Một bản bích họa và một hiện vật bằng đất nung được khai quật tại một di chỉ khảo cổ Phật giáo ở Afghanistan đã được phục chế thành công sau khi chúng được đưa đến Nhật Bản vì những lý do an ninh ở nước sở tại.
Bức bích họa này từ Mes Aynak được phục chế ở Nhật Bản. (Ảnh: Eiichi Miyashiro)
Các hiện vật kể trên được khai quật hồi cuối tháng tư năm ngoái, là những hiện vật đầu tiên được phục chế bằng chương trình bảo tồn hiện vật đặc biệt của Viện nghệ thuật Đại học Tokyo.
Một trong số hai hiện vật là một bức bích họa cao 79 cm và rộng 117 cm vẽ một vị Phật ngồi khoác áo choàng đỏ tươi và một tín đồ đứng bên cạnh. Hiện vật còn lại đầu của một bức tượng đất sét.
Cả hai hiện vật nói trên được khai quật tại tàn tích Mes Aynak, một đô thị Phật giáo phồn thịnh từ thế kỉ thứ ba đến thế kỉ 8 ở Afghanistan.
Takayasu Kijima, giáo sư bảo tồn hiện vật văn hóa tại Đại học Tokyo, nhận được đề nghị của Bảo tàng Quốc gia Afghanistan, UNESCO nhằm giúp giải cứu tàn tích Mes Aynak.
Rất khó để tiếp cận khu vực trên vì vấn đề an ninh, vì vậy một chương trình đặc biệt đã được bắt đầu hồi cuối năm ngoái để đưa những hiện vật bị hư hại nghiêm trọng đến Nhật Bản để phục chế.
Đầu bức tượng bằng đất sét.
Các hiện vật sau khi được phục chế sẽ được gửi lại Afghanistan.
Tổ hợp khảo cổ học Mes Aynak, nằm cách Kabul 40 km về phía đông nam, gồm một số lượng lớn các tàn tích như stupa, tượng, bích họa…
Các tàn tích này được phát hiện sau khi một công ty Trung Quốc được quyền khai thác đồng tại đây hồi năm 2007. Nhiều nước đã tham gia công tác khai quật di tích này từ năm 2009.
Afghanistan, nằm ở trung tâm của con đường tơ lụa, được mệnh danh là “giao lộ của những nền văn minh”. Các cuộc chiến tranh đã phá hủy nhiều di sản. Tình trạng trộm cắp cổ vật cũng diễn ra một cách phổ biến.
Kijima và các thành viên trong phòng thí nghiệm của ông đang cố gắng phục chế nhiều hiện vật văn hóa của Afghanistan cũng như phục dựng một bức bích họa ở Bamiyan – di tích bị Taliban phá hủy.
Dân Nguyễn
(Dịch từ The Asahi Shimbun)