.
.

Bạn muốn chấm dứt vòng luẩn quẩn trong sự kiếm tìm hạnh phúc?


Có phải trong nhiều năm ròng rã, chúng ta đang cố tìm hạnh phúc? Và nhiều lần tưởng đã đạt được nó để hưởng một cách lâu bền, nhưng lần nào chúng ta cũng thất vọng? Sau đó, ta lại tiếp tục chạy theo ảo ảnh đó như trước…? Nếu biết dừng chân suy nghĩ sẽ thấy, chúng ta đuổi theo hạnh phúc nhưng không hề biết đến bản chất thật sự của nó, và không biết phải dùng phương tiện nào để đạt nó, phải vậy không?

Có lẽ ít ai biết rằng đặc tính của hạnh phúc là “thường hằng”, nghĩa là nó ở mãi với ta; suốt đời ta lúc nào cũng vui sướng, tươi tắn. Nhưng tất cả những gì cuộc đời mang lại cho ta đều là vô thường, chỉ có những khoái cảm nhất thời, chứ có gì lâu bền đâu. Vì khoái cảm nhiều và đến với ta như dòng nước chảy, chúng ta tưởng đó là hạnh phúc và kết luận rằng bao giờ dòng khoái cảm đó còn tiếp tục đến với ta, chúng ta được hưởng hạnh phúc.

Suy ngẫm kỹ thì khoái cảm chẳng qua chỉ là phản ứng của lòng ta trước sự vật bên ngoài, nó lôi cuốn chúng ta. Các sự vật này khi thì tạo vui, lúc thì gây khổ. Hơn nữa cùng một sự vật mà có thể tạo vui hay gây khổ tùy lúc, bởi thế ta phải nhận thức rằng “hạnh phúc” không có ở sự vật bên ngoài. Nếu nó là sự vật bên ngoài, chúng ta phải càng có hạnh phúc khi càng có nhiều sự vật mới đúng chứ?
Thật sự, người giàu có lắm sự vật, chưa chắc đã hạnh phúc hơn kẻ nghèo. Ngược lại, kẻ nghèo ít của cải chưa chắc thiếu hạnh phúc hơn người giàu. Tóm lại, chúng ta thấy rõ ràng mình theo đuổi hạnh phúc nhưng không biết thế nào là hạnh phúc, và cũng chả biết phải dùng cách nào để đạt hạnh phúc, đúng không nào?

Những người tìm hiểu một cách chân thành, sớm muộn gì cũng thấy rằng hạnh phúc nằm ở ngay nội tâm ta. Các khoái cảm không có tính cách tư hữu, mà chỉ là một tia nhỏ của hạnh phúc chân thật thuộc tính tự nhiên của con người, bị che lấp bởi vô minh. Một con chó gặm xương bị trầy miệng, chảy máu nó lại tưởng rằng máu phát xuất từ khúc xương. Chúng ta cũng thế, cứ tưởng sẽ được hạnh phúc khi chạy theo những vật ngoại giới.

Có lẽ ít người chấp nhận quan niệm này, nhưng không sao ít ra cũng có người tin rằng những nỗi vui hay buồn tùy ở chúng ta nhiều hơn là sự vật bên ngoài. Dù chúng ta có chấp nhận quan niệm này cũng chưa đủ đem lại hạnh phúc, mà cần phải vượt qua hai nỗi đe dọa đó là sự “ham muốn” và “sợ hãi”. Tại sao ư? Tại vì càng ham muốn thì càng sợ hãi, và càng sợ hãi lại càng đau khổ. Thay vì diệt trừ những đe dọa này, chúng ta lại quỳ lụy chúng.

Khi ham muốn lên tiếng: “Hãy đạt được vật đó đi, rồi sẽ sung sướng”, thì chúng ta tin tưởng và tìm đủ mọi cách đạt kỳ được vật đó. Nếu chúng ta không đạt được, thì chúng ta đau khổ mà nếu đạt được thì ham muốn lại thúc giục ta tìm đến một vật khác nữa. Thế mà chúng ta vẫn không thấy mình bị lừa gạt chút nào mới lạ. Quả là ham muốn như lửa đỏ, càng cháy dữ khi càng đổ thêm dầu. Bao giờ chúng ta là nô lệ của dục vọng, chúng ta không bao giờ đạt được hạnh phúc. Nếu đạt được lại sợ mất đi, càng có nhiều càng lo sợ nhiều, có đúng thế không? Như vậy, muốn có hạnh phúc thật sự phải vượt lên khỏi sợ hãi và ham muốn.

Nói đến đây, chắc nhiều người lại đặt câu hỏi rằng: “Nhưng làm cách nào để tôi có thể vượt lên khỏi sự sợ hãi và ham muốn mới được chứ?”. Chúng ta cần một vị thầy hướng dẫn thêm thưa quý vị. Người thầy này phải hiểu rõ hạnh phúc ở đâu, phải theo đường lối nào. Người thầy này phải thắng được các đe dọa như sợ hãi, ham muốn, và thật sự đạt được niềm hạnh phúc vô biên; như vậy mới có đủ kinh nghiệm dìu dắt chúng ta. Như con bệnh phải đi tìm danh y, thì kẻ cầu đạo cần một vị thầy như vậy.

Nam mô A-di-đà Phật!

Thích Tâm Thoại