.
.

Muốn ly hôn vì chồng tự ti & hay chửi


HỎI: Tôi lấy chồng đã được 13 năm, hiện có 2 cháu (13 tuổi, 9 tuổi). Chồng hơn tôi một tuổi, anh là người tốt không rượu chè, không cờ bạc, không gái gú, chỉ chú tâm cho gia đình, luôn giúp đỡ tôi việc nhà và chăm lo con cái. Chồng tôi là người cực kỳ sạch sẽ, sạch một cách thái quá. Chủ đề ưa thích của chồng tôi luôn là sạch sẽ. Tôi cũng không thấy có vấn đề gì nhiều lắm về chuyện này nhưng điều làm tôi khổ tâm nhất là bất kỳ khi nào vợ chồng cãi nhau, anh ấy đều chửi bậy và chửi tôi. Tôi đã chịu đựng chuyện này suốt 13 năm nay nhưng vẫn cố nhẫn nhịn, không nói lời ác với chồng. 


Là Phật tử, tôi hiểu đây là nghiệp dĩ nên cố chịu đựng và tu tập hồi hướng mong cho anh ấy thay đổi. Chính việc anh hay chửi bới làm tình cảm của tôi với chồng dần cạn kiệt. Chồng tôi tự ái rất cao, tự ti về nhiều chuyện (vì gia cảnh, học vấn đều thua tôi, hiện tôi là người kiếm tiền chính cho gia đình). Tôi đã cố gắng tránh hết sức những lời nói có thể chạm đến tự ái của chồng, nói năng nhẹ nhàng, nói lời tri ân với chồng về việc chồng ủng hộ tôi trong công việc cũng như việc nhà cửa.

Vợ chồng tôi có sự khác biệt nhiều về suy nghĩ nên tôi không thể chia sẻ được với anh ấy về những ước mơ và việc tu tập của tôi. Đối với tôi, không sẻ chia cũng không sao nếu anh ấy không chửi bới tôi mỗi lần nổi cáu. Anh còn đập vỡ cả bàn tụng kinh của tôi (đập 2 cái rồi). Tôi muốn ly hôn rất nhiều lần nhưng nghĩ thương con nên không đành lòng, nhưng tiếp tục sống thế này thì tôi sợ không chịu nổi nữa. Mong nhận được lời khuyên từ quý Báo.

(DIỆU LÂN, [email protected])

ĐÁP: Bạn Diệu Lân thân mến!

Sau 13 năm chung sống, bạn có hai người con đã khá lớn và một người chồng mà “không rượu chè, không cờ bạc, không gái gú, chỉ chú tâm cho gia đình, luôn giúp đỡ bạn việc nhà và chăm lo con cái, lại là người cực kỳ sạch sẽ” là niềm mơ ước của rất nhiều người. Thực tế, có không ít những người vợ mong chồng mình chỉ có một đức tính “không gái gú” hoặc “không rượu chè” thôi là đã an vui lắm rồi.

Vì “nhân vô thập toàn”, không ai hoàn hảo cả nên chồng bạn được cái này thì mất cái kia. Anh ấy có tật xấu là hay tự ái, tự ti, nhất là hay chửi bạn thô tục, đập phá đồ đạc mỗi khi cáu gắt, nóng giận. Tuy anh ấy có nhiều tính xấu mà vẫn tốt hơn một số người chồng khác là không đánh bạn. Xét một cách tổng quan, anh ấy vẫn có tính tốt nhiều hơn xấu. Nếu bạn biết khéo léo ứng xử, nhất là tìm ra được “mấu chốt” của vấn đề thì vẫn có thể cứu vãn gia đình thoát khỏi tình trạng hôn nhân tan vỡ.

Bạn đã biết, chồng bạn có nghiệp dĩ ác khẩu, gây khổ đau cho vợ con bằng cách ăn nói vụng về, thô tục của mình. Dĩ nhiên nghiệp ác khẩu có nhân duyên xa từ nhiều đời kiếp trước, nhưng quan trọng là phải thấy được những nghiệp ác khẩu ấy phát sinh do các nhân duyên trong hiện tại (từ ngày cưới nhau đến nay). Bạn là Phật tử nên đã biết nhẫn nhịn, tập nói lời ái ngữ với chồng, kể cả tu tập để hồi hướng phước báo cho anh ấy… mà vẫn không cải thiện được tình hình, thì bạn nên bình tâm để tìm thêm phương cách khác; tùy bệnh cho thuốc mới mong lành.

Xâu kết các dữ kiện mà bạn đã cho biết, thiết nghĩ, gia đình bạn cũng tương tự như một số gia đình Việt hiện tại, trong đó một người giỏi giang kiếm tiền, người kia chỉ quẩn quanh suốt ngày lo gia đình và con cái, lâu ngày sinh tự ti, bức xúc, dẫn đến cãi vã. Bạn rất giỏi giang, một tay gánh cả gia đình nhưng chính điều ấy lại càng khiến cho tự ti và tự ái của chồng bạn ngày càng tăng thêm. Đó là chưa nói nếu có thêm những gièm pha, đàm tiếu bên ngoài là đàn ông mà “vô dụng”, “ăn bám vợ”, cộng với quan niệm “đàn ông phải là trụ cột gia đình” của người Việt thì căn bệnh tự ti, tự ái kia càng vô phương cứu chữa.

Cho nên, nếu được, bạn cần động viên hay tìm cách tạo cho anh ấy có một công việc bên ngoài. Anh ấy phải đi làm, có công việc ổn định (dù là tượng trưng), có thu nhập đàng hoàng, tăng cường các giao tiếp xã hội. Cái “tôi” của đàn ông Việt là trụ cột của gia đình, là chỗ dựa cho vợ con. Không được như vậy thì ít ra cũng tự lo cho chính mình. Chúng tôi đoan chắc, nếu anh ấy khẳng định được vị trí và vai trò của mình trong gia đình và xã hội thì căn bệnh tự ti và tự ái kia sẽ giảm bớt hoặc lành hẳn. Khi cái ‘tôi” được thỏa mãn phần nào thì mọi chuyện đều trở nên nhẹ nhàng hơn, cãi vã sẽ bớt đi, và chắc chắn những lời chửi bới, cộc cằn cũng được hóa giải, gia đình của bạn sẽ có tiếng cười. Đây là “mấu chốt” quan trọng để giải quyết chuyện gia đình của bạn.

Chúc bạn tinh tấn!

Quảng Tánh