.
.

Hiểu thế nào về Bậc trí và người ngu


Từ ngàn xưa đến nay và mãi tận về sau luôn có hai hạng người xuất hiện trên đời: người biết tìm việc thiện để đem lại lợi ích cho mình và mọi người, người lại đi kiếm việc ác để gây đau khổ cho mình và mọi người.



Theo như chánh lý mà suy đối với người làm việc thiện, do họ có nhận thức đúng đắn về việc làm của mình, nếu như tôi làm điều gì đó làm cho bạn khổ thì chắc chắn tương lai tôi phải gánh chịu hậu quả mà tôi đã gây ra. Từ đó, họ cố gắng tránh xa việc ác và luôn làm việc thiện. Người này được gọi là người trí. Còn đối với người làm việc ác, do họ nhận thức chưa đúng đắn về việc làm của mình, một phần do nghiệp ác trong quá khứ đang che mờ tâm tánh nên họ vẫn đang tiếp tục tạo ác nghiệp. Người này được gọi là kẻ ngu. Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu về hai hạng người này.

1. Bậc trí

Đối với người làm việc thiện với tâm cao thượng, sự bền bỉ, kiên trì trải qua thời gian lâu xa không gián đoạn tích lũy được nhiều phước báu, công đức để một ngày kia thành tựu trí tuệ giống như lời Phật dạy trong bài kệ Pháp Cú số 122:

Chớ khinh chê điều thiện
Cho rằng chưa đến mình
Như nước nhỏ từng giọt
Rồi bình cũng đầy tràn
Người trí chứa đầy thiện
Do tích chứa dần dần

Trước tiên, ta phải biết tại sao người trí lại là người chứa đầy thiện, vì căn bản của thiện là vô tham, vô sân, vô si. Người không còn tham, sân, si là người có đức hạnh, có sự định tĩnh, luôn sáng suốt. Việc thiện nghĩa là những điều mình làm mang lại lợi ích cho bản thân và mọi người ngay bây giờ và lâu dài về sau, qua lời nói, suy nghĩ và hành động.

Qua bài kệ, Phật chỉ cho ta thấy muốn trở thành người trí phải huân tu các việc thiện. Và Ngài so sánh việc thiện ví như giọt nước, còn cái bình giống như cái tâm của chúng ta.

Nước cứ từng giọt, từng giọt chảy vào bình, tuy lâu nhưng người hứng nước nếu kiên trì thì một ngày kia bình sẽ đầy nước.

Cũng thế, việc thiện ta làm mỗi ngày một chút, mỗi tháng một chút, mỗi năm một chút, cho đến một đời, nhiều đời. Quá trình dài lâu do tích chứa dần dần những điều thiện nhỏ nhặt kia. Đến một ngày sẽ đầy đủ phước báu, công đức, trở thành người Đại trí.

Như đức Phật là tấm gương sáng về các hạnh lành. Khi chưa thành Phật tên của Ngài là Siddhattha. Khi lên 7 tuổi được vua cha cho tham dự buổi lễ hạ điền. Khi ra đến ruộng, thái tử chứng kiến cảnh người nông dân đang cày ruộng, lớp đất vừa được cày lên có những con giun, con dế, con thì chết ngay tại chỗ, con bị thương nhẹ đang giãy giụa, con còn sống đang tìm chỗ ẩn náu, chúng chưa kịp trốn, bỗng trên bầu trời có đàn chim đang bay lượn kiếm ăn, liền sà xuống mổ ngay con mồi rồi bay đi.

Thái tử chứng kiến cảnh những con vật tranh nuốt lẫn nhau, ngài động lòng thương sót không nguôi. Rồi ngài tự hỏi tại sao chúng lại tương tàn, tàn sát lẫn nhau như thế, không thể tìm ra câu hỏi. Từ đó, tâm tư thái tử nặng trĩu mang đầy nỗi trắc ẩn, khiến ngài phải trầm tư suy nghĩ.

Vua cha thấy con mình còn nhỏ mà khác với những đứa trẻ cùng trang lứa, tụi nhỏ kia vui đùa hiếu động có đứa vui chơi đã làm tổn thương các con vật bé nhỏ, còn thái tử đầy đủ những đức tánh tốt, thương người, thương vật, hay trầm tư suy nghĩ. Nhớ lại lời tiên đoán của Asita (A-tư-đà) sau này ngài trở thành vị Phật sẽ chuyển bánh xe pháp để tế độ chúng sanh. Vua cha thấy vậy tìm đủ mọi cách khiến cho con mình quên đi cảnh bi thương của chúng sanh mà vui sống trong hiện tại.

Ngày tháng trôi qua mặc dù những điều trắc ẩn tạm lắng xuống để vui sống bên những người thân yêu. Nhưng một hôm Ngài dạo chơi 4 cửa thành chứng kiến cảnh già, bệnh, chết của con người, và một người tu hành thoát tục. Đầy đủ nhân duyên, thế là Thái tử từ bỏ tất cả những gì mình đang có đang hưởng thụ, không một chút luyến tiếc để đi tu. Trải qua nhiều năm vất vả, cuối cùng ngài đã thành tựu hoài bão.

Sở dĩ, đức Phật thành tựu đạo quả là do đã ý thức rõ việc làm của mình, với sự phát nguyện vô cùng rộng lớn, vô cùng vĩ đại, từ đó Ngài không sợ bất cứ điều gì cho dù có gian nan, nguy hiểm, khổ cực đến mức độ nào, có khi phải bỏ mạng, ngài vẫn can tâm tình nguyện, trải qua nhiều kiếp Ngài luôn làm những việc thiện dù là việc nhỏ nhặt như xỏ chỉ qua lỗ kim giúp người mù, chăm sóc người bệnh hoạn ốm đau, không người thân nuôi dưỡng v.v… ngài tu tất cả các hạnh lành, nhờ sự bền bỉ, kiên nhẫn nên Ngài thành tựu được thập độ, chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Ngày nay, chúng ta đang được thừa hưởng ân đức của Ngài qua những lời dạy trong kinh điển, được các bậc Tổ sư, các bậc tiền bối gìn giữ lưu truyền, nhờ vậy mà chúng ta hiểu được những điều hay lẽ phải. Vì thế, chúng ta cần cố gắng học và làm theo để có được lợi ích.

Trên thực tế có những người rất giàu lòng từ bi thương người, cứu vật, có khi gặp con chim, con vật còn nhỏ bị rớt từ trên tổ xuống đem nó về nuôi, khi nó bị chết thì đem chôn, gửi gắm tình thương mong rằng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với chúng trong những kiếp về sau. Có người dành dụm tiền mua chim, cá phóng sanh, giúp đỡ những người nghèo khổ, đói ăn thiếu mặc, hoặc cho gói xôi, trái bắp, hoặc tìm cách giúp đỡ và an ủi những người bệnh hoạn, tật nguyền. Có những bạn nhỏ dành tiền ăn sáng bỏ ống heo để giúp cho Quỹ Ươm Mầm Trí Tuệ, hoặc những bạn nhỏ có năng khiếu như vẽ, đàn, ca, võ thuật, ảo thuật… có bạn là học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia, đạt giải nhất, nhì v.v… được trao tặng huy chương và một số tiền. Có bạn đã xin cha mẹ số tiền đó giúp cho các bạn khuyết tật, mồ côi, làm các công tác từ thiện xã hội. Cụ thể như: Bạn Đỗ Nhật Nam rất giỏi, năm lên 6-7 tuổi bạn đã biết dịch sách, năm 13-14 tuổi bạn đã là sinh viên du học tại Mỹ. Nam còn rất giỏi tiếng Anh đã mở lớp học miễn phí giúp các bạn và làm các việc từ thiện để giúp đỡ mọi người. Qua đây, cho ta thấy rằng việc làm, việc học của bạn có sự tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp, nên bây giờ ngay từ khi còn nhỏ mà bạn đã ý thức và đủ bản lĩnh để thành tựu việc học và những việc làm tốt đẹp như vậy.

Mặc dù những việc làm nhỏ bé nhưng chứa đựng một một tình yêu rộng lớn xuất phát từ tấm lòng từ bi. Nên khi làm việc thiện tùy theo khả năng, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhân duyên mà chúng ta phát khởi thiện tâm, việc làm tuy nhỏ nhưng tích trữ lâu ngày sẽ thành việc rất lớn, ví như con kiến tha lâu cũng đầy tổ, nên ta phải kiên trì. Còn đối với việc thiện lớn hơn một chút, chúng ta cũng phải cố gắng không bỏ qua cơ hội, có như vậy mới tích lũy được nhiều phước báu, công đức. Từ những việc làm đầy ý nghĩa của những người giàu lòng nhân ái, nhằm nhắc nhở chúng ta phải cùng nhau cố gắng làm những việc thiện, việc tốt để làm đẹp cho đời, cũng tức là làm đẹp cho mình.

(Còn tiếp)
Tâm Chiếu