Cách đây 700 năm, khi nhà thám hiểm nổi tiếng Italia Marco Polo đặt chân đến Trung Quốc, ông đã miêu tả Đôn Hoàng trong nhật trình của mình như một mốc son quan trọng trên Con đường Tơ lụa, tạo ra một sự kết nối chưa từng thấy giữa thành phố thương mại phương Đông này với đế chế thương mại Venice của Châu Âu.
Nhiều thế kỷ sau đó, khi Con đường Tơ lụa được chính phủ Trung Quốc khôi phục và phát triển thành “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, lịch sử trao đổi thương mại và văn hóa giữa Venice và Đôn Hoàng một lần nữa lại được nhiều chuyên gia Trung Quốc và Italia vén màn. Các chuyên gia đã tổ chức triển lãm Nghệ thuật Phật giáo Đôn Hoàng lần đầu tiên tại Ý, giới thiệu con đường độc đáo đã từng đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao, thương mại và văn hóa liên Âu-Á.
Triển lãm có tên “Viên ngọc của Con đường Tơ lụa: Nghệ thuật Phật giáo Đôn Hoàng” khai mạc hôm 22/02/2018 tại Đại học Ca’Foscari Venice và sẽ kéo dài đến ngày 08/04/2018. Triển lãm nói trên thu hút rất đông các học giả, chính trị gia và công chúng Italia đến tham quan, tìm hiểu quá khứ và mối quan hệ giữa hai dân tộc.
“Venice và Đôn Hoàng có một mối quan hệ chặt chẽ. Venice là nơi sinh ra Marco Polo người đã đặt chân đến Đôn Hoàng trong hành trình của ông ở Châu Á. Hai thành phố này đều góp phần tạo ra sự thúc đẩy mạnh mẽ đối với thương mại, sự truyền bá các tư tưởng, tôn giáo, phong tục…”, Michele Bugliesi, hiệu trưởng Đại học Ca’Foscari Venice phát biểu.
Như Bugliesi đã chỉ ra, mối liên hệ được xác định của hai thành phố đã kéo dài đến thời kì hiện đại. Năm 1987, khu hang động Phật giáo Mạc Cao ở Đôn Hoàng và thành phố Venice đã đồng thời được vinh danh trong Danh sách Di sản Thế giới UNESCO, ngoài ra đây là hai di sản thế giới duy nhất đáp đứng đầy đủ 6 tiêu chuẩn của UNESCO cho đến hiện nay.
Theo Đại học Ca’Foscari, việc thiết kế không gian triển lãm dựa vào những màu sắc độc đáo của nghệ thuật Đôn Hoàng và được truyền cảm hứng bởi những bức tranh kể truyện Phật giáo, sử dụng các tác phẩm nghệ thuật từ Đôn Hoàng và các bản copy phiên bản thật của các hang động ở đây.
Nhiều hình ảnh và hiện vật thuộc Con đường Tơ lụa được đem đến Venice từ nhiều nguồn khác nhau để miêu tả lại con đường độc đáo này.
Mục đích của triển lãm là đưa vẻ đẹp của nghệ thuật Phật giáo Đôn Hoàng đến khán giả – những người cách nó 6.400km trong những cái nhìn cách đó 1.600 năm.
Các hang động Mạc Cao 1.600 năm là nơi lưu giữ hơn 2000 tác phẩm điêu khắc màu và 45.000 mét vuông bích họa. Chúng nằm trong một serie gồm 735 hang động được tặc khắc dọc theo một vách núi ở tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc, dọc theo Con đường Tơ lụa khi xưa. Di tích Phật giáo này đón hơn 8 triệu khách trong nước và quốc tế viếng thăm vào năm 2016, theo Tân Hoa Xã.
Dân Nguyễn (Dịch từ China Daily)