.
.

Thực hành đạo pháp cũng cần rất nhiều lý trí


Nhận thức, giác ngộ và thực hành đạo trong cuộc sống không phải là điều dễ dàng. Đây không chỉ là câu chuyện về đức tin, mà còn cần rất nhiều lý trí để đi đúng đường!


Người trẻ ngày càng hướng đạo

Trong vài năm trở lại đây, hình ảnh những người trẻ trong trang phục nhà chùa, nhà đền chắp tay trước các ban Phật, Thánh đã trở nên quen thuộc. Đó là minh chứng cho sự đổi thay rõ nét trong nhận thức của phần đông người trẻ hiện nay với việc đi chùa, tu tập.

Các khóa tu, khóa thiền dành cho thanh, thiếu niên được mở ra tại các nhà chùa dọc từ nam ra bắc với thời hạn ngắn từ năm đến bảy ngày, thậm chí kéo dài cả tháng. Tại Hà Nội, chỉ trong ngày cuối năm 31-12-2017, chùa Bằng (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) đã đón hơn 900 bạn trẻ đến từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận dự khóa tu mừng năm mới. Tại TP Hồ Chí Minh, khóa tu “Ngày an lạc” định kỳ hai tháng/lần tổ chức tại chùa Giác Ngộ (phường 3, quận 10) thu hút gần 800 người trẻ tham gia. Còn tại chùa Hoằng Pháp (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn), mùa hè lại là thời điểm thích hợp để tổ chức những khóa tu như “Khóa tu mùa hè”, khi đông đảo người trẻ, sinh viên, học sinh được tạm nghỉ học.

Mặt khác, ông bà ta có câu “Trẻ tu nhà, già tu chùa”. Nhiều người trẻ chọn cách “tu tại gia” do vướng bận công việc, gia đình, không thể lui tới chùa thường xuyên. Họ lập ban thờ Phật tại nhà, tự định ngày ăn chay trong tuần, trong tháng, mua cá, lươn, ốc, chim… rồi chủ động phóng sinh ra hồ, sông. Họ cũng chủ động thực hành các việc tốt như giúp đỡ người qua đường, chia sẻ thông tin người gặp nạn trên mạng xã hội như Facebook để kêu gọi tài trợ…. Họ quan niệm “Từ bi hỉ xả” để sống tốt đời đẹp đạo. Vào các dịp đặc biệt như ngày rằm, mùng một hằng tháng hay các sự kiện quan trọng, tại các nhà chùa, thanh niên, người trẻ tuổi chiếm số lượng đông đảo. Không chỉ tham gia hành lễ, khấn nguyện, họ cũng là lực lượng phụ giúp công việc của nhà chùa. Thanh niên biết ăn vận kín đáo, dâng lễ đầy đủ các ban hay kính cẩn trước sư thầy, bề trên, ứng xử văn minh trong khuôn viên thanh tịnh nơi cửa Phật. Những biểu hiện tích cực cho thấy, hướng đạo, hành đạo giúp người trẻ sống tốt hơn, sống đẹp hơn.

Những câu chuyện trên khởi nguồn từ mong muốn tìm kiếm sự thanh tịnh, bình yên trong tâm hồn, tìm lại sự cân bằng giữa một nhịp sống xô bồ, ồn ã. Không gian thanh tịnh chốn cửa Phật là nơi để người trẻ gửi gắm, giải tỏa áp lực công nghiệp. Hơn nữa, khi nhận thức về vai trò, năng lực của những đấng siêu nhiên như Phật – Thánh (có thể giúp con người giải quyết khó khăn trong cuộc sống), người trẻ “chắp tay” để tìm chốn nương tựa tinh thần, mong muốn ước nguyện của mình thành hiện thực. Phật giáo ngày càng đi sâu vào đời sống xã hội, vận động và phát triển không ngừng cùng dòng chảy cuộc sống, câu chuyện những người trẻ hướng đạo sớm quả thực là một tín hiệu tốt!

Mải mê giáo pháp “bỏ quên đời”?

Thế nhưng, cũng có một thực tế không thể phủ nhận, một bộ phận người trẻ hiện nay đang rơi vào tình trạng thái quá, tu tập nhưng thiếu sự dẫn dắt của lý trí. Một ví dụ nhỏ là việc thực hành ăn chay trường (ăn chay tuyệt đối, không ăn đồ mặn) không đúng cách. Nhiều bạn trẻ không ăn mặn, thức ăn hằng ngày chủ yếu là rau, củ, quả. Thời gian đầu, sức khỏe vẫn chưa có gì đáng ngại. Nhưng sau khoảng một, hai tháng, các bạn bắt đầu có biểu hiện ốm yếu, thậm chí có bạn còn tụt huyết áp, ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập, công việc.

Chị Trần Thị P. (26 tuổi, ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An), một bà nội trợ có thói quen ăn chay từ thời sinh viên. Sau khi lập gia đình, chị vẫn giữ mong muốn được ăn chay trường. Chị tâm sự: “Giờ nghĩ đến thịt, cá, lươn, chạch, mình lại thấy sợ. Nghĩ cảnh các con vật đó bị giết là mình không ăn nổi. Mình sợ sát sinh”. Bởi suy nghĩ đó, chị không ăn thức ăn chế biến từ động vật, cũng không bổ sung hay thay thế bằng các loại thực phẩm khác, từ khi có bầu nom chị xanh xao hẳn. Thực tế, khoa học chỉ ra rằng, những người phụ nữ mang thai cần bổ sung ít nhất 27 mg sắt mỗi ngày. Và nếu không được cung cấp đủ chất sắt (có trong thịt bò, thịt gà, hải sản), họ sẽ có thể bị thiếu máu. Họ sẽ luôn có cảm giác mệt mỏi, khó chịu, thậm chí có thể sẽ bị băng huyết sau khi sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng. Chưa kể, thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ sau này.

Anh Nguyễn Đức A. (29 tuổi, ở tại phường Xuân La, Hà Nội), ngày trong tuần đi làm, còn cuối tuần, anh dành toàn bộ thời gian để tham gia tu tập, thiền định tại chùa. Hai vợ chồng anh vẫn ở nhà thuê, chưa có con cái, vợ anh lại sức khỏe yếu. Mỗi lần vợ ốm, anh chỉ bảo vợ tập trung nghe Kinh, đi Thiền để khỏi bệnh, thậm chí ngăn vợ uống thuốc. Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, anh bày tỏ sự hài lòng với quan niệm vật chất không quan trọng. Anh A chỉ là một trong số những người trẻ có sức khỏe và trí tuệ, nhưng lại dành phần lớn thời gian cho việc thiền định, không ý chí phấn đấu, không màng khẳng định bản thân. Tư tưởng của họ là buông bỏ, bởi theo họ: Phật dạy, vạn vật hư vô, cát bụi, người đời nên tránh tham sân si.

Thực tế, Đức Phật hướng thiện để người ta đi lên bằng con đường chính đạo, thẳng thắn, chứ không cổ vũ người ta “quên đời”!

Đức tin hay phong trào?

Theo khảo sát từ một bộ phận giới trẻ, trung bình cứ 6/10 người trẻ cho rằng, tham gia khóa tu là cách để giảm bớt căng thẳng sau một kỳ thi, dự án hay công việc. Những khóa tu ngắn ngày như dịp “nghỉ chân”trên hành trình cuộc sống đầy khó khăn. Nhưng thậm chí, cũng có những người trẻ xem việc tham gia khóa tu là “đi với bạn cho vui” hoặc để chụp ảnh đăng mạng xã hội với những dòng trạng thái tưởng rất “thanh tịnh”! Vậy là, tham gia khóa học theo hiệu ứng đám đông, chỉ như một “trò tiêu khiển”?

Chưa thực sự hiểu đúng về đạo pháp, việc tu tập của nhiều người hiện nay có phải đang chỉ theo phong trào, và đôi khi, rất dễ sa vào mù quáng. Rõ ràng, nhận thức, giác ngộ về đạo và thực hành đạo trong cuộc sống như thế nào cho đúng thực sự không hề dễ dàng. Đó không chỉ là vấn đề của đức tin, mà còn cần rất nhiều lý trí để đi đúng đường!

Hoàng Nam