.
.

Kinh Phật hệ Nguyên thủy nói rất nhiều về chư thiên


HỎI: Tôi là Phật tử, thường xem một số kinh hệ Nguyên thủy và Đại thừa. Tôi thấy trong nhiều kinh Đại thừa có nói đến Phạm thiên và chư thiên. Đại Phạm thiên có phải là đng Mamābrahmā ca đạo Bà-la-môn không? Tôi biết Phật Thích Ca là vị Phật lịch sử, nhờ tu tập mà giác ngộ. Giáo lý của Ngài chỉquan tâm đến con người và cách diệt khổ cho con người chứ không mang tính siêu hình. Vậy mà các kinh Đại thừa đu nói đến chư thiên ở các cõi trời. Hư thực ra sao, mong quý Báo hoan hỷ giải đáp dùm tôi?

(NGUYỆT YẾN, [email protected])

chuthien.jpg
Chư thiên thỉnh Phật thuyết pháp – Tranh PGNN

ĐÁP: Bạn Nguyệt Yến thân mến!

Kinh điển Phật giáo, cả hai hệ Nguyên thủy và Đại thừa đều đồng nhất về giáo lý ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Trong Kinh tạng Nikaya (kinh hệ Nguyên thủy), chư thiên ở cõi trời Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới được đề cập đến khá nhiều. Tu tập Tám trai giới, Mười điều thiện, Bốn tâm vô lượng để thành tựu phước báo sinh thiên, cộng trú với chư thiên là một trong những giáo lý khá quan trọng trong giáo pháp Nguyên thủy.

Dĩ nhiên, Mamābrahmā – Đại Phạm thiên là đấng sáng tạo của đạo Bà-la-môn (Hindu), một tín niệm quan trọng trong giáo điển Vệ-đà (Veda), có trước thời Thế Tôn. Khi Đức Phật Thích Ca thành tựu Đại Giác ngộ và hoằng truyền giáo pháp thì Đại Phạm thiên, chư Phạm thiên, chư thiên Dục giới và Sắc giới có thiện duyên nói chung đã phát tâm thỉnh pháp, tu học và hộ trì Chánh pháp.

Đơn cử như Phạm thiên Sahampati đã thỉnh nguyện Đức Thế Tôn truyền bá giáo pháp: “Bạch  Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi trần sẽ bị nguy hại nếu không được nghe Chánh pháp. (Nếu được nghe) những vị này có thể thâm hiểu Chánh pháp” (Trung bộ I, kinh Thánh cầu, số 26, HT.Thích Minh Châu dịch). Hay chuyện Đại Phạm thiên đã từng ghé thăm Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất), khi ngài về thăm thân mẫu trước lúc viên tịch. Chính điều này đã làm thay đổi nhận thức của bà Sārī (Xá-lợi), khiến bà phát tâm quy hướng Tam bảo, chứng đắc quả vị Tu-đà-hoàn.

Còn rất nhiều kinh khác (hệ Nguyên thủy) ghi lại những câu chuyện liên quan đến chư thiên. Không chỉ chư thiên, các loài quỷ thần cũng được đề cập đến rất nhiều trong Kinh tạng Nikaya (Những bài pháp thuyết riêng cho chư thiên hay chư thiên và loài người, Thiên cung sự, Ngạ quỷ sự, Chuyện tiền thân v.v….). Thế nên, nói “Giáo lý của Ngài chỉ quan tâm đến con người và cách diệt khổ cho con người” thì chỉ đúng một phần thôi. Thế Tôn là bậc Đạo sư của trời người, là Thầy của chúng sinh trong tam giới, với tâm từ vô lượng, Ngài thuyết pháp cứu độ chúng sinh trong ba cõi, chứ không riêng loài người.

Ngày nay, xu hướng tìm hiểu và nghiên cứu Đức Phật lịch sử là điều cần thiết, nên làm. Tuy nhiên, quá thiên trọng về “lịch sử” mà cố tình không đề cập đến hay phủ nhận các phương diện khác của giáo pháp Thế Tôn như giáo hóa chư thiên, quỷ thần là một sự lệch lạc cần chấn chỉnh. Vì như thế vô tình làm nghèo nàn đi giáo pháp vô thượng, thậm thâm của Thế Tôn. Trong khi những vấn đề mà ta cho là “siêu hình” như chư thiên và quỷ thần vốn bàng bạc trong kinh hệ Nguyên thủy (Kinh tạng Nikaya).

Mặt khác, xu hướng phê phán kinh hệ Đại thừa là siêu hình, phi lịch sử (một số người cực đoan, không hiểu hết kinh hệ Đại thừa cho đó là ngoại đạo) lại là một lệch lạc không nên có. Bởi lẽ, kinh hệ Đại thừa vốn rất đồ sộ về pho bộ, đa dạng về tư tưởng nhưng căn bản vẫn được hình thành và phát triển từ kinh hệ Nguyên thủy. Các nhà Phật học chuyên về văn bản học, nghiên cứu kinh hệ Đại thừa đều thống nhất là hình thành muộn hơn so với kinh hệ Nguyên thủy. Trong đó có sự tiếp biến với văn hóa bản địa nơi nó được hình thành (người nghiên cứu Phật học có thể nhận ra trong kinh điển Hán tạng).

Thế nhưng quy chụp tất cả kinh hệ Đại thừa là siêu hình, phi lịch sử thì thật không đúng và không nên. Phật tử sơ cơ khi tiếp cận giáo pháp cần cảnh giác với những luận điệu “phi Phật thuyết” đối với kinh hệ Đại thừa. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ngay cả kinh hệ Nguyên thủy (Kinh tạng Nikaya) được xem là gần với thời Đức Phật lịch sử nhất, được ghi lại bằng văn bản (ngôn ngữ Pali) khoảng từ 300 đến 400 năm sau Phật Niết-bàn, và có ảnh hưởng một phần quan điểm, tư tưởng của thời đại ấy. Nói thẳng thắn là đã pha tạp, không còn nguyên thủy nữa.

Thế nên, mỗi người có một nhân duyên với một mảng của giáo pháp (giáo lý Ngũ thừa) nhưng đừng ấu trĩ và thiển cận, chỉ đóng khung trong hiểu biết của mình rồi mạnh miệng quả quyết rằng giáo pháp của Thế Tôn chỉ có như vậy, “chỉ quan tâm đến con người và cách diệt khổ cho con người”. Đó chính là biểu hiện cụ thể và rõ ràng nhất của “người mù sờ voi” mà Thế Tôn đã cảnh báo khi Ngài còn tại thế.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN
([email protected])