.
.

Ý nghĩa pháp phương tiện và chân thật theo kinh Pháp hoa


Trong kinh Pháp hoa, Đức Phật dạy có hai cửa vào đạo là chân thật môn và phương tiện môn. Chân thật môn là con đường chánh, nhưng chỉ có Phật mới đi vào con đường này được.

Nói cách khác, theo tinh thần Pháp hoa, chỉ có Đức Phật thị hiện trên cuộc đời, mang thân phàm phu và xuất gia học đạo, chỉ tu 6 năm mà thành Phật. Từ đó đến nay, biết bao nhiêu người tu trải qua 5 năm, 10 năm, hay suốt cả cuộc đời, nhưng không ai thành Phật. Tại sao?


Tượng Đức Phật thuyết pháp trong bảo tháp tu viện Mendut (Java – Indonesia)

Vì chúng ta là phàm phu, hay Nhị thừa, hoặc Bồ-tát, thì cũng chỉ chứng được quả mà chúng ta đã có từ đời trước. Thí dụ các vị Thánh La-hán tái sanh trên cuộc đời, tu hành, cũng chỉ chứng đến quả La-hán là cao tột. Từ quả La-hán mà tiến tu lên được quả vị cao hơn nữa có thể được, nhưng cũng không đơn giản.

Người may mắn gặp được Phật, thì sự tu chứng nhanh hơn; chỉ trong một niệm tâm liền chứng được quả A-la-hán, như Ngài Xá Lợi Phất. Với người không gặp Phật, phải trải qua quá trình nương theo pháp Phật để tu tập, gia công thiền định cũng chứng được quả A-la-hán. Như vậy, quả A-la-hán họ đã có sẵn, nên đời này mang thân phàm mới chứng đắc dễ dàng. Còn những vị chân sư đã trồng căn lành đời trước, nay tái sanh, xuất gia, học đạo. Với quả vị Hòa thượng đã có từ đời trước, các Ngài tu hành, từng bước cũng phát triển đạo vị, làm Hòa thượng hay A-xà-lê, nhưng chưa là Thánh.

Đắc đạo, Đức Phật nghĩ rằng nếu đưa ra chân thật môn, tức chỉ bày chân lý, mọi người không tiếp thu được, còn bị đọa. Đức Phật muốn vào Niết-bàn, vì những điều Ngài hiểu, chứng được, thì không dạy được, bởi nghiệp của chúng sanh quá sâu nặng và họ lại không có trình độ. Lúc đó, mười phương Phật hiện ra, ấn chứng cho sự thấy đúng của Đức Phật Thích Ca và tất cả những gì mà Ngài chứng đắc cũng như của Phật mười phương chứng đắc. Nhưng thấy đúng rồi, có làm được không.

Chúng ta phát tâm tu hành thường rơi vô lý tưởng. Lý tưởng luôn luôn quá đẹp, mà thực tế lại phũ phàng. Khoảng cách rất xa giữa thực tế và lý tưởng làm cho chúng ta thất vọng, bất mãn, chán nản, buồn phiền…; trần lao nghiệp chướng từ đây phát sinh liền.

Đức Phật Thích Ca đắc đạo, tương thông được với mười phương Phật, quả là tuyệt vời. Nhưng Ngài trở lại cuộc đời, thân cận với chúng sanh đầy đủ tham sân si để cảm hóa họ đi theo con đường chân thật giải thoát hoàn toàn, không còn khổ đau sinh tử, là cả vấn đề không đơn giản chút nào. Thấu hiểu sự khó khăn này, chư Phật mười phương khẳng định với Đức Phật Thích Ca rằng tất cả chư Phật hiện thân trên cuộc đời, giáo hóa chúng sanh, đều phải mở cánh cửa phương tiện cho họ đi vào. Con đường chân thật của Phật đi, chúng sanh không thể nào đi được.

Vì vậy, trong phẩm Tựa, Đức Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ định và phóng quang cho thấy tất cả cảnh giới của Tứ Thánh lục phàm. Những người vào được ánh quang Phật, tức tiếp nhận được tinh ba của pháp Phật mới nhận chân toàn cảnh Pháp giới. Còn người chấp pháp, chấp ngã thì tuyệt phần.

Đức Phật thương xót những người không thâm nhập được thế giới chân thật trong thiền định, nên Ngài từ An tường tam muội thuyết pháp cho Bồ-tát, đã trở lại đời sống bình thường và bắt đầu giảng nói về phương tiện.

Nhiều người hiểu lầm nghĩa phương tiện của Phật. Khi người ta làm một điều gì sai trái, họ thường giải thích đó là phương tiện, để biện minh cho ý đồ đen tối và việc làm xấu của họ. Phương tiện không có nghĩa như vậy, phương tiện không phải là lừa dối. Phương tiện của Phật nhằm chỉ dạy mọi người nhận ra được chân thật, vì chân thật không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, không thể nắm bắt bằng trí thế gian.

Mở đầu phẩm Phương tiện, Đức Phật gọi Xá Lợi Phất để nói về trí tuệ sâu mầu mà Đức Như Lai tu chứng. Ngài khẳng định rằng trí tuệ Phật khó hiểu khó vào, hàng Nhị thừa mới đến lớp vỏ và hàng Bồ-tát chỉ vào được một phần, làm thế nào nói cho chúng sanh bị ngũ uẩn ngăn che nhận biết được. Và Phật kết luận rằng “Duy Phật dữ Phật nãi năng cứu tận chư pháp thật tướng”, nghĩa là chỉ có Phật Thích Ca và chư Phật thấu biết pháp chân thật, hay thật tướng các pháp.

Thật vậy, pháp chân thật mà Phật chứng đắc lìa vọng tưởng điên đảo, lìa ngôn ngữ, lìa suy nghĩ theo thế nhân, trong khi mọi người luôn sống với vọng thức thì làm sao hiểu được.

Muốn cho chúng sanh hiểu pháp chân thật, Đức Phật phải mở cánh cửa phương tiện. Trước nhất, Đức Phật cho họ thấy cái mà loài người gọi là bất tư nghì. Từ trước, mọi người chỉ tin tưởng đấng tạo hóa sản sinh ra sự sống và toàn quyền quyết định sự sống của muôn loài. Nay Phật dạy ngược lại rằng mọi người tu hành có thể thành Phật, nghĩa là chủ động trong việc chuyển hóa muôn sự muôn vật theo ý muốn của mình. Và chuyển đổi bằng cách từ bỏ tất cả để được tất cả. Còn chấp ngã chấp pháp không thâm nhập Phật huệ được.

Cuộc sống của Đức Phật đã chứng minh sâu sắc ý này. Ngài từ bỏ ngai vàng điện ngọc và trải qua 11 năm phát huy trí giác đến cùng tột, Ngài thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề. Từ đó, Đức Phật đã dấn thân trên vạn nẻo đường với hai tay không để giáo hóa độ sanh, nhưng bước chân từ ái của Ngài đến nơi nào thì người người dâng cúng đất đai, tinh xá, phẩm vật… Đức Phật đã rất nhẹ nhàng đối với việc sở hữu vật chất, nếu có vật chất thì đó chỉ là phương tiện để Ngài độ sanh; còn phần lớn Đức Phật sử dụng công đức để giáo hóa.

Có thể khẳng định rằng tất cả những gì Đức Phật giảng dạy trong 49 năm đều là phương tiện. “Phương” là địa phương, mỗi nơi mỗi khác. “Tiện” là thời gian luôn trôi chảy không dừng. Vì vậy, Đức Phật nói pháp ở thành Tỳ Da Ly khác với pháp ở thành Vương Xá; nói chung trong 300 hội, Ngài thuyết pháp không giống nhau, không lặp lại. Nghe pháp ở Tỳ Da Ly thấy thích thú và chê pháp ở Xá Vệ là phạm sai lầm, ví như người mù rờ voi, nên không ai đắc đạo. Pháp phương tiện không giống nhau, không thể chấp pháp nào là tuyệt đối đúng.

Pháp phương tiện của Phật rất nhiều, nhưng chủ yếu là Tam thừa giáo. Trong kinh Pháp hoa, Đức Phật đã khẳng định rằng Ngài vì người cầu Thanh văn, nói pháp Tứ đế; vì người cầu Duyên giác, nói pháp mười hai Nhân duyên và vì người cầu Bồ-tát, nói Lục độ vạn hạnh.

Ngoài ra, Đức Phật còn dùng vô số pháp phương tiện khác để cứu độ chư Thiên và loài người. Vì chư Thiên và loài người còn trong sinh tử, nên không là đối tượng của Tam thừa giáo được.

Chỉ có hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát nương theo phương tiện Tam thừa giáo, ra khỏi Nhà lửa, đạt đến Không môn, kinh Pháp hoa gọi là bãi đất trống, từ đó Đức Phật mới nói pháp chân thật.

Còn giáo pháp dành cho nhân thiên chỉ nhằm tạo phước lạc cho họ. Vì hàng trời người còn muốn hưởng phước, muốn vui trong ngũ dục, không muốn lên Niết-bàn, thì nói Niết-bàn làm sao họ nghe theo.

Những người muốn ra khỏi Nhà lửa sinh tử, thoát khỏi lục đạo, đem pháp Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát dạy, họ mới nghe và thực hiện được.

Phương tiện của Đức Phật dùng đúng người, đúng lúc, đúng chỗ nên có hiệu quả tốt. Phương tiện này là Tam thừa giáo dìu dắt Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát ra khỏi sinh tử và những phương tiện khác làm cho trời người được an vui, lợi ích; đó là mục tiêu mà Đức Phật hiện thân trên cuộc đời này.

Trên bước đường tu, tôi nhận rõ ý này. Chúng ta phải chấp nhận thực tế là mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai, nên không thể bắt chước được. Từ hoàn cảnh riêng mà tu hành, ý thức về lời Phật dạy là pháp sai biệt dành cho mỗi người khác nhau.

Đức Phật Thích Ca triển khai 84.000 pháp môn tu, nghĩa là chúng sanh có bao nhiêu phiền não, trần lao nghiệp chướng, thì Đức Phật có bấy nhiêu pháp tương ưng để đối trị. Còn Thánh La-hán không có phiền não, trần lao nghiệp chướng, nên không có pháp đối trị dành cho các Ngài.

Phật dạy tất cả giới luật mà Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di phải tuân thủ; vì họ sẽ phạm những lỗi lầm, nếu không được cấm ngăn, bảo vệ. Đối với hàng Thánh Tăng như Kiều Trần Như, Đức Phật không chế giới. Mới thấy Phật, tâm ông liền thanh tịnh, đắc quả A-la-hán, thì cần gì giới điều ràng buộc.

Đức Phật triển khai tất cả các giới điều nhằm giúp chúng ta không sanh khởi tâm phiền não, không phạm hành động xấu ác, không làm những việc vô ích, có hại… Vì vậy, khi nương được pháp phương tiện của Phật dạy, chúng ta tu hành, tâm hồn được thoải mái, an vui, bởi nhận chân được sự thật của cuộc đời; chúng ta không lý tưởng hóa mọi việc, không nhận thức sai lầm.

Thuở nhỏ, một vị Hòa thượng dạy tôi tụng kinh Pháp hoa sẽ hết bực bội, buồn phiền; nếu không thì cứ thắc mắc tại sao thế này mà không thế kia và không bằng lòng ai cả. Hòa thượng dạy rằng phải nhìn đúng sự thật, con cò phải trắng, con quạ phải đen. Không thể bắt con quạ trắng như con cò. Phải nhìn rõ cốt lõi bên trong của một người là gì. Nếu họ là tiên giáng phàm, không dạy, họ vẫn có cốt cách thần tiên. Trái lại, bắt khỉ mặc áo người, nó cũng chỉ làm được trò khỉ.

Bồ-tát, Thánh Tăng tái sanh, tất yếu cốt lõi của họ là Bồ-tát, Thánh Tăng. Người làm thuê ở mướn, hay người trốn nợ, trốn tù, cạo đầu vô chùa ở, thì phải cảnh giác họ. Phải nhìn thấy đúng, tưởng lầm họ là Thánh thì nguy hiểm vô cùng. Những người nặng về hình thức, tưởng tất cả người mặc áo tu là thật tu, dễ bị lợi dụng, sẽ phiền não và thoái tâm.

Hòa thượng Trí Tịnh chuyên tụng phẩm Phương tiện thứ 2 của kinh Pháp hoa. Tôi nhận ra pháp phương tiện giúp chúng ta không mắc bệnh cố chấp, vì yếu nghĩa của phương tiện chỉ cho chúng ta nhận chân được sự thật, chúng ta sẽ không phạm sai lầm. Họ không thể là Tăng sĩ, nhưng chúng ta cho xuất gia, cuối cùng cũng hoàn tục mà còn có hại nữa.

Có thầy nói rằng lo cho một đệ tử ăn học xong, lại ra đời, buồn quá. Nhận rõ sự thật, chúng ta sẽ không buồn. Tôi thấy cậu bé thông minh, nhưng không có căn lành, không cho xuất gia. Tôi cho tiền học để cậu ta trở thành người có giáo dục, có nghề nghiệp đàng hoàng, sống tốt cho bản thân, cho gia đình và đóng góp được cho xã hội. Như vậy, chắc chắn có lợi hơn là cho xuất gia.

Đức Phật dạy quán sát thật tướng các pháp; nghĩa là công nhận sự thật, thấy sự thật, không thấy khác. Và thấy rõ rồi, mới khai phương tiện. Tôi không cho phép anh bị nghiện xuất gia, nhưng dạy anh ta pháp cai nghiện. Từ bi cho họ sống chung trong chùa, phải trông chừng cẩn thận; không để ý là họ gây rắc rối liền. Đối với người này, pháp cai nghiện là thích hợp nhất.

Đức Phật Thích Ca mang sanh thân con người và nói pháp phương tiện nhằm mục tiêu giúp mọi người nhận ra những cái giả tạm trên thế gian này và tu hành để thành tựu chân thân, hay Pháp thân và sở đắc pháp chân thật. Thấu hiểu lý này, Trí Giả đại sư kiến giải rằng vì thật mới khai mở quyền, nghĩa là phải có chân thật mới đưa ra phương tiện được; kinh diễn tả là nương pháp chân thật, khai phương tiện môn. Vì vậy, pháp phương tiện tùy thuộc ở chân thật và nương theo đó, chứng Nhứt thiết chủng trí.

Phẩm thứ 2 của kinh Pháp hoa là phẩm Phương tiện, tất nhiên chính yếu nói về phương tiện, nhưng có thể hiểu rộng ra, toàn bộ kinh Pháp hoa từ phẩm Tựa thứ nhất đến phẩm An lạc hạnh thứ 14 đều là phương tiện, thuộc Tích môn, trong đó Đức Phật giới thiệu ứng thân Phật là thân phương tiện của Ngài và các pháp Phật chỉ dạy từ trước đều là pháp phương tiện.

Hiểu sâu xa hơn nữa, trong suốt 49 năm giáo hóa độ sanh, Đức Phật đã đưa ra vô số pháp phương tiện nhằm dìu dắt mọi người thâm nhập pháp chân thật trên lộ trình tiến đến Phật quả. Và Đức Phật đã sử dụng thân phương tiện là sanh thân Thích Ca Mâu Ni Phật để chỉ cho mọi người nhận ra Pháp thân Phật hằng hữu vô cùng trong khắp Pháp giới.

Tóm lại, trên bước đường tu, cần sử dụng những phương tiện của Đức Phật tương ưng với mình để tiến tu, phát huy đầy đủ phước đức trí tuệ, thành tựu được cho mình Báo thân viên mãn, tức trọn vẹn hạnh Bồ-tát. Cuối cùng, chuyển đổi được hữu lậu ngũ uẩn thành vô lậu ngũ uẩn, là có được Pháp thân bất sanh bất diệt, vĩnh hằng giống như Đức Phật, không khác.

Đó là mục đích mà Đức Phật thị hiện sanh thân trong thế giới loài người của chúng ta, kinh gọi là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến và đó cũng là mục tiêu của tất cả người con Phật muốn đạt được trên lộ trình thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.

Riêng tôi, nhờ nương pháp phương tiện của Đức Phật tu hành, hoàn cảnh lần đổi khác một cách tốt đẹp vô cùng và tôi được Phật hộ niệm, bổ xứ cho làm một số việc, thành tựu một ít Phật sự. Vì vậy, tôi rất tâm đắc lời tâm sự của Xá Lợi Phất bộc bạch với Đức Phật rằng dù đầu đội và hai vai cõng vác Phật, cũng không bao giờ đền đáp được công ơn vô bờ bến của Đức Thế Tôn.
HT.Thích Trí Quảng