.
.

Thái Lan: Trọng thể Khai mạc Đại lễ Vesak LHQ 2018


 3.000 đại biêu quốc tế, nhiều vị lãnh đạo các Giáo hội, tổ chức Phật giáo, các nhà chính trị các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự lễ Khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (LHQ) lần thứ 15 diễn ra tại hội trường chính Đại học Mahachulalongkomrajavidyalaya (MCU, Wang Noi, Ayutthaya) vào sáng ngày 25/5/2018.


Hội trường chính của MCU, nơi diễn ra lễ khai mạc và các hoạt động hội thảo trong ngày 25 và 26/5

Đức Tăng thống Phật giáo Vương quốc Thái Lan, ngài Somdet Phra Ariyavangsagatayana đã quang lâm chứng minh, cử hành nghi lễ cầu nguyện và có thông điệp quan trọng gửi đến toàn thể đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, ngài kêu gọi các truyền thống, tông phái Phật giáo vượt lên các dị biệt về văn hóa, thắt chặt đạo tình trong ngôi nhà chung Phật giáo, cùng chung một bậc Thầy vĩ đại là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cùng thực hành các giáo lý căn bản như Tứ diệu đế, Duyên khởi, Bát Chánh đạo, v.v…
“Đóng góp của Phật giáo cho sự phát triển của nhân loại” là chủ đề chính của Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 15, năm 2018, được Ủy ban Quốc tế Ngày Vesak LHQ tại Thái Lan (UNDV) tổ chức. HT.GS.TS Phra Brahmapundit, Viện trưởng MCU là Chủ tịch sáng lập, đồng Chủ tịch trong 2 kỳ tổ chức tại Việt Nam (2008, 2014), tại Sri Lanka năm ngoái (2017), và đảm nhiệm vai trò này liên tục trongnhiều năm qua.


Hòa thượng Chủ tịch UNDV báo cáo công tác tổ chức trước Đức Tăng thống Thái Lan

Khách mời thuyết trình chính cho chủ đề của Đại lễ năm nay là Thủ tướng Tshering Tobgay của Vương quốc Bhutan, quốc gia đã sáng kiến khái niệm GNH – Tổng hạnh phúc quốc gia, thay vì thiêng về vật chất qua Tổng sản phẩm nội địa – GDP trong nhận định về sự phát triển của một đất nước.GNH là khái niệm do nhà Bhutan, Jigme Singye Wangchuck, người đã chủ trương mở cửa đất nước này với thế giới và kỷ nguyên hiện đại hóa, đưa ra vào năm 1972. GNH được xem là một bước tiến quan trọng trong lý thuyết kinh tế hiện đại, khi mà càng ngày người ta càng nhận ra cái giá phải trả cho sự suy thoái môi trường và đạo đức xã hội trước sự tác động tiêu cực của chủ nghĩa vật chất và tiêu thụ. Tiêu chí trọng yếu đánh giá này dựa trên cơ sở ý thức “biết đủ” (tri túc) trong lối sống mà Đức Phật đã chủ trương.


Gần 3000 đại biểu tham dự

Theo đó, có 9 yếu tố cấu thành phản ánh hạnh phúc được đưa vào chỉ số GNH: tình trạng về tâm lý, sử dụng thời gian, sức sống của cộng đồng, văn hóa – tính đa dạng và bảo tồn của truyền thống văn hóa, sức khỏe – y tế, giáo dục, môi trường – cảm nhận và hiểu biết về sinh thái, mức sống, và quản trị – cảm nhận về công bằng, chân chính và chất lượng. Chuẩn đánh giá căn cứ trên đạt mức “đủ”, cơ sở đánh giá về giá trị và phải là sự lựa chọn của công chúng.Kinh nghiệm thực tế của đất nước Bhutan sau hơn ba thập niên đưa ra chỉ số GNH, đã đánh thức thế giới, rằng tăng trưởng và phát triển kinh tế không có nghĩa là phải hy sinh môi trường và hạnh phúc của cộng đồng. Và quan niệm ảnh hưởng từ nền tảng của các giá trị sống được xây dựng trên căn bản từ bi và tỉnh thức, duyên sinh mà Đức Phật đã dạy đã được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ quan tâm, nỗ lực ứng dụng.Sự kiện văn hóa – tôn giáo thu hút sự quan tâm và tham dự của Phật giáo thế giới diễn ra chính thức trong ba ngày 25, 26 và 27-5-2018, với nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo, thuyết trình, biểu diễn nghệ thuật… tại hai địa điểm: MCU – Ayutthaya và Trung tâm Hội nghị LHQ ở thủ đô Bangkok.Đầu giờ của chương trình chiều hôm nay, Tướng Bundit Malaiarisoon, đại diện nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn đến dự, cử hành nghi thức cầu nguyện Tam bảo theo truyền thống Hoàng gia Thái Lan và tuyên đọc bức thông điệp của nhà vua, thay vì nhà vua giá lâm như thông tin ban đầu, trước toàn thể đại biểu quốc tế.Nhiều vị lãnh đạo các Giáo hội, tổ chức Phật giáo các quốc gia và vùng lãnh thổ đã có thông điệp và nhiều thông điệp đã được đọc tại Hội trường chính. Thay mặt GHPGVN, HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM đã có thông điệp trước toàn thể đại biểu trong sáng khai mạc Đại lễ.


Chư tôn đức đoàn GHPGVN

Đoàn GHPGVN gồm 22 thành viên chính thức, trong đó có 8 vị là khách mời của Ủy ban Tổ chức quốc tế do HT.Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN làm trưởng đoàn. Cùng đi có HT.Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; HT.Thích Thiện Tâm – Phó Chủ tịch HĐTS; TT.Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS, Trưởng ban Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư; HT.Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH và chư Tôn đức Ban Thường trực HĐTS; Đại diện các Ban, Viện T.Ư… cùng nhiều đại biểu là Tăng ni, Phật tử tham dự với tư cách quan sát viên đến từ các tỉnh, thành tại Việt Nam.

Hoàng Độ (từ Ayutthaya, Thái Lan)