Có người đi chùa đã lâu mà vẫn còn hỏi con người chết còn hay hết. Có người lại quá tin vào thuyết linh hồn tồn tại theo tín ngưỡng dân gian mà chấp “trước tưởng” lao vào cúng kiếng người quá cố và Thượng đế mong được gia trì phù hộ.
Gieo trồng công đức và phước đức, mục đích là để có tư nương cho một tái sinh kiếp sau, thân sau tốt đẹp hơn. Đó là điều mà đức Phật và các chư Bồ tát đã dạy trong kinh điển. Song thực tế, có không ít người vì chẳng tìm hiểu sâu giáo lý và lời Phật dạy, nên càng làm công đức, phước đức lại càng gây thêm phiền não chướng.
Tại sao vậy?
Vì làm phước thiện mà không thanh tịnh còn chấp trước (tức không buông xả) thì không những phước thiện chẳng được lập như mong muốn, mà lại đeo bám thêm ác trược. Bố thí, nhẫn nhục, trì giới, tinh tấn, trí tuệ… đó là những pháp tu đức Phật dạy để nâng cao phẩm hạnh, đạo hạnh của người tu. Có phẩm hạnh, đạo hạnh mới hiểu được giáo lý sâu mầu của đức Phật.
Kinh điển thì nhiều, nhưng để hiểu được ý nghĩa sâu mầu lời Phật dạy thật không dễ chút nào. Đơn cử như câu kinh “Bố thí mà không phải bố thí mới là bố thí”. Ở câu kinh này, lời kinh lặp đi lặp lại, thoạt nghe tưởng như tối nghĩa khó hiểu. Nhưng để cho dễ hiểu, có phật tử đã mã hóa thành công thức: “A không phải là A mới thật là A” (nghĩa là người bố thí buông xả với tâm thanh tịnh không nghĩ đến ân huệ, thì bố thí ấy, mới thật là lợi ích đích thực).
Vậy tạo lập công đức và phước đức, đồng thời thường xuyên ngăn ngừa ác đức (tức không tạo ác nghiệp) để làm tư nương cho nghiệp vãng sinh, đó là điều căn bản trong giáo lý đạo Phật. Bởi theo lời Phật dạy: “Tất cả đều phải buông bỏ, chỉ có Nghiệp (thiện ác) theo ta vãng sinh”. Đây là điều đức Phật dạy các đệ tử khi còn tại thế.
Để nhận diện nghiệp vãng sinh tương ưng với khối nghiệp thiện ác mà chúng ta đã tạo lập trên bước đường tái sinh chuyển thế như thế nào? Đây là một câu hỏi khó thuộc phạm trù thuộc Duy thức luận rất phức tạp. Nhưng trên cơ sở nương vào lời Phật dạy và kinh sách của các chư vị Bồ tát cùng Tổ thầy đã đề cập về vấn đề này, người viết đã không e ngại kiến thức còn nông cạn mà nhủ lòng mạnh dạn góp thêm đôi điều về vấn đề nêu trên, để cùng các phật tử và những ai quan tâm đến vấn đề tạo lập công đức và phước đức trong quá trình chuyển sinh cùng suy ngẫm.
Như chúng ta đã biết, trong giáo lý của đạo Phật có nhiều pháp tu khác nhau, nhưng điểm cuối cùng đức Phật dạy, đó là phải diệt được khổ, tức Khổ đế trong Tứ đế. Vậy để có được một tái sinh kiếp sau tốt đẹp hơn, nó hoàn toàn phụ thuộc vào việc tạo lập công đức, phước đức của chúng ta ở kiếp hiện thế này. Cùng với tạo dựng thiện nghiệp, theo đó chúng ta cũng phải hóa giải được ác nghiệp ngay trong hiện thế này (tức không tạo ác nghiệp). Đây là điều tiên quyết để đảm bảo cho một tái sinh kế tiếp tốt đẹp hơn. Về điều này, đức Phật dạy với nội dung như sau:
– Phước đức và ác đức nó được lưu giữ trong vỏ bọc Tính người. Người tạo nghiệp phước đức, tức tự mình huân tập tạo ra làn sóng điện từ Dương, ngang bằng với một trong 33 cõi Trời và một nước Tịnh độ của đức Phật A Di Đà. Nghiệp phước đức này, nó tương hợp với cõi nào, thì làn sóng điện từ Dương do mình đã tự tạo ra đó.
Khi mình lâm chung, điện từ Âm Dương không còn duy trì thân Tứ đại nữa, nên thân Tứ đại phải tan ra, tức mất công năng duyên hợp. Lúc này, Tính người nó phải rời xác thân Tứ đại, mang theo một khối “Tổng nghiệp” rời xác thân cũ. Chính cái khối Tổng nghiệp này, nó phải luân chuyển theo quy luật luân hồi trong Tam giới. Khối Tổng nghiệp này khi nó vừa rời thân Tứ đại, hình dáng bằng điện từ Âm Dương của khối Tổng nghiệp đó, nó giống như hình bóng của con người mà nó ẩn trong đó trước kia vậy.
Đức Phật dạy:
– Cái hình bóng này là “Trung ấm thân” (1) của con người đó. Cái Trung ấm thân này, nó tự động được hút vào nơi nào trong tam giới tương đương mà Tính Phật sử dụng tính người suy nghĩ và làm ra 4 đường cuốn hút dưới đây:
+ Đường 1: Gọi là đường Dương, tức đường đi lên các cõi Trời và nước Tịnh độ. Người muốn được hút vào đường Dương này (nghĩa là muốn vãng sinh các cảnh giới trên) thì Trung ấm thân của người đó phải mang một khối Tổng nghiệp phước đức thật lớn.
+ Đường 2: Gọi là đường Âm, tức đường đi xuống các cõi thấp. Người bị hút vào đường âm này, thì Trung ấm thân của người đó bị mang một khối Tổng nghiệp âm. Nếu phước âm lớn thì được sinh vào loài Thần, hay tái sinh làm người giàu có tùy theo sự huân tập và ham muốn của người đó. Nếu người không có phước, mà chỉ có ác nghiệp lớn. Khi rời bỏ xác thân của mình, thì Trung ấm thân của người đó tự nhiên bị hút vào các loài ở các tầng thấp như các loài: Ngạ quỷ, Súc sinh và Địa ngục.
+ Đường 3: Gọi là đường Trung, tức đường không thiện cũng không ác. Trung ấm thân của người này, cứ luân chuyển quanh quẩn trong dòng tộc để trả nhân quả nhẹ với nhau trong nhiều đời, nhiều kiếp, nếu không tạo lập được nghiệp vãng sinh khác.
+ Đường 4: Gọi là đường “Giải thoát”. Người nào muốn vào đường giải thoát này, thì Trung ấm thân của người đó phải chứa hoàn toàn bằng khối Công đức. Khi Trung ấm thân vừa mang khối công đức này ra ngoài xác thân Tứ đại của người đó, thì trung ấm thân này tự phát sáng ra, nó tự biến thành là “Như Lai tàng”, tức cái “kho” chứa toàn công đức và Tính Phật thanh tịnh.
Vì sao có hiện tượng như vậy?
Vì cái Kho Như Lai này nó chứa hoàn toàn bằng Công đức, công đức là loại “Cực Dương”, tức cực sáng. Nhờ sự cực sáng này, mà trong kho Như Lai không có chỗ tối. Vì vậy, trong tam giới này không chỗ nào chứa cái kho Như Lai này được cả. Nên cái kho Như Lai này, nó phải vượt qua cửa “Hải Triều Dương để vào thế giới nơi mười phương chư Phật sống” (tức cõi giới Phật).
Trong 4 đường đề cập trên, ai muốn tu để giải thoát ra ngoài nhân quả – luân hồi đức Phật dạy nguyên lý ngắn gọn được xem như là công thức giải thoát dưới đây:
Là phật tử chúng ta phải hiểu trong mỗi con người có hai phần. Về tinh thần có Tính Phật và Tính người:
– Tính Phật là: Thấy, Nghe, Nói và Biết.
– Tính người là: Suy nghĩ và hành động.
Đức Phật dạy: Chính cái suy nghĩ và hành động của con người là nguyên nhân tạo ra Nghiệp. Nghiệp này nó được điện từ âm dương kéo chứa vào 2 cái kho chứa Thiện và Ác trong Tính người, để dòng luân hồi kéo đi nhận quả đời sau. Về nguyên lý âm dương trong Tam giới, con người đang sống với Tính người thì phải suy nghĩ, không có thể ép nó không suy nghĩ được. Vì vậy, ai muốn giải thoát thì phải biết điều chỉnh cái suy nghĩ của Tính người như sau:
– Hướng dẫn cái suy nghĩ của Tính người vào chỗ “Thanh tịnh, tức Niết bàn”.
Để làm chi vậy?
– Để mặc tình cho nó suy nghĩ, nó suy nghĩ trong Thanh tịnh càng nhiều càng tốt. Vì cái suy nghĩ trong Thanh tịnh chính là cái nghĩ của người giác ngộ, nếu suy nghĩ hướng thượng tốt đẹp thật nhiều, là cái suy nghĩ của “người đại giác ngộ”. Khi người đại giác ngộ này sống nơi thế giới loài người, thì người này giúp được nhiều người khác giác ngộ.
Vì vậy, Như Lai dạy trong kinh:
– Các ông cứ tự nhiên suy nghĩ trong chỗ không suy nghĩ.
Chỗ không suy nghĩ là chỗ nào?
– Là chỗ thanh tịnh đó, tức là Niết bàn.
– Các ông xem lại lời dạy của Như Lai trong “Bát chánh đạo”.
Trong Bát chánh đạo này có Tám con đường giải thoát. Người nào thích đường nào thì áp dụng đường đó. Như Lai đưa ra ví dụ trong Bát chánh đạo để các ông hiểu như:
– Thấy trong thanh tịnh, tức thấy trong Niết bàn.
– Nghe trong Thanh tịnh, tức nghe trong Niết bàn.
– Suy nghĩ trong Thanh tịnh, tức suy nghĩ trong Niết bàn v.v…
Khi các ông “tu tập” được thuần thục như vậy rồi, đến đây các ông mới chỉ được tự tại mà thôi, tức chưa vượt ra ngoài súc hút của nhân quả trong Tam giới này. Và muốn thoát ra ngoài sự cuốn hút của nhân quả vật lý âm dương trong thế giới này, các ông phải biết 2 nguyên lý tiếp theo:
1. Muốn thoát ra ngoài vòng luân hồi thì phải biết tạo ra Công đức.
2. Còn tạo ra phước đức, thì Nghiệp phước đức kéo các ông đến nơi thụ hưởng, nên không theo con đường giải thoát được!
Muốn giải thoát khổ đau phải giác ngộ, phải luôn luôn sáng suốt loại trừ tam độc (tham, sân, si) là thứ làm ô nhiễm thân tâm, làm mê hoặc tâm trí là nguyên nhân chính gây ra khổ đau phiền não. Giải thoát như là một quá trình chuyển hóa tâm thức, thế giới hiện ra như thế nào phụ thuộc vào sự nhận biết của chúng sinh. Phản ánh sự hiểu biết về thế giới vật chất được quy về mức độ tâm thô, phản ánh sự hiểu biết thế giới tinh thần được quy về mức độ tâm tế, phản ánh sự thấy biết thế giới tâm linh được quy về tâm vi tế.
Tâm được phân định ra 2 hình thái: Tâm cộng đồng và tâm cá thể.
– Tâm cộng đồng như là ngôn ngữ, các hoạt động cộng đồng xã hội, phong tục tập quán, tôn giáo nghi lễ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, chính trị tư tưởng, nhà nước, pháp luật… Tâm cộng đồng là chung của tâm cá thể.
– Tâm cá thể gắn với từng con người dung chứa các nguồn thông tin với dạng: thô, tế và vi tế. Trong đó ở dạng thô và tế có cơ sở là các tế bào hợp thành các giác quan và hệ thần kinh làm nền tảng hình thành ra nhận thức như: Năm căn trước sinh ra tiền ngũ thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân/xúc thức) và ý thức (thức thứ 6); thông qua sự tương duyên giữa trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) với căn thân (nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân và ý) ; phối hợp với Tâm vi tế khi Thanh tịnh, sẽ tạo nên nguồn năng lượng siêu việt.
Ngày nay nhờ phát triển của khoa học công nghệ, đã chụp được hào quang của từng cá thể sống trong trường phát xạ siêu cao tần số bằng máy Aurarapicture camera 6000. Hiện tượng trên có thể được lý giải như sau: từ trong sâu thẳm của cơ thể con người có nguồn năng lượng mang tin được tập trung nhiều nhất ở trong não bộ, gắn với sự hoạt động của các đường kinh lạc, các luân xa.
Nguồn năng lượng mang tin trong cơ thể làm việc ở tần số cực siêu cao, được giao thoa với nguồn năng lượng kích hoạt trong trường siêu cao tần, sẽ tạo ra nguồn năng lượng có giải tần nằm trong vùng giải tần ánh sáng (fo nguồn năng lượng mang tin – fo siêu cao tần = fo ánh sáng) khối lượng phát xạ này là hào quang có thể chụp hình được, có thể quan sát được. Bình thường nguồn năng lượng mang tin này hoạt động rất hạn chế. Sự hoạt động hạn chế này do các luân xa ở trạng thái đóng. Đây là nhiệm vụ của Mạt na thức (thức thứ 7). Mạt na thức có vai trò giữ cho mỗi cá nhân có sự chấp ngã, có cái tôi riêng.
Khi vào thiền định ở mức độ cao, các luân xa được mở ra, nguồn năng lượng mang tin được lưu chuyển lan tỏa, vượt trên mức hạn chế khuôn khổ của thân căn để liên thông với thế giới bên ngoài. Mức độ liên thông phản ánh sự phát sáng của Tuệ giác được tạo bởi độ mở của các luân xa do thiền định và cường độ nguồn năng lượng mang tin do quá trình giữ giới đem lại.
Nguồn năng lượng mang tin là cơ sở của chủ thức – A lại da thức (thức thứ 8), với vai trò toàn thể: bên trong là thân căn (tiểu ngã) bên ngoài là thế giới (đại ngã) hòa với nhau theo nguyên lý “tất cả trong một, một trong tất cả”. A lại da thức hoạt động chuyển đổi làm việc ở dạng Tâm vi tế, như có sự xuất thần ngộ ra được cái bản chất không sai biệt và cái hiện tượng có sai biệt hiển nhiên cùng tồn tại, cùng nương tựa lẫn nhau mà không có sự ngăn ngại (lý sự vô ngại), bởi thân căn và thế giới đã liên thông qua nguồn năng lượng mang tin này.
Cũng đề cập tương tự về nguồn năng lượng của giải tần nêu trên, cách đây trên 2500 năm khi đức Phật dạy tu Pháp môn Thanh tịnh thiền (tức thiền tông) tại Hội Thiền Linh Sơn, đức Phật đã trả lời nhiều câu hỏi của các đệ tử thuộc hàng xuất gia và cư sĩ tại gia xung quanh vấn đề tạo lập công đức và phúc đức trong quá trình tu giác ngộ – giải thoát. Nhân đây xin dẫn một trường hợp của Tỳ kheo Thượng Hiển Vi tại hội thiền nói trên, được đề cập trong cuốn “Đức Phật dạy tu Thiền tông” của soạn giả Nguyễn Nhân (Nxb Tôn giáo ấn hành tái bản lần thứ 2 – năm 2015, tr.101) để chúng ta cùng suy ngẫm về những vấn đề đã nêu trong bài viết này.
Tỳ kheo Thượng Hiển Vi: “Từ chỗ ngồi đứng dậy, ra trước đức Phật, quỳ gối, trịch vai áo bên phải, chắp tay bạch cùng đức Phật rằng:
– Kính bạch đức Thế Tôn: Pháp môn Thanh tịnh thiền này nghe qua rất dễ, xét về thực tế thì không dễ chút nào. Con đã thực hành Tâm thanh tịnh, nhưng nó không thanh tịnh được. Kính xin đức Thế Tôn dạy con cách nào cho tâm con tự nhiên thanh tịnh, kính xin đức Thế Tôn dạy con?
Đức Phật dạy:
– Này Tỳ kheo Thượng Hiển Vi: Pháp môn Thanh tịnh thiền này, hôm nay Như Lai dạy cho đại chúng ở đây, là bản nguyện của một vị Phật phải làm như vậy. Chứ pháp môn này, trong một ngàn người họa may mới có một vài người thực hiện được.
Vì sao vậy?
– Vì trong mỗi con người, ai cũng sống bằng tần số Nghiệp của mình. Để Như Lai sử dụng Phật nhãn xem ông ở tần số nào rồi trả lời cho ông.
Đức Phật nhìn thoáng qua trả lời cho Tỳ kheo Thượng Hiển Vi:
– Nghiệp làm người của ông ở đời này chỉ có phước đức, chứ công đức ông chưa có, nên đời này ông tu Thanh tịnh thiền không thành công được. Nếu ông muốn giải thoát, thì từ bây giờ ông hãy cố gắng tạo ra công đức thật nhiều, thì ông mới mong giải thoát được.
Nghe đức Phật trả lời câu hỏi của mình, ông Tỳ kheo Thượng Hiển Vi hết sức vui mừng đảnh lễ đức Phật rồi lui ra”.
Thay lời kết
Theo pháp giới Duyên sinh, khi con người ta hết duyên sống ở thế này thì Trung ấm thân sẽ chuyển sinh (tức tái sinh) ở một thế giới khác, mà trong giáo lý đạo Phật gọi là nghiệp vãng sinh. Vậy vấn đề muốn nói ở đây là, nghiệp vãng sinh chuyển thế xấu hay tốt, nó phụ thuộc hoàn toàn vào vấn đề chúng ta tạo lập, tức (huân tập) phước đức và công đức như thế nào trong hiện thế này. Bởi nghiệp vãng sinh của chúng ta nó tương ưng với cõi giới nào là do chính chúng ta định đoạt chứ không phải do một thế lực nào chi phối. Đây là giáo lý nhân quả căn bản của đạo Phật.
Nói như thế không có nghĩa là mọi sự đã an bài theo thuyết số phận của tín ngưỡng dân gian thần quyền. Bởi trong giáo lý đạo Phật có dạy: nếu người đã trót tạo ác nghiệp trong quá khứ và hiện tại, khi mà nhận ra lỗi lầm nghiệp xấu ác của mình đã tạo, nay dốc lòng ăn năn sám hối nghiệp chướng, thì ta có thể chuyển nghiệp xấu ác trở thành nghiệp lành trong quá trình vãng sinh chuyển thế. Thực tế cho thấy “tu là chuyển nghiệp” đó là một kết quả thực chứng chứ không phải “mơ hồ” như ai đó thiếu lòng tin vào chính pháp của đạo Phật. Ở đây xin được nói thêm, duy nhất chỉ có giáo lý đạo Phật mới có pháp giới Duyên sinh (tức chuyển sinh đời sống kiếp sau) cởi mở như vậy.
Vậy, theo quy luật vô thường (thành, trụ, hoại, diệt), sự chết là một lẽ thật khách quan mà ta không thể chống trái được. Song, chết như thế nào và tái sinh chuyển thế ra sao? Điều này chúng ta cần phải thâm nhập giáo lý và học Phật pháp mới hiểu được vấn đề sinh tử sâu sắc này.
Theo kinh nghiệm của Tổ thầy dạy, để có được một Trung ấm thân tái sinh tốt đẹp, thì trước cái chết ta đừng bám víu và thay vào đó là sự “buông xả” đồng thời không quá lo lắng và bàng hoàng về sự chết. Bởi theo giáo lý đạo Phật, chết chỉ là một giai đoạn chuyển sinh trong vòng tương tục (luân hồi) chứ không phải chấm dứt mọi chuyện. Nếu hiểu được điều này, có nghĩa là ta đã thiết lập được sự bình an trước sự vô thường của cái chết; theo đó cộng với phước đức và công đức của chúng ta đã gieo trồng, thì đảm bảo chắc chắn chúng ta sẽ có một đời sống tái sinh thân sau tốt đẹp.
Nếu là người tu với một mục đích khát khao giải thoát rốt ráo, thì theo lời Phật dạy phải hiểu: “Thanh tịnh là không tạo nghiệp; thọ, tưởng, hành và suy nghĩ hành động là tạo nghiệp” (nếu tâm cảnh không dính nhau là giải thoát).
Từ nguyên lý này, nếu chúng ta vun bồi được công đức đủ lớn sẽ vượt qua được vòng xoáy luân hồi của Tam giới, để nhận ra cửa Hải Triều Dương trở về quê hương xưa cũ của mình, mà câu cổ ngữ ta thường nghe và nhắc tới, đó là “sinh ký, tử quy”, tức trở về với Bản lai diện mục của chính mình là Bể tính Thanh tịnh Phật giới.
Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh / Vườn hoa Phật giáo
————-
Chú thích:
(1) Trung ấm thân, theo ngôn ngữ đạo Phật là thức linh của con người sau khi thân xác này tan hoại, còn tín ngưỡng dân gian gọi với nhiều tên: linh hồn, vong hồn, âm hồn…
Tài liệu tham khảo:
– Mỗi ngày trầm tư về sinh tử (Sogyal Rinpoche – Nxb TG 2006).
– Thiền học đời Trần (nhiều tác giả – Nxb Tôn giáo 2009).
– Những câu hỏi về thiền tông (Tác giả Nguyễn Nhân – Nxb Tôn giáo 2016).
– Bài: Giá trị bền vững của đạo Phật – Cư sĩ Trần Ngọc Hằng (Tạp chí Khuông Việt số 37 tháng 1 năm 2017).