơ sở của vũ trụ, nó cũng là quy luật phổ biến, theo đó mọi sự biến đổi và chuyển hóa diễn ra từ sự chuyển đổi của lửa… Tư duy là một phẩm chất vĩ đại, sự sáng suốt là ở chỗ nói ra chân lý (tức logos) là hành động phù hợp với giới tự nhiên nhờ lắng nghe nó. Bản thân logos là cái vĩnh viễn tồn tại… vạn vật ra đời đều dựa vào logos. Không rõ đây cũng là giáo pháp của tín ngưỡng Hỏa thần giáo (Zoroastrianism) khởi phát và phổ biến trong vùng vào thời ấy hay không? Việt ngữ của Thiên Chúa giáo sau này gọi là “Ngôi Lời”.
Ông là người nổi tiếng với lời tuyên bố: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Với người hay suy tư thì có thể nói cách khác rằng “Dòng sông của thân và tâm, không bao giờ chảy giống hệt như nhau trong hai khoảnh khắc (sát na) liên tiếp”.
Có thể thấy trong các thời đại cổ xưa, các bậc hiền triết thánh nhân đã truyền dạy những chân lý thâm sâu, nhưng vì không có phương tiện để ghi chép lại nên đã bị mai một. Mãi đến khoảng năm 3500 TTL, người dân Sumerian ở vùng Lưỡng Hà đã chế tác ra chữ viết; và ở Trung Quốc, chữ viết đã được phát kiến trước thời Nhà Chu, khoảng 2000 năm TTL. Nhờ đó thế hệ sau mới được học hỏi những lời dạy sâu sắc của các bậc hiền đức thời hậu sử. Ngôn ngữ bao gồm lời nói và chữ viết làm cho con người trở nên siêu việt so với các loài động vật khác. Nhờ nó mà con người có thể giao tiếp với nhau và nâng tâm ý lên đến đỉnh cao của tư tưởng.
Thời gian và Vô thường vận hành quanh ta không hề ngưng nghỉ. Một ngày với sáng trưa chiều tối, rồi một tháng với trăng tròn trăng khuyết, một năm với bốn mùa xuân hạ thu đông chỉ là những dấu mốc thời gian tương đối khi con người cảm nhận sự vận hành của Trái Đất xung quanh mặt trời, không gian tương đối trên Trái Đất cũng thế. Nhưng thời gian thực ra nào có biên độ.
Nếu vượt ra ngoài vũ trụ thì có lẽ thời gian và không gian chỉ là một từ vô thỉ đến vô chung. Nếu ta ứng dụng Kinh Kim Cang (đoạn 31) thì ta nên thuyết câu này như sau: “Này Bạn, nói là ngày tháng bốn mùa đó, chúng ta nói tức chẳng phải ngày tháng bốn mùa, ấy gọi là ngày tháng bốn mùa”. Có nghĩa gì? Tức là cái mà ta hay gọi là ngày tháng bốn mùa chẳng hề có, chỉ là ta mượn ngôn từ để chỉ ra theo giao ước với nhau mà thôi.
Bởi:
Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như sương mù, điện chớp,
Hãy quán chiếu như thế.
Vậy sự hiện hữu của cuộc sống là gì? Với Tây phương thì điều đó phản ánh qua câu nói của René Descartes “je pense, donc je suis; Cogito, ergo sum – Tôi tư duy, nên tôi hiện hữu” dẫn đến các ngành khoa học quyết chẻ sợi tóc làm tư, làm tám mà ‘cách vật trí tri’. Tư duy hay là tâm ý có nghĩa là “Tư tưởng; chỉ cho hoạt động tinh thần trong quá trình nhận thức dựa trên những khái niệm, phân tích, tổng hợp, phán đoán…” Vậy thì trẻ con dưới 13 tuổi chưa được xem là “hiện hữu” ư?
Nhưng Descartes đã đơn giản hóa vấn đề và ngày nay sự tư duy của con người hiện đại đã đi rất xa, chưa biết giúp được gì cho sự hiện hữu của con người hay chỉ làm cho con người bị tiêu diệt nhanh hơn.
Khoa học có thể giúp cải thiện đời sống để con người có thể kéo dài tuổi thọ thêm vài mươi năm, nhưng lại gây ra chiến tranh và dùng nó để giải quyết những tranh chấp của con người. Nhân loại lại rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát và vì thế mới nảy sinh ra văn học, nghệ thuật, tôn giáo v.v… để con người gửi gắm những ước nguyện, hy vọng của mình.
Heidegger – một nhà chỉ trích tính chủ quan trong học thuyết Descartes – đã viết năm 1927 cho rằng: tính chủ quan của con người trong cái chết là điều chắc chắn, nó là sự cá nhân hóa và xác thực bản thể của chúng ta. “Điều chắc thực” rằng tôi hiện hữu (vì) là tôi sẽ chết” là sự chắc thực cơ bản của chính Dasein (sự hiện hữu của con người), đó là sự xác quyết của Dasein, trong khi “cogito sum” chỉ là sự tuyên bố tương tự như vậy. Nếu điều này có ý nghĩa thì lời tuyên thuyết thích hợp nói về Dasein có thể là “sum moribundus” (Tôi hiện hữu trong sự hấp hối)…, sự hấp hối trước tiên cho SUM (sự hiện hữu) ý nghĩa của nó”.
Vấn đề rắc rối ở chỗ chưa ai nắm bắt được đối tượng cụ thể “tư duy” để khảo sát; và điều này còn tùy vào các trường phái triết học tôn giáo khác nhau. Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam thì “Tư duy là sản phẩm cao nhất của vật chất được tổ chức một cách đặc biệt – bộ não con người. Tư duy phản ánh tích cực hiện thực khách quan dưới dạng các khái niệm, sự phán đoán, lý luận v.v…”
Theo triết học duy tâm khách quan, tư duy là sản phẩm của “ý niệm tuyệt đối” với tư cách là bản năng siêu tự nhiên, độc lập, không phụ thuộc vào vật chất. Theo George Wilhemer Fridrick Hegel: “Ý niệm tuyệt đối là bản nguyên của hoạt động và nó chỉ có thể biểu hiện trong tư duy, trong nhận thức tư biện mà thôi”. Karl Marx nhận xét: “Đối với Hegel, vận động của tư duy được ông nhân cách hóa dưới tên gọi “ý niệm” là nguồn sáng tạo ra hiện thực; hiện thực chỉ là hình thức bề ngoài của ý niệm”.
Tuy vậy nhu cầu giao tiếp của con người là điều kiện cần để phát sinh ngôn ngữ. Kết quả tư duy được ghi lại bởi ngôn ngữ. Ngay từ khi xuất hiện, tư duy đã gắn liền với ngôn ngữ và được thực hiện thông qua ngôn ngữ. Vì vậy, ngôn ngữ chính là cái vỏ hình thức của tư duy.
Muốn có tư duy đúng đắn để hiện hữu phải có bộ não lành mạnh; từ đó mới nảy ra tâm ý thức và ký ức. Xem ra ký ức hay trí nhớ đóng một vai trò không nhỏ trong tâm ý thức; nhờ nó mà có sự nối tiếp nhiều ký ức từ trong quá khứ đến hiện tại tạo nên cá tính của cá nhân sở hữu. Quan sát những bệnh nhân bị bệnh thần kinh bẩm sinh như Down’s syndrome, điên loạn (Schizophrenia), mất trí (Alzheilmer), hay hôn mê, sống đời thực vật sau một tai biến thần kinh v.v… thì cuộc sống đã mất hết ý nghĩa. Không ai có thể giảng thuyết cho họ về Tứ diệu đế, Bát chính đạo, Vô ngã, Vô thường, Luân hồi, Duyên khởi, quy luật Nhân quả (Nghiệp), hay Pháp Trụ Tâm v.v…
Vả lại, dòng thời gian trôi theo một chiều từ sinh đến diệt rồi lại đến sinh đối với một chủng tử khác. Xét cho kũ thì thời gian nào có quá khứ hay hiện tại. Cái mà ta cho là “vừa” cảm nhận đã vội biến mất. Phần lưu giữ ký ức cho ta cái cảm giác liên tục của chính bản thân mình và sự tiếp nối của đời sống là sự tiếp tục của cảm thọ. Nói cách khác, ví dụ khi xuất hiện hình ảnh một người phụ nữ ôm con thơ thì người thiếu nữ thơ ngây hôm trước đã chết. Không ai tìm lại được những hình ảnh của dĩ vãng, giờ chỉ còn lưu giữ mơ hồ trong ký ức. Có lẽ không hề có “tương lai” trong thời gian, bởi nó chỉ là sự phóng dựa vào hiện tại, vốn cũng không thật, của tâm ý mà thôi.
Điều mà chúng ta gọi là đời sống thực ra chỉ là một dòng chảy của tiến trình tâm – vật lý hay năng lượng, sinh diệt liên tục được dẫn dắt bởi thời gian; vì thế mới có những hình dạng khác nhau trong đời cho đến già chết. Chúng vừa không cùng là một người nhưng cũng không phải là những người khác nhau. Chỉ có một dòng chảy của những tiến trình thân và tâm. Tâm được xem bao gồm mạt na (manas), thức suy nghĩ phân biệt và Thức (vijñāna). Tâm chỉ toàn bộ sinh hoạt và hiện tượng của tâm trí.
Mọi hiểu biết về ký ức hay trí nhớ nhờ vào các cuộc chữa bệnh và nghiên cứu về một bệnh nhân đặc biệt đã cống hiến đời mình cho khoa học. Đó là Henry Gustav Molaison, người Mỹ, thường được biết với tên tắt là H.M. Ông sinh năm 1926; năm 7 tuổi bị chấn thương đầu do tai nạn xe đạp; năm 16 tuổi phát hiện mắc bệnh động kinh với những cơn co giật nguy hiểm (severe epileptic seizures). Năm 27 tuổi, bác sĩ phẫu thuật thần kinh William Beecher Scoville đã cắt bỏ phần lớn bộ não của ông, gồm thùy thái dương trước (anterior temporal lobe), phần lớn hạch hạnh nhân (amygdala) và vùng hải mã (hippocampus) ở cả hai bên não bộ ở Bệnh viện Hartford, Connecticut, 1953. Phẫu thuật này ngày nay vẫn còn được áp dụng với những hỗ trợ kỹ thuật tân tiến hơn.
Sau cuộc phẫu thuật, ông tiếp tục sống với với chứng mất trí nhớ trầm trọng (profound amnesia); ông đã mất khả năng hồi tưởng về những kỷ niệm trong quá khứ, những kiến thức tổng quát đã biết và tạo ra những kỷ niệm mới, nhưng vẫn nhớ được các sự kiện của cuộc đời ông trước cuộc phẫu thuật khoảng 10 năm. Ông có thể nói chuyện dễ dàng với một người mới, nhưng nếu người đó rời khỏi phòng trong 5 hoặc 10 phút và trở lại, ông sẽ không nhớ gì về cuộc gặp gỡ trước đó. Qua các nghiên cứu với bệnh nhân H.M, người ta hiểu rõ rằng thùy thái dương (temporal lobes) và nhất là vùng hải mã (hippocampus) rất quan trọng cho trí nhớ và lưu giữ kỷ niệm.
Đối với nhân loại cận đại, đáng ngạc nhiên là xuất hiện khá nhiều thánh nhân hiền triết cùng thời, khoảng nửa thế kỷ trước Tây lịch ở cả châu Á và Âu. Mọi người cùng chia sẻ những triết lý sau khi ngộ ra cách vận hành của vũ trụ, thiên hà hay đời sống của muôn loài. Thêm nữa, nhu cầu giao tiếp của con người là điều kiện cần để phát sinh ngôn ngữ. Kết quả tư duy được ghi lại bởi ngôn ngữ. Ngay từ khi xuất hiện, tư duy đã gắn liền với ngôn ngữ và được thể hiện thông qua ngôn ngữ. Vì vậy, ngôn ngữ chính là cái vỏ hình thức của tư duy.
Dĩ nhiên sẽ có người thắc mắc “Sắc thân này không phải là ngã, cảm thọ không phải là ngã, tưởng không phải là ngã, hành không phải là ngã, thức không phải là ngã. Vậy thì cái ngã nào làm chủ những hành vi vô ngã?”. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nhứt thiết duy tâm tạo” (Mọi sự đều do tâm tạo). Vì thế Phật giáo còn cho thấy tùy theo trình độ nhận thức hay giác ngộ của con người mà có ba bậc, bậc thứ nhất dạy rằng ngã hay cái tôi là thật có cả ở kiếp này và kiếp sau; bậc thứ hai dạy rằng ngã chỉ thật có trong kiếp này mà không có trong kiếp sau; bậc thứ ba dạy rằng khái niệm về ngã là một sự huyễn ảo: ngã không thật có cả trong kiếp này lẫn ở kiếp sau. (Trung đạo là thuyết duyên khởi hay thuyết nhân duyên – Paticca Samuppāda). Sự tu tập chỉ là cố làm chuyển đổi cái nhận thức ấy.
Lại nữa, trong kinh Kim cang có câu kệ nổi danh “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”. Tức là Không trụ vào đâu cả thì Phật tính hiển lộ. Sở trụ là bám chặt vào ta, tức “ngã chấp thủ” mà mọi sự mọi vật luôn đổi thay mà ta cứ muốn bám chặt vào chúng thì dĩ nhiên hậu quả là thất vọng cuồng mê. Tựa như ta luôn nghe các chiêu bài chính trị “…muôn năm”. Hay tình yêu trai gái thì phải đòi “yêu nhau đến ngàn đời sau”. Quả thật là đáng ca thán. Nhưng nhiều người khác lại một mực chấp không theo kiểu “sắc tức thị không, không tức thị sắc…”thì cũng là “người đó hành đạo tà”.
Diệu pháp của Như Lai nằm ở chỗ hiện tiền, thực tế không hề pha trộn phép màu, bùa chú, lừa mị, không hề có sự hứa hẹn lên thiên đàng hay đọa địa ngục; mọi người đều có thể ứng dụng thực hành. Thật là điên rồ nếu bảo bức tường bê tông hay chiếc ô tô đang chạy là “không” nên nếu ta đâm đầu vào chiếc ôtô ấy thân ta vẫn không hề hấn gì. Chúng hiện hữu nhưng ta biết rằng cấu chất của chúng là không nên không có bản ngã; chúng cũng như bản thân ta không hề vĩnh cữu theo dòng thời gian vì thế ta không nên khư khư vì lòng ham muốn bám chặt lấy chúng.
Thấy chúng có mặt nhưng đưa tâm mình cao lên một mức để khỏi phải bám chặt vào chúng do khởi phát tham sân si mà sinh khổ não thủ chấp. Phải biết cách buông bỏ bố thí. Hãy làm điều thiện chớ nghĩ và làm điều ác. Hãy sống an lạc trong hiện tại vì còn sống là còn lo âu phiền muộn thọ khổ. Chết là hết, miễn bàn.
Pháp chỉ là phương tiện. Ta được sinh ra hay biến mất, tương tự như cha mẹ, ông bà, tổ tiên ta biết bao đời trước đây. Chúng sinh có hiện hữu hay tận diệt, có Phật tính, thành Phật hay không thì vũ trụ và thời gian này cũng không vơi không đầy, không hề biến mất. Sẽ chỉ toàn là trò hí luận cho vui, nếu ta không… quan tâm quán chiếu để đạt an lạc trong đời này.
Như Phật đã dạy: “Không bước tới, không đứng lại, ta sẽ vượt qua tất cả; Tự mình thắp đuốc lên mà đi”.
Không thể nhờ trời Phật
Hay thần linh thượng đế
Nếu tự mình vấp ngã
Thì chính mình đứng lên
Khi mê thì Phật độ
Khi ngộ thì tự độ
Đó là lý nhiệm mầu
Của tất cả chư Phật.
Mùa xuân, 2018
Trần Trúc Lâm