Điều cần nhất, là tìm gặp cho được một vị minh sư, có hạnh kiểm trang nghiêm, có hành vi tốt đẹp để xin thọ trì quy giới. Tại sao vậy? Vì thật ra, trong thời buổi Pháp nhược Ma cường, thầy ”rùa” nhan nhản khắp nơi, lắm kẻ lợi dụng lòng tin của tín đồ.
Khi xu hướng, tin tưởng theo Phật giáo phải thế nào?
Khi đã học hỏi, sưu tầm, nghiên cứu giáo lý của đức Phật, nhận xét suy tư thấy rõ lời nói, câu khuyên, nhất là tam tạng kinh điển, một đường lối chắc thật, thanh cao, có nhân có quả rõ ràng rành mạch, phát tâm hoan hỷ mừng vui, ví như người tìm được mỏ vàng hay hầm châu ngọc quý báu, thì nên tình nguyện làm người con Phật để mong cầu sự lợi lộc, sự an vui, sự tấn hóa về tinh thần lẫn vật chất, ví như xin gia nhập vào dòng người đi tìm vàng hay khai thác châu ngọc vậy?
Muốn trở thành một phật tử phải làm sao?
Điều cần nhất, là tìm gặp cho được một vị minh sư, có hạnh kiểm trang nghiêm, có hành vi tốt đẹp để xin thọ trì quy giới. Tại sao vậy?
Vì thật ra, trong thời buổi Pháp nhược Ma cường, thầy “rùa” nhan nhản khắp nơi, lắm kẻ lợi dụng lòng tin của tín đồ. Bởi thế cho nên, có một số người lợi dụng Tăng tướng làm cái Mộc chiêu bài mà mưu sinh bằng cách “mượn đạo tạo đời” hoặc trốn tránh trách nhiệm “trốn xâu lậu thuế” lại còn lôi kéo tín đồ vào con đường tà đạo mê tín dị đoan v.v…
Thầy “rùa” là thế nào?
Con rùa, khi nó muốn sinh, đi tìm một bãi cát bới một lỗ nho nhỏ. Xong đẻ bọc trứng vào đó, lấp đất sơ xài rồi bỏ đi. Nhờ ánh nắng mặt trời và chịu sự mát của ban đêm mà trứng nở, chứ rùa không tha thiết gì tới đàn con của nó cả.
Thầy “rùa” cũng như thế đó. Vì lòng tham lam danh lợi lôi cuốn, nên khi đi tu rồi, chỉ mong thu nhận tín đồ cho đông, rồi mặc ai muốn làm gì thì làm. Trì trai cũng được, phá giới cũng không sao, miễn dâng cúng lợi lộc cho nhiều là thầy thương, thầy mến. Còn giáo lý hay đức hạnh của hàng đệ tử, không hề để tâm lưu ý tới. Gặp thầy “rùa” như vậy, thì thật là hoài công và vô ích cho những ai muốn tu theo đạo giải thoát, mong cầu lánh khổ, tìm vui.
Tu Phật, tại sao phải thọ trì quy giới?
Thế thường, người bộ hành muốn đi đến nơi nào mong tránh khỏi lối mê, rừng thẳm, thì cần phải theo sự chỉ dẫn của người hướng đạo. Cũng như người học trò, muốn thông minh, uyên bác, phải cố công vâng giữ hành theo lời giáo huấn của ông thầy.
Đạo Phật cũng vậy, giáo lý của Phật Tổ cao siêu vi diệu quá. Tam tạng kinh điển chứa đựng bao ý nghĩa thậm thâm vi diệu, nếu không thọ Tam quy, thì lấy đâu làm nơi nương nhờ, mong cầu tấn hóa cho được?
Quy y là thế nào, có mấy ngôi quy y?
Quy y có nghĩa là quay về là nương theo. Là lấy một điểm tựa để làm nương nhờ trông cậy. Ví như người con thơ dại, nương nhờ vào lòng thương của bà mẹ hiền quý mến. Quy y là ý nói nơi nương nhờ, trông cậy của người phật tử trên con đường đi đến nơi diệt khổ. Tam quy, có nghĩa là nơi nương nhờ, trông cậy ba ngôi báu trọn lành. Ấy là quy y Phật, quy y Pháp, và quy y Tăng.
Thế nào gọi là quy y Phật?
Phật là đấng toàn tri diệu giác vô lượng từ bi. Ngài đã bẻ gãy bánh xe sinh tử luân hồi, đã diệt tâm vô minh và ái dục. Ngài là thầy cả chư thiên và nhân loại.
“Thiên nhân chi đạo sư, tứ sinh chi từ phụ”, quy y Phật là lấy Ngài làm nơi vững nương, làm tấm gương sáng, làm người dẫn lộ trọn lành, ngõ hầu bước theo, tu hành cho hết khổ.
Thế nào gọi là quy y Pháp?
Pháp là những phương lương diệu dược nhiệm mầu, có năng lực chữa trị tâm bệnh. Phiền não của chúng sinh. Quy y Pháp, là học hỏi giáo lý, quán niệm cho thấu đáo, suy tư cho thông suốt chín chắn, rồi thực hành theo. Đó là những khuôn vàng thước ngọc để đưa lối cho quần sinh thoát khỏi sông mê, rừng thẳm đầy kinh sợ hãi hùng.
Tại sao phải quy y Tăng?
Tăng là bậc đã “nguyện cắt ái ly gia” nguyện “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”. Người đứng ra nhận lãnh trách nhiệm, thay mặt ba đời chư Phật cũng như chư Thánh và phàm Tăng, lái chiếc thuyền Bát Nhã ra nơi biển cả để vớt khách trầm luân đang đắm mình lặn hụp giữa lượn sóng ba đào Tam giới.
Đức Phật đã lên đường tịch diệt.
Tam tạng Pháp bảo, tuy quý báu nhưng quá nhiệm mầu, thiếu Tăng bảo, thì lấy ai hướng dẫn dắt dìu, đem ngỏ chỉ đường cho khách bộ hành là quần sinh thoát con đường sinh tử?
Quy y Tăng, lấy Tăng làm nơi vững nương trông cậy, theo lời giáo huấn của các Ngài, thực hành đúng theo lời dạy của chư Tăng, mà tu hành sẽ đem lại sự an vui cho mình và cho kẻ khác. Lại nữa, có quy y thì Tăng mới hết lòng hướng dẫn dắt dìu, ví như bà mẹ hằng lo lắng đến hạnh phúc của đàn con đẻ vậy.
Tăng Quang Tự, Huế
Trà Giang Tử (Tỳ kheo Định Lực Samadhibàlo).
Trích “Dẫn lối về nguồn” phần Tại gia cư sĩ