.
.

Các tu viện tại Himalaya sẵn sàng cho mùa đông


Tnagyud Gompa, một trong những tu viện Phật giáo tọa lạc trên khu vực có độ cao 5.500 mét so với mặt nước biển ở vùng Himalaya (Ấn Độ), nơi tuyết phủ dày, làm đời sống chư Tăng như bị cách ly hoàn toàn, kéo dài đến 7 tháng trong một năm.

pgnn 2.jpg
Chư Tăng tu tập tại tu viện Tnagyud Gompa 500 năm tuổi 

Chư Tăng và cư dân thuộc ngôi làng Kimid gần chùa cho biết, vì quá quen với việc sống ở nơi có vị trí cao nhất châu Á nên đã phải luôn chuẩn bị cho mùa đông, như: dự trữ thức ăn, gồm các loại rau củ khô và vật dụng cần thiết. Đồng thời cũng phải duy trì thời khóa tu tập và các khóa lễ cầu nguyện cộng đồng dành cho quần chúng Phật tử.

“Mỗi năm có những tháng tu viện khá bận rộn vì các hành giả theo thời khóa tu tập miên mật, học giáo lý, tụng kinh hàng ngày. Việc chuẩn bị cho các tháng mùa đông cũng nằm trong khoảng thời gian bận rộn đó”, thư ký của tu viện, thầy Perma Sandrup cho biết.

Trao đổi với giới truyền thông, thầy Sandrup hoan hỷ chia sẻ, tại tu viện trong những tháng bình thường không quá giá lạnh, chư Tăng chỉ cầu nguyện, lễ lạy mỗi ngày 2 lần. Riêng biệt, vào những khóa tu mùa hè với độ dài một tháng rưỡi, thời tiết ấm hơn, chư Tăng thường tận dụng thời tiết tốt này cầu nguyện cả ngày.

Vào những tháng mùa hè hoặc khi thời tiết ấm, tu viện thường có 20 vị Tăng đã thọ Tỳ-kheo giới và là tu sĩ chính thức của Tăng đoàn Phật giáo địa phương, hiện diện tu học và chào đón những nhóm du khách dũng cảm hành hương lên xứ sở xa xôi cách trở này. Tuy vậy, đến mùa tuyết rơi, để đảm bảo sức khỏe của những vị không quen với không khí cực lạnh, tu viện chỉ còn 12 tu sĩ ở lại.

Theo những vị sư lớn nhất, tu viện Tnagyud Gompa hiện đã 500 năm tuổi và là một trong nhiều tu viện Phật giáo tọa lạc tại vùng đất hiểm trở, cách biệt với đời sống xã hội thường thấy. Theo thời gian, đời sống tại tu viện và của dân làng Komil thưa thớt gần đó luôn thể hiện sự điều chỉnh cho phù hợp với biến đổi khí hậu.

Theo đó, tuyết rơi mỗi ngày một nhiều và khó tiên lượng hơn trong những năm gần đây. Có một hệ quả là bất cứ thay đổi nào về lượng tuyết rơi đều tác động đến hệ sinh thái mong manh của khu vực, hệ quả là có sự tác động mạnh mẽ tới lượng nước sinh hoạt vào mùa hè.

pgnn.jpg
Với độ cao 5.500m so với mực nước biển, chư Tăng gần như sống trong giá lạnh quanh năm

“Trong khi đó, vào năm 2017, lượng tuyết rơi gần như không nhiều so với mọi năm, đã ảnh hưởng đến lao động nghề nông của cộng đồng cư dân địa phương bao gồm những người trồng đậu và khoai tây. Nước tưới trở nên khan hiếm và năng suất cây trồng khá thấp”, thầy Sandrup tâm sự.

 “Vì có nhiều thứ tác động lớn đến cuộc sống của người dân và việc tu học của chư Tăng trong các tu viện hàng trăm tuổi nên chúng tôi phải chuẩn bị chu đáo. Nếu không thì mọi thứ đảo lộn và hậu quả sẽ nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người”, thầy Sandrup nhấn mạnh.

Song song đó, cư dân địa phương cũng thể hiện mong muốn có nhiều du khách đến với nơi này để cơ sở vật chất ngày một tốt hơn và y tế hoàn thiện giúp cho việc chăm sóc sức khỏe được nâng cao. Bên cạnh đó, mọi người cũng mong muốn có điều kiện cùng nhân lực đủ trình độ, hiểu biết để có thể nghiên cứu các biện pháp ngăn ngừa biến đổi khí hậu.

Ngọc Lợi tổng hợp