.
.

Người xuất gia có lễ lạy Cha Mẹ? có ăn đồ cúng?


HỎI:

Người xuất gia thọ giới nhà Phật khi cha mẹ quá vãng có lễ lạy không? Có ăn đồ cúng không? Chúng tôi nghe người nói được nhưng có người bảo không nên chưa được rõ. Xin cho biết nguyên nhân và hoan hỷ giải thích.

ĐÁP :

Người xuất gia là bậc đã phát nguyện cát ái từ thân, xả ly những luyến ái gia đình thân tộc, tiếp nhận Thánh giới, tu tập Thánh đạo, cầu giải thoát và nguyện độ chúng sanh. Trong ba ý nghĩa cao quý của xuất gia (xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia) thì xuất thế tục gia, thoát ly khỏi căn nhà thế tục và các mối quan hệ tình cảm gia đình, dòng tộc là bước đầu tiên. Đây là bước ngoặt quan trọng làm cơ sở cho đời sống phạm hạnh, nỗ lực đoạn trừ tham ái đồng thời là nền tảng cho Thánh quả.

Cát ái ly gia đối với người xuất gia phải được thực thi triệt để, trọn vẹn vì tham ái là điều chướng ngại có tính chất thâm căn, cội nguồn của sanh tử. Vì thế, trước lúc phát nguyện tiếp nhận Thánh giới (10 giới Sa di hoặc Sa di ni), người xuất gia hướng về phương Bắc, chí thành lễ tạ tứ ân (ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia và ân thí chủ), sau đó hướng về Tam bảo thọ nhận giới pháp xuất thế, quy mạng trọn đời. Từ đây trở về sau, người xuất gia sống đời xuất thế, nỗ lực tu tập để thành tựu giải thoát làm đạo sư của trời người đồng thời không còn liên hệ và bị ràng buộc bởi quan hệ thế thường.

Đối với cha mẹ, công sanh thành dưỡng dục của song thân, người xuất gia xem trọng như núi cao, biển cả. Tuy nhiên, sự đền đáp công ơn hiếu dưỡng trời biển đó, người xuất gia không thực thi như người thế tục mà thực hiện bằng cách dùng đạo hạnh để cảm hoá cha mẹ hướng thiện, quy kính Tam bảo đồng thời phát huy đạo lực để tiếp dẫn, cầu nguyện cho cha mẹ siêu thoát. Vì thế, khi dự phần vào Tăng bảo, bước lên điạ vị xuất thế gian, người xuất gia dẫu vẫn kính trọng và báo ơn cha mẹ nhưng không lễ lạy nữa.

Mặt khác, tuy có con là người xuất gia nhưng trong Chánh pháp thì cha mẹ vẫn thuộc hàng đệ tử tại gia, phải kính lễ Tam bảo, nương theo Tam bảo để tu học. Hàng Phật tử tại gia thường xuyên kính lễ Tam bảo mỗi ngày để vun bồi phước đức của mình. Do vậy, bậc cha mẹ có con xuất gia thì phải xem con mình là một vị Tăng, hành xử phải theo Pháp như chư vị Tăng khác. Một vị Tăng, ngoài kính lễ Tam bảo ra không lễ lạy bất cứ tôn vị nào khác, kể cả cha mẹ. Ngay cả việc thi lễ với những bậc quân vương, quốc chủ là pháp quy bắt buộc tuân thủ nghiêm ngặt của xã hội phong kiến vẫn dành cho chư Tăng một ngoại lệ, không lễ bái (Tuệ Viễn, Bất bái quân vương giả luận).

Người xuất gia vẫn tận hiếu với cha mẹ nhưng không lễ bái vì tuân thủ pháp tắc của Tăng bảo đồng thời việc lễ bái ấy sẽ tổn giảm phước đức của chính cha mẹ mình. Một vài vị xuất gia quan niệm rằng dù có làm gì trong xã hội đi nữa mình cũng vẫn là con của cha mẹ nên thực hành lễ bái. Quan niệm này chỉ đúng với mọi người trong tương quan đời thường, thế tục nhưng đối với Chánh pháp thì thiển cận và sai lầm. Bởi khi thọ nhận sự kính lễ của một người mà giới đức và phạm hạnh to lớn hơn mình rất nhiều lần, tất nhiên phước đức của mình bị tổn giảm, nhất là khi thọ nhận kính lễ của vị Tăng thì phước đức của người tại gia càng bị tổn giảm hơn. Do vậy, để tôn trọng Chánh pháp và để tránh sự tổn phước cho cha mẹ người xuất gia không lễ bái, dù song thân hiện còn hay đã khuất.

Đối với các phẩm vật đã dâng cúng quỷ thần và hương linh, theo pháp Phật, người xuất gia không thọ dụng. Kinh Tương Ưng Bộ I, khi Bà la môn Sundarika hỏi Phật nên cho ai những vật cúng còn lại này, Phật dạy: “Này Bà la môn, hãy quăng vật cúng còn lại này tại chỗ không có cỏ xanh hay nhận chìm xuống nước mơi không có loài hữu tình”. Vật phẩm đã dâng cúng quỷ thần, hương linh không phải là thực phẩm thanh tịnh theo thường pháp dành cho người xuất gia. Hàng Sa môn, Tỷ kheo chỉ được phép dùng các phẩm vật đã dâng cúng Tam bảo.

Ngoài ra, việc không ăn đồ cúng rất phù hợp với nguyên tắc vệ sinh, an toàn thực phẩm. Khi các thực phẩm đem ra cúng tế sẽ bị nắng mưa, nguội lạnh cùng với bụi bặm, tàn nhang và ruồi nhặng, nếu ăn vào sẽ có hại cho sức khoẻ. Mặt khác, chư Tăng là những bậc giới đức, phạm hạnh cụ túc đã và đang hướng về địa vị Ứng cúng, La hán nên các vật phẩm mà quỷ thần và hương linh đã hưởng thọ xong nếu đem cúng dường chư Tăng thì chính hương linh và quỷ thần ấy tổn phước vì thất kính. Bản thân chư Tăng cũng tự ý thức điều này, chỉ thọ dụng những thực phẩm cúng dường đúng Pháp, không ăn các thực phẩm phi pháp “vì lợi ích, vì an lạc cho số đông, chư thiên và các loài hữu tình”.

Theo: Facebook Quảng Tánh