.
.

Quả báo xua đuổi chúng Tăng


 Trong các Phật sự thì hộ trì Tăng chúng có đủ thuận duyên tu học, tiến bộ tâm linh là cực kỳ khó khăn.


Vị Tăng chủ sự phải vừa có tâm lại vừa có tầm, vừa thông việc đạo (giới-định-tuệ) lại thạo việc đời (giao tế, vận động, xây dựng…) thì mới có thể hộ trì Tăng chúng hiệu quả và lâu bền. Nếu làm tròn phận sự của mình, phước đức vị ấy thật vô lượng. Ngược lại, nếu làm sai, phi Pháp, phi Luật thì vị ấy cũng chịu quả báo nặng nề.

Tang la doanthe dep.JPG
Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui, tu tập đạo giải thoát, làm an lạc cuộc đời – Ảnh minh họa

Đoạn kinh dưới đây thật sự khiến ta chạnh lòng. Vị Tăng làm Ma-ma-đế (theo chú giải, tức vị viện chủ-trụ trì hoặc vị hóa chủ-tri sự lo việc nuôi chúng) đã vì vô minh tham ái nghiệp lực che lấp tâm trí nên lớn tiếng xua đuổi chúng Tăng. Phước đức của chúng Tăng cực kỳ vĩ đại, bất cứ ai nếu vô cớ khởi ác tâm, xúc phạm Tăng bảo sẽ suy giảm và cạn kiệt phước đức, dẫn đến đọa lạc.

“Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ… [cho đến] Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói, ở giữa đường thấy một chúng sanh, thân to lớn, lưỡi rộng dài, bị các cây đinh sắt nóng đóng vào lưỡi, đi trong hư không, bị đau đớn bức bách, khóc kêu gào… [cho đến] Phật bảo các Tỳ-kheo:

Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá-vệ, xuất gia làm Tỳ-kheo trong pháp Phật Ca-diếp, làm Ma-ma-đế quở trách các Tỳ-kheo rằng: ‘Này các Trưởng lão, các ông nên đi khỏi chỗ này, ở đây đạm bạc không thể cung cấp được. Mỗi người tùy ý tìm nơi sung túc, đầy đủ cơm áo, giường chiếu thuốc men, chữa bệnh, chắc có thể đầy đủ không thiếu’. Các Tỳ-kheo ở trước đó đều bỏ đi, còn khách Tăng nghe thế cũng không đến. Do tội ấy cho nên bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.

Này các Tỳ-kheo, như những gì Đại Mục-kiền-liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông phải nên ghi nhớ.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 532)

Luận về việc hộ Tăng, nuôi chúng có nhiều điểm cần bàn để có nhận thức và hành động đúng Chánh pháp. Trước hết, không ai phủ nhận tài đức cũng như sự cống hiến hết mình của các vị trụ trì, tri sự cho Tăng chúng. Tuy vậy, trong tương quan duyên khởi thì mỗi vị Tăng cũng có phước đức riêng của họ, nhiều vị Tăng hợp lại càng tạo ra phước đức lớn hơn. Khi phước đức đủ đầy thì thập phương trời người sẽ vân tập hộ trì.

Thành ra, nói là nuôi chúng mà không nuôi, hộ Tăng mà không hộ mới đích thực hộ Tăng. Tất cả là nhân duyên! Đủ nhân đủ duyên thì việc thành. Nhìn vào các trường hạ an cư tập trung chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Nơi nào mà chư Tăng (Ni) tựu về an cư thì sự hộ trì của Phật tử trở nên mạnh mẽ hơn, mọi thứ đều đầy đủ. Khi chư Tăng (Ni) mãn hạ trở về trụ xứ thì sự hộ trì an cư sẽ không còn nữa. Thế mới biết cái lý-sự của pháp duyên sinh: Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt.

Dĩ nhiên, Tăng chúng thảy đều mang ơn đùm bọc của các vị tri sự, trụ trì. Nhưng nếu chư vị ấy không nhận ra cái lý duyên sinh kia, cứ nghĩ mình là người ban ơn cho đại chúng và có cái quyền phát huy tự ngã, nói năng và hành xử phi Pháp thì đại họa, mất hết phước đức. Họa lớn đến nỗi sau khi mãn hạn thọ báo địa ngục, tái sinh làm ngạ quỷ “thân to lớn, lưỡi rộng dài, bị các cây đinh sắt nóng đóng vào lưỡi, đi trong hư không, bị đau đớn bức bách, khóc kêu gào”. Đây là bài học lớn cho những người hộ Tăng, nuôi chúng ở các chùa viện, nhất là những vị chức sắc của hạ trường, tụ điểm an cư tập trung đông đảo Tăng Ni trong hiện tại.

Quảng Tánh